Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Đạo đức bình dân

                                    z5354925252235d2ef923ef13ad179527eed69122a8f33

Có thể định nghĩa: Đạo đức bình dân là những hành vi biểu lộ tâm tình tôn thờ, cảm tạ, kính mến (xin ơn) hướng lên Thiên Chúa, cũng như tôn kính Đức Mẹ và các thánh được thể hiện cách tự phát không tuân theo một công thức phụng vụ hay một lễ nghi đã được soạn sẵn, bên cạnh đó là những việc làm tốt đẹp và nhân văn mà con người ta thực hiện cho nhau. Lòng đạo đức bình dân có thể thực hiện cách riêng lẻ cá nhân hay cùng làm trong một tập thể. 

Theo giải thích như vậy thì có thể kể vài việc làm cụ thể như: Gia đình hay cá nhân đọc kinh, lần hạt Mân Côi vào mỗi buổi tối (sáng). Viếng Nhà thờ hoặc nghĩa trang. Đi thăm hỏi và cầu nguyện cho người đau bệnh, hay quá cố. Làm dấu Thánh giá trước lúc dùng cơm hay trước khi bắt đầu, hoặc sau khi hoàn tất một công việc. Ông bà, cha mẹ dạy dỗ con cháu học giáo lý, kinh nguyện và những điều hay lẽ phải. v.v…(tất nhiên là còn rất nhiều những việc làm khác nữa)

Việc thực hiện lòng Đạo đức bình dân mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp không chỉ cho người thực hiện mà còn có sức ảnh hưởng sâu đậm đến những người sống chung quanh. Người thực hiện hành vi Đạo đức bình dân thì, tất nhiên phát xuất từ lòng kính Chúa và yêu người, những hành động ấy được thúc đẩy bởi lòng yêu mến Thiên Chúa và sự tử tế với những người anh em mình. Kinh Thánh đã chẳng nói, chỉ có đầy trong lòng thì mới phát sinh ra hành động bên ngoài mà thôi: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình… Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6 45)

Như đã nói ở trên, khi thực hiện hành vi Đạo đức bình dân, nó như một gương tốt đi vào tâm trí của những người chứng kiến để rồi ít nhiều cũng sẽ  ảnh hưởng đến họ trong đời sống hàng ngày theo hướng tích cực.

Nói về tiểu sử của Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, thì ngài mồ côi mẹ rất sớm, từ năm mới 9 tuổi. Ngài thuật lại rằng: “Nhiều đêm vô tình thức giấc, (cậu bé Karol Jozef Wojtyla) tôi thấy cha mình đang quỳ gối cầu nguyện”. Hình ảnh này đã in sâu vào tâm trí của cậu, nó tác động rất sâu sắc đến lòng kính mến Chúa trong cuộc sống của cậu sau này.

Hướng về Thiên Chúa, người có lòng Đạo đức bình dân thường có hành động bày tỏ tâm tình cảm tạ, tri ân và kính mến đến Ngài bất cứ lúc nào và nơi nào khi người ấy cảm thấy có “nhu cầu” cần làm, ngay cả ở những nơi công cộng. Vào ngày 16/05/2023, đội tuyển U.22 Việt Nam có trận đấu tranh huy chương đồng (Seagame 32) với Đội tuyển U.22. Myanmar, môn bóng đá. Vào những phút thứ 09 và 34 cầu thủ Hồ Văn Cường, mang áo số 13 đã ghi hai bàn thắng cho đội tuyển Việt Nam, điều đáng ghi nhận, đó là sau mỗi lần ghi bàn cầu thủ này đều làm Dấu Thánh Giá! Có lẽ đó là cách cầu thủ Cường bày tỏ lòng cảm tạ và tri ân lên Thiên Chúa.

Việc thể hiện lòng Đạo đức bình dân sẽ rất khó có thể thực hành được đối với những người mà tâm hồn khô khan, nguội lạnh và trống rỗng. Bởi chính vì vậy nên họ không có động lực để thực hiện việc làm này, ngoài ra không thể không kể đến những người mà miệng luôn nói lời thô tục. Trong xã hội mọi thời, mọi nơi luôn tồn tại một “bộ phận” không làm chủ được lời nói của mình (hoặc có khi cố tình) là hễ cứ mở miệng ra “chửi thề, đèo quẩy”, tất nhiên những phần tử này sẽ không được mọi người quý mến và tôn trọng! Những con người này sẽ khó có thể thực hiện được hành vi Đạo đức bình dân cách tốt đẹp vì lời ăn tiếng nói của họ đi ngược lại việc làm đạo đức. Giống như người ta phải hút thuốc cách thụ động thế nào thì loại người này cũng mang lại sự phiền toái vì làm “ô nhiễm” cho cộng đồng như vậy! Khi người khác phải nghe những lời nói tục tằn, cho dầu họ không muốn, và vô tình nó tiêm nhiễm vào tiềm thức của những người bị nghe một cách bất đắc dĩ.

Bởi vậy, muốn thực hiện lòng Đạo đức bình dân; thì trước tiên người ta phải có một tấm lòng mến Chúa và yêu người và sau là phải biết kiểm soát ngôn từ của mình, như lời thánh Gia-cô-bê: “Ai không vấp phạm về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế bản thân” (Gc 3, 2).

Thiên Chúa chắc hẳn sẽ rất yêu chuộng những người có lối sống Đạo đức và mọi người cũng sẽ mến thương những ai có lối sống đó; ăn nói thật thà, chân chất. Vì thế cho nên, chúng ta sẽ cố gắng trở thành những người đạo đức, khiêm tốn và hiền hoà thì không những được Thiên Chúa luôn che chở, phù trợ thi ân giáng phúc, mà đối với mọi người sống chung quanh, chúng ta còn nhận được sự tôn trọng và lòng yêu mến. 

Tác giả: Đa Minh Trần Văn Chính. 

88    17-04-2024