Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Denis Moreau: Làm thế nào để là người công giáo ngày nay?

 

Trong quyển sách mới nhất của mình, triết gia Denis Moreau đưa ra các lý do gắn bó vào đức tin công giáo của mình vào thời buổi mà đạo công giáo bị cho như dấu hiệu của một cái gì xưa cổ. Một đức tin mà ông xem là một cố gắng phi thường và không mệt mỏi, nhưng một cố gắng mang lại niềm vui.

Câu hỏi đặt ra không phải để gây khiêu khích. Nhưng gợi lên cái nhìn ngạc nhiên, thậm chí khinh miệt, thường nhắm vào những người dám còn tuyên xưng đức tin công giáo của mình. Ai cũng thấy điều này: nếu nói mình là phật tử thì gợi lên thiện cảm, thậm chí ngưỡng phục cho sự đi tìm con đường thiêng liêng này, nhưng nếu nói mình có đức tin công giáo, thường bị xem có dấu hiệu của một chủ nghĩa truyền thống đáng ngờ.

“Tôi muốn cổ động cho một đạo công giáo khẳng định chứ không do bị phản ứng”

Trong khi 300 năm trước, là người vô thần thì phải biện minh cho quan điểm kỳ lạ của mình, còn bây giờ là người công giáo phải đối diện với cái nhìn nghi ngờ của người đương thời, trong quyển sách mới nhất của mình, triết gia Denis Moreau cố gắng đưa ra một vài lý do hiện đại và vượt thời gian cho đức tin của mình.

Là triết gia thì phải dùng lý trí, từng chương này qua chương khác, ông trả lời cho các phản bác mà ông phải đối diện khi tuyên xưng đức tin của mình. Một trong các phản bác đầu tiên, là phản bác về việc phải đưa đức tin của mình cho phù với giáo dục mình được nhận.

Về điểm này, triết gia Denis Moreau phản đối, ông cho rằng con người luôn là sản phẩm của văn hóa và giáo dục chỉ là sự chuyển nhượng khởi đi từ lúc nó được thể hiện trong một tinh thần cởi mở, chính xác giúp khi đến tuổi trưởng thành thực hiện được tự do của mình.

Lý do phản đối chính khác, là nhắc lại, theo lý trí thì đức tin phải sụp đổ như lâu đài xây trên cát. Nhưng triết gia Denis Moreau chứng nghiệm ngược lại, lý trí và đức tin hòa trộn vào nhau trong hiện sinh và vũ trụ của đức tin, tin tưởng, fides trong tiếng la-tinh trải rộng ra trên tất cả các lãnh vực của cuộc sống, từ tình phụ tử với con cái đến xác quyết chính trị.

Sau khi phân tích cùng với các tác giả cổ điển bằng chứng về sự hiện hữu của Chúa, về các chiều kích bản thể học và vũ trụ học, triết gia Denis Moreau rời lãnh vực biện minh đức tin nói chung để chuyển qua sự gắn bó với kitô giáo nói riêng.

Một cố gắng mang lại niềm vui

Vì theo ông, đức tin và kitô giáo gắn bó với nhau. Nếu ông tin, chủ yếu là vì hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng không phải là một uy quyền tôn giáo hay đạo đức, nhưng Đấng mạc khải làm thế nào sự hiện diện của tình yêu, chính xác là sự hiện diện của Chúa, của cha mình. “Tôi sẽ nói cho những người nói về tình yêu, rằng Chúa ở đó và chính Chúa đến với chúng ta để cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu, Đấng qua lời và hành động của Ngài đã nói với chúng ta như một con người của tình yêu”.

Với những người phản bác cho rằng, tôn giáo là câu chuyện tuyệt vời để khỏi sợ chết, thì triết gia nhắc lại, Chúa Kitô đã hiến mạng sống mình vì tình yêu và sự sống lại phóng chiếu trên sự sống một ánh sáng, không còn sợ cái chết. Nhưng ông nhận biết có một cái gai trong việc tuyên xưng đức tin: sự dữ. Không những sự dữ do Giáo hội làm, nhưng ngay cả sự hiện hữu của sự dữ trên trái đất này. Dù ông tin rằng “vẫn còn công giáo dù có sự hiện hữu của sự dữ”, ông bổ túc thêm cùng với nhà văn Pháp Jacques Julliard, giữa cánh tả không tin vào tội nguyên thủy và cánh hữu không tin vào sự cứu chuộc, ông muốn mình là người công giáo cánh tả nhận biết có sự hiện hữu của sự dữ.

Cuối cùng, với tất cả những người, rất đông, họ nói họ là người công giáo và họ nói họ may mắn có được đức tin – như thử đức tin từ trên trời rơi xuống -, thì ông lặp lại, đức tin trước hết là cả một cố gắng, một cố gắng phi thường và không mệt mỏi, nhưng một cố gắng mang lại niềm vui.

“Có thể nào có nguy cơ người công giáo tự tạo cho mình một khối biệt lập không? 

Quyển sách của ông dưới hình thức biện hộ trong tư thế phòng vệ. Ông cảm thấy mình là người công giáo càng ngày càng bị cô lập không?

Cô lập thì không, nhưng thiểu số thì có. Đó là một chuyện đương nhiên về mặt xã hội học. Nhưng cũng đúng về mặt tri thức: người công giáo bị cho là kỳ quặc lỗi thời nhất là trong môi trường trí thức tôi phát triển. Rất nhiều người đương thời, họ là những người thiện chí và thông minh, họ không hiểu làm thế nào và tại sao mà chúng ta vẫn còn dính chặt vào một thế giới quan như vậy. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải dùng thì giờ để giải thích về đức tin của mình, một cách bình thản và mô phạm. Nhưng tôi không nghĩ “phòng thủ” là tính từ tốt cho quyển sách của tôi, hay chỉ đơn giản theo nghĩa mình “bảo vệ” các ý tưởng của mình. Trước hết, tôi không cảm thấy đặc biệt mình bị tấn công, tôi thấy dễ dàng để sống đức tin công giáo ở Âu châu. Tôi chỉ muốn viết một quyển sách khẳng định, tích cực, vui vẻ. 

Theo ông, đâu là đe dọa chính đè nặng trên tương lai đạo công giáo?

Về lâu về dài tôi không cho phép mình bi quan: hy vọng vẫn ở trên đỉnh cao các giá trị kitô giáo. Về ngắn hạn, tôi tự hỏi mối đe dọa chính đè nặng đạo công giáo hiện nay ở Âu châu có phải là do chính nó. Đương nhiên có các vụ tai tiếng ấu dâm, nhưng một cách chung chung, tôi tiếc cho một đi lệch qua kiểu “càu nhàu”, buồn bã, người công giáo than phiền mình bị hiểu lầm và họ công kích sự hiện đại. Đôi khi họ cho cảm tưởng, họ tồn tại qua những gì họ chống đối. Khi nói về người kitô, triết gia Nietzsche đã đánh đúng với những chữ khủng khiếp: “Để tôi học mà tin vào Đấng Cứu chuộc của họ, thì phải cần có các đồ đệ của Ngài có vẻ được cứu chuộc nhiều hơn”. Tôi muốn cổ động cho một đạo công giáo khẳng định chứ không do bị phản ứng. Tôi cũng sợ một số người công giáo quá bằng lòng với tình trạng thiểu số của mình, một tình trạng có nhiều khía cạnh thoải mái: luôn được tâng bốc ở trong số những người “suy nghĩ tốt”. Do đó có nguy cơ tạo tự tạo cho mình một vùng biệt lập, một bản sắc co cụm trên lập trường “chống văn hóa”, ở trong một thành phố bị bao vây. Điều này không phù hợp với khát vọng phổ quát của công giáo.

Đâu là các nhân vật trong môi trường công giáo mà ông quy chiếu nhiều nhất?

Tôi luôn nghĩ trong đầu các hình ảnh của những “nhà làm việc bác ái cao cả”, đã để lại dấu ấn rất lớn cho lịch sử công giáo: Thánh Phanxicô Axixi, Thánh Vinh Sơn. Các nhân vật của thế kỷ 20 như bà Madeleine Delbreil, ông Jean Vanier, cha Pierre, nữ tu Emmanuelle. Họ thể hiện bản chất của sứ điệp kitô, họ sống đức ái Chúa Giêsu đã đốt lửa lên, họ sống lòng thương xót mà Đức Phanxicô luôn nhấn mạnh. Về mặt trí thức, dù bị báo chí nói không tốt, tư tưởng gia đầu giường của tôi là triết gia Descartes, tôi thấy ông là một triết gia kitô giáo vĩ đại. Cách đây vài năm, trường Đại học công giáo Louvain trong tinh thần mở mang trí tuệ, đã có nhã ý mời tôi đến nói chuyện để bảo vệ quan điểm này. Tôi thấy mình ở trong truyền thống duy lý kitô giáo, cùng với các Thánh Âugutinô, Tôma Aquinô, Thánh Gioan-Phaolô II cũng như với Đức Bênêđictô XVI (tất cả đều là các triết gia lỗi lạc). Đức tin của tôi cũng được củng cố qua chứng từ tri thức một cách can đảm, trong bối cảnh của những năm 1980 của các vị công giáo như các triết gia Jean-Luc Marion, Rémi Brague hay các sử gia như René Rémond và Jean Delumeau.

Denis Moreau, Làm thế nào để là người công giáo ngày nay?(Comment peut-on être catholique?) Nxb. Seuil, 2018

Marta An Nguyễn dịch

726    12-04-2018