Lạy Chúa! Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp chúng con học biết thánh chỉ Ngài (Tv 118,71). Chúng con thường nói: nghèo khổ, cực khổ, đau khổ, chứ không ai nói nghèo sướng, cực sướng, đau sướng, và cũng không ai nói: giàu có khổ, sung sướng khổ, khỏe mạnh khổ. Tuy nhiên, dù nói thế nào đi chăng nữa, chúng con vẫn cảm nhận nơi bản thân mình và nơi những người xung quanh: giàu, nghèo cũng khổ; sướng, cực cũng khổ; mạnh, đau cũng khổ. Chúa ở đâu khi chúng con gặp đau khổ? Đây là câu hỏi dù có ý thức hay không ý thức, nó cũng đã nhiều lần xuất hiện trong tâm trí của mỗi người chúng con. Xin giúp chúng con biết nhìn lại những khổ đau của mình bằng cái nhìn của Chúa, để chúng con có được những hiểu biết đúng đắn và có được những khả năng chấp nhận những nghịch cảnh, trái ý trong cuộc sống mình, hầu, Chúa có thể cải biến con người chúng con: bằng cách đổi mới tâm trí, để chúng con có thể nhận ra đâu là ý Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo (x. Rm 12,2), bởi vì, nếu tâm trí không thông, thì vác cọng lông cũng nặng.
Đành rằng trong cuộc sống có những hoàn cảnh khiến chúng con phải đau lòng xót dạ: mất những người thân yêu như cha mẹ, vợ chồng, con cái; mất nghề nghiệp, mất của cải, mất danh dự… Tuy nhiên, hễ có “đau” là phải có “khổ” sao? Nếu có người nào đó tát chúng con một cái, mà cho chúng con 10 triệu, thì cái tát đó tuy có “đau” đó, nhưng đâu có làm cho chúng con “khổ”. Do đó, khi chúng con “được”, chúng con sẽ cảm thấy “không khổ”. Nguyên nhân của “không khổ” là do “được”, còn nguyên nhân của “khổ” là do “mất”. Vậy ra, “được” và “mất” là nguyên nhân của “sướng” và “khổ”. Thế nhưng, “được” và “mất” phải hiểu thế nào đây? Có khi “được” lại là “mất”. Có khi “mất” lại là “được”. Có khi “khổ” lại là “sướng”. Có khi “sướng” lại là “khổ”. Thập giá mà thế gian cho là ngu dại, nhục nhã, thất bại, thì lại là, khôn ngoan, vinh quang, chiến thắng, trong thánh ý Chúa…
Cuộc sống luôn có những điều hợp với ý của chúng con, nhưng lại mâu thuẫn với suy nghĩ của người khác, hoặc thỏa mãn nhu cầu người khác, nhưng lại trái nghịch với sở thích của chúng con. Ngay với chính bản thân chúng con, cũng có lúc “sáng nắng chiều mưa”, mà chính chúng con còn không thể hiểu nổi, thì làm sao những hoàn cảnh xung quanh, hay những gì xảy đến: luôn có thể làm hài lòng chúng con được. Dù chúng con có tài năng đến đâu, dù chúng con có chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào, thì những điều không được như ý vẫn cứ xảy ra theo lẽ tự nhiên của chúng. Có “thành” thì phải có “bại”, có “hợp” thì phải có “tan”. Nếu chúng con chỉ muốn “thành” và “hợp”, thì “bại” và “tan” sẽ để cho ai? Lúc may mắn, sao chúng con không tự hỏi: mình có thật xứng đáng với những thành quả ấy, và có nên đón nhận chúng hay không? Vậy mà, mỗi khi gặp điều không may, thì chúng con lại than trời trách đất: Sao Chúa lại bất công với con quá thế này?
Xin cho chúng con biết cách đối mặt với những khó khăn thử thách, bằng cách: đừng quá cầu mong sự an toàn, nhưng, hãy để cho sức chịu đựng của mình được tôi luyện; đừng xin Chúa cất đi những gánh nặng cuộc đời, nhưng, xin cho mình luôn đứng vững trước những giông tố của sóng đời nghiệt ngã; đừng oán ghét những trái ý nghịch lòng, nhưng, biết đón nhận tất cả với niềm xác tín rằng: mọi sự đều sinh lợi ích cho chúng con trong thánh ý Chúa.
Xin cho chúng con luôn biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, bởi vì, những trái ý, nghịch lòng, khổ đau, vừa giúp chúng con ý thức được cái gì là hạnh phúc, vừa giúp chúng con có thêm bản lĩnh để vững tâm: tiến bước giữa những thăng trầm của cuộc sống này. Tâm trí như thế nào, thì chúng con sẽ cảm nhận khổ đau như thế ấy, bởi vì, khổ đau vốn từ tâm trí khởi sự, và cũng từ tâm trí kết thúc. Tâm trí không thông, thì vác cọng lông cũng nặng. Amen.
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB