Shutterstock |
Một vài tuần trước, có thể tôi đã gây ấn tượng với mọi người bằng câu trả lời của mình cho câu hỏi cơ bản để làm quen của bạn. Nhưng bây giờ thì sao?
Mãi cho đến khi tôi vào chủng viện, tôi mới nhận ra rằng mình đã phụ thuộc quá nhiều vào công việc đến mức nào đối với căn tính của mình. Sự khai phá đến nhanh chóng và rõ ràng: Sáu ngày sau khi nhập học, tôi cùng anh trai đến dự một buổi tiệc nướng buổi tối do bạn của anh ấy tổ chức. Tôi không biết họ, và chỉ trong vài phút, tôi đã được hỏi câu hỏi mà hầu hết những người trẻ ở Washington, D.C đều mong đợi: “Công việc của bạn là gì?”
Một vài tuần trước, câu trả lời của tôi sẽ gây ấn tượng với hầu hết mọi người ở đó. Tôi là phóng viên của một tờ báo lớn, và có thể tôi đã từng tin rằng công việc đó có sức thu hút sự quan tâm của người đối thoại. Nhưng bây giờ? “Tôi đang ở chủng viện,” tôi trả lời, “học để trở thành một linh mục Công giáo.”
Nhóm bạn này không nói nhiều. Theo tôi biết, không ai trong số họ theo đạo, nhưng họ đủ hiểu biết về chức linh mục để mường tượng ra rằng tôi là người rất sùng đạo. Sau một số cái gật đầu và phản hồi chung chung - “Thật tốt cho anh, anh bạnạ!” và “Thật thú vị!” - cuộc trò chuyện chuyển sang hướng khác. Tôi nóng lòng muốn được hỏi một câu khác: “Bạn đã làm gì trước khi vào chủng viện?” Sau đó, tôi đã hình dung rằng mình có thể tự biện bạch cho việc tôi vốn là người có hiểu biết về thế giới và đã thành công trong thế giới đó.
Sau đó, một ý nghĩ sâu sắc và đầy sức thuyết phục chợt đến với tôi: Công việc đã trở thành một tòa thành trì về căn tính đối với tôi. Không có nó, tôi cảm thấy như mình bị đặt vào tình thế nguy hiểm và không được bảo vệ. Tôi đã sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp của mình để vào chủng viện, nhưng tại bữa tiệc nướng đó, tôi khao khát được trân trọng những gì mình đã bỏ lại phía sau. Tôi là ai nếu không có những gì tôi đã làm? Có phải căn tínhmới là điều đưa tôi tiến sâu hơn nghiệp vụ của mình?
Trong chủng viện, và đặc biệt là trong chương trình chủng sinh của Học viện Đào tạo Linh mục, tôi đã được biết đến những mối nguy từ việc cắm rễ sâu căn tính của mình vào những gì tôi làm và cách tôi thực hiện. Thay vào đó, căn tính phải bắt nguồn từ mối tương quan, trước hết và trên hết là đối với Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng theo Thánh Marcô, trước khi thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã nhận được căn tínhtừ Cha của Người khi chịu phép rửa: “Con là con yêu dấu của Cha; Cha rất hài lòng về Con.” (Mc 1,11) Hơn nữa, căn tính của Thiên Chúa Ba Ngôi chỉ có ý nghĩa qua lăng kính của mối tương quan. Nếu căn tính của Thiên Chúa chỉ nhất quán trong bối cảnh của mối tương quan, và chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, thì căn tính của chúng ta cũng chỉ nhất quán trong bối cảnh của mối tương quan.
“Công việc của bạn là gì?” Sự coi thường của người nghe đối với câu trả lời của tôi vẫn gây nên đau đớn. Nhưng tôi nhận ra rằng câu trả lời chỉ nhất quán trong bối cảnh của mối tương quan.
Tác giả: Gerard Gayou - Nguồn: Aleteia (11/8/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên