Sidebar

Chúa Nhật

06.10.2024

Dấu chỉ thời đại là gì?


Trong hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, Công đồng Vaticanô II đã thúc giục các tín hữu hãy khảo sát dấu chỉ thời đại. Khảo sát dấu chỉ thời đại là gì? Có phải là đi coi tử vi, bói toán xem thời vận, như thiên hạ quen làm vào dịp đầu năm hay không?

Từ ngữ “dấu chỉ thời đại” (cũng có người gọi tắt “thời triệu”, “thời điềm”) có lẽ lúc đầu cũng có liên quan tới hiện tượng thiên văn thời tiết. Nguồn gốc của nó là lời Chúa Giêsu trách móc dân Do thái vì thái độ mù quáng của họ, như Phúc âm còn ghi lại ở Mt 16,3 và Lc 12,54-56. Matthêu thuật lại lời của Chúa như sau: “Chiều đến, các ông nói ‘ráng vàng thì nắng’, rồi sớm mai các ông nói ‘ráng trắng thì mưa’. Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông không cắt nghĩa nổi.” Chúa Giêsu đi từ những quan sát về thời tiết dựa theo những dấu hiệu mầu sắc đám mây (những nhận xét tích lũy từ kinh nghiệm của bao thế hệ, nhất là của giới nông dân) để bước sang một lãnh vực quan trọng hơn, đó là: làm thế nào để qua những dấu hiệu thời cuộc mà nhận biết sự can thiệp của Thiên Chúa? Nói cách cụ thể, Chúa Giêsu đã trách những cấp lãnh đạo của dân Do thái vì họ không biết nhận ra nơi Ngài (qua các lời giảng và việc làm của Ngài) rằng thời cứu độ đã tới. Họ mù quáng không biết đọc được dấu chỉ thời đại (hay “thời điềm”).

Như vậy thì việc nhận thức dấu chỉ thời đại chỉ liên hệ tới người Do thái, chứ có ăn thua đến chúng ta đâu?

Quả thực như vậy, Tân ước đã dùng từ “dấu chỉ thời đại” (= DCTĐ, hay thời điềm) áp dụng vào người Do thái đương thời với Chúa Giêsu; DCTĐ được hiểu là những dấu hiệu, những điềm lạ chứng tỏ Đấng cứu tinh đã xuất hiện ở giữa họ. Có thể nói là suốt gần 20 thế kỷ, thần học Kitô giáo đã hiểu DCTĐ theo nghĩa đó, hay nói đúng hơn: chẳng ai dùng từ đó cả! Mãi đến gần đây, nó mới được lưu hành không những trong các sách thần học mà còn cả trên môi miệng của các tín hữu.

Cha có thể cho biết: ai đã có sáng kiến (hay trách nhiệm) trong việc khởi xướng tiếng “dấu chỉ thời đại” không?

Người ta cho rằng người chủ sô là chính ĐGH Gioan XXIII khi tuyên bố triệu tập công đồng Vaticanô II. Và công đồng đã tiếp thu tư tưởng của Ngài trong nhiều văn kiện khác nhau, đặc biệt là hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”. Tuy nhiên cũng nên biết là từ 30 năm qua, ý nghĩa của tiếng DCTĐ có biến đổi không ít. Chúng ta hãy theo dõi sự biến chuyển đó, bắt đầu từ đức Gioan XXIII. Vào ngày lễ Giáng sinh năm 1961, trong văn thư triệu tập công đồng, đức Gioan viết: “vâng theo lời Chúa khuyên răn hãy biết phân biệt DCTĐ, chúng tôi tin rằng giữa bao mây mù đen tối, chúng tôi có thể khám phá ra rất nhiêu dấu hiệu hy vọng tin tưởng về tương lai của Giáo hội và nhân loại”. Chúng ta thấy rằng đức Gioan XXIII mở rộng ý nghĩa của tiếng DCTĐ của Phúc âm, không chỉ áp dụng cho các nhà lãnh đạo Do thái vào thời Chúa Giêsu về việc nhìn nhận thời của vị cứu tinh đã đến với họ, nhưng có thể áp dụng cho hết mọi thế hệ của nhân loại. Đặc biệt, việc khám phá DCTĐ là một trách vụ của các nhà lãnh đạo Giáo hội. Hơn thế nữa, khi nói về DCTĐ, đức Gioan XXIII hiểu là những dấu chỉ lạc quan hy vọng, hay nói nôm na là: điềm may, điềm tốt mang lại hy vọng và tin tưởng cho tương lai. Trong bài diễn văn khai mạc công đồng ngày 11-10-1962, Đức Gioan XXIII còn lặp lại tư tưởng đó. Ngài nói rằng vào thời hôm nay, có những nhà tiên tri chỉ biết loan báo điềm gở, sa đoạ, tựa như tận thế đã gần kề; nhưng người Kitô hữu cần phải sử dụng đến tiềm năng tinh thần của mình để nhìn nhận ra những dấu hiệu tích cực do tác động của Chúa Thánh Thần. Trong thông điệp Pacem in Terris, viết mấy tháng trước khi qua đời, đức Gioan XXIII đã liệt kê ra vài dấu hiệu ấy, để chứng tỏ cho thấy thế giới mà chúng ta đang sống mang theo rất nhiều giá trị tích cực, chứ không phải chỉ có mang những dấu vết của tội lỗi sa đoạ. Được tiêm nhiễm bởi tinh thần lạc quan của đức Gioan XXIII, công đồng Vaticanô II đã du nhập từ DCTĐ trong nhiều văn kiện, và từ đó được hiểu theo nghĩa tích cực. Vài thí dụ: ý thức về phẩm giá con người (tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng số 15); lòng khao khát tiến tới sự hợp nhất các Kitô hữu (sắc lệnh về đại kết số 4); và nhất là trong hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, chúng ta đọc thấy nhiều đoạn văn nói tới DCTĐ (số 4,11,44), trong đó không những công đồng cố gắng khám phá ra những dấu chỉ của thời đại (thí dụ ở số 26 về nhân quyền), nhưng còn đề ra những tiêu chuẩn để mà nhận định phê phán chúng nữa.

Thế thì DCTĐ là cái gì?

Như đã nói trên đây, ở Việt Nam có người gọi là “thời triệu” hay “thời điềm”. Có lẽ tiếng “thời điềm” dễ hiểu hơn cả: “thời” ám chỉ về thời cuộc, một biến cố lịch sử; biến cố đó trở thành một “điềm”, một dấu hiệu cho thấy sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa. Khái niệm DCTĐ (hay “thời điềm”) bao hàm rất nhiều quan điểm thần học trong đó. 1) Tiên vàn, nó giả thiết rằng dòng lịch sử không phải chỉ là một chuỗi những biến cố ngẫu nhiên. Không phải như vậy; chúng ta tin rằng dòng lịch sử này diễn ra theo một kế hoạch của Chúa quan phòng. 2) Thứ đến, những biến cố lịch sử mang một ý nghĩa cho người tín hữu: nó có thể trở thành một dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thời đại chúng ta đang sống. Thiên Chúa không những điều khiển dòng lịch sử một cách tổng quát, nhưng đôi khi còn biểu lộ sự can thiệp một cách cụ thể qua vài biến cố. 3) Một giả thiết thứ ba là Giáo hội cố gắng tìm hiểu đường lối của Chúa không những qua việc truy tầm Sách Thánh (Lời Chúa) nhưng còn qua việc khảo sát các DCTĐ, các thời điềm. 4) Từ đó, có thể thêm giả thiết thứ tư nữa, đó là Giáo hội không phải lúc nào cũng nắm sẵn trong tay hết mọi lý lẽ của chân lý; nhưng Giáo hội cũng cần phải khiêm tốn lắng nghe tìm hiểu chân lý qua các biến cố lịch sử, lắm lần do những người ở ngoài Giáo hội gây ra, và Chúa Thánh Thần có thể dùng chúng để dạy dỗ Giáo hội. Hậu nhiên, Giáo hội cần đối thoại với thời đại, để cùng nhau khám phá chân lý.

Làm sao khám phá ra dấu chỉ thời đại?

Đây là cả một vấn đề. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ không đi hỏi các nhà chiêm tinh bói toán để mà khám phá các DCTĐ. Trên đây, chúng ta thấy xem ra là đức Gioan XXIII coi việc khám phá các DCTĐ như là một trách vụ của các nhà lãnh đạo Giáo hội. Tuy nhiên, công đồng Vaticanô II coi việc nhận định các DCTĐ là một trách vụ của toàn thể Dân Chúa, mặc dù các mục tử giữ vai trò điều động hướng dẫn. Chúng ta có thể đọc thấy giáo huấn công đồng trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 11 và 44. Đó là nói trên nguyên tắc. Khi đi vào cụ thể, chúng ta sẽ thấy vấn đề trở nên rất là phức tạp. Thứ nhất, cái biến cố nào quan trọng và mang tính cách dấu chỉ? Thực vậy, hằng ngày khi cầm tờ báo hay bật rađiô, chúng ta đọc hay nghe biết rất nhiều biến cố: nhưng chắc không phải là tất cả đều quan trọng như nhau và có ý nghĩa như nhau. Các ông chủ báo xếp những tin quan trọng ở trang đầu, còn những tin xe cán chó thì để ở góc cuối của trang chót. Dĩ nhiên, tiêu chuẩn xếp tin cũng tùy theo khuynh hướng của mỗi tờ báo: các tờ báo chính trị thì coi các tin chính trị mới là đáng kể; trong khi các tờ báo văn học và kinh tế thì lại có tiêu chuẩn khác. Dù sao, không phải bất cứ bản tin nào xảy ra hằng ngày cũng đáng gọi là biến cố: một sự kiện chỉ đáng gọi là biến cố khi nó đánh dấu một giai đoạn của lịch sử; và đôi khi phải chờ cả một chuỗi sự kiện liên tiếp nhau mới tạo ra một biến cố được. Ngoài việc thẩm định biến cố nào là quan trọng đối với dòng lịch sử, cần phải tiến lên bước thứ hai là giải thích cái ý nghĩa của nó. Một biến cố có thể mang ý nghĩa khác nhau đối với những quan sát viên khác nhau. Chúng ta có thể lấy một thí dụ cụ thể: bức tường Bá linh đổ. Tại sao nó đổ? Có thể một bác thợ nề cho rằng vì hồi xây nó, người ta cho nhiều cát mà ít xi măng. Một chuyên viên kinh tế thì có thể giải thích rằng vì dân Đông Đức muốn tràn qua Tây Đức để kiếm thêm mặt hàng tiêu thụ. Đức Gioan Phaolô II thì có lối giải thích riêng trong thông điệp Centesimus Annus (số 21-22). Dù sao, thì một biến cố trở thành DCTĐ với người tín hữu vì nó là một điềm về sự can thiệp của Thiên Chúa. Nói khác đi, người tín hữu phân tích một biến cố lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Thực vậy chỉ có người sống đức tin sâu đậm, đã quen thuộc với Thiên Chúa thì mới có thể nhận ra tiếng nói và đường lối của Ngài qua các biến cố lịch sử. Thoạt tiên, xem ra nhận xét này rất đơn giản, nhưng thực tế thì phức tạp hơn nhiều, bởi lẽ không thiếu lần, chúng ta mắc bệnh chủ quan, chỉ muốn nhìn thấy bàn tay của Chúa qua những biến cố thuận lợi cho mình, hoặc những biến cố do Giáo hội tạo ra. Ít có người dám nhận ra DCTĐ cả nơi những biến cố bất lợi cho Giáo hội, hoặc là do những người ngoài Công giáo gây ra. Từ đó cái nhìn của chúng ta dễ mang tính chất bi quan, chỉ nhận thấy tội lỗi sa đoạ chung quanh mình. Đức Gioan XXIII đã vạch ra một chiều hướng mới, khi nhận thấy tác động của Chúa Thánh Thần kể cả nơi những trào lưu ở ngoài Giáo hội, và nơi những biến cố thoạt tiên xem ra bất lợi cho Giáo hội nhưng thực tế đã giúp cho Giáo hội được thanh luyện và trở về sát với Tin mừng hơn. Thiết tưởng quan điểm của đức Gioan XXIII về DCTĐ đã và sẽ tạo cho các tín hữu một niềm tin tưởng rất lớn khi nhìn về tương lai: tuy dù thế giới này mang nhiều vết tích của sa đoạ và tội lỗi, nhưng không thiếu những dấu vết của tình yêu Thiên Chúa, bộc lộ cả nơi những người thành tâm thiện chí tuy họ không phải là phần tử của Giáo hội.

Giuse Phan Tấn Thành, op.

1240    06-07-2017