Sidebar

Thứ Bảy
12.10.2024

Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam - tt

 

Khổng giáo hay Nho giáo là hệ thống tư tưởng, đạo đức, chính trị do Đức Khổng Tử lập ra và được các đồ đệ khai triển nhằm tổ chức một xã hội ổn định, trật tự, kỷ cương ở trần thế, chứ không quan tâm đến những chuyện thần thánh ở thế giới mai sau, dù trong văn bản nền tảng là Tứ Thư, Ngũ Kinh có nói đến Trời, đến Thiên (thiên mệnh của nhà vua, vua là thiên tử có toàn quyền sinh sát: quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung). Nhà nước phong kiến đã sử dụng Khổng giáo làm công cụ để bảo đảm quyền lực nên đã chọn làm quốc giáo. Triều Lý đã lập Văn Miếu thờ Đức Khổng Tử năm 1070, lập Quốc Tử Giám năm 1076 và tổ chức học hành, thi cử, đào tạo công chức làm việc cho chính quyền. Nho giáo chiếm lĩnh đời sống tinh thần qua những văn thơ, kinh sách được phổ biến trong dân chúng và dần dần chiếm thế độc tôn từ thế kỷ XV trở đi, nhất là trong thế kỷ XVIII-XIX. Làng nào cũng có người đi học, đi thi. Đình làng được sử dụng như một chỗ để hội họp cộng đồng nhưng cũng là nơi thể hiện các nghi thức tế tự của Khổng giáo. Hệ thống tư tưởng Nho giáo tuy giữ cho dân tộc ổn định trong thời đại nhiễu nhương nhiều thế kỷ, nhưng lại kìm hãm sự phát triển, đổi mới, mở ra cho khoa học tiến bộ của con người và dân tộc. Những nhà trí thức thường chỉ quanh quẩn với những vần thơ, bài phú ca tụng dòng họ, tìm danh lợi trong chốn quan trường.

Bắt đầu từ thế kỷ XVI, những giá trị mới của Kitô giáo bắt đầu được truyền bá ở Việt Nam tạo nên những xung đột dữ dội với hệ thống tư tưởng của Khổng giáo. Nhờ thông thạo tiếng Việt và sáng chế ra cách ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh thay cho chữ Nôm, các nhà truyền giáo dòng Tên từ năm 1615-1665 đã giới thiệu những giá trị nền tảng của Kitô giáo về nền dân chủ, về gia đình một vợ một chồng sống chung thuỷ với nhau suốt đời, về sự bình đẳng nam nữ vì đều có nhân phẩm như nhau, về những khoa học thường thức để giúp cho đời sống khoẻ mạnh và tươi đẹp nên được nhiều người Việt đón nhận.

Sau khi quân đội Pháp bắn thị uy vào cảng Đà Nẵng năm 1847 và nhanh chóng chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ năm 1862, cuộc bách hại người Công giáo trở nên hết sức khốc liệt vì vua quan đổ tội cho người Công giáo theo gót kẻ xâm lăng. Nhiều đám dân chúng cũng hùa theo quân lính triều đình cướp phá các làng trù phú của người Công giáo với khẩu hiệu “bình Tây sát Tả”. Tuy nhiên nhiều nhà Nho nổi tiếng yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ ngoại hầu Cường Để, Lương Văn Can, qua các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, đã minh oan cho người Công giáo và hô hào toàn dân hãy đón nhận những giá trị mới về dân chủ, bình đẳng nam nữ, hôn nhân một vợ một chồng, chữ Việt và tinh thần cởi mở với khoa học kỹ thuật của người Công giáo[9]. Những giá trị của nền văn hoá Công giáo đã được toàn dân Việt đón nhận để bước vào một giai đoạn mới của đất nước.

4. Văn hoá thời kỳ phát triển và hội nhập với thế giới (1945- nay)

4.1. Lịch sửTừ năm 1930, Hồ Chí Minh và một số nhà ái quốc theo ý thức hệ Cộng sản để giải phóng đất nước. Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng, những người Cộng sản Việt Nam tiến hành cuộc Cách Mạng tháng Tám năm 1945. Ngày 2/9/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà. Ngày 23/9/1945, quân đội thực dân Pháp tiến công Sài Gòn, mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, qua Hiệp định Genève, quân Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Việt Nam được chia thành 2 miền theo hai ý thức hệ khác nhau: miền Bắc theo chủ nghĩa Cộng sản với tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, miền Nam theo chủ nghĩa Tư bản với tên nước là Việt Nam Cộng Hoà. Hai miền lại bắt đầu chiến tranh khốc liệt cho đến ngày 30/4/1975, khi quân đội Việt Nam Cộng Hoà buông súng đầu hàng vì chính quyền Hoa Kỳ tìm lợi ích kinh tế trước một nước Trung Quốc với hơn một tỷ người, không còn yểm trợ cho chính quyền của Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc chiến tranh bảo vệ tự do và giá trị con người, trong khi Liên Xô và Trung Cộng vẫn hỗ trợ chính quyền Cộng sản miền Bắc.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu bắt đầu từ Ba Lan vào năm 1989, và tiếp tục ở HungaryBungaryRomaniaĐông ĐứcTiệp Khắc và nhất là sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989, dẫn đến việc Liên Xô bị giải thể vào cuối năm 1991. Kết quả là Nga và 14 quốc gia của khối Liên Xô tuyên bố độc lập. Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 tuy không thành công trong việc kích thích sự thay đổi chính trị lớn ở Trung Quốc, nhưng lại ảnh hưởng đến những phần khác của thế giới. Chế độ Xã hội Chủ nghĩa đã bị bãi bỏ ở các nước như Mông CổCampuchiaEthiopia và Nam Yemen. Theo xu hướng đó, Đảng Cộng Sản Việt Nam buộc phải đổi mới để tồn tại. Cuộc hội nhập vào nền văn hoá thế giới của dân tộc Việt Nam bắt đầu từ 1986 khi Đảng Cộng Sản Việt Nam công bố thời kỳ đổi mới và kéo dài đến ngày nay.

Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) vào ngày 7-11-2006, và được công nhận là thành viên chính thức của tổ chức này vào ngày 11-1-2007. Việc gia nhập WTO đã mở ra cơ hội lớn cho người Việt hoà nhập vào nền văn hoá thế giới với xu hướng đô thị hoá, hiện đại hoá nhờ khoa học kỹ thuật và mở ra với mọi nguồn văn hoá đại chúng nhờ sách báo, phim ảnh, truyền hình, internet và điện thoại thông minh.

4.2. Văn hoá

Những giá trị văn hoá được tạo nên trong thời kỳ xung đột mãnh liệt giữa các ý thức hệ khi hai miền Nam Bắc trở thành tiền đồn của hai thế giới Tư bản và Cộng sản, cũng như những giá trị văn hoá của các dân tộc phản ánh tâm tư của nhân loại trong một giai đoạn nhất định của lịch sử, đều đáng trân trọng. Chúng giống như những chất liệu đường, chanh, muối, nước, tự bản thân và để riêng rẽ thì rất tốt, nhưng khi hoà trộn vào nhau mà không được điều chỉnh định lượng cho phù hợp thì không thể trở thành ly nước chanh ngon ngọt, bổ dưỡng, trái lại, còn làm nguy hại đến sức khoẻ con người. Đấy là trường hợp của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển với thế giới hiện nay khi có quá nhiều những giá trị đối chọi nhau.

Nhiều giá trị trong nền văn hoá truyền thống bị loại bỏ như niềm tin vào Trời, giá trị của các tôn giáo, vì một số người quá say mê cái mới, nhất là khi chính quyền công khai loại bỏ chúng ra khỏi chương trình giáo dục, đào tạo con người. Nhiều người trẻ choáng ngợp trước vẻ hào nhoáng của khoa học hiện đại nên bỏ hết những kinh nghiệm ngàn đời của tổ tiên. Người ta bị cuốn hút vào cơn lốc xoáy của việc hưởng thụ vật chất, đánh giá nhau theo những phương tiện, bằng cấp, tài sản bên ngoài, nên không còn trọng tình nghĩa, đức hạnh, từ đó gây nên sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình, suy thoái trầm trọng đạo đức xã hội[10]. Tội ác, tham nhũng, bất công và nhiều tệ nạn xã hội tràn lan khắp nơi. Vấn đề cần giải quyết là chính quyền cũng như mỗi người dân nhận thức được giá trị của việc hội nhập văn hoá và thực hiện việc hội nhập này như thế nào cho có kết quả tốt đẹp.

Lời kết

Vì thế, khi tìm hiểu về cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam và kết quả hiện nay của nền văn hoá dân tộc, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm phân định những giá trị nào cần tiếp tục gìn giữ và phát huy, giá trị nào nên loại bỏ hoặc điều chỉnh mức độ hợp lý tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Dù đây là trách nhiệm nặng nề của chính quyền và những người lãnh đạo trong cộng đồng xã hội, nhưng cá nhân mỗi người, như một thực thể chịu ảnh hưởng của văn hoá, vẫn là chủ thể tác động vào nền văn hoá và thay đổi được những giá trị cho thế hệ tương lai. Như thế chúng ta vẫn có quyền sống trong niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp cho từng người cũng như cho dân tộc Việt Nam.

 

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn đã thu nhận được những giá trị nào trong dòng lịch sử văn hoá của dân tộc?

2.Bạn hãy liệt kê những giá trị lỗi thời mà hiện nay người Việt đang nắm giữ và đề nghị sửa đổi bằng giá trị nào của nền văn hoá Công giáo?

.


[1] X. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Mục từ Việt Nam, NXB TĐBKVN, 2005, tr.890-892.

[2] X. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.014.

[3] X. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, đôi khi gọi tắt là Toàn Thư, là bộ quốc sử viết bằng văn ngôn của Việt Nam, viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê.

[4] X. Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, Quyển Thượng,  NXB Tp.HCM.

[5] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Niên giám 2016 Giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2017, tr.470.

[6] X. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở Văn hoá Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Tp.HCM, 1996; nhiều bài về văn hoá nông nghiệp trên mạng internet viết theo hướng đó.

[7] X. Văn Lang thời Hùng Vương đã từng có chữ viết riêng? Internet, 16/4/2016, về nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền.

[8] X. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử ký toàn thư.

[9] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Niên giám 2016 Giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, tr. 178-185.

[10]  X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Niên giám 2016 GHCGVN, NXB Tôn Giáo, tr.215; Họp  Đại biểu Quốc Hội, Vì sao đạo đức xuống cấp?, Báo Tuổi Trẻ, ngày 31/10/2018, tr.1-3.

882    17-11-2019