Như bạn đã biết, thuật ngữ “Trí tuệ cảm xúc” (emotional intelligence), được đặt ra lần đầu tiên vào năm 1964 nhưng chỉ thực sự trở nên phổ biến trong khoảng 25 năm trở lại đây. Trí tuệ cảm xúc được hiểu là khả năng mà một người có thể quản lý cảm xúc của bản thân, đồng thời có thể nhận biết và phản hồi lại - và thậm chí có thể ảnh hưởng tới - cảm xúc của những người xung quanh. Trên thực tế, có những người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao hơn, và cũng có những người có chỉ số trí tuệ cảm xúc thấp hơn, do đó, nhiều công ty đang kiếm được nhiều tiền trong việc đào tạo lực lượng lao động để khai thác trí tuệ cảm xúc nhằm mang lại tác động kinh doanh tối đa.
Ngoài ra, bạn đã từng nghe nói về “Trí tuệ đàm thoại” (conversational intelligence) chưa? Ý tưởng này được xây dựng dựa trên trí tuệ cảm xúc, nhưng nhấn mạnh vào cách hai cá nhân đối thoại với nhau. Ý tưởng đằng sau trí tuệ đàm thoại là bạn có thể đưa vào cuộc đối thoại những “nghi thức đàm thoại” giúp xây dựng lòng tin, tinh thần đồng đội, và dẫn đến thành công chung.
Trí tuệ đàm thoại được sử dụng chủ yếu để thúc đẩy sự thành công trong kinh doanh, nhưng nó thể hiện rất tốt trong bất kỳ loại tương quan nào. Trí tuệ đàm thoại được xây dựng dựa trên khoa học thần kinh, vốn xác định phong cách đối thoại nào kích hoạt não bộ theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Và, điều rất thú vị là, trí tuệ đàm thoại dạy các kỹ thuật làm sao để có những cuộc đối thoại theo cách kích hoạt não bộ một cách tích cực.
Tuy nhiên, cũng thú vị không kém, khi nghiên cứu về Trí tuệ đàm thoại, tôi không thể không nghĩ rằng, đặt khoa học thần kinh sang một bên, Trí tuệ đàm thoại thực sự bắt nguồn từ việc nói lên sự thật trong tình yêu thương. Đó là Tin Mừng.
Nhưng điều này được thực hiện như thế nào? Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra một vài chỉ dẫn cụ thể trong Sứ điệp dành cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57, sẽ được cử hành vào ngày 21/5/2023.
Theo Đức Thánh Cha, khi nói đến giao tiếp,
Một khi chúng ta đã thực hành lắng nghe, vốn đòi hỏi phải chờ đợi và kiên nhẫn, cũng như từ bỏ khẳng định quan điểm của mình một cách tiên quyết, thì chúng ta có thể đi vào cuộc đối thoại và chia sẻ cách năng động, vốn chính là sự năng động khi giao tiếp bằng trái tim. Sau khi lắng nghe người khác bằng con tim trong sáng, chúng ta cũng có thể nói theo sự thật trong tình yêu (x. Ep 4,15). Chúng ta đừng sợ phải công bố sự thật, cho dù có khi sự thật không dễ chịu, nhưng hãy sợ rằng chúng ta công bố sự thật mà không có bác ái, không có trái tim. Bởi vì như Đức Bênêđictô XVI đã viết, “chương trình của Kitô hữu là ‘một trái tim biết nhìn’”. Một trái tim với nhịp đập của nó sẽ tỏ lộ sự thật về bản thân chúng ta và chính vì thế mà cần phải được lắng nghe.
Nói cách khác, sự thật sẽ được truyền đạt hiệu quả hơn nhiều nếu nó được thực hiện theo cách không kích hoạt não bộ một cách tiêu cực! Đức Thánh Cha giải thích rằng những người giao tiếp theo cách thức thân tình thể hiện tình yêu thương đối với người khác “bởi vì họ quan tâm và bảo vệ chứ không xâm phạm quyền tự do của người khác”.
Điều này áp dụng cho những người có trách nhiệm trong lãnh vực truyền thông và thông tin, nhưng không dừng lại ở đó. Vì, Đức Thánh Cha xác định rõ,
“việc dấn thân truyền thông ‘với trái tim và vòng tay rộng mở’ không chỉ dành riêng cho những người trong lĩnh vực truyền thông mà là trách nhiệm của mọi người”.
Vậy thì chúng ta có thể thử thách bản thân để nói lên sự thật trong tình yêu thương như thế nào?
- Trong truyền thông xã hội, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đưa ra một quan điểm tử tế, ngay cả khi ai đó nói điều gì đó kém khoan dung?
- Trong Giáo hội, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta biết đối thoại với sự khiêm tốn thay vì coi mình là thành viên của “một phe” đang tìm cách giành chiến thắng?
- Tại nơi làm việc, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nói chuyện với nhau một cách trực tiếp và độ lượng thay vì ngồi lê đôi mách sau lưng đồng nghiệp?
- Trong đời sống hôn nhân, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta từ bỏ cách ứng xử im lặng hoặc ngừng mong đợi rằng người bạn đời phải là người đọc được suy nghĩ của mình, thay vào đó, chúng ta đối diện với những xung đột bằng sự kiên nhẫn, vốn là hoa trái vô giá của Chúa Thánh Thần?
- Trong gia đình, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dạy con cái về sự khác biệt giữa đúng và sai một cách an hoà và lòng trắc ẩn, chứ không để sự căng thẳng hướng dẫn hành động và cảm xúc của chúng ta?
Ước mong sao, khi sống tinh thần của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm nay, chúng ta biết áp dụng lời khuyên của Đức Thánh Cha vào trong lối nghĩ, trong lời nói, và trong hành động của mình, để có thể truyền đạt sự thật hiệu quả hơn bằng tình yêu thương:
“Những lời đúng đắn từ trái tim sẽ xua tan bóng tối của một thế giới khép kín và chia rẽ và xây dựng một nền văn minh tốt đẹp hơn nền văn minh mà chúng ta đã nhận được”.
Tác giả: Gretchen R. Crowe - Nguồn: oursundayvisitor (09/5/2023)
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Dòng Đa Minh Thánh Tâm
319 19-05-2023