Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Đấng Bảo Trợ đến

Thứ Hai trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh
Cv 16:11-15; Tv 149:1-2,3-4,5-6,9; Ga 15:26, 16

ĐẤNG BẢO TRỢ ĐẾN

 Chúa Giêsu không trối lại của cải hay bí quyết nào, mà trối lại Chúa Thánh Thần- Đấng sẽ làm cho các môn đệ hiểu rõ sự thật về Chúa Giêsu và về chương trình cứu độ của Người.

Khi Đấng Bảo Trợ đến. Chúa Giêsu có hai người phụ tá - có thể nói đó là: Chúa Thánh Thần (ở đây được gọi là Parakletos là Đấng bảo trợ, giúp đỡ hay an ủi) và các môn đệ. Cả Đấng Bảo Trợ và các môn đệ sẽ là những nhân chứng cho Đức Kitô nhưng chứng nhân trên hết là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ làm chứng cho Đức Kitô, và các môn đệ cũng làm chứng như vậy.

Vai trò của Chúa Thánh Thần không chỉ rất quan trọng trong biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu, nhưng còn quan trọng và cần thiết hơn trong lịch sử của Giáo Hội khi Giáo Hội đương đầu với những người luôn tìm cách bắt bớ và muốn tiêu diệt Giáo Hội mà họ tưởng làm thế là phụng thờ Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần sẽ phá tan những quan điểm sai lầm đó. Chúa Thánh Thần minh chứng rằng Đức Giêsu không đến để luận phạt thế gian nhưng đến để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Thật vậy, khi xưa cuộc tử nạn của Đức Giêsu mạc khải cho nhân loại gương mặt yêu thương của Thiên Chúa, và hôm nay qua các khổ đau mà các môn đệ của Đức Giêsu gánh chịu, Chúa Thánh Thần tiếp tục làm cho khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa lại được sáng tỏ qua các thời đại. Nhờ Đức Giêsu chịu chết và nhờ các môn đệ chịu bách hại mà nhân loại nhận ra chân lý là chỉ có tình yêu mới thắng được hận thù và chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.

          Người có đời sống đạo đức chân chính mới có thể cảm nghiệm được ý nghĩa của những thử thách do sự thù ghét của thế gian. Sống theo chân lý là việc làm đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh và cố gắng, nhưng chính là điều kiện để làm môn đệ của Đức Giêsu. Bởi Đức Giêsu đã khẳng định: "Ai muốn theo ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta" (Ga 9, 23). Tuy nhiên, người môn đệ Chúa sẽ được Đấng Bảo Trợ đến trợ giúp, bênh vực và gìn giữ để hoàn tất sứ mệnh chứng nhân của mình.

Chúa Thánh Thần là tác nhân đầu tiên của việc phúc âm hoá. Chúng ta là những người cộng tác, phụ thuộc vào Chúa Thánh Thần. Vì thế, trong việc phúc âm hoá, chúng ta nên chú ý đến hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhạy bén đối với những hướng dẫn của Ngài và trong mọi lúc chúng ta nên để mình phụ thuộc vào hành động của Ngài.

Nguồn gốc của Đấng Bảo Trợ là từ nơi Chúa Cha. Ngài là Thánh Thần Thiên Chúa, là Thần Khí sự thật, có sứ mạng đến làm chứng sự thật về Đức Giê-su. Sự thật đó là Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa sai đến, nhờ Ngài, trong Ngài mà mọi người được lãnh ơn giao hòa với Thiên Chúa. Thánh Thần sẽ soi sáng cho mọi người hiểu rõ Kinh Thánh, nhờ đó nhận ra Đức Giê-su và vai trò của Người. Sứ mạng làm chứng được Chúa Thánh Thần chu toàn qua môi miệng của các Ki-tô hữu và qua đời sống chứng tá của họ, như trường hợp của thánh Tê-pha-nô. Các tông đồ làm chứng theo lệnh truyền của Đức Giê-su, với quyền lực của Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần và các ngài làm chứng” (Cv 5,32).

Tiền đề lí luận để Chúa Giêsu đòi các môn đệ làm chứng cho Chúa đó là việc các ông “đã ở với Ngài”. Đây là điều kiện cần và đủ dành cho người “làm chứng cho Chúa”. Người ấy phải ở với Chúa. Không có kinh nghiệm “ở với Chúa”, không có kinh nghiệm “sống và hoạt động” cùng với Chúa, không có kinh nghiệm “nên một với Chúa” thì không thể làm chứng cho Chúa.

Nếu chúng ta không ở với Chúa mà chúng ta làm chứng, thì những lời chứng của chúng ta chỉ là “nói lại điều người khác nói”, “trích lại điều đã trích”. Không ở với Chúa, không cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa thì việc làm chứng không có nền tảng, gặp một điều khó khăn sẽ bỏ cuộc tháo chạy. Khi sai các tông đồ đi làm chứng cho Ngài, Chúa Giêsu đã nói : “vì anh em đã ở với Thầy ngay từ đầu”. Các tông đồ ra đi và họ làm chứng về những điều họ đã cảm nhận…

Chúng ta dễ dàng thấy Chúa Giêsu sử dụng nền tảng cho lý luận tiền đề khi Ngài muốn các tông đồ làm chứng cho Ngài đó là : như Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng ban nguồn lực cho các tông đồ, Đấng đã nên một với Chúa Giêsu trong màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa “đã làm chứng” về Chúa Giêsu ; thì các tông đồ những người đã nên một với Chúa Giêsu “cũng phải làm chứng” về Chúa Giêsu. Đã ở với Chúa, đã nên một với Chúa, tất nhiên đã đủ điều kiện làm chứng cho Chúa.

Khi nêu lí luận tiền đề để nhắc các tông đồ phải làm chứng, Chúa Giêsu cũng nêu ra một hệ quả tất yếu đó là : Khi làm chứng cho Chúa các tông đồ cũng sẽ “bị khai trừ”, “bị giết” như Chúa đã tiên báo. Cuộc đời của Chúa Giêsu là minh chứng hùng hồn cho các tông đồ và cho cả chúng ta nữa về điều này. Làm chứng cho Chúa chắc chắn sẽ gặp rắc rối khó khăn.

Qua hành trình dài Chúa Giêsu sống và hoạt động với các môn đệ, qua những giờ phút đau thương của cuộc khổ nạn, rồi đến những ngày vui ngập tràn vì Chúa đã Phục Sinh vinh thắng… Tin Mừng hôm nay là những lời nhắn nhủ cuối cùng cho các môn đệ trước khi Chúa Giêsu về trời : “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu”.

 

871    06-05-2018