Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Dân tộc bản địa, truyền giáo và chúng ta

popefrancis


Tâm điểm của “
cuộc hành hương sám hối” đến Canada của Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào sự gần gũi của cá nhân ngài với các dân tộc bản địa và lời cầu xin tha thứ của ngài đối với những thảm họa phát xuất từ tâm tính thuộc địa đã tìm cách xóa sổ các nền văn hóa truyền thống, bao gồm cả việc dùng đến cuộc thử nghiệm bi thảm của các trường nội trú theo đề nghị của chính phủ và được điều hành bởi các nhà thờ Kitô giáo.

Các cuộc gặp gỡ với người dân bản địa chứng tỏ mọi biến chuyển của chuyến đi và đem lại nhiều đánh động. Sự tập trung cần thiết vào những đau khổ mà người bản địa phải gánh chịu và việc thực hiện hành trình hòa giải đã phủ bóng lên một số nhận thức đáng giá trải rộng trong các bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô, điều này đưa ra những đường hướng hữu ích cho việc truyền giáo ngày nay ở mọi ngóc ngách trên trái đất.

Sau khi bày tỏ nỗi niềm xấu hổ về những gì đã xảy ra khi các tín hữuđã trở nên trần tục, và thay vì thúc đẩy sự hòa giải, họ áp đặt các mô hình văn hóa của riêng mình,” Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nhấn mạnh rằng “thái độ này rất khó bị diệt trừ, nhất là từ quan điểm tôn giáo. Do đó, ngài chuyển sự suy tư của mình sang ngày nay, dựa trên các sự kiện của quá khứ. Theo nghĩa rằng, đó là một tâm tính vẫn còn tồn tại.

Việc áp đặt Thiên Chúa trên con người có vẻ dễ dàng hơn là để họ đến gần Thiên Chúa. Đây là điều mâu thuẫn và không bao giờ mang lại hiệu quả, bởi vì đó không phải là cách Thiên Chúa hành động. Người không ép buộc chúng ta, Người không đàn áp hoặc lấn át; thay vào đó, Người yêu thương, Người giải phóng, Người để chúng ta tự do. Người không ban Thần Khí của Người để hỗ trợ cho những kẻ thống trị người khác, những kẻ đã nhầm lẫn Tin Mừng về sự hòa giải của chúng ta với sự chiêu dụ. Người ta không thể tuyên xưng Thiên Chúa theo cách trái ngược với chính Thiên Chúa.”

Người kế vị Thánh Phêrô còn nói rằng ngay cả ngày nay vẫn có nguy cơ nhầm lẫn việc loan báo Tin Mừng với sự chiêu dụ, bởi vì sự cám dỗ của quyền lực và việc tìm kiếm sự phù hợp về văn hóa và xã hội, cũng như các dự án về Phúc Âm hoá dựa trên các chiến lược và kỹ thuật tiếp thị tôn giáo là hiện tượng đương thời nơi chính thời đại của chúng ta.

Trong khi Thiên Chúa tỏ mình cách đơn sơ và lặng lẽ, thì chúng ta lại luôn có cám dỗ áp đặt Người và áp đặt mình nhân danh Người. Chính cám dỗ của thế gian muốn Người xuống khỏi thập giá và tự thể hiện mình bằng quyền lực. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã hòa giải chúng ta trên thập giá, chứ không phải bằng cách xuống khỏi thập giá.”

Ngay cả ngày nay vẫn có sự cám dỗ để bày tỏ Chúa Giêsu bằng quyền lực và ảnh hưởng của thể chế và cấu trúc của nó, với sự xuất hiện của các dự án mà chúng ta nghĩ rằng chúng vẫn đang hoạt động không có Thiên Chúa, chỉ dựa vào sức con người mà thôi”.

Thay vào đó, cách thế mà Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất là “không quyết định thay cho người khác, không cầm giữ tất cả mọi người trong phạm vi định kiến ​​của chúng ta, nhưng đặt mình trước Chúa chịu đóng đinh và trước anh chị em của chúng ta, để học cách bước đi cùng nhau.”

Đây là diện mạo của một Giáo Hội đang tìm cách ngày càng bám chặt lấy Tin Mừng và không có một bộ ý tưởng và giới luật nào để áp đặt cho mọi người, nhưng biết cách trở thành một ngôi nhà chào đón tất cả mọi người bằng cách làm chứng cho Chúa Giêsu “như Người mong muốn, trong tự do và bác ái.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng việc truyền giáo trong một thời kỳ vốn được ghi dấu bởi chủ nghĩa thế tục và thái độ dửng dưng có nghĩamang đến lời loan báo chính yếu nhất về Kitô giáo, bởi vì niềm vui đức tin không được truyền đạt “bằng cách trình bày những khía cạnh thứ yếu cho những người chưa đón nhận Thiên Chúa trong cuộc sống của họ, hoặc bởi việc chỉ đơn giản là lặp lại các thực hành nhất định hoặc tái tạo các hình thức cũ của công việc mục vụ.”

Chúng ta cần tìm ra những cách thức và cơ hội mới để lắng nghe, để đối thoại và gặp gỡ, để dành chỗ cho Thiên Chúa và sáng kiến ​​của Người, chứ không phải mong muốn trở thành trung tâm của chính mình, và do đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc trở lại với tinh thần đơn sơ và nhiệt thành của sách Công vụ Tông đồ.


Tác giả: Andrea Tornielli - Nguồn: L'Osservatore Romano (05/8/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

378    07-08-2022