Dành chỗ đứng cho giáo dân, Đức Phanxicô thúc bách Giáo hội
Ngày thứ ba 11 tháng 5, qua một tự sắc Đức Phanxicô đã thành lập “thừa tác vụ giáo lý viên giáo dân”. Một biện pháp giúp xác định lại vị trí của giáo dân trong Giáo hội bị cho là quá quy về giáo sĩ.
Đây không phải chỉ vài lời, nhưng những lời này sẽ thay đổi sâu đậm Giáo hội công giáo từ bên trong. “Tôi thành lập thừa tác vụ giáo lý viên giáo dân.” Tự sắc được Đức Phanxicô ký ngày 11 tháng 5, câu ngắn này ở cuối Tự sắc cổ kính, Antiquum Ministererium, có tác dụng mở ra một thừa tác vụ mới cho giáo dân. Sau khi mở rộng thừa tác vụ chức giúp lễ và chức đọc sách cho phụ nữ vào tháng 1, bây giờ Đức Phanxicô công nhận chỗ đứng của hàng trăm ngàn giáo lý viên giáo dân, “rất đông” và “có năng lực”, họ đã thực hiện một “sứ mệnh không thể thay thế trong việc trao truyền và đào sâu đức tin.”
Việc thể chế hóa chức năng này, đã được Đức Phaolô VI hình dung vào năm 1972, trên thực tế chưa bao giờ được theo sát trong Giáo hội công giáo. Thường được đồng hóa với các Giáo hội của các nước phía Nam, các thừa tác vụ này chưa bao giờ thực sự phát triển ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Nửa thế kỷ sau, bây giờ Đức Phanxicô mời gọi các giám mục một cách rõ ràng và chắc chắn hơn để chức vụ được thiết lập này “có hiệu quả”.
Ngài xin các giám mục kêu gọi giáo dân nam nữ có “đức tin sâu đậm” và “trưởng thành nhân bản” tham gia “tích cực vào đời sống của cộng đồng kitô hữu”, trong tinh thần “tiếp nhận, quảng đại và hiệp thông trong tình huynh đệ”. Và xin các giám mục cung cấp cho họ một “đào tạo phù hợp với Kinh thánh, thần học, mục vụ và sư phạm”.
Thay đổi cơ bản văn hóa
Đây thực sự là một thay đổi văn hóa cơ bản, trong một Giáo hội được đánh dấu từ thời Trung cổ qua sự hiện diện đông đảo của các linh mục. Linh mục Dòng Tên người Ý Cesare Giraudo nhắc lại: “Chúng ta là những người thừa kế của một thời phong phú các linh mục, thời mà giáo dân luôn bị gạt sang một bên. Đây là cả một thay đổi hoàn toàn, rất sâu đậm về mặt não trạng.” Theo nhà thần học người Ý, lời nhấn mạnh này của Đức Phanxicô là lời ngài muốn “thúc bách một Giáo hội quá giáo quyền”, lời mời gọi mạnh mẽ cho người công giáo để có những phương thức hoạt động mới, ở tầm tay của giáo dân.
Giám mục Vincent Dollmann, giáo phận Cambrai thừa nhận: “Trong những thế kỷ gần đây, nhiều sứ mệnh khác nhau đã nằm trong tay các linh mục nhờ vào số lượng đông đảo của họ.” Giám mục Hervé Giraud, giáo phận Sens-Auxerre cho biết: “Các giám mục và linh mục tập trung quá nhiều quyền lực, họ đi xa với chức năng đầu tiên của họ.” Theo giám mục Dollmann, chức thừa tác vụ đặc biệt dành riêng cho giáo dân này, giúp cho chức tư tế tìm lại được “tính đặc thù của mình.” Một giám mục nói: “Đức Phanxicô làm cho chúng ta ý thức, mọi chuyện không xoay quanh thừa tác vụ của linh mục.” Khi cổ động cho các thừa tác viên giáo dân này, giáo hoàng cũng giúp xác định lại vai trò của linh mục.
“Một cơ hội phải được nắm bắt”
Nhưng làm thế nào để đảm bảo sáng kiến này của Đức Phanxicô không là bức thư chết trên địa bàn, khi nó đã không thành công trong những năm 1970, sau lời kêu gọi của Đức Phaolô VI? Linh mục Giraudo trả lời: “Tình trạng thiếu linh mục đã thấy rõ ở nhiều nước phương Tây. Và để sống, cộng đồng cần nhiều thừa tác viên. Còn ở các quốc gia truyền giáo, Giáo hội đã thử nghiệm các cách làm việc để có thể tái tạo, đặc biệt là trong việc đào tạo giáo lý viên.”
Theo nhà thần học Arnaud Join-Lambert, việc Đức Phanxicô thúc bách thừa tác vụ giáo dân này là “cơ hội cần nắm bắt, với điều kiện là chúng ta phải vượt qua hai cạm bẫy” Bắt đầu với “sức ì” vốn có trong bất kỳ tổ chức nào, huống chi là trong Giáo hội công giáo. Giám mục Giraud lên tiếng: “Cá nhân tôi, câu hỏi về thừa tác vụ này có vẻ thúc ép tôi, nhưng tôi mong muốn hành động theo tinh thần tập thể với các giám mục khác.” Theo thần học gia Arnaud Join-Lambert, rủi ro thứ hai là: giảm thiểu các thừa tác vụ mới này như một cách diễn giải lại đơn giản về các vai trò vốn đã có.
Mở ra một viễn cảnh
Trên địa bàn, các giám mục dường như quyết tâm nắm bắt lời mời gọi này của Đức Phanxicô. Ở giáo phận Yonne, giám mục Hervé Giraud đã nghĩ đến một người để đề nghị vào chức thừa tác vụ giáo lý viên mới: “Điều này chỉ có thể liên quan đến một số lượng người rất nhỏ”, theo ngài, đây không phải là “phần thưởng” nhưng là “phục vụ tất cả mọi người”.
Theo các giám mục được báo La Croix phỏng vấn, viễn cảnh mà Đức Phanxicô mở ra vượt xa thừa tác vụ giáo lý viên giáo dân. Giám mục Hervé Giraud nhấn mạnh: “Những lo ngại xung quanh chữ thừa tác vụ đã được cất bỏ, như thế sẽ giúp chúng ta hiểu được, đây là một ơn của Chúa chứ không phải ơn huệ từ tổ chức nội bộ .”
Giám mục Dollmann ghi nhận: “Điều này mở ra nhiều con đường cho tôi, đây là cơ hội để mọi thứ không tập trung vào bí tích Thánh Thể. Mọi người có thể nuôi dưỡng Chúa Giêsu bằng lời của Chúa.” Giám mục Dollmann tự hỏi cách nào để gởi các tín hữu tham gia vào việc tổ chức tang lễ, ngài nói: “Làm trong tinh thần không thể chế hóa quá mức các chức năng này.” Một cách cảnh giác với hình thức giáo sĩ hóa giáo dân, chống lại điều mà Đức Phanxicô đã cảnh báo rõ ràng trong tự sắc.
Khuyến khích giáo dân dấn thân, nhận biết họ, khuyến khích họ nhưng không tái sản xuất mô hình giáo sĩ mà Đức Phanxicô đã kêu gọi vượt lên từ đầu triều giáo hoàng của ngài: hơn nữa, chính điểm quan trọng mà Đức Phanxicô cố gắng đạt được trong tự sắc của ngài, ngài khuyến khích một thừa tác vụ giáo lý viên “được hoàn thành dưới hình thức hoàn toàn thế tục, không rơi vào bất kỳ biểu hiện nào của giáo sĩ hóa.”
“Một ơn gọi giáo dân đích thực”
Chính xác để tránh sai lầm này, hồng y Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Tân Phúc âm hóa, trong ngày giới thiệu quyết định của giáo hoàng tại Rôma, xem các thừa tác vụ mới này là “ơn gọi giáo dân đích thực, có thể phát triển trong suốt cuộc đời.” Về cơ bản, các thừa tác vụ được thiết lập này không chỉ đơn thuần là thừa nhận các mục vụ đã được giáo dân làm trong giáo xứ hay giáo phận của họ.
Giáo sư thần học Arnaud Join-Lambert phân tích: “Thể chế này được thực hiện nhờ một phụng vụ phong phú, nhấn mạnh đây là sứ mệnh theo kiểu ơn gọi, đến từ Thiên Chúa.” Rất nhiệt tình trước sáng kiến này, ông nói: “Thừa tác vụ mới này có thể thay đổi nhiều điều trong sự hiểu biết về Giáo Hội, được tạo nên từ tất cả những người đã được rửa tội cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng và đức tin.”
Dù sao Đức Phanxicô đã muốn đi đến cùng và không để quyết định này bị chôn vùi. Vào cuối sắc lệnh được công bố ngày thứ tư, 11 tháng 5, ngài xin tất cả giám mục tiếp nhận tự sắc này, thiết lập trong từng quốc gia các khóa đào tạo thích hợp. Đối với Bộ Phụng tự, ngài xin công bố một “nghi thức thể chế” của thừa tác vụ giáo dân mới này. Và xin làm “trong thời hạn sớm nhất có thể.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
425 15-05-2021