Sidebar

Thứ Bảy
12.10.2024

Đâu là các dấu vết của các vụ tấn công để lại trong ký ức chúng ta


Chúng ta còn giữ các kỷ niệm nào của các vụ tấn công và chúng tiến triển như thế nào? Đó là chủ đề nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu Denis Peschanski và Francis Eustache trong một chương trình nghiên cứu chưa từng thực hiện để tìm hiểu mối dây giữa ký ức cá nhân và ký ức tập thể.

Sau các vụ tấn công ngày 13 tháng 11 năm 2015 ở Pháp, các ông đã lên chương trình nghiên cứu để tìm hiểu cơ cấu giữa ký ức cá nhân và ký ức tập thể. Nội dung của dự án này là gì? 

Francis Eustache. Từ những năm 2000, Denis và tôi cùng làm việc trên sự tương tác này, trước hết chung quanh các sự kiện của Thế Chiến Thứ Hai, kế đó là ngày 11 tháng 9-2001. Khi có các vụ tấn công ở Paris xảy ra, cũng như mọi người, chúng tôi đều hứng chịu ngay lập tức. Sau đó, nhanh chóng chúng tôi nghĩ, mình phải phản ứng với vũ khí của mình, đó là nghiên cứu và hiểu biết. Vì thế chúng tôi quyết định đưa ra chương trình “13 tháng 11”, một chương trình bao gồm nhiều lãnh vực và sẽ kéo dài trên 12 năm.

Mục đích là theo dõi một nhóm gồm 1000 người tình nguyện, chúng tôi sẽ đặt câu hỏi và quay phim bốn lần. Các chứng từ cá nhân này sẽ đặt trong bối cảnh của các dấu vết trong ký ức tập thể: các bài diễn văn, các hình ảnh tưởng niệm, các trang đầu của các báo…

Làm thế nào ký ức tập thể được nuôi dưỡng trong ký ức cá nhân? 

Francis Eustache. Thật sự mà nói, chúng ta không biết rõ điều này. Trong một thời gian dài, các nghiên cứu chung quanh hai khái niệm này thường bị bỏ qua. Các triết gia, các tâm lý gia suy nghĩ về cơ chế của ký ức cá nhân, trong khi các nhà xã hội học, các sử gia thì quan tâm đến cấu trúc của câu chuyện lớn. Cho tới năm 1925, nhà tiên phong Maurice Halbwachs đã đề cập đến các tương tác của hai bên trong tác phẩm Các khuôn khổ xã hội của ký ức (Cadres sociaux de la mémoire). Theo tác giả, dù tôi ở một mình, tôi vẫn mang tính cách đại diện. Với định nghĩa này, mọi hành động của ký ức là một hành động xã hội.

Cá nhân không thể nào xây dựng ký ức ngoài môi trường của mình.

Denis Peschanski. Cá nhân không thể nào xây dựng ký ức ngoài môi trường của mình, có nghĩa là, cùng một lúc với các ký ức cá nhân khác và những gì câu chuyện lớn mang lại cho họ. Ngược lại, ký ức tập thể tiến triển theo các chứng từ cá nhân. Khó khăn là tất cả không ngang nhau theo tổng thể các cá tính. Trong trường hợp này là một cái gì rất phức tạp.

Đâu là các học hỏi đầu tiên mà các ông có thể rút từ các quan sát này của mình?

 

Denis Peschanski. Một ghi nhận nổi bật: Dù có một chuỗi các vụ tấn công chúng ta đã trải qua từ nhiều năm nay, ký ức tập thể của chúng ta dính vào một ngày, ngày 13 tháng 11 và vào một nơi, Bataclan. Bên cạnh đó, các vụ tấn công tự tử ở Saint-Denis ít được nhớ đến. Còn tấn công ở các sân hiên tiệm ăn, người ta quên tên của tiệm. Đối với gia đình nạn nhân thì họ rất đau khổ, vì họ có cảm tưởng mình bị bỏ quên.

Những gì chúng ta giữ trong ký ức là những gì làm chúng ta xúc động nhất và đáng kể nhất dưới mắt chúng ta. 

Làm sao có thể quên các biến cố bi thảm như vậy? 

Denis Peschanski. Quên là một hiện tượng bình thường. Vì chúng ta không thể nhớ hết tất cả, chúng ta lọc, chúng ta sắp theo thứ tự. Chúng ta giảm thiểu xuống cái thiết yếu nhỏ nhất để hiểu toàn bộ. Những gì chúng ta giữ trong ký ức là những gì làm chúng ta xúc động nhất và đáng kể nhất dưới mắt chúng ta đối với câu chuyện đã sống. Nó phù với các chất vấn sâu xa của chúng ta đối với xã hội của mình.

Cái gì làm cho vụ tấn công này ở trong ký ức tập thể còn vụ khác thì không? 

Denis Peschanski. Ký ức tập thể là biểu thị chọn lọc của quá khứ tham dự vào việc cấu trúc căn tính cho một nhóm. Trong khuôn khổ này, một vài sự kiện sẽ được giữ lại, một số sự kiện khác thì không. Nhưng người ta không bao giờ biết trước cái nào sẽ được giữ lại. Lấy ví dụ các vụ dội bom năm 1944 ở vùng biển Normandie ở Pháp. Chúng gây ra không biết bao nhiêu nạn nhân, nhưng lại không ở trong ký ức tập thể. Tại sao? Bởi vì muốn được giữ lại trong ký ức, kỷ niệm này phải mang một ý nghĩa cho cá nhân cũng như cho tập thể.  Mà các vụ dội bom lại do những người đến giải phóng chúng ta thả. Chúng ta có thể làm gì để có thể xây căn tính của mình? Không có gì. 

Francis Eustache. Các nhà cầm quyền của chúng ta cũng có trách nhiệm. Nếu sau một vụ tấn công, họ tổ chức các buổi tưởng niệm có tiếng vang trong ý thức tập thể thì sự kiện đó có nhiều cơ hội để được ghi nhớ. 

Ở Pháp, người ta gần như quên vụ máy bay rớt ở Pennsylvania, mà với chúng ta, nó không thể hiện ý nghĩa chính của vụ tấn công 11 tháng 9.

Trên nguyên tắc, ký ức tập thể không thay đổi theo nước nơi mình sống? 

Denis Peschanski. Tất nhiên là có. Lấy ví dụ trường hợp ngày 11 tháng 9.

Ở Pháp, người ta gần như quên vụ máy bay rớt ở Pennsylvania, với chúng ta, nó không thể hiện ý nghĩa chính của vụ tấn công 11 tháng 9. Ở Mỹ thì ngược lại, vụ này vẫn ở trong ký ức tập thể vì nó tượng trưng cho sự kháng cự của dân tộc Mỹ đứng trước khủng bố: các hành khách biết máy bay sẽ đến New York và Washington và họ đứng dậy hành động.

Các vụ khủng bố ở Tây Ban Nha sẽ không để lại dấu vết ở Pháp? 

Francis Eustache. Khi các vụ khủng bố xảy ra ở ngoài biên giới chúng ta, phản ứng sợ và lo lắng sẽ ít hơn. Dù Tây Ban Nha là nơi du lịch chính. Gần với chúng ta. Mỗi người trong chúng ta, hoặc bạn bè của chúng ta cũng đã từng đến đó. Sự gần gũi lại càng mạnh hơn khi các vụ khủng bố ở Barcelona và Cambrils lại rất giống các vụ chúng ta đã trải qua ở thành phố Nice. Cũng vào mùa hè, cũng vào dịp lễ hội, cũng ở nơi có rất nhiều người qua lại, với cách hành động cũng giống nhau. Như thế, vụ này làm thức dậy sự tổn thương có trong ký ức của những ai đã sống nhiều ít xa gần với vụ ở Nice. Nói rộng ra, tôi nghĩ nó sẽ góp phần làm cho người Pháp và người Âu châu cảm thấy bất an ngay khi họ ở nơi công cộng và chính xác đó là điều mà nhóm Hồi giáo ISIS mong muốn.

Việc có nhiều vụ tấn công liên tục có thể gây ra hiện tượng tầm thường hóa không?  

Denis Peschanski. Rất may ở Pháp, chúng ta không sống trong bối cảnh bạo lực thường xuyên, cũng không có nội chiến như trường hợp ở Israel. Điều này muốn nói, khi chúng ta bắt đầu sống trong sự đe dọa này thì tình trạng của sự tấn công nhất thiết phải thay đổi. Như thế không có nghĩa là chúng ta tầm thường hóa nó. Nó luôn là quan trọng. Nhưng đơn giản là chúng ta không còn cùng một phản ứng, cùng một nỗi sợ, cùng một kinh hoàng như trước.

Francis Eustache, Tâm lý gia chuyên về thần kinh, đứng đầu hội đồng khoa học của Đài Quan sát B2V về các ký ức, một phòng thí nghiệm xã hội thực sự. Tác phẩm cuối cùng do ông hướng dẫn Ký ức của tôi và các người khác (Ma mémoire et les autres, nxb Le Pommier), sẽ phát hành ngày 13 tháng 9.

Denis Peschanski, sử gia, giám đốc nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu CNRS, chuyên gia về Thế Chiến Thứ Hai. Ngoài chương trình “13 tháng 11”, ông chủ trì các hội đồng khoa học Mémorial de Caen và Mémorial du Camp de Rivesaltes.

Marta An Nguyễn dịch

1836    25-08-2017