LỜI CHÚA: Ga 19, 25-27
Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
SUY NIỆM
ĐÂM THẤU TÂM HỒN
“Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà!”
Một câu nói khá khó hiểu về ‘Mẹ’, nhưng rất nổi tiếng, mà hầu như không ai biết đến xuất xứ của nó, được nhiều tác giả viết thành sách; đó là, “A mother is only as happy as her saddest child!”, tạm dịch, “Một người mẹ chỉ có thể hạnh phúc bằng đứa con kém hạnh phúc nhất của mình!”. Phải chăng, nhiều người mẹ tin rằng, hạnh phúc ‘của chính họ’ phụ thuộc vào con cái họ! Hạnh phúc của một người mẹ có giỏi cũng chỉ ‘ngang bằng’ hạnh phúc của đứa con kém hạnh phúc nhất!
Kính thưa Anh Chị em,
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ Đức Maria, Mẹ Sầu Bi. Phải chăng Mẹ Maria tin rằng, hạnh phúc của Mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu, Đấng Mẹ cưu mang; chứ không phụ thuộc vào một điều gì khác trên trần gian này. Vì thế, khi Chúa Giêsu vui, Mẹ Maria vui; Chúa Giêsu buồn, Mẹ buồn; Chúa Giêsu tan nát, Mẹ nát tan! Nát tan đến tận mức ‘đâm thấu tim’ mà cụ già Simêon tiết lộ thuở nào, “Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ ‘đâm thấu tâm hồn’ Bà!”.
Mọi sự sống đều phải leo lên đồi Canvê của nó! Mỗi tâm hồn đều có một ‘nỗi buồn kín’ không thể chia sẻ trọn vẹn với bất cứ ai! Chúa Giêsu, Đấng ‘rất Chúa và cũng rất người’, đã thông phần vào mọi sự thuộc loài người, trừ tội lỗi; kể cả đớn đau và chết chóc. Thế nhưng, do sự hoàn hảo của Đấng ‘rất Chúa’, đau khổ của Ngài lại càng dữ dội; càng hoàn hảo, nỗi đau càng sâu sắc. Vậy thì chỉ một ai đó ‘hoàn hảo tương tự’ mới có thể đi vào nỗi sầu của Chúa Giêsu, có thể trải nghiệm phần nào nỗi đau Ngài đã trải nghiệm. Con người đó chỉ có thể là Mẹ Maria, một người hoàn hảo mà Thiên Chúa định trước cho mỗi sinh linh ngay từ buổi đầu tạo dựng! Tất nhiên, Maria không phải là một ‘Nữ Thần’, nhưng là một ‘Evà mới’; Mẹ hoàn hảo, nên Mẹ hiểu và thấu cảm rõ nhất nỗi đau của Người Con Hoàn Hảo. Sự hoàn hảo được chia sẻ dẫn Mẹ đến một nỗi ‘sầu chung’ với Con, một nỗi sầu linh nghiệm với điều được hé lộ trước đó hơn ba thập kỷ ngay cửa đền thờ, “Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ ‘đâm thấu tâm hồn’ Bà!”. Và đó chính là ý nghĩa của lễ Mẹ Sầu Bi.
Những hình ảnh đạo đức cho thấy trái tim Mẹ bị đâm xuyên bởi bảy lưỡi gươm, tượng trưng cho “Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ” mà một số giáo xứ truyền thống vẫn giữ thói quen “Làm Việc Đức Mẹ” cuối tuần với tràng chuỗi “Bảy Sự”. Qua đó, ‘bảy mầu nhiệm sầu bi’ được suy ngắm: Lời sấm của Simêon; ẵm Con sang ‘Êgiếptô’; lạc Con trong đền thờ; gặp Con trên đường núi Sọ; dưới chân thập giá của Con; ôm xác Con; và nhìn Con được mai táng. Mẹ Maria rất hoàn hảo, nhưng xem ra đời Mẹ không hoàn hảo! Mẹ bị vắt kiệt bởi cùng một nỗi đau, nỗi nhục đang vắt kiệt từng phận người. Từ buổi đầu cưu mang, Mẹ hẳn đã nghe xóm diềng xì xào... cho đến phút cuối nghẹn ngào dưới chân Con; Mẹ đã sống một cuộc sống thực với những ‘bi kịch’ thật, của một phận người không thể thật hơn. Thế nhưng, nỗi đau xé lòng nhất mà Mẹ phải cảm nhận chính là một xác chết vô hồn rách bươm của Con mà Mẹ ôm vào lòng. Đó là một ‘kiếp phàm nhân’ Mẹ cùng Con phải trải qua như tác giả thư Do Thái hôm nay nói đến.
Anh Chị em,
“Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ ‘đâm thấu tâm hồn’ Bà!” Hôm nay, những lưỡi gươm ấy vẫn đang tiếp tục ‘đâm thấu tâm hồn’ Đức Maria, Mẹ Hội Thánh; Hội Thánh và những con cái của Hội Thánh, cũng là con cái của Mẹ đang bị đâm thâu cũng với những lưỡi gươm đó. Từ dịch bệnh, chết chóc, nghi ngờ, nguội lạnh cho đến thiếu thốn trăm bề hồn xác. Chúng ta tin chắc, tình yêu sâu đậm của Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu cũng đang dành cho mỗi người chúng ta ngay trong những ngày này. Đừng nghi ngờ điều đó! Trái tim của Mẹ bùng cháy với lòng trắc ẩn khi Mẹ nhìn chúng ta lúc này, cả trong tội lỗi của mỗi người. Hãy biết rằng, tình yêu của Mẹ đang tràn ngập trái tim chúng ta; và qua chúng ta, Mẹ ước ao nó tràn vào cuộc sống của người khác. Mỗi người chúng ta hãy để lòng trắc ẩn, sự quan tâm và chung thủy của Mẹ chảy qua tim mình; hãy nhận nó vào trong và sau đó, cho phép nó chảy ra! Thật sự, không gì trên thế giới này đẹp đẽ và đáng kinh ngạc hơn hình ảnh thánh thiện của một tình yêu luôn luôn chảy ra!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Mẹ, xin cho con trở nên một công cụ tình yêu trong trái tim Mẹ, đối với những ai đang cần xót thương nhất. Chớ gì nỗi đau của anh em con hôm nay, cũng là nỗi đau ‘đâm thấu tâm hồn’ con!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế