Sidebar

Thứ Bảy
05.10.2024

Đào tạo trường kỳ linh mục cho một Giáo Hội hiệp hành

screenshot20240913at113024 pm822x4501


Một cái nhìn về bảy nhân đức hỗ trợ cho sứ vụ của chúng ta.

Một Giáo Hội hiệp hành là một phương cách để trở nên Giáo Hội kết hợp sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Điều này có nghĩa là tất cả những người đã chịu phép rửa tội cùng nhau hành trình (Synodalitysyn cộng với odos) trong Chúa Thánh Thần và dưới Lời Chúa: (1) khi chúng ta cố gắng sống hiệp thông một cách có chủ đích hơn với Thiên Chúa và với nhau, (2) khi chúng ta tìm cách khuyến khích sự tham gia nhiều hơn vào hành trình này theo vai trò và trách nhiệm tương ứng của mình, và (3) để chúng ta có thể tham gia đầy đủ hơn vào sứ vụ mà Chúa Giêsu Phục sinh đã trao phó cho chúng ta.

Báo cáo Tổng hợp Phiên họp tháng 10 năm 2023 của Thượng Hội đồng Giám mục, “Một Giáo Hội hiệp hành trong sứ vụ”, nói về sự chú trọng đặc biệt cần có dành cho công cuộc đào tạo linh mục trong bối cảnh đào tạo tất cả những người đã chịu phép rửa tội để phục vụ trong một Giáo Hội hiệp hành.

Bất kỳ nỗ lực nào như vậy đều được quy chiếu cách rõ ràng nhất trong tầm nhìn của Giáo Hội nơi Công đồng Vaticanô II và trong các diễn biến kể từ thời điểm đó. Từ “tầm nhìn” là có chủ ý, vì những gì Công đồng nói, và cách Công đồng nói, hướng chúng ta đến lý tưởng trung thành hơn với bản chất sâu xa nhất của chúng ta là Giáo Hội để thực hiện điều đó một cách có chủ ý và ý thức hơn.

Chúng ta có thể lấy nguồn cảm hứng từ Kinh Thánh cho tầm nhìn này trong hai câu trong Thư gửi tín hữu Êphêsô: “Ngài [Thiên Chúa Cha] đã cho chúng ta biết ý muốn nhiệm mầu của Ngài theo ân sủng mà Ngài đã đặt ra trong Người [Chúa Kitô] như một kế hoạch [oikonomian] cho đến khi thời gian viên mãn, để quy tụ mọi vật trong Chúa Kitô, trên trời và dưới đất.” (Ep 1:9-10)

Hình thành các nhân đức

Một cách tiếp cận để hình thành nên các linh mục của chúng ta cho một Giáo Hội hiệp hành có thể là hướng nhìn về các nhân đức - các thói quen, khuynh hướng của tâm trí và trái tim hướng dẫn các hành động của chúng ta và cách chúng ta tương quan với người khác.

Đức tin

Nhân đức đầu tiên, không còn nghi ngờ gì nữa, là đức tin. Tất nhiên, đây là một nhân đức siêu nhiên, một món quà từ Thần Khí của Thiên Chúa nơi chúng ta. Đức tin này hướng vào ai, vào điều gì? Vào Chúa Kitô, dân tư tế của Người, và vào chính chúng ta là những người được thụ phong.

Sắc lệnh của Công đồng Vaticanô II về Chức vụ và Đời sống Linh mục (hiện được lập lại trong Lời dẫn của Thánh lễ Truyền dầu và trong Nghi thức Truyền chức Linh mục) xác định những đối tượng này của đức tin. Sắc lệnh, dựa trên Ga 10:36, trước tiên hướng về Chúa Giêsu, Đấng mà Chúa Cha đã xức dầu bằng Thánh Thần và sai đến thế gian và - trong cùng một câu - đã làm cho toàn Nhiệm Thể của Người chia sẻ cùng một Thánh Thần mà Người được xức dầu.

Sau đó, trong Chúa Kitô, tất cả các tín hữu được tham dự vào chức tư tế thánh thiện và vương giả. Kết quả là, mỗi thành viên đều có một phần trong sứ vụ của toàn bộ thân thể.

Chỉ khi đó, bản văn mới nói rằng, trong số các tín hữu của mình, chính Thiên Chúa đã thiết lập các thừa tác viên (ministros), giám mục, những người chia sẻ sự thánh hiến và sứ vụ của Chúa Kitô, những người thực hiện chức vụ tư tế chung cho người khác nhân danh Chúa Kitô. Chức vụ của các ngài, ở mức độ thấp hơn, đã được trao cho các linh mục để hoàn thành cách xứng hợp sứ vụ tông đồ.

Mục đích của tất cả những điều này: Đức tin là tin vào việc Chúa Kitô được xức dầu và được trao ban sứ vụ. Đức tin hướng đến việc các giám mục và linh mục được xức dầu và được trao ban sứ vụ. Đức tin cũng cho thấy tất cả những người đã chịu phép rửa tội đều cùng chia sẻ sự xức dầu của Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô và chúng ta, những linh mục, được xức dầu để đảm nhận một vai trò trong sứ vụ của Chúa Kitô. Nếu chúng ta không tin với niềm xác tín thực tế rằng chức tư tế vương giả của những người đã chịu phép rửa tội làm thành chứng nhân cho Chúa Giêsu theo tinh thần ngôn sứ, thì tính hiệp hành sẽ mất đi mọi đòi hỏi đối với sự quan tâm hoặc chú ý của chúng ta.

Đức tin không chỉ đơn thuần là sự chấp nhận về mặt trí tuệ đối với giáo lý của Giáo Hội; đó là một ơn ban của Thiên Chúa, giúp chúng ta nhận ra và đón nhận Chúa Kitô, nhận ra và đón nhận Chúa Kitô và Thánh Thần của Người trong tất cả các anh chị em đã chịu phép rửa tội của chúng ta, cũng như nhìn thấy và đón nhận sự hiện diện của Chúa Kitô và Thánh Thần của Người trong chính chúng ta với tư cách là linh mục. Chúng ta có thể cần nhắc nhở bản thân luôn ý thức về ba khía cạnh của đức tin này - Chúa Kitô, dân tư tế, những người được truyền chức, theo thứ tự đó.

Những điều hàm chứa trong đức tin này là rất lớn lao. Chúng ta, những linh mục, phải liên hệ với giáo dân theo cách tôn trọng họ, chia sẻ trách nhiệm cùng với họ và phục vụ họ.

Khiêm nhường

Thánh Tôma Aquinô nói về humilitas veritas (“khiêm nhường là chân lý”). Chúng ta cần sống theo chân lý thâm sâu nhất trong mọi điều - trong trường hợp này, chân lý về Chúa Kitô, về chức tư tế vương giả bởi phép rửa tội và về bản thân chúng ta với tư cách là những người cộng tác và phục vụ Dân thánh của Thiên Chúa. Sống theo cách này là sống theo chân lý về con người chúng ta nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Sự khiêm nhường cũng phản ánh thái độ tôn trọng người khác. Trong Thư gửi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô cầu xin rằng chúng ta không làm bất cứ điều gì vì hư danh nhưng hãy khiêm nhường coi người khác quan trọng hơn mình. Mẫu gương của chúng ta là Chúa Kitô, Đấng đã tự khiêm tự hạ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải gánh chịu thập giá.

Công bằng

Công bằng là “ý chí kiên trì và bền bỉ muốn trả lại những gì mình mắc nợ đối với Thiên Chúa và tha nhân” (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1807). Việc trả lại những gì mình mắc nợ đối với Thiên Chúa được thể hiện qua nhân đức tôn giáo, như lời đối thoại mở đầu trong mỗi Kinh Nguyện Thánh Thể nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta. … Thật là chính đáng và công bằng.” Là những tạo vật được cứu chuộc, chúng ta cần phải tạ ơn Thiên Chúa và trở thành những con người cầu nguyện.

Hiệp hành là cùng nhau bước đi trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần phải hòa hợp với Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chính mình nếu chúng ta muốn hòa hợp với Chúa Thánh Thần đang nói trong Lời Chúa và nói qua người khác. Chúng ta cần cầu nguyện cho những người sẽ nói và cầu nguyện cho sự sẵn sàng và thiện chí của chúng ta để lắng nghe, để thực sự lắng nghe những gì đang được nói ra. Hiệp hành chẳng là gì nếu nó không phải là sự gắn kết trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần Chúa Thánh Thần và chúng ta cần phải là những linh mục cầu nguyện để thực hiện được điều đó.

Nhân đức công bằng cũng mời gọi chúng ta phải trả lại những gì mình mắc nợ đối với tha nhân. Trong bối cảnh này, chúng ta, những linh mục, cần tôn trọng rằng giáo dân là những người chị em và anh em của chúng ta trong Thiên Chúa. Chúng ta cần tôn trọng sensus fidei (cảm thức đức tin) của toàn thể Dân Thiên Chúa, “bản năng” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, để nhận ra những cách thức mới mà Thiên Chúa đang khai mở cho Giáo Hội. Chúng ta, những linh mục, có trách nhiệm với Thiên Chúa và với những người anh chị em đã chịu phép rửa tội của mình để nhận ra và giúp họ nhận ra Chúa Thánh Thần là Đấng đã được ban tặng cho họ. Chúng ta mắc nợ họ điều đó, một vấn đề về công bằng.

Một chiều kích khác của việc trả lại những gì chúng ta mắc nợ tha nhân là nhận ra sự công bình cũng là sự công chính. Thánh Phaolô nhìn thấy sự công chính của Thiên Chúa được trao ban cho chúng ta trong Chúa Kitô và việc chúng ta trở nên xứng đáng với sự công chính của Thiên Chúa trong Người (x. 2Cr). Thuật ngữ “sự công chính” có thể được dịch tốt hơn là “sự chỉnh đốn”, Thiên Chúa sắp xếp mọi thứ đúng trật tự, “quyền năng của Thiên Chúa là để khắc phục những gì đã sai lạc”, như Fleming Rutledge nói trong “The Crucifixion” (Khổ hình thập giá). Nhờ phép rửa tội, chúng ta trở nên một với và trong Chúa Kitô để thúc đẩy mối tương quan đúng đắn với Thiên Chúa, với nhau và với thế giới, ngôi nhà chung của chúng ta.

Hiếu khách

Hiếu khách giúp chúng ta chào đón những người mà chúng ta có thể không tiếp cận theo bản năng, giống như Chúa Giêsu hiếu khách với mọi người và khi làm như vậy, Người đã mở rộng ranh giới vượt quá những gì được mong đợi bởi một số người cùng thời với Người. Điều này có thể không chỉ bao gồm những ai diễn đạt phần nào ý nghĩa của giáo lý cách đúng đắn, mà còn cả với những người mang đến sự phân định mang tính hiệp hành về lòng sùng kính chân thành đối với Thiên Chúa, với Mẹ của Người hoặc với các thánh. Đừng ngạc nhiên nếu những người không biết thần học theo cách của chúng ta lại làm chúng ta ngạc nhiên khi giúp chúng ta nhận ra được các khía cạnh về ý nghĩa và các đòi hỏi của đức tin.

Kiên nhẫn

Chúng ta sẽ cần kiên nhẫn khi tương quan và đối xử với những người trong số các tín hữu nói trên. Kiên nhẫn giúp chúng ta lắng nghe, không chỉ để thấu hiểu những lời được nói ra, mà còn là lưu tâm đến những gì có thể gây nên tổn thương từ những lời nói đó. Chúng ta sẽ cần kiên nhẫn với những người muốn trút cơn giận một chút trước khi họ có thể thổ lộ những gì thực sự trong tâm trí hoặc trong trái tim của họ, hoặc với những người cần thời gian để đi đến quan điểm mà họ muốn nêu ra.

Lòng hiếu khách và sự kiên nhẫn có thể đòi hỏi những người có khuynh hướng hướng nội nhiều hơn trong số chúng ta phải thúc đẩy bản thân thêm một chút nếu chúng ta muốn chào đón người khác nhân danh Thiên Chúa và lắng nghe họ trong khi theo bản năng, chúng ta muốn làm công việc của riêng mình.

Những người có khuynh hướng hướng ngoại trong số chúng ta có thể cần phải kiềm chế bản thân thêm một chút, để chúng ta có thể thực sự lắng nghe trước khi nói, để chúng ta có thể dành thời gian cho những người chậm hơn trong việc đi vào vấn đề.

Phân định

Phân định có lẽ có thể được xem là một nhân đức miễn là chúng ta cần phải nỗ lực thực hiện. Nhưng, đúng hơn, đó là một nghệ thuật, một nghệ thuật có vị trí rất quan trọng trong Giáo Hội hiệp hành đang trên đà phát triển. Tuyên bố tổng hợp của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB) trong các cuộc thảo luận về tính hiệp hành mô tả sự phân định là “một thực hành của Giáo Hội được thực hiện trong tinh thần cầu nguyện, suy niệm và đối thoại liên tục,” chú ý “đến tiếng nói của Thiên Chúa trong phụng vụ của Giáo Hội, trong truyền thống giảng dạy của Giáo Hội và trong tiếng nói từ kinh nghiệm sống của Dân Thiên Chúa.”

Chúng ta không xa lạ gì với sự phân định về ơn gọi cũng như về những quyết định hằng ngày vốn cản trở hoặc hỗ trợ cho nó. Nghệ thuật phân định giúp chúng ta đưa ra những quyết định đặt mình vào bên cạnh Thiên Chúa trong công trình vĩ đại là phục vụ cho vương quốc của Người.

Sự phân định mang tính hiệp hành tìm đến sự hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đang nói với chúng ta trong Lời của Người và trong nhau, để cùng nhau chúng ta có thể trung thành hơn với sứ vụ mà Thiên Chúa trao phó cho chúng ta.

Sự phân định mang tính hiệp hành là một nghệ thuật chứ không chỉ đơn thuần là một nhân đức được phú ban. Chúng ta cũng cần nhớ rằng việc tham gia vào sự phân định cộng đồng là một trải nghiệm mới mẻ đối với tất cả chúng ta, ngay cả đối với những người có thể đã được thụ phong cách đây nhiều năm. Tất cả chúng ta đều cần sự kiên nhẫn và khiêm nhường.

Sự thận trọng

Cuối cùng, thận trọng, hay sử dụng lý trí thực tế để phân định đúng sai, là điều cần thiết vì, như Đức Tổng Giám mục Christophe Pierre nhắc nhở chúng ta, không phải mọi ý kiến ​​đều bình đẳng, cũng như con đường công nghị không phải là một quá trình hoàn toàn dân chủ. Các linh mục là một phần của hệ thống phẩm trật trong Giáo Hội - một phần của cấu trúc được Thiên Chúa sắp đặt trong Giáo Hội - không phải theo nghĩa là vượt trội hơn mọi người khác (chủ nghĩa giáo sĩ), mà theo nghĩa là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa, được kêu gọi phục vụ người khác nhân danh Thiên Chúa và xứng đáng với sự tin tưởng được trao phó cho chúng ta. Chúng ta không được từ bỏ vai trò đó. Để thực hiện vai trò đó một cách thận trọng, chúng ta phải lắng nghe một cách tôn trọng. Như Đức Tổng Giám mục Pierre chỉ ra, theo thời gian, Chúa Thánh Thần có thể dẫn dắt các cá nhân và toàn thể Giáo Hội nhìn nhận mọi thứ theo những cách thức khác nhau, để khám phá ra con đường dẫn đến Chân Lý.

Cùng nhau, tất cả chúng ta đang học cách trở thành một Giáo Hội hiệp hành. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta khi chúng ta thực thi điều này, để ngày càng trở thành Giáo Hội mà Chúa Kitô mong muốn chúng ta trở thành một cách trung thành hơn.

 

Tác giả: Lm. Frederick J. Cwiekowski, PSS* - Nguồn: The Priest (15/9/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
------------------------------------------------
* Lm. Frederick J. Cwiekowski, PSS, là một linh mục của Tổng giáo phận Hartford và là thành viên của Hội Sulpice. Hiện đã nghỉ hưu, ngài là tác giả của “The Beginnings of the Church”  - Những Khởi đầu của Giáo Hội (Paulist Press, 1987) và “The Church: Theology in History” - Giáo Hội: Thần học trong Lịch sử - (Liturgical Press, 2018).

82    18-09-2024