Sidebar

Thứ Hai
13.05.2024

Đạo đức theo triết gia Fabrice Midal

Đạo đức theo triết gia Fabrice Midal

 

lavie.fr, Stéphanie Combe, 2019-02-19

Triết gia phủi bụi lên khái niệm, nhưng không vì thế mà ông chủ trương trở lại thứ trật đạo đức. Giải thích của triết gia Midal, chuyên gia về thiền. Khi gặp khó khăn, gặp mâu thuẫn chúng ta nên áp dụng thái độ nào? Trong quyển sách Khảo luận đạo đức để thắng những chuyện bực mình, triết gia Fabrice Midal đề nghị một con đường thứ ba. Phỏng vấn. 

Từ khi nào ông lưu ý đến vấn đề đạo đức?

Từ gần đây! Trong một thời gian dài tôi bỏ qua nó, vì tôi nghĩ nó xưa cũ, lỗi thời, giáo điều. Và tôi nhận ra, hiện nay việc từ bỏ nó lại dẫn đến một hoài nghi và bất lực chết người. Tôi tìm mọi cách để xoay xở khi đứng trước tất cả các khó khăn mà chúng ta phải đương đầu hàng ngày. Và tôi khám phá ra khi đọc lại các triết gia, nhất là Aristote, chỉ có đạo đức và duy chỉ có đạo đức mới giúp được chúng ta.

Trong cái gì?

Đạo đức không bao gồm các quy tắc chúng ta tuân thủ một cách mù quáng nhưng đó là sự mềm dẻo dự vào thực tế để hành động tốt nhất. Tất cả chúng ta cần làm việc này: chúng ta bị vướng vào một tầm nhìn dính vào các quy tắc cứng nhắc, chúng trở thành xiềng xích. Và thường, thói quen và nguyên tắc cản trở khả năng hành động đúng của chúng ta.

Nguy cơ là đánh mất tinh thần đạo đức?

Hoàn toàn đúng, chính vì vậy mà Chúa Kitô chữa bệnh ngày xa-bát. Một tấm gương tuyệt vời! Ngài ở trong sự thật của đạo đức vì Ngài có biệt tài nhìn điều tốt cho người khác. Hành động một cách đạo đức buộc chúng ta chấp nhận tiếp xúc với thực tế, nhìn thực tế trước mặt, thậm chí – và trên hết – khi nó làm chúng ta “bực mình…”. Biết bao nhiêu lần khi đứng trước vấn đề, chúng ta muốn quay lưng đi hoặc buông bỏ? Loại khôn ngoan khắc kỷ đang chiến thắng hôm nay, và tôi dấn thân chiến đấu chống loại tinh thần này, chủ trương một tinh thần không bám dính, từ bỏ, buông bỏ, ngược với tinh thần kitô giáo đã được hiểu: đứng trước bất công, tinh thần kitô mời gọi nổi dậy và dấn thân. Và đó mới đúng là minh triết. 

Biết bao nhiêu lần khi đứng trước vấn đề, chúng ta muốn quay lưng đi hoặc buông bỏ?

Có phải là khôn ngoan khi dấn thân không?

Ở đây chúng ta không ngồi thiền, bình thản, thư giãn, điềm tỉnh. Ở đây chúng ta phải sẵn sàng dấn thân, tôn trọng người khác và hướng đến mục đích cao đẹp của mình. Vì thế đạo đức không ngăn cấm phải láu lỉnh! Vì thế cha mẹ có hành vi đạo đức khi lén giấu rau trong món ăn. Đó không phải là thao túng, thao túng là không quan tâm đến lợi ích của người khác. Lẫn lộn xảo quyệt và thao túng là bất lực trước thực tế. Một cách kỳ lạ, đạo đức là mềm dẻo, uyển chuyển, nó thích nghi, nó thúc đẩy sự tháo vát. Không phải chính Chúa Kitô đã nói: “Hãy khôn lanh” đó sao? Chúng ta phải đọc lại Tin Mừng!

Mười Điều Răn trong Cựu Ước là bắt buộc. Nó có gò bó khi giữ các điều này cho đời sống không?

Trên thực tế là: “Làm thế nào chúng ta ở trong cụ thể của cuộc sống mình?” Và ở đó, vấn đề trở nên phức tạp! Chính xác tôi viết quyển sách này để vẽ lên nghệ thuật làm người, học để xoay xở với quan tâm cho lợi ích và các khó khăn của cuộc hiện sinh, các nghịch lý, các nhầm lẫn của chúng ta. Tôi đồng ý với triết gia Pascal: “Đạo đức coi thường đạo đức.” Đạo đức là tương đối, vì mỗi tình trạng là duy nhất. Dù vậy tôi không phải là người tương đối hóa mọi chuyện, nhưng tôi tin sự thật luôn là quan hệ. Từ chối điều này sẽ tạo ra bạo lực, đe dọa một cách đau đớn đến cuộc sống và xã hội chúng ta.

Theo ông, đâu là nền tảng của đạo đức?

Có một quan niệm theo kiểu nhân rộng tối đa các nhiệm vụ: với chính mình, với người khác, với quốc gia, với hành tinh v.v… .Đứng trước đạo đức, chúng ta không bao giờ cảm thấy mình ở đúng tầm cao của nó. Và một quan niệm khác ủng hộ loại luân lý thấm nhập sự bất toàn trong các tình huống của chúng ta. Dĩ nhiên tôi nghĩ chúng ta không nên nói dối, nhưng có một nghệ thuật và một cách để diễn tả sự thật. Người sếp tàn nhẫn sẽ nói mà không nhìn đến nhân viên, ông nói công việc của người này là “zero”, đó là lối nói hung bạo. Chúng ta không phải là người nắm giữ sự thật, chúng ta phục vụ cho sự thật. Giao tiếp bất bạo động là lợi thế để tránh hung hăng, giúp chúng ta đối diện với trạng huống và giúp chúng ta tiến triển.

Dĩ nhiên tôi nghĩ chúng ta không nên nói dối, nhưng có một nghệ thuật và một cách để diễn tả sự thật.

Ông cho rằng đòi hỏi đạo đức là một điều cần thiết. Có phải đây là chuyện nghịch lý trong thời buổi mọi người chủ trương tương đối hóa mọi sự không?

Trái lại là đàng khác! Chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của đạo đức, và đó là thảm họa. Không có đạo đức, đứng trước các khó khăn, chúng ta chạm trán với một loại thay thế xiêng xẹo: bạo lực (tôi phải thắng, tôi phải đè bẹp người khác) hay cự tuyệt (tôi buông tay, tôi thư giãn). Đạo đức đích thực giúp chúng ta đi ra khỏi ngỏ cụt này và đề nghị một con đường thứ ba, để chúng ta không phải là kẻ đi giết người, cũng không phải là người ngố. Đạo đức giúp đối diện với thực tế và hành động tốt hơn, lắng nghe tiếng nói nhỏ bé trong sâu thẳm tâm hồn mình, hay nói như triết gia Rousseau nói ‘nghe tiếng quan tòa nội tâm’ nói với chúng ta những gì chúng ta phải làm.

Lương tâm giác ngộ nhận thấy cái gì đúng và thẳng. Tất cả chúng ta đều có bản năng đạo đức?

Có, nhưng đôi khi nó bị tắt. Đó là trường hợp của Eichmann, người đức quốc xã trách nhiệm về bộ máy “giải pháp cuối cùng”, ông đã bị chấn động sau khi đi thăm các trại tập trung. Dù vậy ông vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình vì “bổn phận”, nhân danh nguyên tắc bất bình đẳng chủng tộc mà ông tuân theo và đó là lý do cho bản năng đạo đức của ông. Và đó là điều tận cùng vô luân. Nhưng mỗi người có tự do để nghe (hay không nghe) tiếng nói nhỏ bé trong lòng mình.

Trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi chúng ta nghe, đôi khi chúng ta không nghe… và không bao giờ điều này được xem như một điều đã thụ đắc.

Tất nhiên, chúng ta không bao giờ “tốt” một lần và mãi mãi. Cuộc sống làm chúng ta chao đảo, với các quyết định phải lấy. Chẳng hạn, tôi không công bằng như tôi muốn, tôi không dấn thân đủ khi đứng trước sự cấp bách của môi sinh. Đó là một sự đi tìm.

Đạo đức chân thực là sức mạnh của khẳng định: nhân danh đức ái kitô giáo, tôi không chấp nhận mọi hiểu lầm, chấp nhận để người khác quyết định giùm cho tôi.

Và một cách để hoàn thiện chính mình, ông có đi tới không. Trong lãnh vực nào?

Đôi khi chủ nghĩa lý tưởng làm chúng ta nghẹt thở. Một trong các cô bạn của tôi, lần đầu tiên cô từ chối không tiếp chị và cháu của cô đến chơi ngày cuối tuần, vì cô cảm thấy mình không đủ sức. Nhưng vì một ý tưởng đạo đức, cô trách mình. Chúa Giêsu không cấm chúng ta diễn tả những gì chúng ta nghĩ, những gì chúng ta mong muốn, những gì chúng ta cần. Đạo đức chân thực là sức mạnh của khẳng định: nhân danh đức ái kitô giáo, tôi không chấp nhận mọi hiểu lầm, chấp nhận để người khác quyết định giùm cho tôi. Tôi bắt đầu nhận ra phẩm giá của mình. Aristote đã khẳng định “chúng ta không bao giờ biết được ai là người công chính khi họ chưa thích thú thực hiện các hành động đúng”. Đạo đức không tách rời với thích thú vui vẻ. Hành động đạo đức là có quyết định, thay đổi và hoàn tựu. Điều này thay đổi phối cảnh, đúng không?

Giáo dục đạo đức bắt đầu ở nhà, ông có lời khuyên nào cho cha mẹ?

Cha mẹ bị ám ảnh cầu toàn, lý tưởng phải đạt là có gia đình hạnh phúc và bình an. Thực tế là trẻ sơ sinh khóc, trẻ con không vâng lời, trẻ vị thành niên lén hút thuốc. Phải buông mọi giấc mơ và các nguyên tắc cao cả của mình để xoay xở với thực tế… Đạo đức không phải là vấn đề quy tắc hay đức hạnh, là “đừng làm cái này, đừng làm cái kia”; nó là cách sống. Đó là khái niệm Hy Lạp với ý nghĩa “làm cái gì hài lòng.” Nó tỏa rộng ra trên cuộc sống, trên tiềm năng, trên sự xuất sắc của chúng ta. Tôi hạnh phúc khi tôi hành động đúng. Vì thế, dần dần tôi mở ra với người khác, tôi dấn thân, tôi giúp đỡ. Nhưng hành động này sẽ không được chỉ đạo bởi những “tôi phải”.  Sự phân biệt tinh tế này thay đổi tất cả.

Để vượt qua các trở ngại một cách tốt hơn

Chúng ta nói “xin chào”. Đây không phải chỉ là lời nói lịch sự: đây là hành động cam kết làm giảm bớt các khác biệt và thiết lập một quan hệ bình đẳng. Không nói lên lời chào là chúng ta dựng lên bức tường, làm cho cuộc gặp gỡ trở nên không thể. Tôi không chào vì dưới mắt tôi, bạn không tồn tại…

Đừng vướng vào than phiền. Đừng bị mắc kẹt, bị chặn trong thoải mái của than phiền, trong êm ấm tự cho mình là nạn nhân. Các bạn hãy chuyển động: quan sát chuyện đang xảy ra. Hãy nói không. Hãy hành động.

Hãy đi đến tiệm cắt tóc. Thay đổi kiểu tóc, thay đổi cách ăn mặc, cách nào làm cho bạn thoải mái, dọn dẹp bàn làm việc, ngẩng cao đầu. Tìm cho mình một tư thế, tìm lại thân thể mình, cho nó có một chỗ đứng trong cuộc đời bạn. Bạn sẽ đủ khả năng đối diện với các vấn đề và thắng các khó khăn.

Khảo luận đạo đức để thắng những chuyện bực mình (Traité de morale pour triompher des emmerdes), Fabrice Midal, nxb. Flammarion.

Marta An Nguyễn dịch

578    05-03-2019