Sidebar

Chúa Nhật

15.12.2024

Đại kết – Con đường tiến tới

 

Tôi thật có phúc vì trong thời gian học về thần học, tôi được vinh dự học trong lớp của hai học giả Công giáo lừng danh, Avery Dulles và Raymond E. Brown. Người đầu tiên là nhà Giáo hội học với những quyển sách đã trở thành sách giáo khoa phải đọc trong các chủng viện và trường thần học. Người sau là một học giả kinh thánh, với nền học thuật vượt trội, gần như là phi thường, thậm chí là cả 30 năm sau khi ngài qua đời. Không ai có thể hoài nghi về tầm học thuật, sự chính trực, hay sự tận tâm với đức tin của hai ngài.

Họ theo các mảng thần học khác nhau, nhưng có điểm chung, ngoài sự tôn trọng cực kỳ trong giới học thuật và Giáo hội khắp nơi, là sự đam mê dành cho đại kết và khả năng thiết lập tình thân sâu đậm và mời gọi đối thoại nồng hậu với mọi phái và mọi dòng liên tôn giáo. Sách của các ngài không chỉ có giá trị trong phạm vi Công giáo La Mã, mà còn trong các trường thần học và chủng viện Tin Lành, Anh giáo, Mặc Môn và cả chủng viện của Do Thái giáo nữa. Cả hai ngài đều được tôn trọng hết mực vì sự cởi mở, tình thân và sự tử tế đối với những người có quan điểm tôn giáo khác mình. Thật vậy, cha Raymond Brown đã dành hầu hết những năm tháng sung sức của mình để giảng dạy tại Chủng viện Thần học Hiệp nhất ở New York, dù cho ngài là một linh mục Xuân Bích, là người trân quý chân tính Công giáo La Mã và chức linh mục của mình hơn bất kỳ điều gì. Sau khi hai thân sinh ngài qua đời, ngài nói rằng Giáo hội Công giáo La Mã và cộng đoàn Xuân Bích là “gia đình còn lại của tôi.”

Và điểm chung trong quan điểm của hai ngài đối với đại kết là thế này: Con đường đến với sự hiệp nhất Kitô giáo, con đường cuối cùng sẽ đưa mọi Kitô hữu thật tâm đến với nhau, trở thành một cộng đoàn duy nhất, quây quần quanh một bàn thờ, con đường đó không phải là đưa được người khác vào phái của mình, hoặc khiến người khác thừa nhận là họ sai và ta đúng và họ phải trở về đàn chiên thật là phái của ta. Theo các ngài, đây không phải là con đường tiến tới, dù là theo thực tế hay thần học. Như lời của cha Avery Dulles, con đường tiến tới cần phải là con đường của “hội tụ tăng dần” Con đường đó là gì?

Nó mở đầu bằng mỗi chúng ta thành thật thừa nhận rằng không ai trong chúng ta, không phái nào, có chân lý trọn vẹn, thể hiện được toàn bộ Giáo hội, và tuyệt đối trung tín với Tin Mừng. Chúng ta đều khiếm khuyết theo cách nào đó, và mỗi người trong chúng ta có chọn lọc những phần Tin Mừng nào mà chúng ta trân trọng và sống theo, phần nào chúng ta bỏ qua. Và như thế, con đường tiến tới là con đường của hoán cải, cả cá nhân và Giáo hội, thừa nhận sự chọn lọc của mình, thừa nhận và trân trọng những gì các Giáo hội khác đã sống theo, đọc Kinh thánh một cách sâu sắc hơn để tìm kiếm những gì chúng ta đã làm ngơ và trốn tránh, và nỗ lực sống đời sống chân thật hơn với Chúa Giêsu Kitô. Khi làm thế, mỗi người và mỗi Giáo hội chúng ta sống Tin Mừng trọn vẹn hơn, chúng ta sẽ “hội tụ dần”, và khi chúng ta tiến đến Chúa Kitô gần hơn thì chúng ta sẽ tiến đến nhau gần hơn và nhờ đó “hội tụ dần” quanh Chúa Kitô, và cuối cùng chúng ta sẽ thấy mình vây quanh một bàn thờ chung và sẽ xem nhau như một phần của cùng một cộng đoàn.

Con đường hiệp nhất không hệ tại ở việc cải đạo lẫn nhau, nhưng ở việc mỗi người chúng ta sống Tin Mừng một cách thành tín hơn để đến gần nhau hơn trong Chúa Kitô. Điều này không có nghĩa là chúng ta không ý thức rõ sự chia rẽ của mình, không phải là tối giản hóa mà nói rằng mọi phái đều như nhau, hay biện hộ cho sự chia rẽ ngày nay bằng cách chỉ ra sự chia rẽ đã có sẵn từ thời Tân Ước. Đúng hơn, mỗi người chúng ta đều phải thừa nhận rằng mình không nắm chân lý trọn vẹn và thật sự không thành tín trọn vẹn.

Với điểm khởi đầu đó, cha Raymond E. Brown đã đưa ra thách thức này cho mọi Giáo hội: “Thừa nhận sự đa dạng về Giáo hội trong thời Tân Ước khiến cho lời khẳng định của các Giáo hội rằng mình tuyệt đối trung thành với Kinh thánh trở nên phức tạp hơn. Chúng ta trung thành nhưng theo cách cụ thể riêng của mình, và các nghiên cứu về đại kết lẫn Kinh thánh phải cho chúng ta nhận ra rằng có những cách để trung tín khác mà chúng ta không công nhận. Nói ngắn gọn, một nghiên cứu thẳng thắng về các Giáo hội thời Tân Ước phải thuyết phục mọi cộng đoàn Kitô giáo rằng mình đã làm ngơ một phần trong chứng tá của Tân Ước. Tôi cho rằng trong một thế giới Kitô giáo chia rẽ, thay vì đọc Kinh thánh để quả quyết rằng mình đúng, tốt hơn chúng ta nên đọc để khám phá xem mình đã không lắng nghe điều gì. Khi các Kitô hữu thuộc những Giáo hội khác nhau cố gắng lắng nghe những tiếng nói đã bị làm ngơ trước đây, thì quan điểm của Giáo hội chúng ta sẽ mở rộng hơn, và sẽ tiến gần hơn đến mức độ chia sẻ quan điểm chung. Rồi Kinh thánh sẽ làm cho chúng ta những gì mà Chúa Giêsu đã làm vào thời của Ngài, cụ thể là thuyết phục những ai có thì hãy nghe rằng tất cả đều không đúng, vì Thiên Chúa muốn nơi họ nhiều hơn họ tưởng.

Thật vậy. Thiên Chúa muốn nơi chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng.

J.B. Thái Hòa dịch

415    09-03-2019