11.4 Thứ Bảy
Mt 28, 1-10
ĐÊM HỒNG PHÚC
Đêm nay, đêm Vọng Phục Sinh, ngọn lửa Phục Sinh được chiếu sáng nhắc cho chúng ta thấy rằng, Chúa Giêsu là Ánh Sáng, Ánh Sáng đã đến thế gian để cùng chân lý đẩy lui sự dữ, hận thù và chia rẽ… để trao tặng cho nhân loại một Ánh Sáng của tình yêu, niềm tin, phó thác, và như thế, người kitô hữu chúng ta, một khi đã được Rửa tội, chúng ta được mặc lấy Đức Kitô để thuộc về Ngài, thì đêm nay, chúng ta thắp lên và hướng về ngọn nến Phục Sinh như một sự suy phục, hẳn chúng ta cũng không thể không nghĩ đến vai trò chứng nhân của mình là phải trở nên ánh sáng cho mình và soi sáng cho tha nhân.
Phụng Vụ Lễ Vọng Phuc Sinh khởi đầu bằng nghi thức làm phép lửa mới và thắp nến Phục Sinh, nói lên cuộc vượt qua của Chúa Giêsu từ bóng tối tử thần đến ánh sáng Phục Sinh. Chúa Giêsu chính là Ánh Sáng như Người đã tuyên bố: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12). Ánh sáng đó đã được diễn tả trong nghi thức trước thánh lễ Vọng Phục Sinh hôm nay.
Lời Chúa được khởi đầu với bài trích sách Sáng Thế, qua bài đọc này, gợi lại cho chúng ta những hình ảnh rất giàu tính biểu cảm, đó là: cảnh tối tăm bao trùm hết mọi nơi, tình trạng hỗn mang vô trật tự.
Tuy nhiên, khi Đức Chúa phân rẽ ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, thì tình trạng hỗn mang đó không còn nữa và kể từ đó mọi vật và mọi loài sống theo trật tự đúng với bản chất của chúng. Qua bài đọc này, dưới ánh sáng đức tin, chúng ta xác tín hơn về niềm tin của mình vào một Thiên Chúa là Chủ Tể trời đất. Mọi sự hiện hữu trên trần gian này thuộc về Người, và do ý muốn của Người mà có.
Tiếp theo, hành ảnh của Ápraham hiện lên như một mẫu gương tuyệt vời về niềm tin. Ông đã đặt trọn niềm tín thác của mình ở nơi Đức Chúa, nên ông sẵn sàng hiến dâng cho Người những gì là quý giá nhất của mình, đó chính là Isaác, đứa con trai duy nhất để trọn niềm hiếu trung với Người.
Sang bài đọc Xuất Hành, tác giả gợi lại cho chúng ta về một vị Thiên Chúa luôn yêu thương con cái của mình. Thật vậy, Người đã cứu thoát họ ra khỏi Aicập và đưa họ về miền Đất Hứa, nơi tràn trề sữa và mật. Cuộc xuất hành của dân Do thái cho chúng ta một hình ảnh tiên trưng vừa cá nhân vừa tập thể. Cá nhân thì ám chỉ cuộc vượt qua của Chúa Giêsu; tập thể là cuộc vượt qua của tất cả chúng ta.
Hình ảnh dân Israel được trình bày cách tiệm tiến: cuộc đời và dân tộc của Israel đi từ thân phận nô lệ do tội lỗi, đến nơi được tự do trong tâm tình con cái Chúa; đi từ sự thất vọng đến hy vọng tràn trề; từ sự chết đến sự sống. Thiên anh hùng ca giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập là bằng chứng hùng hồn việc Thiên Chúa đang hướng dẫn lịch sử nhân loại tới hồng ân cứu độ. Mặc cho dân thất trung, bội ước, Thiên Chúa vẫn yêu thương và không hề lay chuyển.
Khi xưa, dân Israel đã khước từ nguồn mạch khôn ngoan, thì đến thời Tân Ước, Thiên Chúa đã trao ban chính Đấng Khôn Ngoan của mình đến ở trực tiếp. Đấng ấy chính là Đức Kitô Giêsu chịu đóng đinh và đã sống lại để cứu chuộc nhân loại.
Nếu Chúa Giêsu chết mà không phục sinh, hẳn tất cả những gì đã loan báo về Ngài trước đó đều vô hiệu, những Giáo Huấn của Ngài trở nên phù phiếm, lời rao giảng của các Tông đồ trở thành chiêu trò lừa bịp, và chúng ta trở thành những kẻ mê muội, dại dột khi tin vào một con người đã chết mà không bao giờ sống lại.
Ta thấy lúc đầu bóng tối bao trùm không gian nhà thờ khi các ngọn đèn đều tắt hết. Sau khi Chủ Sự làm phép lửa mới ở cuối nhà thờ, Linh mục đã dùng lửa này để thắp sáng cây nến Phục Sinh, và sau đó là nghi lễ rước nến Phục Sinh.
Trong cuộc rước, Chủ sự cầm nến Phục Sinh lần lượt công bố ba lần: “Ánh Sáng Chúa Kitô”. Lần thứ nhất công bố ngay sau nghi thức làm phép lửa mới và mọi người đáp: “Tạ ơn Chúa”. Lần thứ hai công bố khi Chủ sự bước vào cửa chính cuối nhà thờ, và nến Phục Sinh được rước từ cuối nhà thờ đi lên cung thánh. Chủ Sự cầm cây nến cháy sáng đi đến đâu thì sẽ mồi lửa cho người đứng ở đầu các hàng ghế, người này sẽ mồi lửa sang người bên cạnh. Ánh sáng Phục Sinh dần dần lan tỏa ra cả nhà thờ.
Khi rước nến Phục Sinh tới Cung Thánh, Chủ Sự sẽ quay xuống cộng đoàn long trọng công bố lần thứ ba. Bấy giờ toàn bộ ánh sáng trong nhà thờ được bật lên. Niềm vui Phục Sinh tiếp tục được thể hiện cách đầy đủ trong bài công bố Tin Mừng Phục Sinh “Mừng Vui Lên” hay “Exultet”.
Mừng vui lên… vui lên, hỡi Mẹ Hội Thánh vui lên…hãy vang lên tiếng ca hát của toàn dân. Vâng đêm nay là “đêm của Đức Chúa” (Xh 12, 42), đêm Thánh “mẹ của mọi đêm thánh” (thánh Augustinô). Đêm đêm tôn vinh và cảm tạ, vì Thiên Chúa đã, đang và mãi mãi yêu thương con người, đêm nối kết trời với đất, con người với Thiên Chúa, và con người trần thế với nhau.
Chúa Kitô đã Phục Sinh. Không có nghĩa là Chúa Kitô tìm lại được sự sống sinh học và những sinh hoạt của Ngài trước kia, nhưng là Thiên Chúa ban cho Ngài một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ trong một cách hiện hữu tuyệt đối mới mẻ mà nhân tính của Ngài tham gia trọn vẹn. Chúa Giêsu Phục Sinh hiệp thông hoàn toàn với chính cuộc sống của Thiên Chúa, với Ánh Sáng của Thiên Chúa, với Quyền Năng của Thiên Chúa, mà vẫn không ngừng đời đời là chính mình với thân xác của Ngài đã trở nên thần thiêng, và với tất cả những gì thuộc về thân xác: những mối dây thân ái, những kinh nghiệm đã có được, những bài học của một cuộc đời và cả những thử thách, những tương quan, những ký ức…
Thật vậy, niềm tin Chúa Phục Sinh phải trở thành động lực thúc đẩy chúng ta canh tân đổi mới nếp sống của bản thân và gia đình mình, đem lại cho môi trường mình đang sống một sức sống mới. Hãy phá bỏ đi tảng đá của sự giận hờn thù oán đang đè nặng cuộc sống chúng ta, để chúng ta bước đi trong ánh sáng tin yêu của Chúa.