Rembrandt: The Denial of Saint Peter, 1660 via Wikipedia |
Tin Mừng thuật lại rằng: “Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.” Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phê-rô sức nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Mt 26, 74-75) Đây có lẽ là biến cố đau đớn nhất trong của đời của thánh Phê-rô. Chỉ mới vài giờ trước đây ông còn khăng khăng rằng mình sẽ không bao giờ chối Thầy, không bao giờ phản bội Thầy đâu. Nhưng sự thật đã đánh gục ông. Phê-rô không thể vượt qua được sự yếu hèn của mình. Ông đã ngã, ngã thật đau đớn! Đêm tối ấy chắc cũng là một đêm dài với ông, một đêm có tính cách quyết định đến cả cuộc đời sau này của vị Tông đồ trưởng.
Trong biến cố kể trên, tiếng gà gáy mặc dù không phải là yếu tố quan trọng nhất, nhưng chính tiếng gà gáy là hồi chuông thức tỉnh Phê-rô khi ông đang trượt dài trên những cố gắng đầy yếu ớt và bất lực của mình trước lời cáo buộc của người đầy tớ gái. “Tôi thề là không biết người ấy.” (Mt 26, 74) Lời thề có vẻ quả quyết đấy nhưng bên trong đó là cả một khoảng không của nỗi sợ hãi. Nỗi sợ đã chiếm lấy toàn bộ tâm trí của Phê-rô đến nỗi ông không còn nhớ những gì Thầy đã nói với mình. Không phải ông không yêu Thầy. Ông rất yêu Thầy, nhưng tại giây phút định mệnh ấy, nỗi sợ đã xâm chiếm toàn bộ con người ông. Chính nhờ tiếng gà gáy mà ông chợt thức tỉnh, chợt nhận ra mình đã chối Thầy, không những một mà đến tận ba lần. Ông sực nhớ lại những lời Thầy đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” (Mt 26, 75) Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. Những lời của Thầy như xuyên thấu con người và tâm trí ông. Những lời này xé toạc bức màn phông mỏng manh của sự biện hộ đồng thời để lộ ra toàn bộ sự yếu đuối của con người ông. Phê-rô trần trụi đối diện với sự thật về con người mình và về việc mà ông vừa làm. Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết vì biết mình đã phạm tội phản bội.
Tội phản bội ắt hẳn là một tội nặng. Nó nặng bởi vì nó hủy hoại mối tương quan của con người cách khủng khiếp. Bản chất của mối tương quan của con người là dựa trên lòng tin tưởng. Con người sống với nhau nhờ luôn biết tin vào người đối diện với mình. Vợ chồng tin tưởng nhau để cùng xây đắp gia đình và nuôi nấng con cái, con cái tin tưởng và phó thác cuộc đời mình cho sự chăm sóc dưỡng dục của cha mẹ. Bạn bè tin tưởng nhau khi cùng nhau xây đắp tình thương, cùng nhau dấn thân cho lý tưởng cũng như cùng chia sẻ vui buồn của cuộc sống. Thầy trò tin tưởng nhau để cùng hướng tới lý tưởng phục vụ nhân loại. Con người tin tưởng nhau để cùng xây dựng một xã hội ngày càng xứng đáng để sống. Bởi thế, việc phản bội Thầy của Phê-rô đã chia cắt ông với Thầy mình. Niềm tin của Thầy đã bị phản bội. Và ngay cả chính ông cũng nhận ra nỗi đau và sự mất mát mà mình đã gây ra. Ông ra ngoài và khóc lóc thảm thiết vì ông không muốn người khác thấy được sự yếu đuối của mình. Ông muốn chạy trốn khỏi mọi cáo buộc về mối tương quan của mình với Con Người đang bị cáo buộc kia. Và ông khóc lóc thảm thiết như là một phản ứng tự nhiên của việc tự thấy hổ thẹn cho tội lỗi của mình. Trong lúc bối rối và đau đớn như thế, ông không biết rồi tương quan của mình với Thầy sẽ thế nào?
Chắc hẳn, đêm tối đó là đêm dài nhất và ám ảnh nhất trong cuộc đời của Phê-rô. Trong đêm tối thăm thẳm đó, ông có cơ hội nhìn lại con người của mình. Những lời của Thầy sẽ mãi vang vọng trong tâm trí của ông. “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” (Mt 26, 75) Ông sẽ không còn dám tự hào vào chính mình với sự kiên quyết cùng chết với Thầy. Chỉ với một lời cáo buộc của một người đầy tớ gái mà ông đã vội phủ nhận mọi điều liên quan với Thầy. Còn đâu một Phê-rô khẳng khái tuyên xưng đức tin vào Thầy mình là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Còn đâu một Phê-rô dám rút gươm chém đứt tai phải của tên đầy tớ vị thượng tế khi quân lính đến bắt Thầy. Mọi sự thay đổi quá nhanh đến nỗi ông không kịp nhận thức đủ mình đã làm gì. Cho nên, nhờ vào đêm tối sau biến cố chối Thầy, Phê-rô có thời gian để chiêm nghiệm về mọi việc đã xảy ra. Đây là lúc ông đối diện gần nhất và thật nhất với bản thể hữu hạn của bản thân. Đặc biệt, nó còn là thời gian thử thách và tinh luyện đức tin cho ông. Mặc dù cùng mang tội phản bội Thầy, nhưng Phê-rô không chọn cách kết thúc cuộc đời như Giu-đa đã làm. Sau đêm tối đó, sau biến cố đau thương đó, cuộc đời của ông hoàn toàn thay đổi.
Cú “ngã ngựa” trên là bước ngoặt thay đổi hoàn toàn cuộc đời và con người của Phê-rô để rồi Thiên Chúa qua bàn tay của Phê-rô và các Tông đồ tiếp tục thực hiện kế hoạch cứu độ của mình. Sau Phục Sinh, đặc biệt là vào ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ đã được biến đổi tận căn. Các ông không còn sợ hãi nữa nhưng can đảm để ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người. Mặc dù bị cấm cách, bị sỉ vả và thử thách nhưng các ông vui vẻ đón nhận sự bách hại theo gương Thầy Chí Thánh. Phê-rô giờ đây là trụ cột của Giáo Hội mà Chúa Giê-su muốn giao phó. Sau cuộc thanh luyện đức tin trong đêm khổ nạn của Thầy, Phê-rô đã thực sự là đá tảng để Chúa xây dựng Giáo Hội của mình. Nếu như trước kia ông tự tin vào bản thân mình thì giờ đây ông biết mình yếu đuối mà cậy dựa vào Chúa. Nếu như trước kia ông muốn làm theo ý mình thì giờ đây ông để cho ý Chúa làm chủ cuộc đời mình. Đặc biệt, Phê-rô đã can đảm bước trên con đường khổ giá cùng với Thầy. Ông bước đi mà không sợ hãi. Nỗi sợ hãi trong đêm tối đó đã trở nên sức mạnh và lòng can đảm của người môn đệ Chúa. Qua đêm tối ấy, ánh sáng của niềm hy vọng đã tràn ngập tâm hồn của Phê-rô để ông không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho Đấng-đã-chết-vì-ông.
Đến đây, mỗi người chúng ta cũng thu góp được những ích lợi thiêng liêng cho hành trình đức tin của mình. Sự vấp ngã của Phê-rô đôi lúc cũng chính là sự vấp ngã của mỗi người chúng ta. Là con người, ai cũng có những lúc yếu đuối và lỗi lầm. Chúng ta đôi lúc không dám tuyên xưng mình là Ki-tô hữu. Khi có ai đó bôi nhọ về Đạo của mình, chúng ta chưa dám can đảm đứng lên biện hộ. Thậm chí nhiều người còn chấp nhận từ bỏ đức tin vì muốn thăng quan tiến chức, muốn được dễ dàng trong công việc. Và còn nhiều cám dỗ khác dễ dàng lôi kéo chúng ta vào việc chối bỏ Chúa của chúng ta. Thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta ngã lòng. Phê-rô đã vấp ngã nhưng ông cũng đã mạnh mẽ trỗi dậy và làm lại cuộc đời của mình. Chúng ta cũng xin Chúa luôn đồng hành ban thêm sức mạnh để chúng ta dám làm chứng cho Chúa trong mỗi giây phút của cuộc đời. Sống đạo là việc chúng ta can đảm chịu tử đạo mỗi ngày vì Chúa.
Ước mong mỗi người chúng ta đừng bao giờ dễ dàng từ bỏ đức tin của mình. Không có Chúa chúng ta không làm được gì cả. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Phê-rô nâng đỡ và chở che chúng ta trong hành trình dương thế của mình. Xin thánh nhân là đá tảng của Giáo Hội luôn đồng hành để mỗi khi gặp vấp ngã và thử thách chúng ta có thêm niềm hy vọng mà bước tiếp hành trình làm con Chúa của mình.
Tác giả: Philip
(Bài viết được CTV gởi về BBT Web GPVL)