Đức Phanxicô đã đến gặp gỡ ủy ban trung ương của Hội đồng các Giáo hội Thế giới (WCC) ở Geneva, một tổ chức mà Giáo hội Công giáo không tham dự nhưng đã phối hợp làm việc trong nhiều thập kỷ.
Đức Phanxicô đến tòa nhà kiến trúc hiện đại của WCC, và được chào đón với tiếng hát của dàn đồng ca. Một ca viên đang bồng trên tay cô con gái bị bệnh, rụng tóc và đeo mặt nạ bảo vệ khuôn mặt.
Cùng hiện diện còn có các mục sư phái Luther, các giám mục phái Phúc âm, các linh mục Anh giáo và các tổng giám mục chính tòa của Chính thống. Tổng giám mục chính tòa Nifon của Romani đã mở lời chào đón Đức Giáo hoàng: “Chúng ta cùng tụ họp để chúc tụng Chúa và tạ ơn những chứng nhân trong suốt 70 tồn tại của Hội đồng, đã làm việc vì sự hiệp nhất Kitô giáo và sự hiệp nhất của nhân loại.” Đức Phanxicô là giáo hoàng thứ ba đến thăm WCC, sau Đức Phaolô VI (1969) và Đức Gioan Phaolô II (1982.)
Sau những lời chúc mừng, tất cả cùng đọc kinh sám hối và đọc một đoạn trong Thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Galat.
Trong bài diễn văn của mình, Đức Giáo hoàng nhắc lại tầm quan trọng của sự tiến bước: “Chúng ta là những hữu thể không ngừng vận động. Qua cuộc sống của mình, chúng ta được kêu gọi ra đi và tiếp tục bước đi, kể từ khi trong lòng mẹ và mọi lứa tuổi cuộc đời, từ khi lần đầu đặt chân ra khỏi nhà cho đến khi giã từ đời này. Tiến bước là một ẩn dụ lột tả ý nghĩa đích thực của đời chúng ta, một cuộc đời không tự đủ trong nó, nhưng luôn luôn tìm kiếm một sự cao cả hơn. Nhưng tiến bước là một việc cần sự ổn định, cần có những nỗ lực. Cần có kiên trì và luyện tập, ngày qua ngày. Ta phải đi thử nhiều con đường để chọn ra được con đường dẫn đến đích. Ta phải luôn luôn giữ mục tiêu trước mắt, để không bị chệch đường. Tiến bước còn đòi hỏi nhân loại sẵn sàng để đi lại những bước của mình. Và còn cần đến bạn đồng hành, bởi chỉ khi cùng tiến bước ta mới tạo nên được sự tiến bộ tốt đẹp. Có thể nói, tiến bước cần hoán cải không ngừng. Vì thế mà nhiều người từ chối tiến bước. Họ thích ở lại trong sự yên ắng của nhà mình, nơi dễ dàng xử lý mọi thứ mà không phải đối mặt với những nguy cơ khi lên đường.
Đời sống Kitô liên quan đến một quyết định không thể tránh khỏi. Chúng ta có thể bước đi trong Thần Khí, hoặc có thể “chìu theo ý muốn của xác thịt”.
Lời này của thánh Phaolô có thể nói là: Chúng ta muốn viên mãn bằng cách chiếm hữu, nỗ lực ích kỷ để tích trữ mọi thứ chúng ta muốn. Thay vì để mình được lặng lẽ dẫn dắt đến nơi nào Chúa muốn, chúng ta lại đi theo con đường của riêng mình.
Thật dễ để thấy kết quả của sự mất phương hướng bi thảm này. Sự thèm khát vật chất đã bịt mắt không cho chúng ta thấy bạn đồng hành trên đường, và sự lãnh đạm chiếm lĩnh những nẻo đường của thế giới hôm nay. Bị những bản năng thúc đẩy, chúng ta trở nên nô lệ cho chủ nghĩa tiêu thụ, và tiếng của Chúa dần bị im tiếng. Những người khác, nhất là những người không thể tự mình tiến bước, như trẻ con và người già, thì bị đẩy ra rìa. Rồi tạo vật bị xem là không còn giá trị gì ngoài việc phục vụ nhu cầu của ta.
Còn bước theo Thần Khí, nghĩa là loại trừ sự trần tục.
Nghĩa là mang lấy tâm thức phục vụ và lớn lên trong sự tha thứ. Nghĩa là đóng vai trò của mình trong lịch sử theo ý Chúa, không để mình bị cuốn vào làn sóng sa ngã nhưng điềm tĩnh tiến tới trên con đường mang tên: “Hãy yêu thương người thân cận như chính ình.” Chúng ta được kêu gọi cùng nhau đi trên con đường này. Đây là lời kêu gọi hối cải không ngừng và đổi mới không ngừng lối suy nghĩ của mình, để hợp với tinh thần của Thần Khí.
Trong dòng lịch sử, sự chia rẽ giữa các Kitô hữu thường xuất hiện vì trong đời sống cộng đoàn có một tâm thức trần tục đã len lỏi vào. Đó là khi sự quan tâm đến bản thân lớn hơn sự bận tâm đến Chúa Kitô. Khi có chuyện đó, thì Kẻ thù của Chúa dễ dàng chia rẽ chúng ta, vì đường hướng chúng ta đang theo là đường hướng của xác thịt, chứ không phải của Thần Khí. Cả những nỗ lực quá khứ muốn chấm dứt những sự chia rẽ này đã thất bại thảm hại vì chúng chủ yếu được khơi lên từ lối suy nghĩ trần tục
Như thế, để tiến tới, thì con đường đại kết phải được hướng dẫn bởi Thần Khí và không ngừng từ bỏ sự quy hướng bản thân.
Chọn thuộc về Chúa Giêsu trước khi thuộc về Apollos hay Cephas, thuộc về Chúa Kitô trước khi là người Do Thái hay Hy Lạp, thuộc về Thiên Chúa trước khi xác định mình cánh hữu hay cánh tả… Với con mắt thế tục, chọn lựa như thế thường có nghĩa là mất mát. Đại kết là một vận động mất mát lớn. Nhưng mất đi mới là phúc âm hóa.
Thật khó để thắng vượt những cảm giác khó chịu và thúc đẩy đối thoại! Thật khó để bỏ qua những bất đồng và kỳ thị hàng thế kỷ! Và còn khó hơn nữa để vượt qua cái cám dỗ tinh vi muốn đến với nhau, sánh bước với nhau chỉ vì lợi ích bè nhóm. Đây không phải là tâm thức “tông đồ” mà là tâm thức của Giuđa, kẻ theo Chúa Giêsu chỉ vì mục đích riêng của mình. Chỉ có một cách để củng cố những bước đi run rẩy của ta, là bước đi trong Thần Khí, thanh luyện tâm hồn, chọn con đường của Phúc âm và bỏ qua những đường tắt của thế gian.
Sự thiếu hiệp nhất của chúng ta là sự đối nghịch công khai với ý muốn của Chúa Kitô, và còn là một tiếng xấu của ta với thế giới, và gây hại cho những mục đích thánh thiện nhất, là rao giảng Phúc âm cho mọi tạo vật. Do đó, với các Kitô hữu chúng ta, cùng tiến bước không phải là một âm mưu để củng cố vị thế của mình, nhưng là hành động vâng phục Thiên Chúa và yêu thương thế giới.”
Sau khi chúc lành bằng tiếng Đức, Đức Giáo hoàng rời WCC giữa tiếng đồng ca. Trước khi đi, ngài thăm hỏi hai người bệnh ngồi xe lăn, và ôm em bé đeo mặt nạ, em cùng mẹ tặng ngài một bức vẽ. Đức Phanxicô tặng lại cho hai mẹ con một thánh giá bằng gỗ. Sau đó, Đức Phanxicô đến Viện Đại kết Bossey để dùng bữa trưa với các nhân vật chủ chốt của WCC.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch