Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Đại kết, đòi hỏi bị lãng quên của chúng ta

 

Trong khi nói lời từ biệt vào đêm trước ngày tử nạn, Chúa Giêsu bảo những kẻ đi theo Người “có những con chiên khác không thuộc đàn này” và những kẻ đang ở cùng Ngài vào lúc đó sẽ không phải là những kẻ duy nhất theo Ngài. Và Ngài cũng rất nghiêm túc nói rằng Ngài mong mỏi được hợp nhất cách khẩn thiết và sâu sắc với những người khác giống như những ai đang ở chung phòng này với Ngài.

Giữa những điều khác nữa, thì điều này có nghĩa là bất kể chúng ta thuộc phái Kitô giáo riêng biệt nào, chúng ta vẫn không phải là những môn đệ duy nhất của Đức Kitô, và chúng ta chẳng có quyền nào để đòi Ngài yêu thương chúng ta hơn hàng triệu người khác vốn không cùng phái với chúng ta.  Hơn nữa, việc là một môn đệ của Chúa Giêsu, có nghĩa chúng ta giống như Ngài, khao khát và cầu nguyện mong được hợp nhất với những ai đang tách ly với chúng ta. Thực sự, sự phân biệt giữa các Kitô hữu, bị chia ra thành hơn cả trăm phái tách biệt, và trong những phái này, chúng ta còn chia tách hơn và cay đắng hơn do hệ tư tưởng khác nhau và sống không tin tưởng lẫn nhau, chính những điều này có lẽ là tiếng xấu lớn nhất mà Kitô giáo đã và đang hứng chịu trong thế giới này.

Xét chung, dù có những ý định tốt lớn lao và các nỗ lực thật tâm trong những năm gần đây, chúng ta vẫn đang không cầu nguyện cho nhau và không tìm đến nhau với tấm lòng thật sự. Ngày nay, mối liên hệ giữa các phái Kitô giáo, thường là mối liên hệ ngay chính trong lòng các phái này nữa, đang mang đậm sự tái thủ thế hơn là cởi mở, nghi ngờ hơn là tin tưởng, bất kính hơn là tôn trọng, ác tâm hơn là cảm thông, và thiếu tình thân ái hơn là nhã nhặn và độ lượng. Cũng vậy, thật đáng buồn khi thay vì khao khát đại kết và cởi mở, các giáo hội của chúng ta lại đầy thiển cận và tự mãn có thể diễn tả là: “Chúng tôi có chân lý. Chúng tôi không cần bạn!”

Là Kitô hữu, ai là anh chị em thật của chúng ta? Có phải là những người đang ở trong phái riêng biệt cụ thể với chúng ta đó hay sao? Có lẽ đúng, dù có lẽ không! Trong sứ vụ của Chúa Giêsu, có đôi lần, Ngài đang nói chuyện với một nhóm người, và có một người tiến đến mà nói với Ngài rằng mẹ và thân thuộc của Ngài đang ở bên ngoài nhóm này, và muốn được gặp Ngài. Chúa Giêsu trả lời với một ý sâu xa hơn: Trong mỗi trường hợp, Ngài trả lời với một chất vấn khác nhau: “Ai là mẹ ta? Ai là anh chị em ta?” Và Ngài trả lời câu hỏi của mình như sau: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa là mẹ, và anh chị em ta.”

Trong một xã hội dựa hoàn toàn trên huyết thống, thì câu này thật gây sửng sốt. Một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhưng Chúa Giêsu quả quyết rằng, đức tin còn hơn huyết thống. Đức tin là nền tảng thực sự cho gia đình. Đức tin thắng vượt huyết thống. Hơn nữa, chẳng có gì là vô lý, khi câu này còn ngụ ý đức tin cũng thắng vượt luôn tính bè phái. Là Kitô hữu, ai là anh chị em thật của bạn? Người đồng bạn theo Công giáo Roma? Người đồng bạn theo Giáo hội Trưởng lão? Người đồng bạn theo phái Luther? Người đồng bạn theo phái Baptist? Người đồng bạn theo phái Phúc Âm? Người đồng bạn theo phái Giám Lý? Người đồng bạn theo Anh giáo hay Tân giáo? Rõ ràng, với Chúa Giêsu, người anh chị em thật chính là người nghe một cách sâu sắc nhất lời của Thiên Chúa và tuân giữ chúng, bất kể người đó theo phái nào. Cương vị môn đệ Kitô hữu được xác định bằng con tim hơn là bằng tấm danh thiếp hội viên một giáo hội riêng lẻ cụ thể nào đó.

Điều này tạo nên một đòi hỏi không bàn cãi gắn liền với cương vị môn đệ Kitô hữu của chúng ta: Chúng ta cần biểu lộ khao khát của Chúa Giêsu, muốn được đi vào mật thiết với tất cả mọi người mang đức tin chân thật, và cuối cùng là để tất cả mọi hành động của chúng ta khi hướng đến những người nằm ngoài nhóm tôn giáo của mình phải luôn thể hiện được sự tôn trọng, rộng lượng, và thân ái, và đó chính là dấu chỉ thật cho thấy chúng ta khao khát được hiệp nhất với họ.

Sự tôn trọng, rộng lượng, và thân ái thật sự chỉ có thể có được nhờ vào sự khiêm hạ, nghĩa là tin rằng giáo hội của chúng ta, dù theo phái nào đi nữa, vẫn không nắm trong tay toàn bộ chân lý, rằng chúng ta không phải không có mắc lỗi và mắc tội, và chúng ta không phải là người trung tín hoàn toàn với Tin mừng. Tất cả chúng ta, tất cả các giáo hội Kitô giáo đang trên cuộc lữ hành hướng đến viên mãn, hướng đến một nhận thức hoàn toàn về chân lý, và hướng đến một sự trung tín thật tâm và căn bản với những gì mà Chúa Giêsu đã đòi hỏi chúng ta phải có. Không một ai trong chúng ta đã đạt đến mức độ đó. Tất cả chúng ta vẫn đang trên đường lữ hành đến với những gì chúng ta đã được kêu gọi.

Rồi như thế, bất kể thuộc phái nào, bổn phận chung đích thực của chúng ta không phải là cố gắng để thắng thế hòng cải đạo hay mở mắt cho người khác thấy chúng ta đúng hơn họ. Nhưng, bổn phận trước hết của chúng ta là biến cải ngay trong lòng phái của mình. Bổn phận trước hết, nói riêng là từng cá nhân, nói chung là các giáo hội, chính là cố gắng trung tín hơn với Tin mừng. Nếu chúng ta làm như thế, đến cuối cùng, chúng ta sẽ đến với nhau, như một giáo hội duy nhất dưới Đức Kitô, bởi khi đi sâu hơn vào mầu nhiệm Đức Kitô và tiến sâu hơn vào sự mật thiết với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ (mượn một cụm từ đẹp của Avery Dulles) “dần dần quy về một mối”, để cuối cùng sẽ gặp nhau tai một tâm điểm duy nhất và một người duy nhất, Chúa Giêsu Kitô.

Kenneth Cragg, sau nhiều năm truyền giáo cho người Hồi giáo, đã nói rằng cần toàn bộ các giáo hội Kitô giáo để có thể đưa ra được một biểu lộ trọn vẹn về một Đức Kitô trọn vẹn. Rõ ràng, tất cả chúng ta vẫn cần phải trải lòng mình ra với mọi người.

J.B. Thái Hòa dịch

 

473    02-02-2018