Thế nào là định nghĩa của một tôn giáo thật? Cái gì rốt cùng tạo nên việc thờ phượng chân chính? Làm sao chúng ta biết mình không tự hợp lý hóa và gọi đó là tôn giáo? Làm sao chúng ta biết chúng ta không đang tạo ra Thiên Chúa theo hình ảnh và theo họa hình của chúng ta, và dùng tôn giáo cho mục đích riêng của mình.
Paul Tillich đã phân biệt giữa các từ ông định danh: Ngụy đạo, Cận đạo, và Chân đạo. Ông định nghĩa như sau:
Ngụy đạo dùng các ngôn ngữ tôn giáo rõ ràng, dù đôi khi nó có ý mang một ý nghĩa thật, nhưng rốt cùng nó không mở ra cho thành viên vươn lên một cái gì cao hơn con người của họ. Cuối cùng, nó chỉ tái hồi ý thức con người và không hướng chúng ta đến siêu việt, đến những gì ngoài chúng ta. Họ dùng từ “Thượng Đế”, nhưng “Thượng Đế” của họ không nâng chúng ta vượt lên được con người của chính mình. “Thượng Đế” là quyền lực cao hơn, một lý tưởng, một uy quyền vượt trên ý thức trần tục, nhưng “Thượng Đế” đó không phải là quyền uy siêu việt, một người thật có thể tách đôi biển Đỏ hay hồi sinh thân xác của Chúa Giêsu. Dù sao thì “Thượng Đế” này cũng là điều tích cực, để chúng ta thách thức chính mình hướng đến điều cao cả nhất trong nội tâm. Ngụy đạo là tôn giáo của suy nghĩ tích cực.
Cận đạo không dùng ngôn ngữ tôn giáo rõ ràng, nhưng đưa thành viên của họ vượt lên điều cao cả nhất của bản thân đến điều cao cả nhất của nhân loại. Nhiều tư tưởng là cận đạo. Chúng đòi hỏi chúng ta hy sinh chính mình cho những gì cao cả hơn. Những ước mơ riêng của chúng ta thì chẳng quan trọng bao nhiêu so với ước mơ cao lớn của nhân loại. Vì thế, một tư tưởng như tư tưởng Mác, Hòa bình xanh, Nữ quyền có thể đòi hỏi chúng ta hy sinh giấc mơ riêng và thậm chí cuộc sống của mình vì lợi ích chung. Trong khi không dùng ngôn ngữ tôn giáo rõ ràng và đôi khi còn hiện rõ là vô thần, cận đạo vẫn đạt tới một vài giá trị của chân đạo, chính xác, nó thúc đẩy thành viên hướng đến lòng vị tha, hy sinh, và còn có chủ đích vượt ra khỏi đặc trưng riêng của nó.
Chân đạo có thể có hoặc không dùng ngôn ngữ tôn giáo rõ ràng, nhưng dù cách nào đi nữa, nó cũng mở ra cho thành viên một viễn tượng và một thực tại vượt trên những ý tưởng cao nhất của cá nhân và trên cả lý tưởng chung của nhân lọai. Chân đạo đưa chúng ta đến với siêu việt, đến với một Thiên Chúa có thật, vượt trên chúng ta, liên kết với chúng ta, đòi hỏi chúng ta những điều rất thật qua lời đáp trả. Chân đạo, không như các bản sao, không tái hồi những gì đã có sẵn trong thực tại chúng ta. Nói theo một cách nào đó, chân đạo mang nguồn sống từ bên ngòai, từ cõi thượng. Thượng đế ở đây không phải là Thượng đế đã có sẵn ở đó trong ý thức cá nhân cũng như ý thức của nhân loại.
Nhưng làm sao chúng ta biết chúng ta đạt đến chân đạo? Làm sao chúng ta biết việc giữ đạo của chúng ta là chân xác, cận gần, hay giả tạo.
Chúa Giêsu trả lời bằng câu: “Xem quả thì biết cây.” Không nên xét đoán, thường thường là xét đoán, việc chân chính giữ đạo của chúng ta bằng những tiêu chuẩn như: Chân thành đơn sơ (“Anh ta xác quyết và thành tâm”), mộ đạo (“Lòng anh ta bừng cháy với Chúa”), cẩn mật và trong sáng theo kiểu giáo điều (“Anh ta say mê chân lý!”), dấn thân vì công chính (“Anh ta tận tụy với người nghèo!”) trung thành giữ đạo (“Chưa bao giờ bỏ lễ trong đời), hay thậm chí hy sinh (“Anh ta sẵn sàng chết vì đạo”). Bất cứ đặc nét nào trong các đặc nét trên đều có thể thấy nơi một người mà việc giữ đạo của họ có thể vẫn không thực. Mất thăng bằng, cuồng tín, hận thù đôi khi có thể tạo nên các đặc nét này hoặc hòa lẫn một cách không lành mạnh vào chúng. Người anh của đứa con hoang đàng không bao giờ bỏ nhà đi, cũng không bao giờ làm gì sai, nhưng anh vẫn không thể hòa vào niềm vui của cha.
Làm sao chúng ta phán định được chân đạo?
Có lẽ không có cách nào đơn giản và rõ ràng hơn cách mà thánh Phao-lô đã chỉ trong chương thứ năm thư gởi cộng đoàn Galat. Ngài chỉ cho ta thấy rằng ta có thể sống theo hai tinh thần, tinh thần thế gian (“xác thịt”) và Thần Khí.
Tinh thần thế gian là ghen tương, giận dữ, bất hòa, nói xấu, bè phái, vu khống, thờ quấy, dâm bôn và kiêu ngạo; còn tinh thần của Thiên Chúa, Thần Khí được nhận ra qua bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, bền tâm, hiền hoà, trung tín, tiết độ. Xét cách đơn giản, khi cuộc sống hằng ngày của chúng ta đầy ghen tương, giận dữ, bất hòa, nói xấu, bè phái, vu khống, thờ quấy, dâm bôn và kiêu ngạo, thì chúng ta không nên tự lừa dối mình rằng mình đang sống trong tinh thần Thiên Chúa, bất chấp tính trong sáng của việc giữ đạo hay cam kết làm điều tốt. Chúng ta sống trong Thần Khí khi cuộc sống chúng ta toát ra bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, bền tâm, hiền hoà, trung tín, tiết độ. Sống với những phẩm tính này chính là chân đạo, không hơn không kém. Chúng ta biết được chúng ta đang thở bầu khí trên cao khi các phẩm tính này toát ra rõ rệt trong cuộc sống chúng ta.
Ngay cả khi mình tự dối mình và dối người qua cách giữ đạo chẳng mang nét nào như tinh thần của thánh Phao-lô, rốt cùng, cũng không có gì giấu được sự thật khi chúng ta vẫn còn cay chua, ghen tỵ, ở ngoài niềm vui của người Cha.
J.B. Thái Hòa dịch