Sidebar

Thứ Sáu
04.10.2024

Đau buồn sẽ trở thành niềm vui

Thứ Sáu trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh

Cv 18:9-18; Tv 47:2-3,4-5,6-7; Ga 16:20-23

ĐAU BUỒN SẼ TRỞ THÀNH NIỀM VUI

Trang Tin Mừng hôm nay nằm trong diễn từ biệt ly của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước ngày Ngài đi chịu chết : "Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui.”

Ta thấy các Tông đồ đã trải phải qua nỗi buồn, lo lắng bồn chồn và đau khổ về cuộc ra đi của Chúa Giê-su là chuyện rất bình thường của tâm trạng con người. Thế nhưng, Chúa Giê-su đã cho họ có cái nhìn siêu nhiên, hơn là dừng lại ở những cảm xúc tự nhiên con người. Họ cần phải có sự chiến đấu nội tâm để có được niềm hy vọng vào Đức Ki-tô!

Chúa ra đi chịu chết là nỗi buồn của các môn đệ, vì các ông phải xa Chúa. Nỗi buồn mất Chúa, vắng Chúa bao trùm lên các môn đệ. Chúa Giêsu hiểu rõ tâm tình của các môn đệ, Ngài đã khuyến khích các ông bằng lời an ủi, động viên : “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui.”

Chúa muốn nói gì với các môn đệ : “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”? Thưa, Chúa Giêsu muốn nói đến niềm vui phục sinh. Ngài sẽ trải qua đau khổ và đón nhận cái chết, nhưng Ngài sẽ phục sinh và lên trời.

Đây là niềm vui lớn làm cho các ông quên hết nỗi buồn, chẳng khác gì người phụ nữ mang thai và sinh con; bà sẽ vui khi chính đôi tay của mình ôm ẵm đứa con vừa chào đới; bà quên hết nỗi đau đớn khi sinh con.

“Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”, tình thế đảo ngược, từ bi đát đến chiến thắng vẻ vang, là nét đặc biệt nơi những người có niềm tin vào Đức Kitô : Hội Thánh và những Kitô hữu trong Hội Thánh, là tất cả những người đang sống trong niềm hy vọng vào Đức Kitô, là những người đang phải trải qua những đau khổ trong cuộc sống đời này, nhưng mọi người sẽ tin tưởng hơn, hy vọng hơn nơi Đức Kitô Phục sinh. Ngài là niềm vui và hy vọng cho mọi người. Ngài sẽ giải thoát mọi khổ đau và thay thế tất cả bằng niềm vui vĩnh cửu.

Sự lo buồn của các môn đệ là tâm trạng tự nhiên của con người khi phải xa cách Thầy, Đấng mà họ yêu mến.  

Thật vậy, trong suốt thời gian được ở với Thầy, họ đã nhiều lần chứng kiến các phép lạ Thầy làm, lời Thầy rao giảng, cầu nguyện trong thầm kín và lòng yêu thương nhân từ, nhất là khi chứng kiến cái chết và sự Phục sinh vinh quang của Thầy thì càng làm cho các môn đệ lo buồn khi phải xa cách người mình yêu mến.  

Và rồi, chắc có lẽ Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gửi với các môn đệ một sứ điệp tương lai: là khi Thầy ra đi rồi, nếu anh em có phải chịu đau khổ vì Thầy vì họ đã “ganh ghét Thầy trước”, thì anh em hãy vui mừng, vì tên của anh em đã được ghi ở trên trời.  Đó là niềm vui mà Chúa giành cho các môn đệ, niềm vui mà không ai có thể lấy mất được. “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,5)

Sự đau khổ mà Chúa nói không phải là đau khổ của tuyệt vọng, không lối thoát, mà quan trọng và ý nghĩa hơn là niềm Hy vọng của Kitô giáo! Sự đau buồn này có lý do để mà “chịu đựng”, đó là thời gian ấp ủ để ươm mầm sự sống mới, cũng giống như hình ảnh  của người sản phụ phải trải qua những mệt nhọc, vất vả và đau đớn sắp sinh con, nhưng bà ta sẽ tràn trề niềm vui và hy vọng vì một mầm sống mới yêu thương sắp được hiện diện trong cuộc đời của bà ta.

Sự đau đớn của Chúa Giêsu như cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi, đau khổ vì sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, đau khổ vì sự sự bội bạc thay đổi của lòng người…Những đau khổ tột cùng trước giờ lâm tử, không thể chỉ dừng lại của sự hấp hối của một cái chết đơn thuần: “chết là hết!”, nhưng Chúa Giêsu đã thực sự phục sinh-đã sống lại thật.

Và như thế, chỉ có Chúa Giêsu phục sinh mới có thể đem lại ý nghĩa cho đời sống của những ai đang mệt mỏi, buồn rầu và tuyệt vọng. Đây là cái nhìn mới mẻ của Tin Mừng về sự đau khổ. Thật vậy, đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá đã sinh lại chúng ta trong đời sống mới. Có chấp nhận đau khổ và cùng chết với Chúa Kitô thì chúng ta mới mong được sống lại hạnh phúc với Người.

Trong mỗi người thực tế luôn luôn dấu ẩn một tia sáng hy vọng - dù rất nhỏ nhoi và nếu khơi gợi đúng điểm mạnh này, có thể đã làm chuyển đổi được nhiều điều…Chính trong lúc điên loạn, nhào lộn, hoạn nạn, chết chóc…tưởng chừng như sụp đổ, tan nát và vô vị, mà vẫn giữ được một niềm hy vọng nhỏ nhoi nào đó vào một Đấng Hy Vọng, đó chính là một ân ban siêu nhiên và đó đích thực là niềm hy vọng của người Ki-tô giáo có đức tin.

Với cái nhìn mới mẻ này của Tin Mừng, chúng ta đừng quên rằng, chúng ta phải bước qua những cuộc vượt qua nơi bản thân, đó là chiến đấu chống lại tội lỗi, sự dữ, những yếu đuối của bản thân, để chúng ta không dừng lại nơi những niềm vui chóng qua và tạm bợ nơi trần thế, nhưng luôn sống xứng đáng là con cái của Đấng Phục sinh, để được hưởng sự sống đời đời với Chúa.

Với cái nhìn mới mẻ của Tin Mừng, chúng ta sẽ can đảm vượt qua những thử thách gian nan trong cuộc sống, vì chúng ta tin rằng chúng ta luôn có Chúa đỡ nâng : “Ơn ta đủ cho con”. Nhờ Lời Chúa hướng dẫn,  nhờ những ơn ban của Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng, chắc chắn đức tin của chúng ta sẽ vững mạnh, để vượt qua những sóng gió trong cuộc đời hiện tại.

Với cái nhìn mới mẻ này của Tin Mừng càng thúc đẩy chúng ta tin vào Chúa Kitô. Vì qua bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta được cùng chết với Ngài, và cùng được phục sinh với Ngài.

 

 

1840    09-05-2018