ĐẾN VÀ GẶP CHÚA QUA LỜI CỦA NGÀI
Chúng ta không biết nhiều về thánh Anrê, anh của Simon Phê-rô, nhưng chúng ta nhận thấy điều ngài làm thật là vĩ đại. Ngài dẫn em ngài là Simon đến với Chúa Giê-su.(Ga 1,42)
Ở Galilê, Chúa Giê-su nhận ra và kêu gọi ông philipphê theo Ngài. Sau đó, ông philiphê lại mời gọi Nathanael đến và gặp gỡ Chúa Giê-su. Thánh Anrê và philiphê mang đến cho Chúa Giê-su những môn đệ tương lai, những người sẽ tạo nên lịch sử của Ki-tô giáo. Hai ngài đã mang các em của mình đến với Chúa Giê-su vì các ngài đã trải nghiệm một ngày bên Chúa Giê-su.
Khi ta thật sự đến gặp gỡ Chúa Giê-su và trải nghiệm những gì khi sống bên Ngài, ta cũng sẽ hăng hái mang người khác đến với Chúa. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong tông huấn loan báo Tin mừng như sau: “không thể hiểu được một người đã tiếp nhận Lời và đã tự hiến cho vương quốc mà lại không trở nên chứng nhân và người rao giảng”.
Giới thiệu người ta đến với Chúa Giê-su hoặc là lôi cuốn họ vào trong ân nghĩa thâm sâu cùng Ngài.
Trang Tin mừng theo Thánh Gioan thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê su và philipphê và sau đó, qua Philiphê, là cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Nathanaen và Đức Giêsu.
Nghe thấy Đấng cao trọng mà xuất thân từ Nadarét, ông Nathanaen chưa muốn tin nên tặc lưỡi đánh giá rằng từ nơi tầm thường ấy thì làm sao có cái gì hay được? Để bảo vệ niềm tin vào Thầy của mình và để bạn mới thêm háo hức, ông Philípphê bảo cứ đến mà xem. Ông là mẫu gương nổi trội về cách truyền giáo hiệu quả, bài học thiết thực cho chúng con ngày nay. Một khi mình đã được “gặp”, được “thấy” Chúa thì phải vui mừng mở tung cõi lòng mà giới thiệu, chia sẻ, làm chứng cho người khác biết, để cùng tin yêu và bước theo Chúa, cho hương Tin Mừng tỏa lan đến mọi người chúng con có cơ duyên gặp gỡ.
Nathanael đã cứng lòng và nghi hoặc: “Từ Nazareth, làm chi có cái gì hay được?” (1,46). Philiphê không bỏ cuộc, ông nói một cách xác tín: “Đến mà xem!”. Philiphê đã làm xong nhiệm vụ của mình là giới thiệu và đưa người khác đến gặp Đức Giêsu phần còn lại là việc của Chúa. Hẳn đó cũng chính là điều mà bất cứ ai khi loan báo Tin Mừng cũng trải nghiệm.
Trước thái độ hoài nghi của Nathanael Đức Giêsu đã tỏ ra ân cần, trìu mến: “đây đích thực là một người Israel lòng dạ không có gì gian dối”(1,47). Đức Giêsu tỏ ra cao thượng khi khen Nathanael là một người trung thực. Người luôn quan tâm tới ông: “trước khi Philiphê gọi anh, lúc anh ở dưới cây vả tôi đã thấy anh rồi”(1,48). Cách cư xử của Đức Giêsu đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của Nathanael khiến ông liên tục từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi Ngài nói: “các anh sẽ thấy trời rộng mở và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên con người”(1,51)
Nếu như cuộc diện kiến giữa Đức Giêsu và Philipphê có nhiều thuận lợi ,Thánh Gioan ghi lại: Ông Philipphê là người Betsaida cùng quê với các ông Anrê và Phêrô ( những người đầu tiên đã đi theo làm môn đệ Chúa), để rồi sau đó, Philiphê dễ dàng tin và đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu “ Anh hãy theo tôi”.
Trường hợp theo Chúa của Nathanaen thì không phải thế, Philipphê nói về Đức Giêsu Nadaret và trình bày cặn kẽ cho Nathanaen biết Ngài chính là Đấng mà kinh thánh đã nói đến, các tiên tri đã loan báo, muôn dân hằng mong đợi, chúng tôi đã gặp và chúng tôi đã đi theo Ngài. Dù vậy, xem ra , giữa sứ điệp được trình bày và người nghe sứ điệp cũng còn một khoảng cách khá lớn, “ từ Nadaret, làm sao có cái gì hay được ?”. Để thu hẹp khoảng cách đó, Philiphê đề nghị một cuộc gặp gỡ :” Cứ đến mà xem !”. Nathanaen đã đến và, không chỉ là để xem những “cái chi hay” mà là gặp được Đức Giêsu, tin và đi theo Người.
Nathanael đã cảm nhận được niềm vui cứu độ: “chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel”(1, 49) và ông tiếp tục loan báo ơn cứu độ cho mọi người mà ông gặp gỡ. Hẳn ông sẽ loan báo cách xác tín hơn ai hết bởi chính ông từ chỗ từ chối đến chỗ mở lòng mình ra đón nhận Thiên Chúa với sự tự do, nên ông cũng sẽ chờ đợi người khác kiên nhẫn hơn, với niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ có cách của Người.
Mỗi Kitô hữu chúng ta khi được mời gọi đến gặp gỡ Chúa qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, lòng chúng ta cũng trào tràn niềm vui và chúng ta sẽ mời gọi những người khác đến với Thiên Chúa.
Đức Giêsu kitô chính là Tin Mừng phải được loan báo cho mọi người, mọi nơi, có những mảnh đất tâm hồn màu mỡ, đã được chuẩn bị kỹ càng, nhưng cũng có những mảnh đất khô cằn, gai góc, chẳng mấy thuận lợi. Nhưng hạt giống Tin mừng cần được gieo xuống trên tất cả. Đời sông của Hội thánh, của tất cả mọi Kitô hữu phải là lời loan báo, lời mời gọi “ hãy đến mà xem!”, không phải chỉ là đến để nghe chúng tôi rao giảng, mà còn thấy chúng tôi, những con người “mến Chúa yêu người” đang diễn tả điều đó thế nào trong cuộc sông hàng ngày, và gặp được Tin Mừng cứu độ là chính Đức Kitô. “ Cái chi hay”, cái độc đáo mà giáo xứ, cộng đoàn chúng ta muốn giới thiệu cho mọi người đến chiêm ngưỡng là gì, đó có phải là đời sống đậm nét Tin Mừng, của đời sống liên đới, của yêu thương, khiêm tốn.
Tin Mừng Nước Trời chính là kho báu, Hồng ân cứu độ là viên ngọc quí, nhưng tất cả có thể đang bị vùi chôn , đang bị che lấp bởi chính đời sống thụ động, đời sống cầu an của người tin Chúa. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy cùng Chúa mở rộng kho báu,và hãy cùng nhau trao ban viên ngọc Nước Trời.
Và ta xin thắp lên trong ta ngọn lửa niềm tin, ta nhận ra Chúa và mọi người thấy niềm vui Nước Trời. Lạy Chúa, xin giữ mãi nơi ta ngọn lửa tình yêu, ta sống niềm tin, và mọi người đón nhận Thiên Chúa mà ta tôn thờ.
Truyền thông Vĩnh Long
2657 03-01-2017 17:28:19