Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Đánh dấu một mốc kỷ niệm

 

 

Cuối tháng Mười Một năm 1982, lúc còn là sinh viên tại Louvain, nước Bỉ, tôi đã bắt đầu viết loạt bài này. Và thế là đã ba mươi năm! Khi bắt đầu loạt bài này, tôi không biết rồi nó sẽ như thế nào, chẳng có một kế hoạch tổng thể nào cả. Những gì tôi đã làm giống như việc bỏ những ghi chép vào chai và thả ra biển, băng qua đại dương, với hy vọng có ai đó sẽ đọc chúng. Người đầu tiên quan tâm đọc là Glenn Argan, biên tập báo Phóng viên Công giáo Phương Tây (Western Catholic Reporter), ở Edmonton, Canada và đến nay vẫn còn đương nhiệm. Tôi không bao giờ quên ơn ông, vì ông là biên tập viên đầu tiên đã cho tôi một cơ hội.

Phải mất vài năm để loạt bài của tôi vươn ra khỏi tờ báo đầu tiên này, rồi cuối cùng thì cũng có một số  lượng độc giả. Tôi xin tóm tắt quá trình phát triển như thế này: Báo Kim Chỉ Nam Green Bay (The Green Bay Compass) nhận loạt bài này vào giữa thập niên 1980s. Hồng y Adam Maida, bây giờ đang ở Detroit, là giám mục Green Bay thời đó, tôi đã gặp lại ngài tại một hội nghị vài năm trước, và ngài nhắc tôi nhớ rằng trong thời kỳ ngài đương nhiệm ở Green Bay, các bài của tôi đã được lên báo giáo phận, và từ đó đến được với lượng độc giả Hoa Kỳ đầu tiên.

Vào đầu thập niên 1990s, tôi nhận nhiều lời mời đảm nhận viết loạt bài cho hai tờ báo Công giáo quốc gia Canada, là báo Người đưa tin Prairie (Prairie Messenger) and và báo Ấn bản Công giáo (Catholic Register). Đó là một bước tiến dài, lúc này tôi đã được đón nhận ở hai quốc gia, với bốn tờ báo, và tôi thấy thật mãn nguyện quá mức.

Tôi chưa bao giờ có một người đại diện, cũng không có thời gian và tâm trí để thương lượng các tờ báo nhận bài của tôi, và tôi cũng hài lòng khi đơn giản là để các bài viết tự tìm đất sống cho nó. Tôi tin vào sự quan phòng và số phận, rồi tôi đã được gặp may, đơn giản là như vậy. Năm 1987, tôi dạy một khóa thần học vào mùa hè ở đại học All Hallows tại Dublin, trong số đó có một sinh viên tên là Delia Smith, nổi danh ở Hoa Kỳ đủ  chuyện, từ thần học đến nấu ăn và bóng đá. Lúc đó tôi chỉ mới xuất bản một quyển sách mà thôi, quyển Yếu tố của Sự Cô đơn (The Loneliness Factor), và cũng đã khiêm tốn có một hành trang. Delia đem quyển sách này của tôi đến Hodder & Stoughton, một nhà xuất bản danh tiếng ở Luân Đôn, cô cũng đem loạt bài của tôi đến cho ông Otto Herschan, người sau này làm chủ biên báo Sứ giả Công giáo (Catholic Herald) cũng ở Luân Đôn. Chính việc này đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời cầm bút của tôi.

Sứ giả Công giáo là một tờ báo quốc gia ở Anh quốc, và cũng xuất hiện trên sạp báo tại nhiều quốc gia khác. Hơn nữa, vào lúc đó, Otto Herschan, chủ biên tờ này cũng xuất bản báo Công giáo ở cả Ireland và Scotland. Vì thế, loạt bài của tôi cũng được xuất bản ở các nước đó và đến với độc giả ở New Zealand và những quốc gia khác nữa.

Delia Smith còn tận tụy đem quyển Yếu tố của Sự Cô đơn đến một nhà xuất bản lớn ở Anh, nhờ đó đã làm cho loạt bài của tôi có một sự biến đổi lớn. Vào năm 1988, Hodder & Stoughton tái bản quyển này dưới một tựa đề khác là Con tim thao thức (The Restless Heart), và được giải lớn về sách tại Vương quốc Anh. Nhờ vậy, tôi có được hợp đồng với Hodder & Stoughton và cuối cùng từ đó tôi ký  hợp đồng với nhà xuất bản Doubleday ở New York. Sau khi Doubleday xuất bản quyển Khát Khao Linh Thánh (The Holy Longing), hơn chục tờ báo bắt đầu mời tôi viết bài, đặc biệt là các báo ở Hoa Kỳ, và nhiều tờ báo ở các nước nói tiếng Anh khác nữa. Sau khi quyển Khát khao Linh Thánh được lên kệ sách, số tờ báo có đăng bài của tôi, tăng từ mười lên đến khoảng bảy mươi tờ, và giữ vậy cho đến ngày nay. Một phần của sự phát triển này là nhờ những nỗ lực của Kay Lagried, người đã đưa loạt bài này lên báo giáo phận của Seattle và Washington, từ đó thu hút các tờ báo khác cũng làm theo. Và cô Lagried đã làm người đại diện có một không hai của tôi, cho đến khi cô mất cách đây hai năm. Đến tận lúc này, người ta ước lượng loạt bài của tôi đã thu hút được một lượng độc giả lên đến trên một triệu người.

Gần đây, loạt bài của tôi đã được dịch ra tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt, và các bạn đọc có thể tiếp cận được với chúng qua hai thứ tiếng này.

Đó là những gì được thừa nhận chính thức. Ngoài ra loạt bài của tôi còn được phổ biến rộng hơn trên mạng, và trong vô số tờ báo, bản tin, và tập san giáo hội vốn không cần giấy phép và ủy quyền gì. Thật sự điều này là có thật, đặc biệt ở châu Á, nơi chưa áp dụng chặt chẽ luật bản quyền tác giả. Nói chung, tôi chẳng thấy có vấn đề gì với chuyện này. Tôi đang dùng ngòi bút mình với tư cách là nhà truyền giáo, và phần lớn người ta in những bài của tôi mà chưa được phép chỉ bởi vì họ thiếu nguồn tài chính để in ấn một cách hợp pháp hay bởi vì họ thấy việc họ làm chẳng có gì đáng quan trọng mấy, nên không có vấn đề gì. Tôi xin ngã mũ chào!

Năm 1982, lúc ngồi bên bàn làm việc ở Bỉ và gõ gõ chiếc máy đánh chữ, tôi chẳng nghĩ gì đến sự lâu bền và lượng độc giả toàn cầu cho loạt bài của mình. Tôi chỉ đơn giản là bỏ các ghi chép vào những cái chai và hy vọng có ai đó sẽ tìm thấy nó. Bây giờ, ba mươi năm sau, tôi đang dùng một chiếc máy tính xách tay thay cho máy đánh chữ, nhưng những nỗ lực và ước mơ của tôi vẫn y hệt như thưở ban đầu ấy.

J.B. Thái Hòa dịch

1298    16-01-2018