Chúng ta sống trong một nền văn hóa thế tục cao độ. Thường thì điều này đưa đến cho chúng ta một trong ba phản ứng mà người Kitô hữu đấu tranh để sống đức tin trong bối cảnh như thế:
Thứ nhất, ngày càng đông các Kitô hữu thuộc đủ mọi phái càng ngày càng xem tính thế tục là địch thủ chứ không phải là đồng minh của đức tin và các giáo hội. Theo quan điểm của họ, tính thế tục là mối đe dọa đối với tôn giáo và đạo đức, như thế dưới danh nghĩa của tự do và mở mang trí tuệ, nó dần dần bóp nghẹt tự do Kitô giáo. Với họ, tính thế tục mang trong mình sự áp đặt của luật tương đối, và có thể gọi nó là “thời hậu Kitô giáo” và “nền văn hóa của sự chết”.
Nhóm thứ hai đơn thuần tự thích nghi với nền văn hóa này, và không mảy may có một chút nào phê phán. Họ điều chỉnh đức tin dựa vào văn hóa, và điều chỉnh văn hóa dựa vào đức tin sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Đối với họ, đức tin gần như trở nên một di sản văn hóa, một đặc nét hơn là một tôn giáo, dù hiện nay tâm thức này không còn mù quáng nhiều như lúc đầu mới xuất hiện. Những đấu tranh của nhóm này khi mạnh mẽ lại càng tệ hơn, khơi dậy không những các chất vấn bất diệt về linh hồn, mà còn chất vấn về đặc tính Kitô – Do Thái giáo trong cốt lõi của nền văn hóa và trong từng cá nhân. Vậy nên họ chọn những giá trị từ cả truyền thống Kitô – Do Thái giáo và cả nền văn hóa thế tục rồi pha trộn chúng trong một kết hợp mới, và dường như chẳng bận tâm gì về tôn giáo cho lắm trong sự pha trộn này.
Nhóm thứ ba có cách tiếp cận có vẻ khác hơn: Những người như Charles Taylor, Louis Dupre, Kathleen Norris, và thế hệ trước đó như Karl Rahner, xem thế tục là một gói hỗn hợp, một nền văn hóa cưu mang cả sự sống lẫn sự chết, một nền văn hóa theo cách nào đó là một sự tiến tới và sự thanh lọc cho các giá trị đạo đức và tôn giáo, nhưng theo một cách khác, nó cũng ngày càng thụt lùi về đạo đức và tôn giáo. Tầm quan trọng chính yếu trong quan điểm này nằm ở ý niệm rằng nền văn hóa thế tục, tính thế tục là đứa con phát sinh từ Do Thái giáo và Kitô giáo. Do Thái – Kitô giáo, ít nhất cũng là như thế đối với nhiều người, đã làm phát sinh tư tưởng của René Descartes, những nguyên lý của Thời đại Ánh Sáng, cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Scotland, cách mạng Hoa Kỳ, và như thế cũng là nguồn gốc của dân chủ, của sự tách ly giáo hội với nhà nước, và của những nguyên lý nâng đỡ nhiều cho tính thế tục, cụ thể là chúng ta đồng ý tổ chức đời sống xã hội trên nguyên tắc đồng thuận dựa trên lý lẽ hơn là trên nền tảng uy quyền thiêng liêng (tất nhiên cái thứ hai có nghĩa cho phép uy quyền thiêng liêng tác động trên sự đồng thuận lý tính).
Trong quan điểm này, đối lập với thế tục không phải là giáo hội, mà là nhóm khủng bố Taliban hoặc bất kỳ quan điểm nào cho rằng đời sống của dân chúng phải quy phục uy quyền thiêng liêng bất chấp sự đồng thuận lý tính. Như thế, tính thế tục có vẻ như con cái trong nhà hơn là kẻ thù của chúng ta. Tuy nhiên, nếu thật như thế, thì tại sao tính thế tục lại thường thể hiện một thái độ quá chua cay và quá phê phán đối với các giáo hội Kitô giáo? Điều này dường như là một mâu thuẫn, nhưng sự chống Kitô giáo này của tính thế tục cũng giống như trường hợp trẻ con mới lớn có thái độ cay nghiệt và phê phán quá đáng đối với cha mẹ, cụ thể là ở độ tuổi này, trẻ con thường tự đại và thiếu chính chắn. Nhưng một đứa trẻ dậy thì tự đại và thiếu chính chắn không phải là một người xấu, nó chỉ chưa phát triển đủ thôi.
Khi xem xét tính thế tục từ quan điểm này, điều quan trọng là phải nhấn mạnh ngang bằng nhau vừa nền tảng đạo đức vừa nền tảng tôn giáo vốn đã bị mất hoặc được thu hoạch thêm trong tính thế tục. Chúng ta có thể thấy được cả hai điều này, ví dụ như khi nhìn vào nền văn hóa thế tục mạnh mẽ của Hà Lan: Một mặt, ít người đi lễ và giữ đạo, cùng với sự chấp nhận và hợp pháp hóa việc phá thai, dùng thuốc nghiền, mại dâm, và khiêu dâm; nhưng mặt khác, đây là một xã hội quan tâm đến người nghèo tốt hơn bất kỳ một xã hội nào khác, và cho thấy, họ rất độ lượng, hòa bình, và bình đẳng giới tính. Không thể xem đây là những thành tựu tôn giáo và đạo đức nhỏ nhặt được.
Vậy quan điểm của tôi thế nào đây? Gần như nhóm thứ ba này và niềm tin của họ, cho rằng tính thế tục không phải là kẻ thù nhưng là kẻ nối tiếp và tính thế tục mang trong mình cả dòng chảy sự sống rất sinh ích lẫn con lạch của sự chết đang bóp nghẹt loài người. Một mặt, từ nó, tôi nhận được sự sáng tạo, màu sắc sinh động của cuộc sống, sự cởi mở và năng lượng sinh ích, và nhiều lúc nó giúp tôi đè nén đi cái xu hướng Đức vốn phần nào xám xịt và trầm cảm. Tôi cũng được nâng đỡ thường xuyên vì lòng quãng đại thực sự và lòng tốt chân thành nơi những người tôi gặp gỡ. Và còn một điều quan trọng nữa, tôi gặt hái được những lợi ích đáng kinh ngạc của nó – tự do, bảo vệ các quyền của tôi, tính riêng tư, cơ hội học hành, chăm sóc y tế tuyệt vời, thông tin khoa học, tiếp cận thông tin, những dịp mang đậm tính văn hóa cởi mở và đầy vui thú, nước sạch, thực phẩm dồi dào, và một điều nữa không kém quan trọng, đó là sự tự do để thực hành đức tin và tôn giáo của tôi.
Xét ngược lại, tôi cũng nhận ra những yếu tố sự chết của nó: Việc chấp nhận phá thai, người nghèo bị cô lập, đòi hỏi cái chết êm dịu, phân biệt chủng tộc kéo dài, vô trách nhiệm về hành vi tính dục quá phổ biến, nghiện văn hóa phẩm khiêu dâm ngày càng nặng, và một sự tầm thường hóa cũng như thiển cận cứ tăng dần lên mãi. Như những gì mà truyền hình thực tế biểu lộ nền văn hóa của chúng ta, tôi ngày càng thất vọng về chiều sâu của nền văn hóa này.
Là người kế thừa trưởng thành của René Descartes, tôi hít thở bầu khí thế tục, một bầu khí rất hỗn hợp, vừa trong lành vừa ô nhiễm, và tôi thấy mình đang bị giằng co giữa hy vọng và sợ hãi, giữa thoải mái và khó chịu, giữa việc bảo vệ và phê phán sự thế tục hóa này.
J.B. Thái Hòa dịch