Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Dạy con biết chia sẻ

z5399806112813a2a2926cfda6faf030c5e9842964a39e

Tối hôm động đất và sóng thần xảy ra trên đất nước Nhật (11/3/2011), một phóng viên thường trú tại Nhật được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong số những người rồng rắn xếp hàng có một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà cậu lại xếp hàng cuối cùng, sợ đến phiên của em thì chẳng còn thức ăn, anh phóng viên chạy lại hỏi thăm. Nhìn thấy cậu bé bị lạnh, anh PV cởi áo khoác trùm lên người cậu. Vô tình bao lương khô, khẩu phần ăn tối của anh bị rơi ra ngoài. Anh nhặt lên đưa cho bé và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói".

Đứa bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn. Tưởng cậu sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm, để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng, anh phóng viên hỏi: "Tại sao con không ăn mà lại đem đặt vào đó?" Bé trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ...!"

Đọc đến đây, tôi chợt nghĩ làm sao cậu bé có thể làm được một việc xem ra rất nhỏ bé nhưng lại rất phi thường đến vậy?

Mỗi người chắc sẽ có những câu trả lời khác nhau. Nhưng với tôi, việc làm của cậu bé xuất phát từ sự đồng cảm với người khác.

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra: Tại sao chú bé biết đồng cảm với những hoàn cảnh bất hạnh như mình?

Và câu trả lời đó là môi trường giáo dục, mà gia đình là quan trọng nhất.

Ngày nay, hình như chúng ta cho con cái học tập quá nhiều, học thêm đủ mọi thứ…Nhưng việc dạy cho con sự chia sẻ, giúp đỡ mọi người thì bậc làm cha làm mẹ còn đang thiếu hay thậm chí bỏ quên.

Có nhiều người còn quan niệm rằng, chia sẻ bác ái là việc của người lớn, người giàu…Con tôi còn nhỏ thì chẳng liên quan gì đến việc này.

Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng, trồng cây thế nào thì nó sẽ sinh trái thế ấy. Cây được cắt tỉa, uốn nắn,…Thì nó sẽ sinh quả ngon, trái ngọt và ngược lại.

Con trẻ cũng thế, chúng như một tờ giấy trắng, người lớn vẽ gì lên đấy thì nó sẽ y như vậy. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi sau này con mình lớn lên nó lại vô cảm với những hoàn cảnh xung quanh, hay thậm chí vô cảm với chính những người thân của mình. Bởi vì, chúng ta đã không giáo dục, không hướng dẫn chúng biết chia sẻ, đồng cảm từ khi chúng còn nhỏ.

Hãy tập cho bọn trẻ biết chia sẻ, đồng cảm với những người khó khăn từ những việc rất nhỏ bẻ. Cho bạn mượn một cây viết nếu bạn bỏ quên viết ở nhà, giúp người khách lạ một chai nước nếu thấy họ cần, giúp người ăn xin một đồng để họ có cái ăn… Chính những việc nhỏ bé này sẽ hình thành một nhân cách lớn cho chúng sau nay.

Tạm kết: Sinh con và giáo dục chúng là chuyện phải và nên làm của mỗi bậc cha mẹ. Cho chúng học hành để phát triền về mặt tri thức thì tốt, nhưng bên cạnh đó cũng cần hướng dẫn cho con cái biết quan tâm đến những người xung quanh, nhất là những người nghèo. Làm được như thế chúng ta đã chuẩn bị cho con cái mình một hành trang thật vững chắc để bước vào đời. Đừng để chúng thờ ơ, vô cảm với những hoàn cảnh bất hạnh xung quanh chúng.

Caritas Vĩnh Long

72    02-05-2024