Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Đấng Đáng Kính Antonietta Meo: Một mẫu gương sáng ngời về sự thánh thiện của Bí tích Thánh Thể

venneo
Từ trái sang phải: Chân dung ĐĐK Antonietta Meo (1930-1937), khoảng năm 1937;
Antonietta Meo khi Rước lễ lần đầu vào tháng 12 năm 1936
(ảnh: Chân dung, public domain; Rước lễ lần đầu, fair use, bởi Nennolina.it, viaWikipedia)


Cô gái trẻ người Ý đã tìm cách biến toàn bộ cuộc sống của mình nên giống với Chúa của mình và nên giống với Thiên Chúa hiện diện trên bàn thờ.

Vào ngày 03 tháng 7, Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Tôma Tông đồ, người đã biến chuyển từ thái độ nghi ngờ sang đức tin sau biến cố Phục Sinh, dẫn đến lời tuyên xưng vĩ đại nhất về thần tính của Chúa Kitô trong Kinh Thánh. Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với thánh nhân và mời ngài đặt ngón tay vào vết thương trên tay Người và đặt tay vào cạnh sườn bị đâm của Chúa Giêsu, người môn đệ trước đây còn nghi ngờ chỉ còn biết kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!"

Lời cảm thán đó đã trở thành một trong lời khát khao thông dụng nhất của người Công giáo trong Thánh lễ khi Mình và Máu Thánh Châu Báu được nâng lên ngay sau khi truyền phép. Sự hoán cải và lời tuyên xưng bàng hoàng của Thánh Tôma cũng là điều mà Giáo Hội tại Hoa Kỳ đang hy vọng sẽ được tái hiện trong công cuộc Phục hưng Lòng sùng kính Thánh Thể đang diễn ra.

Giáo Hội đang được mời gọi hoán cải từ một tình trạng nghi ngờ về thần học và thực hành - trong đó có 7 trong số 10 người không tuyên xưng đức tin rằng Chúa Kitô hiện diện thật sự, đích thực và trọn vẹn bản thể trong Bí tích Thánh Thể và 5 trong số 6 người Công giáo bỏ tham dự Thánh lễ vào Ngày của Chúa – sang điều mà trong đó Giáo Hội sẽ có thể loan báo bằng ngôn ngữ cơ thể với sự đồng thanh tôn kính “Lạy Chúa của con và lạy Thiên Chúa của con!” với Chúa Kitô hiện diện trên bàn thờ, trong nhà tạm và trong mặt nhật.

Chúa Kitô Thánh Thể mời gọi chúng ta không chỉ dùng ngón tay và bàn tay của mình thâm nhập vào các vết thương của Người, nhưng hãy bước vào một sự hiệp thông làm thay đổi cuộc đời với Người khi chúng ta để cho Người hoàn toàn đi vào trong chúng ta và chữa lành các vết thương của chúng ta. Người mời gọi tất cả chúng ta, như đã nói với Tôma trong Phòng Tiệc ly, đừng “mãi nghi ngờ, nhưng hãy tin”.

Lễ kính Thánh Tôma là dịp cầu nguyện cho mọi người môn đệ, dù nghi ngờ hay không, cũng biết đến thờ lạy Chúa như vị tông đồ hoán cải và trung thành này.

Vào ngày 03 tháng 7, chúng ta cũng đánh dấu một người dám tuyên xưng về Bí tích Thánh Thể vĩ đại khác, mặc dù chưa được nhiều người biết đến.

Antonietta “Nennolina” Meo đã qua đời vì ung thư xương lúc 6 tuổi rưỡi vào năm 1937 tại Rôma. Tuy nhiên, trong vài năm sống trên trần thế, cô bé đã sống cuộc đời Kitô hữu với nhân đức anh hùng, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói vào năm 2007, khi ngài tuyên bố cô bé là “Đáng Đáng Kính”. Ba ngày sau, trong một buổi tiếp kiến chung, ngài đã nói rằng cô bé đã để lại cho tất cả các Kitô hữu, già cũng như trẻ, “một tấm gương sáng ngời cho thấy rằng sự thánh thiện dành cho mọi lứa tuổi: trẻ em và thanh niên, người lớn và người già”. Cô bé ấy “đã đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện Kitô giáo mà tất cả chúng ta đều được mời gọi để mở rộng tầm mức; cô bé ấy đã tăng tốc trên ‘con đường cao tốc’ dẫn đến Chúa Giêsu”.

Con đường cao tốc dẫn đến Chúa Giêsu là đời sống Thánh Thể, trong đó cô bé đã tìm cách biến toàn bộ cuộc sống của mình nên giống với Chúa của mình và nên giống với Thiên Chúa hiện diện trên bàn thờ.

Về cơ bản, điều này được thể hiện theo hai cách.

Đầu tiên là ước muốn cháy bỏng được rước Chúa Giêsu khi rước lễ. Khi lên 5 tuổi, vốn đã mắc bệnh ung thư xương dẫn đến việc phải cắt bỏ chân và sau đó sẽ di căn đến tay, chân, cổ họng, miệng và đầu, cô đã mong mỏi được rước lễ lần đầu. Cô bé đã có được điều ước của mình vào dịp Giáng Sinh năm 1936, ngay sau sinh nhật thứ sáu của mình.

Để chuẩn bị, cô bé đã học giáo lý với mẹ mỗi tối, xưng tội lần đầu, và bắt đầu viết, đầu tiên với sự trợ giúp của mẹ và sau đó một mình, một loạt các bức thư cảm động gửi đến Chúa Giêsu, Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ trong đó cô bé đã mô tả về niềm khao khát của mình.

Vào ngày 15 tháng 9 năm 1936, cô bé đã viết: “Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con sẽ đi dạo và đến gặp các chị em để nói với họ rằng con muốn được rước lễ lần đầu vào Lễ Giáng Sinh… Lạy Chúa Giêsu, xin hãy mau ngự vào lòng con, để con có thể ôm Chúa thật chặt và hôn Chúa!”

Cô bé sẽ đọc chính tả hoặc viết những bức thư như vậy trước khi đi ngủ và sau đó nhét chúng dưới bức tượng Chúa Hài Đồng trong phòng của mình để Người có thể đọc chúng khi cô bé đang ngủ hoặc giúp chuyển chúng đến những người nhận đã được định trước.

Khi Giáng Sinh đến gần, cường độ khao khát của cô bé ngày càng mãnh liệt hơn. Đếm ngược từng ngày, cô bé đã viết rằng mình đang chuẩn bị bên trong mình một “chiếc máng cỏ nhỏ nhắn xinh đẹp, êm ái, mềm mại dành cho Chúa Giêsu yêu dấu, để Chúa có thể nghỉ yên [trong] tâm hồn con.”

Vào đêm Rước Lễ Lần Đầu, cô bé đã quỳ gối trong một tiếng đồng hồ với hai bàn tay chắp lại để thờ lạy trong thinh lặng, bất chấp sự đau đớn mà chiếc chân giả ban đầu của cô bé gây ra cho chính cô.

Cô bé ấy đã viết ngay sau đó, “Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con rất, rất hạnh phúc vì Chúa đã ngự vào tâm hồn con. Xin đừng bao giờ rời khỏi tâm hồn con; xin hãy ở lại mãi mãi với con. Chúa ơi, con yêu Chúa rất nhiều. Con muốn để mình ra đi trong vòng tay của Chúa và làm những gì Chúa muốn với con.”

Niềm khao khát Thánh Thể của cô bé tiếp tục lớn lên khi Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể thực sự trở thành tâm điểm của cuộc đời cô bé. Cô bé viết: “Lạy Chúa Giêsu trong Thánh Thể, con yêu Chúa rất nhiều… Con biết rằng Chúa đã phải chịu đựng rất nhiều khi còn nhỏ, và con mong muốn được tham dự Thánh lễ mỗi Chúa Nhật, nơi mà hy tế thập giá được lặp lại và nơi mà Chúa đã hy sinh thậm chí còn lớn hơn khi đặt mình trong Bí tích Thánh Thể trên bàn thờ. Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhật nào con cũng đến rước Chúa, ngày nào con cũng muốn được rước Chúa mà mẹ thì lại không đưa con đi”.

Cô bé ấy cũng đã sống một cuộc đời Thánh Thể khi tiếp cận với những đau khổ to lớn mà mình đã trải qua do căn bệnh ung thư xương.

Ngôi mộ của cô bé nằm trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Giá của Rôma, nơi được mệnh danh là “ở Giêrusalem” vì đó là cung điện cũ của Thánh Helen, người đã mang một số thánh tích từ Cuộc Khổ Nạn của Chúa từ Giêrusalem đến Rôma cùng với đất từ ​​Đất Thánh mà thánh nữ đã sử dụng để làm nền cho ngôi nhà nguyện mình đã xây dựng để lưu giữ các thánh tích, nơi chúng đã nằm yên trong suốt 1.600 năm.

Năm 1930, một nhà nguyện mới được xây dựng bên cạnh vương cung thánh đường này, nhưng ngay khi một người bước vào đoạn đường dẫn đến nhà nguyện, có một căn phòng nhỏ với quan tài của Nennolina, nơi mà người ta không thể bỏ lỡ trên đường trở về sau khi tôn kính thánh tích.

Cô bé được đặt ở đó không chỉ vì cô đã lãnh tất cả các bí tích tại vương cung thánh đường này, đã cử hành Thánh lễ An táng ở đó, và được các tu sĩ Xitô phụ trách yêu mến, nhưng vì cô bé đã sống một cuộc đời hiệp thông mãnh liệt với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, như được suy tư trong phần giới thiệu về thánh tích, và được đưa vào nơi đó qua chính hy tế Thánh Thể.

Nennolina đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và sớm phát triển về ý nghĩa của đau khổ mang tính cứu chuộc. Sau khi bị cắt đi đôi chân, cô ấy đã viết thư cho Chúa Giêsu rằng: “Con không nói là xin Chúa hãy trả lại đôi chân cho con. Con đã dâng tặng chúng cho Chúa!" và nói với mẹ mình lý do của sự dâng tặng đó: “Mẹ biết không? Con đã hiến dâng đôi chân của mình cho Chúa Giêsu để xin ơn hoán cải cho những người tội lỗi đáng thương.” Khi những người khác vui lòng nói với cô bé rằng họ đang cầu nguyện cho cô ấy khỏi bệnh, cô bé đã yêu cầu họ thay vào đó bằng việc cầu nguyện để cô bé sẵn lòng làm theo ý Chúa. “Con muốn ở lại với Chúa trên thập giá vì con yêu Chúa.” Khi cha cô bé lo lắng về mức độ đau đớn của cô, cô bé đã nói với ông rằng: “Cha ơi, nỗi đau giống như tấm vải: Càng bền bỉ thì càng có giá trị.”

Khi Thánh Piô X vào năm 1910 hạ tuổi rước lễ lần đầu xuống độ tuổi biết suy nghĩ, ngài đã tiên đoán: “Sẽ có những vị thánh trong số các trẻ em!”

Nếu cuối cùng Nennolina được tuyên thánh, cô bé sẽ trở thành vị thánh không tử đạo trẻ nhất trong lịch sử Giáo Hội.

Qua việc rước lễ, Chúa Giêsu tìm cách làm cho chúng ta nên thánh, và trẻ em thường có thể đánh giá thực tế về sự thánh thiện của Bí tích Thánh Thể dễ dàng hơn người lớn. Đó là một trong những lý do tại sao tôi thường xuyên dùng đến Đấng Đáng Kính Nennolina trong mục vụ giáo xứ và hơn thế nữa để truyền cảm hứng cho những người sắp được rước lễ lần đầu, nhằm khuyến khích họ chuẩn bị những bài thuyết trình nhỏ về Đấng Đáng Kính Nennolina, đọc to một số lá thư Thánh Thể của cô bé trong lớp và bắt chước niềm khao khát của cô bé ấy.

Hơn nữa, như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã nói vào năm 2007, Đấng Đáng Kính Nennolina là một “tấm gương sáng ngời” không chỉ cho trẻ em mà còn cho “người lớn và người già” khi chỉ ra cho mọi người Công giáo thấy rằng Bí tích Thánh Thể có sự liên hệ mật thiết đến sự hoàn thiện Kitô giáo.

 

Tác giả: Lm. Roger Landry – Nguồn: National Catholic Register (03/7/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên (cập nhật 04/7/2023)

327    04-07-2023