|
Theo Đức Hồng Y Tổng Giám mục Köln, sứ vụ thực sự và duy nhất của Giáo Hội là: “Loan báo; và làm chứng cho các dân tộc và toàn thế giới về ơn cứu độ nhờ Con Thiên Chúa; cũng như chỉ cho mọi người con đường dẫn đến cõi vinh phúc muôn đời”.
“Tuy nhiên, oái oăm thay, đó không phải là những gì thường thấy ngày hôm nay trong Giáo Hội,” Đức Hồng Y Woelki than thở như trên trong bài giảng hôm 8 tháng Chín.
“Thay vào đó, đối với một số người, Giáo Hội đã trở thành một ‘thực thể xã hội học thuần túy - phù hợp với học thuyết về giới tính - và phải thích nghi với xu hướng chính trị và xã hội’”.
Ngài đã đưa ra nhận xét trên sau khi các Giám Mục Đức bác bỏ một dự thảo kế hoạch được ngài và Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg đệ trình lên Hội đồng Thường trực của Hội Đồng Giám Mục Đức tại cuộc họp ngày 19 tháng 8.
Với tỷ số áp đảo 21-3, các Giám Mục Đức đã bác bỏ đề nghị của ngài và kiên quyết tiến hành một “tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc” do Đức Hồng Y Marx đề nghị trong đó xét lại luật độc thân linh mục, vấn đề phong chức linh mục cho phụ nữ, giáo lý về đạo đức tình dục, các kết hiệp đồng tính, và chủ nghĩa giáo sĩ trị.
Những thay đổi đó chắc chắn sẽ khiến Giáo Hội tại Đức tách ra khỏi tình hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội hoàn vũ. Sau Anh Giáo, thế giới chuẩn bị có “Đức Giáo”, ngài cảnh báo.
Đức Hồng Y Tổng Giám Mục giải thích thêm:
“Đức tin và tín lý của Giáo Hội không thể bị thay đổi bằng cách biểu quyết theo đa số như trong trường hợp quốc hội thay đổi luật pháp khi đối diện với những điều được cho là hiểu biết khoa học mới hơn - đặc biệt là khoa học xã hội và con người. Như quá khứ đã thường chỉ ra, đằng sau những mỹ từ như tiến trình dân chủ hay cải cách Giáo Hội, không có gì khác ngoài ý đồ thích nghi các chân lý đức tin với suy nghĩ của thế giới đương đại.”
“Bất cứ ai làm một việc như vậy đều đang đòi buộc chính Giáo Hội trở nên bất trung với Chúa Kitô”, Đức Hồng Y Woelki nhấn mạnh.
“Giáo Hội sẽ mất đi bản sắc và tan rã, bởi vì Giáo hội không phải do con người tạo ra, Giáo Hội được Đức Kitô tạo thành, và điều đó có nghĩa là chúng ta không thể dùng áp lực của đa số mà bác bỏ hay thay đổi mọi thứ theo ý thích của chúng ta và gọi đó là ‘Giáo Hội ngày nay’”.
Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng đức tin, và tín lý theo Kinh Thánh và Tông Truyền không thể bị thay đổi. Cả các bí tích và kỷ luật của Giáo Hội cũng không thể bị đổi thay. Chẳng hạn, chức tư tế dành cho phụ nữ là điều không thể được vì điều đó không thuộc về thẩm quyền của Giáo Hội. Đức Hồng Y Woelki nhắc nhớ rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra “quyết định chung cuộc cho vấn đề này” với tất cả hiệu lực ràng buộc trên toàn thể Giáo Hội vào năm 1994 - và nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khẳng định như thế.
Trong cuộc sống của Giáo Hội, điều quan trọng là “những gì tạo ra nên chính chúng ta, chứ phải không phải những gì xã hội thế tục hóa đòi buộc nơi chúng ta để thỏa mãn những tiêu chí của một Kitô hữu ‘hiểu biết’ và ‘cởi mở’”
“Chính Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta, biến chúng ta thành con cái Ngài và là men trong thế giới này”.
Đức Hồng Y Woelki bác bỏ mọi nỗ lực để biến Giáo Hội thành một “định chế đóng kín trong nỗi lo sợ muốn ẩn mình khỏi thế giới”.
“Trái lại, Giáo Hội phải tiến ra cống hiến cho thế giới những gì thế giới cần, chứ không phải biến mình thành bất kể những gì mà thế giới muốn nơi Giáo Hội.”
“Một Giáo Hội tìm cách thích nghi đức tin của mình cho phù hợp với thế giới, thì công việc điều chỉnh ấy không phải là hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhưng đơn thuần là do tinh thần con người của chúng ta mà ra xuất phát từ nỗi sợ hãi không được thế giới đó nhận.”
“Đức Hồng Y Höffner luôn nhắc nhở chúng ta về Tông đồ Phaolô, là người đã từng chỉ đường cho các tín hữu Kitô tiên khởi: Chúng ta không đi theo con đường thế gian, đó không phải là con đường của chúng ta, nhưng chúng ta chống lại nó, chúng ta phải tuân theo Chúa Kitô, theo thánh ý Ngài dành cho con cái của Ngài. Nếu không chúng ta đánh mất bản sắc Kitô của chúng ta và căn tính của Giáo Hội.”
Đặng Tự Do