Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Để sống những cảm xúc mâu thuẫn của Lễ Phục Sinh

vn022100a


Chúng ta cần cả sự sống và cái chết; chính sự chết đã làm cho cuộc sống trở nên vô cùng quý giá.

Người ta nói rằng khi cùng một lúc có 2 cảm xúc trái ngược nhau có thể là dấu hiệu của sự mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi trải nghiệm 2 cảm xúc trái ngược nhau như thế, thì không phải do tôi không quan tâm để giải quyết sự mâu thuẫn, mà là bởi vì tôi không thể.

Điều này có thể khiến tôi bối rối, giống như 2cục nam châm đang cùng ra sức kéotrong não của tôi và tách tôi ra làm đôi. Tôi đi theo ngả này rồi lại quay sang ngả kia, không phải vì tôi không quan tâm mà vì tôi quan tâmquá nhiều.

Tôi rất dễ bị vui buồn lẫn lộn, khi cảm xúc đan xen giữa hạnh phúc với buồn. Tôi nhớ cuộc sống khu phố cũ của mình; tôi nghĩ về ngôi nhà mà chúng tôi không còn ở đó nữa, tôi nhớ cách các con tôi tập đi, và đạp xe trên vỉa hè; tôi buồn vì những bạn học của tôi đã thành đạt và chuyển đi nơi khác. Tôi hoài niệm về quá khứ nhưng đồng thời cũng xúc động khi được sống cuộc đời đã được ban tặng cho tôi và sẽ không đánh đổi nó để lấy thế gian. Tôi luôn hạnh phúc ngay trong thời điểm hiện tại nhưng lại vẫn thấy buồn vì quá khứ đã qua và không bao giờ trở lại.

Mùa Chay thường mang lại những cảm xúc mâu thuẫn. Chúng tsợ hãi mong đợi những buổi phụng vụ trầm lắng xen lẫn sự nặng lòng của Thứ Năm và Thứ Sáu Tuần Thánh. Việc ăn chay và sám hối được coi là hành động đền tội và là dấu chỉ cho thấy chúng ta nhận ra những giới hạn của thế giới này. Chúng ta đương đầu với thực tế của cái chết và sự bất toàn của phận người. Chúng tcó cảm giác như thể quê hương chúng ta đang ở đây, trên trái đất này nhưng lại cảm thấy như mình rất xa lạ với nó, giống như một dân tộc lưu vong đang tìm kiếm vận mệnh của mình.

Một điều đặc biệt hấp dẫn của văn hóa Công giáo mang nét đối nghịch đósự sám hối và niềm vui đi đôi với nhau. Như G.K. Chesterton diễn tả về Thánh Phanxicô Assisi, một vị thánh rất nổi tiếng về việc sám hối, ăn chay hãm mình nhưng lại là người luôn vui tươi, chẳng khi nào lộ vẻ ủ dột, buồn chán. Thật vậy, những cam kết thiêng liêng đã khiến việc sám hối tăng thêm niềm vui cho từng ngày sống của ngài.

Hai cảm xúc mâu thuẫn nhau nhưng được liên kết với nhau giúp chúng ta cảm nghiệm về một thực tại sâu sắc hơn.

Lễ Phục sinh là ngày mà niềm vui và việc ăn mừng lấn át mọi ý nghĩ về nỗi buồn và sự đền tội.

Mặc dù vậy, lễ Phục sinh có một bí mật được ẩn giấu

Thật thế,ngày lễ này cũng chứa đựng sự đối nghịch của nó. Chúng ta không thể đến được trọng tâm của mầu nhiệm Phục sinh nếu trước hết chúng ta kênh qua Thập giá. Sự sống và cái chết kết nối với nhau và không thể bị chia cắt. Giống như một cây non nảy mầm trong ánh nắng ấm áp mùa xuân lại là kết quả của một hạt giống bị nứt nẻ, bị chôn vùi trong mảnh đất mùa đông lạnh cứng, thậm chí, bị bỏ quên bởi một con sóc đãng trí, hoặc bị rơi khỏi mỏ của một con chim.

Giống như một hình ảnh phản chiếu của Lễ Phục sinh, Thứ Sáu Tuần Thánh chứa đựng một hạt giống của sự sống. Theo truyền thống cổ đại, ngày 25 tháng 3 được coi là ngày lịch sử của cả việc Truyền tin và Đóng đinh. Thánh Augustinô nói rằng, “Người ta tin rằng Chúa Giêsu được thụ thai vào ngày 25 tháng 3, trong ngày đó, Người cũng chịu đau khổ; vì vậy cung lòng của Đức Trinh Nữ, nơi Đức Kitô được thụ thai, nơi chưa có một phàm nhân nào được sinh ra, cũng tương ứng với ngôi mộ mới mà Người được mai táng".

Nói cách khác, đó là ngày của cả sự sống và cái chết, của sự tiếp nhận và trao ban, của cung lòng và ngôi mộ, của sự hiện diện và vắng mặt, của sự ăn mừng và chay tịnh. Nhà thơ người Anh John Donne mô tả ngày này là “Một biểu tượng vòng tròn”, là sự kết hợp của điểm đầu tiên và điểm cuối cùng.

Hai khái niệm này thách thức sự thể hiện trong cùng một lúc. Vì, dường như đối với chúng ta, thách đố thực sự của mâu thuẫn là bỏ cái này hoặc cái kia. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào cái chết và sự đền tội, chúng ta sẽ chẳng bao giờ sống một cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc mà chúng ta đáng được sống. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào cuộc sống, chúng ta sẽ quên rằng thời gian là vốn quý và chúng ta cần phải làm cho mọi khoảnh khắc trở nên ý nghĩa.

Chúng ta quên rằng tình yêu đòi hỏi sự hy sinh. Chúng ta cần cả sự sống và cái chết. Chính cái chết mới làm cho cuộc sống trở nên quý giá. Thứ Sáu Tuần Thánh làm cho Lễ Truyền Tin trở thành một sự kiện trọng đại, và đó là nấm mồ khiến Lễ Phục Sinh trở thành sự cử hành đích thực trong cuộc sống mà chúng ta vô cùng yêu mến.

Đây là một bài học tuyệt vời. Tôi rất coi trọng thời gian với các con bởi vì tôi biết rằng một ngày nào đó, chúng sẽ lớn khôn và có một cuộc sống tự lập. Tôi có nhiều niềm vui hơn trong những khoảnh khắc yên tĩnh của mình khi tôi nhớ rằng những khoảnh khắc này sẽ không bao giờ trở lại với tôi. Mùa xuân đến mang theo sự bồi hồi xao xuyến bởi ký ức về mùa đông vẫn còn vương vấn.

Vì vậy, hãy ý thức để nắm giữ những thực tại nằm ở hai thái cực đối lập. Những thực tại này củng cố lẫn nhau và thể hiện một thực tại đẹp đẽ, sâu xa, mạnh mẽ và đủ lớn để bao gồm tất cả chúng ta, với những cảm xúc mâu thuẫn xen lẫn giữa hy vọng và bất an, giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa sự chay tịnh và ăn mừng... Tất cả những cảm xúc mâu thuẫn này, bằng nhiều cách, đều nằm gọn trong trái tim của chúng ta, chúng ta thực sự có một định mệnh vĩnh cửu, cao cả hơn những gì chúng ta có thể hình dung.

Do đó, chẳng có gì là mâu thuẫnđâu, bạn ạ.

Tác giả: Lm. Michael Rennier – Nguồn: Aleteia (17/4/2022)
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP Dòng Đa Minh Thánh Tâm

-------------
Cha Michael Rennier, nguyên là giáo sĩ thuộc Giáo hội Anh giáo, đã lập gia đình và có 5 người con. Ngài được thụ phong linh mục Công giáo thông qua Quy chế Mục vụ được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập.

456    22-04-2022