Hôm nay là ngày đặc biệt chúng tôi đề cập đến các vấn đề tôn giáo, một vài khía cạnh của giáo lý công giáo và cách nào Giáo Hội điều hành công việc của mình trong thế giới hiện đại. Nhưng phải bắt đầu từ đâu? Chủ đề quá rộng lớn. Đương nhiên chúng tôi không muốn cha Jorge Bergoglio kiệt sức, nhưng chúng tôi muốn biết suy nghĩ của cha trên những vấn đề tế nhị của xã hội. Tại Á Căn Đình, chuyện quá bình thường khi người dân bây giờ sống xa tôn giáo, đặc biệt là Giáo Hội Công giáo. Kiểu “tư nhân hóa” đức tin là một hiện tượng khá phổ biến; đó là một cách giữ đạo nhưng không qua trung gian các tu sĩ – “Tôi tin vào Chúa nhưng không tin các cha xứ”, đó là câu nói phổ thông-, giữ một số điều, bỏ một số điều, không quan tâm gì đến các sinh hoạt văn hóa và quan điểm của Giáo Hội. Nhưng vơ đũa cả nắm thì không tốt. Trong thực tế, Giáo Hội Công giáo Âu châu có những vấn đề nghiêm trọng, khác với một vài vùng ở Phi châu và Á châu, nơi có những tăng trưởng đáng kể. Tình trạng đạo Công giáo ở Mỹ không ổn định, đến mức Châu Mỹ La-tinh có thể được xem là một tổng hợp tốt – với ít nhiều dè dặt-, tuy nhiên vẫn còn nhiều thử thách chồng chất trên đạo Công giáo, vốn đã bị sói mòn một cách không chối cãi được. Vì có ít thông tin đáng tin cậy về sự tăng triển con số các tín hữu nên việc phân tích trở thành rắc rối, nhưng có thể khẳng định – trên con số phỏng chừng do các chuyên gia của Hội Đồng hàng Giám mục Châu Mỹ La-Tinh, trong phiên họp Aparecida năm 2007 -, trong vài chục năm gần đây, Giáo Hội đã mất khoảng 20% tín hữu trên lục địa Nam Mỹ và họ chuyển qua các loại thờ phượng khác còn nhiều hơn.
Á Căn Đình cũng không thoát khỏi tình trạng này, tỷ số tín hữu giảm sút, tuy ít hơn mức trung bình. Theo cuộc điều tra của Hội đồng Quốc gia khoa học và kỹ thuật, và bốn đại học quốc gia thực hiện vào đầu năm 2008 thì có 76.5% nói mình theo đạo, trong khi con số tỷ lệ quốc gia năm 1960, năm cuối cùng có cuộc thăm dò dư luận trên hiện trạng đạo công giáo – thì tỷ lệ là 90.5%. Một cuộc nghiên cứu thì không phải là kiểm kê dân số, nhưng kết quả cho thấy trong vòng bốn thập niên vừa qua, Giáo Hội Công Giáo đã mất 14% tín hữu, 3 trên 4 người Á Căn Đình là người công giáo (dù số tín hữu đi lễ ngày chúa nhật không quá 10% như nhiều nước khác).
– Cha nghĩ Giáo Hội đã làm đúng công việc của mình?
– Tôi sẽ nói đến Giáo Hội Á Căn Đình là Giáo Hội tôi biết nhiều hơn. Các đường hướng mục vụ cho việc rao giảng Phúc Âm mà chúng tôi là giám mục đã được loan báo năm 1990, bắt đầu bằng việc nhắc lại cho mọi người nhớ, quan trọng là phải tiếp đón thân tình. Các linh mục chúng tôi có nguy cơ trở thành nhân viên quản lý chứ không phải mục tử. Khi có người đến giáo xứ để xin làm phép bí tích hay một chuyện gì khác, không phải vị linh mục đón họ mà là thư ký giáo xứ, nhưng đôi khi họ lại gặp một ông hay một bà chằng. Tôi biết một giáo phận có một nữ thư ký mà tín hữu gọi bà đó là con nhện sói (tarentule). Vấn đề là những người này không những làm giáo dân sợ họ và làm họ xa cha xứ, xa giáo xứ nhưng họ còn làm cho giáo dân xa Giáo Hội, xa Chúa Giêsu. Đừng quên là đối với nhiều người, giáo xứ ở góc đường là “cánh cửa đi vào” đạo Công giáo. Và đó là tầm quan trọng của nó.
– Khác với các cộng đồng phúc âm khác, ở đó họ có một mối thân tình, một sự gần gũi, nơi họ biết nhau, xưng với nhau bằng tên riêng… Nhưng họ không chờ người ta đến với họ, họ đến gặp người ta.
– Điều thiết yếu là chúng ta, người công giáo – linh mục cũng như giáo dân -, chúng ta phải đi đến gặp người khác. Một cha xứ có một nhãn quan minh triết nói với tôi, chúng ta là những mục tử khác hẳn hình ảnh mục tử trong dụ ngôn Người mục tử nhân hậu, người bỏ 99 con chiên trong bức tường rào kín để đi tìm một con chiên lạc: chúng ta chỉ có một con chiên trong bức tường rào kín mà có đến 99 con phải đi tìm. Chân thành mà nói, tôi nghĩ vai trò thiết yếu của Giáo Hội ngày hôm nay không phải là giảm số giới luật, nên hay không nên dễ dàng chuyện này chuyện kia, nhưng vai trò thiết yếu của Giáo Hội là phải đi ra khỏi tháp ngà, đến với người dân, biết từng người dân một. Không phải vì đó là sứ vụ của mình, đi ra để loan báo Phúc Âm, nhưng vì nếu không làm điều này thì sẽ có phương hại cho Giáo Hội.
– Có nghĩa là?
– Một Giáo Hội chỉ an vị trong việc quản trị, chỉ sống thu mình thì cũng giống như một người sống khép kín: họ sẽ teo lại về mặt thể xác cũng như tinh thần. Họ sẽ bị thoái hóa như căn phòng đóng kín bị ẩm mốc. Một Giáo Hội chỉ nói về mình thì cũng giống như một người chỉ nói về họ, người đó là người bị chứng cuồng ám, tự kỷ. Đúng là mỗi lần ra đường là mỗi lần có thể có nguy cơ bị tai nạn. Nhưng tôi ngàn lần thích một Giáo Hội bị tai nạn còn hơn một Giáo Hội bị bệnh. Một Giáo Hội chỉ bằng lòng với công việc quản trị, giữ rịt một nhóm nhỏ của mình thì về lâu về dài Giáo Hội đó sẽ bị bệnh. Người mục tử đóng kín nhà không phải là người mục tử đích thật, đó chỉ là một người dành hết thì giờ để “chải lông” cho đàn chiên thay vì đi tìm những con chiên mới.
– Làm sao cha áp dụng điều này trong một thành phố lớn như thành phố Buenos Aires?
– Gần đây, có một nhà báo Ý cho hay, theo các nhà xã hội học về tôn giáo, vùng ảnh hưởng của một giáo xứ có chu vi là sáu trăm mét. Ở Buenos Aires, khoảng cách giữa hai giáo xứ là hai cây số. Tuy vậy, một ngày nọ tôi đề nghị với các cha xứ thuộc quyền của tôi, tôi sẽ thuê cho họ một nhà xe, với điều kiện họ tìm một giáo dân rỗi rãnh đến đó, để ở gần dân chúng một thời gian, dạy giáo lý, cho người bệnh rước lễ hay những ai cần rước lễ. Một giáo dân nói nếu làm như vậy thì người ta sẽ không đi lễ nữa. Tôi nói: “Tại sao vậy? Ngày nay có rất nhiều người đi lễ mà.” Anh trả lời “Đúng vậy.” Đến với người khác là đi ra khỏi chính con người mình một chút, ở trong tường rào của chính hình ảnh cá nhân mình có thể gây trở ngại không cho mình mở lòng ra với Chúa; lắng nghe tiếng Chúa. Dù sao, các linh mục cũng biết bổn phận của họ.
– Cha nói cũng có thể áp dụng cho giáo dân…
– Chắc chắn. Vấn đề, giống như nhà báo Ý nói, đó là tu hội hóa giáo dân, bởi vì các cha xứ thường hay tu hội hóa giáo dân và giáo dân cũng xin được tu hội hóa. Đây đúng là cùng nhau phạm tội. Có nghĩa là giáo dân cũng có những khả năng mà nhiều khi không được tận dụng hết. Tôi nghĩ đến những cộng đồng kitô ở Nhật, họ vẫn duy trì được cộng đồng dù hơn hai trăm năm không có linh mục. Khi các nhà truyền giáo trở lại, họ thấy ai cũng được rửa tội, học giáo lý, làm đám cưới theo đúng nghi thức Giáo Hội. Hơn nữa họ còn thấy người chết được an táng theo nghi thức công giáo. Đức tin vẫn còn nguyên, được bảo vệ nhờ ân sủng và đời sống của giáo dân được thánh hóa; là người được rửa tội, các giáo dân này đã sống được sứ vụ tông đồ của họ.
– Đúng là ngày xưa người ta có thể dựa trên một xã hội ổn định hơn về mặt thiêng liêng, với những “tín hữu bị giam cầm”, đã “thừa hưởng” đức tin và ít nhiều giữ đúng lề luật của Giáo Hội. Ngày nay “thị trường thiêng liêng” có nhiều cạnh tranh hơn và người dân có nhiều hoài nghi hơn đối với các tổ chức tôn giáo.
– Tại Buenos Aires cách đây vài tháng, chúng tôi có công bố một vài định hướng để cổ động cho việc rửa tội cũng theo chiếu hướng này, trong phần trình bày chúng tôi đã viết như sau: “Vì Giáo Hội đến từ một thời kỳ mà mô hình văn hóa xã hội chủ chốt tạo lợi thế cho việc phát triển, Giáo Hội đã được quen rằng những lời yêu cầu của mình được mọi người nghe, những người cần đến mình. Đó là điều thích đáng trong một cộng đồng được phúc âm hóa. Nhưng trong tình trạng hiện nay, Giáo Hội cần biến đổi cơ cấu và các tiếp cận mục vụ bằng cách hướng những việc này về hướng truyền giáo. Chúng ta không thể cứ ngồi yên và thụ động chờ “khách”, chờ tín hữu; phải có những cơ cấu giúp chúng ta đi đến với những người đang cần chúng ta, nơi những người sợ, chán ghét các cơ cấu và hình thức lỗi thời, không còn thích ứng vào những mong chờ và vào độ nhạy của họ nữa. Phải có óc tưởng tượng và phải xem lại cách hiện diện của chúng ta trong các môi trường khác nhau của xã hội, để các giáo xứ, các cơ sở của chúng ta ở trong lòng xã hội. Xem lại đời sống bên trong của Giáo Hội để đi đến với dân Chúa. Điều hành một sự hoán cải mục vụ và đưa Giáo Hội “điều hành đức tin” qua một Giáo Hội biến đổi và làm dễ dàng cho đức tin.
– Như thế cần phải thay đổi não trạng…
– Cần phải có một Giáo Hội mang sứ vụ truyền giáo. Một chức sắc cao cấp ở Tòa Thánh La mã, trước là linh mục coi xứ, cha nói với tôi rồi cha cũng thuộc tên con chó của các tín hữu. Tôi nghĩ bụng, không phải cha này có trí nhớ phi thường nhưng là một cha xứ ngoại hạng! Tôi trả lời với cha: “Cha xứng đáng được phong hồng y, cha sẽ trung thực với con người cha mãi mãi.” Những ví dụ này rất nhiều. Hồng y Casaroli, Quốc Vụ Khanh Vatican, mỗi cuối tuần đều vào nhà tù dành cho các em vị thành niên thăm các em. Khi nào đến đó cha cũng đi xe búyt, mặc áo dòng, tay cầm khăn. Một cha dòng Tên cũng hay vào nhà tù thăm, kể cho tôi nghe, khi vào đó, cha ngạc nhiên thấy có một linh mục có tinh thần tông đồ thật sốt sắng, đến dạy giáo lý và chơi với các em. Sau đó cha biết được, đó là hồng y Casaroli!
– Cũng khó mà không vướng vào bẫy quan liêu cửa quyền.
– Đúng, nhưng phải tránh, đó là điều thiết yếu. Trước khi chết, đức giáo hoàng Gioan XXIII thảo luận rất lâu với hồng y Casaroli, khi hồng y Casaroli sắp cáo lui thì đức giáo hoàng xin cha tiếp tục đi thăm các em vị thành niên trong tù. “Đừng bỏ các em,” đó là lời nhắn nhủ của đức giáo hoàng. Giáo hoàng Gioan XXIII cũng là vị mục tử xuống đường. Khi ngài là thượng phụ thành phố Venise, mỗi ngày vào lúc 11 giờ trưa, ngài có thói quen ra quảng trường Thánh Máccô (Saint-Marc) theo phong tục “ngồi trong bóng mát”, có nghĩa là ngồi dưới một tàn cây, bên cạnh vách tường hoặc trong một quán nước, uống ly rượu trắng, nói chuyện với người qua lại. Cha làm như bất cứ một người dân Venise nào, sau đó mới đi về làm việc lại. Đối với tôi, đó là mục tử, người đi đến với dân chúng.
– Không những đi gặp người dân mà còn thuyết phục họ. Cha có nghĩ, một vài bài giảng đầy trách cứ sẽ làm cho giáo dân sợ không?
– Đương nhiên. Họ sẽ bỏ đi khi họ cảm thấy mình không được đón nhận qua những hành vi nhỏ của cuộc sống, khi không đi tìm họ. Nhưng cũng là khi mình không mời họ tham dự vào tín sứ phúc âm, vào dâng mừng đời sống kitô. Vấn đề không phải chỉ một mình nơi các cha xứ, nhưng còn nơi giáo dân. Chỉ thấy khía cạnh tiêu cực, chỉ thấy những gì gây chia rẻ thì không phải là người kitô tốt. Chúa Giêsu không muốn như vậy. Không những làm cho giáo dân sợ mà còn làm tổn thương đến sứ điệp, nó còn cho thấy mình không đảm trách các việc của đời sống trong khi Chúa Giêsu lại làm. Người ta chỉ có thể chuộc lại những gì mình đã làm. Nếu không thừa nhận trong xã hội có những người sống theo các tiêu chuẩn khác tiêu chuẩn của mình, thậm chí còn ngược với mình, nếu mình không tôn trọng họ, không cầu nguyện cho họ thì không bao giờ mình có thể chuộc họ lại trong quả tim mình. Chúng ta phải làm sao để ý thức hệ không bao giờ được lấn lướt đạo dức.
– Trong Thánh Kinh có Mười Điều Răn, có Tám Mối Phước Thật. Đức giáo hoàng Biển Đức VI đã từng lưu ý, đừng để đạo công giáo có ngày thành bản “thư mục của những điều cấm kỵ.”
– Tôi hoàn toàn đồng ý. Điều này thấy rất rõ ràng trong các tông huấn về đức ái và hy vọng của ngài. Mặt khác, khi đức giáo hoàng Biển Đức VI thăm Tây Ban Nha, mọi người nghĩ ngài sẽ chỉ trích chính quyền Rodriguez Zapatero vì những khác biệt với Giáo Hội Công giáo. Có người còn xin đức giáo hoàng nói về vấn đề hôn nhân đồng tính với nhà cầm quyền. Đức giáo hoàng đã trả lời không, và hai bên đã nói đến những vấn đề tích cực, phần còn lại tự nhiên sẽ đến. Ngài muốn, trước hết phải nhấn mạnh đến các khía cạnh tích cực, những khía cạnh hợp nhất chứ không phải khía cạnh tiêu cực làm chia rẻ; ưu tiên là gặp gỡ giữa con người với nhau, cùng nhau đi đến đàng trước. Sau đó nói đến những khác biệt sẽ dễ hơn.
– Ngược lại, có một khuynh hướng khác đang tăng, đó là “tôn giáo theo sở thích”, chọn lựa linh mục nào mình thích, lề luật nào ít vướng cản nhất.
– Đó là một khuynh hướng rất lan rộng trong xã hội tiêu thụ hiện nay. Một vài người chọn lựa dựa trên bài giảng của cha xứ, hai tháng sau, họ không bằng lòng ca đoàn, thế là đổi giáo xứ. Còn có một loại lướt tôn giáo qua khía cạnh thẫm mỹ, giống như đổi qua con thuyền mộc để đi trong siêu thị thiêng liêng. Tôn giáo bị xem như một sản phẩm tiêu thụ, một hiện tượng mà theo tôi, nó liên hệ đến một vài thuyết hữu thần theo chiều hướng Thời Mới (New Age), pha trộn giữa thỏa mãn cá nhân, thư giãn, “thoải mái.” Hiện tượng này xảy ra nhiều nhất trong các thành phố lớn, nhưng nó cũng không giới hạn trong giới những người có học. Trong giới bình dân ở các thành phố ổ chuột, đôi khi giáo dân đi tìm mục tử theo tiêu chuẩn “ông ấy hợp với mình.” Hoặc người nào phù với chính kiến của họ, bởi vì trong mô hình “tôn giáo theo sở thích” này, đôi khi người ta chọn tu sĩ dựa trên ý thức hệ. Tôi chọn cha này cha kia vì cha đó có một giáo điều thích hợp với tôi, hoặc cha đó “cởi mở hơn”, “tiến bộ” hơn.
– Nhưng có nghiêm trọng không, nếu giáo dân dự một thánh lễ làm họ xúc động hay dự một thánh lễ làm cho họ tham dự nhiệt tình hơn?
– Để trả lời chính xác, tôi sẽ cho rằng, thật nghiêm trọng nếu không nói lên được sự gặp gỡ riêng tư với Chúa. Tôi nghĩ phải tái sáng tạo lại sự kiện thiêng liêng, phải hướng về sự gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô.
– Nhân đây chúng con xin hỏi ý kiến cha về cái gọi là “thần học giải phóng.”
– Thần học giải phóng là hậu quả của một cách diễn giải của Công đồng Vatican II. Giống như tất cả phong trào thoát thân từ một điểm trở mình của Giáo Hội, nó có khía cạnh tốt cũng như khía cạnh xấu, có chừng mực cũng như thái quá. Như các bạn biết, vào thời buổi đó, đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhờ hồng y Ratzinger nghiên cứu vấn đề “thần học giải phóng”, ngài đã khai mở ra với hai quyển sách nhỏ phân tích, nêu ra các giới hạn của nó (nhắc lại chú giải lý thuyết Mác xít trong thực tế), nhưng cũng nêu ra các khía cạnh tích cực. Nói cách khác, quan điểm của Giáo Hội trên vấn đề này là một phạm vi rất rộng.
– Cha muốn nói không lên án toàn bộ như người ta hay nói?
– Đúng vậy. Tôi cũng sẽ không nói rằng có sự lên án trên một vài khía cạnh, nhưng là một tố cáo. Chọn lựa đứng về phía người nghèo là một thông điệp mạnh sau Công đồng. Không phải vì trước đây chưa đề cập đến, nhưng vì sau Công đồng, vấn đề này mới được nêu rõ. Sự quan tâm đến người nghèo trong những năm 60 trong lòng Giáo Hội công giáo đã tạo một sự đột nhập như cơn xoáy văn hóa mà từ đó cho phép đưa đến bất cứ một ý thức hệ nào. Điều này đã đưa đến việc xuyên tạc một giới luật mà Giáo Hội đã làm nổi bật lên trong Công đồng Vatican II và từ đó nó được lặp lại: dùng con đường đúng để trả lời cho một đòi hỏi theo tinh thần phúc âm tuyệt đối không lay chuyển, trọng tâm, quan tâm đến những người nghèo nhất, một quan điểm mà theo tôi đã được ấn định rõ trong buổi họp của các giám mục Aparecida.
– Cha nghĩ một vài người theo “thần học giải phóng” đã không đi đúng đường?
– Có những trệch đường. Nhưng họ là hàng ngàn người thừa tác vụ, linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân trẻ, già là những người dấn thân cho Giáo Hội. Họ là niềm vinh dự và họ mang hạnh phúc lại cho chúng ta. Nguy cơ của một tiêm nhiễm ý thức hệ đã biến mất dần dần, trong chừng mực lương tâm được thức tỉnh trong gia tài phong phú của dân tộc chúng ta là lòng mộ đạo của quần chúng. Đối với tôi, sự phân tích hay nhất của lòng mộ đạo bình dân là ở trong lời khuyến khích sứ mạng tông đồ của đức giáo hoàng Phaolô VI Evangelii Nuntiandi, được trích lại trong tài liệu của Aparecida. Các thừa tác vụ càng thấy được lòng mộ đạo bình dân, họ càng gần với người dân thì ý thức hệ của họ sẽ rơi rụng, vì họ gần với dân và các vấn đề của dân qua một ý thức hệ thực tế, xuất phát từ chính người dân.
– Bây giờ, Giáo Hội có thể hội nhập đến đâu trong thực tế, chẳng hạn vừa tố cáo bất công mà không chính trị hóa?
– Tôi nghĩ chữ “đảng phái” là chữ thích hợp nhất cho câu trả lời mà tôi muốn nói. Vấn đề là không dự phần vào chính trị đảng phái nhưng tham dự vào một chính trị cao hơn, phát xuất từ mười Điều Răn và Phúc Âm. Tố cáo các vụ vi phạm nhân quyền, các loại khai thác hay các loại khai trừ, các thiếu sót trong ngành giáo dục, trong thực phẩm, đó không phải là một thái độ có tính cách đảng phái. Bản tóm tắt các giáo điều xã hội của Giáo Hội thì đầy cả những tố cáo nhưng nó không có tính đảng phái. Khi chúng ta diễn tả ý kiến của chúng ta, có một số người kết án chúng ta làm chính trị. Tôi trả lời cho họ, chúng tôi làm chính trị nhưng chính trị theo tinh thần Phúc âm qua lời và đó không phải là đảng phái. Đó là một chuyện khác, chính trị đảng phái, mặt khác, trong viễn cảnh này, chúng ta hãy nghĩ đến rất nhiều ví dụ đã đặt mốc cho cơ chế của chúng ta.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch