ĐGH Gioan Phaolô I |
Nhận định về việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I được phong chân phước vào Chúa Nhật 04/9/2022, ông Andrea Tornielli, Tổng Biên tập của Vatican News nói: “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I được phong chân phước là một lời mời gọi tái khám phá sự khiêm nhường cho phép diễn đạt các nhân đức tin, cậy, mến cách cụ thể trong cuộc sống; một dấu hiệu hy vọng cho mọi Kitô hữu”.
Giải thích thêm về nhận định này, Tổng biên tập của Vatican News nhắc lại một sự kiện trong cuộc đời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I: Vào ngày 8/2/1970, trong bài giảng đầu tiên tại Vương cung thánh đường Thánh Marcô, với tư cách là Thượng phụ của Venezia, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã lặp lại những lời mà 11 năm trước đó ngài đã nói với các tín hữu của Vittorio Veneto ngay khi ngài vừa trở thành Giám mục của họ: “Đôi khi Thiên Chúa không ưu thích viết những điều vĩ đại trên đồng hay trên đá cẩm thạch, nhưng trên cát bụi, để nếu chữ viết còn lưu lại được mà không bị gió thổi đi mất thì kết quả rõ ràng hoàn toàn bởi Chúa và chỉ thuộc về Chúa. Tôi chỉ là cát bụi: chức vụ của một thượng phụ và giáo phận Venezia là những điều lớn kết hợp với cát bụi; nếu một chút điều tốt xuất hiện từ sự kết hợp này, rõ ràng là nhờ lòng thương xót Chúa”.
Theo ông Tornielli, những lời “Tôi là cát bụi”, một bí quyết tuyệt vời cho đời sống Kitô hữu mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã làm chứng trong suốt cuộc đời của ngài.
Sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô I - một Kitô hữu trở thành Giáo hoàng vào ngày 26/8/1978, và hôm nay sau 44 năm, trở thành chân phước - là câu chuyện đơn giản của một người đã tin tưởng vào Chúa và phó thác nơi Người trong từng bước của cuộc đời. Và sự tin tưởng này diễn ra trong sự nhận thức về sự nhỏ bé của mình.
Tổng biên tập Vatican News khẳng định rằng, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I là một người có văn hoá tuyệt vời và có khả năng chuẩn bị để trò chuyện một cách đơn giản làm cho mọi người đều có thể hiểu. Việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, một người không bao giờ khao khát các vị trí nổi bật, và là người trước khi được các hồng y hầu như nhất trí bầu chọn đã nghĩ đến việc từ nhiệm giám mục Venezia khi đến tuổi để đi truyền giáo ở châu Phi, được phong chân phước là một dấu hiệu hy vọng cho mọi Kitô hữu. Bởi vì, việc ngài được phong chân phước không phải vì ngài là Giáo hoàng, nhưng chính vì ngài là một Kitô hữu đã hết lòng vì Tin Mừng, và tự nhận mình là “cát bụi”.
Ông Tornielli kết luận: “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I là một Kitô hữu cầu nguyện mỗi ngày ‘Lạy Chúa, xin hãy dùng con như con là và biến đổi con như Chúa muốn’, đã trở thành khí cụ qua đó Thiên Chúa nhân từ đã viết những trang tuyệt đẹp và ngày nay hơn bao giờ hết rất phù hợp cho Giáo hội và thế giới”.
Theo Ngọc Yến - Vatican News (03/9/2022)
334 03-09-2022