Sidebar

Thứ Hai
21.04.2025

ĐGH Phanxicô - Bài huấn từ với các linh mục, tu sĩ, người thánh hiến, và chủng sinh Madagascar

Anh Chị Em Thân Mến,

Xin cám ơn các bạn vì sự đón tiếp nồng hậu của các bạn. Trước hết tôi muốn chào tất cả các linh mục và những người thánh hiến là những vị không thể hiện diện với chúng ta ngày hôm nay do bởi tình trạng sức khoẻ yếu kém, tuổi già hay những lý do khác.

Tôi kết thúc chuyến thăm này của tôi đến Madagascar ở đây với các bạn. Khi tôi chứng kiến được niềm vui của các bạn và nghĩ về những thứ khác mà tôi đã được chứng kiến trong thời gian nghỉ lại vắn vỏi của tôi trên đảo quốc này, tâm hồn tôi vang vọng lại những lời mà Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Luca. Đầy tràn niềm vui, Ngài thốt lên, "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn" (Lc 10:21). Niềm vui của tôi đã được khẳng định bởi những chứng từ của các bạn, vì ngay cả khi các bạn thấy những điều này như là các vấn đề cũng những dấu chỉ của một Giáo Hội đang sống, năng động và đang nỗ lực để mỗi ngày là một dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa.

Điều này dẫn chúng ta đến chỗ nhớ lại bằng lòng biết ơn tất cả những người mà trong những năm qua đã không ngần ngại đặt cược cuộc đời của họ ở nơi Chúa Giêsu Kitô và nước của Người. Ngày hôm nay các bạn đang thông phần vào di sản của họ. Tôi nghĩ đến những người Dòng Vicent, Dòng Tên, Dòng Nữ Thánh Giuse Cluny, Dòng Huynh Đệ Trường Học Kitô Giáo, Dòng Thừa Sai La Salettte và quá nhiều những vị giám mục, linh mục và những người nam nữ thánh hiến tiên phong khác. Tôi cũng nghĩ về nhiều người giáo dân là những người giữ cho ngọn lửa niềm tin bừng cháy ở mảnh đất này trong những ngày gian khó của sự bách hại khi nhiều nhà truyền giáo và tu sĩ phải rời bỏ. Điều này nhắc nhớ chúng ta là phép rửa của chúng ta là bí tích quan trọng đầu tien đã đánh dấu và thánh hiến chún ta là con cái của Thiên Chúa. Mọi sự khác là một sự diễn tả và một sự thể hiện của tình yêu thuở ban đầu ấy, điều mà chúng ta được mời gọi để canh tân liên lỉ.

Những lời của Tin Mừng mà tôi vừa trích dẫn ở trên là một phần lời cầu nguyện ngợi khen của Chúa khi Ngài đón tiếp 72 môn đệ trở về từ sứ mạng của họ. Giống như bản thân các bạn, những người môn đệ này đón nhận thách đố của việc là một Giáo Hội “tiến bước”. Các vị ấy trở về với những chiếc giỏ đầy, để chia sẻ mọi điều mà họ đã thấy và nghe. Các bạn cũng đã can đảm tiến bước, các bạn đã chấp nhận thách đố của việc mang lại ánh sáng của Tin Mừng cho mọi phần khác nhau của đảo quốc này.

Tôi biết rằng nhiều người trong số các bạn đang sống trong những điều kiện khó khăn và thiếu những dịch vụ thiết yếu như nước, điện, đường xá, và các phương tiện truyền thông, hay những nguồn tài chính cần thiết cho cuộc sống của các bạn và cho hoạt động mục vụ. Có nhiều hơn trong số các bạn cảm nhận được gánh nặng của những việc làm tông đồ của các bạn và tác động của những việc này trên sức khoẻ của các bạn. Nhưng các bạn đã chọn để đứng bên cạnh người dân của các bạn, để ở giữa họ. Tôi cám ơn các bạn vì điều này. Tôi cám ơn các bạn vì chứng tá của các bạn về việc chọn lựa ở lại chứ không biến ơn gọi của các bạn thành “một tảng đá tiến thân cho một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Ở lại đó trong sự nhận thức, như Vị Nữ Tu đã nói, rằng, “đối với tất cả mọi khó khăn và yếu đuối của chúng tôi, chúng tôi vẫn dấn thân trọn vẹn cho sứ mạng lớn lao của việc phúc âm hoá”. Những người thánh hiến, theo nghĩa rộng của từ này, là những người nam nữ đã học cách gần gũi với trái tim của Chúa và với trái tim của người dân của họ.

Khi đón các môn đệ của Ngài trở về và nghe về niềm vui của họ, Chúa Giêsu ngày lập tực ngợi khen và chúc tụng Cha trên trời của Ngài. Điều này giúp chúng ta thấy một điều căn bản về ơn gọi của chúng ta. Chúng ta là những người nam nữ ngợi khen. Những người thánh hiến thì có khả năng nhận ra và chỉ ra sự hiện diện của Thiên Chúa bất cứ nơi nào mà họ hiện diện. Thậm chí tốt hơn, họ có khả năng ngự vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa vì họ đã học cách để nếm trải, vui hưởng và chia sẻ sự hiện diện đó.

Trong khi ngợi khen, chúng ta khám phá được vẻ đẹp của căn tính của chúng ta như là một phần của một dân. Việc ngợi khen giải thoát người môn đệ khỏi việc ám ảnh về “điều cần phải được thực thi”; việc này khôi phục lòng nhiệt thành của chúng ta đối với sứ mạng và cho việc ở giữa dân của chúng ta. Việc ngợi khen giúp chúng ta tinh luyện lại “tiêu chí” mà qua đó chúng ta gắn kết chính mình và những người khác và tất cả mọi dự án truyền giáo của chúng ta. Bằng cách này, việc ngợi khen giữ cho chúng ta không đánh mất “hương vị” tin mừng của chúng ta.

Thường thì chúng ta có thể rơi vào cơn cám dỗ của việc lãng phí thời gian để nói về “những thành công” và “những thất bại”, “sự hữu ích” của điều mà chúng ta đang thực hiện hay “tầm ảnh hưởng” mà chúng ta có thể có. Những thảo luận này mang lấy kết cục sẽ chiếm lấy và, cách không thường xuyên, làm cho chúng ta, giống như những người tướng bại trận, mơ về những dự án tông đồ đã được lên kế hoạch cách tỉ mỉ và lớn lao. Chúng ta mang lấy kết cục là chối bỏ lịch sử của chúng ta – và lịch sử người dân của các bạn – vốn vinh thắng vì đó là lịch sử của những hy sinh, niềm hy vọng, cuộc chiến hằng ngày, một đời sống bị tiêu thụ trong sự trung thành với công việc, dù mỏi mệt (x. Evangelii Gaudium, 96).

Trong khi ngợi khen, chúng ta học cách để không trở nên “say nắng”, khi biến phương tiện thành cùng đích hay sự hời hợt thành điều quan trọng. Chúng ta có được sự tự do để khởi xướng những tiến trình thay vì tìm cách chiếm lấy những không gian (x. ibid., 223), sự tự do để nuôi dưỡng bất cứ điều gì mang lại sự triển nở, sự phát triển, và hoa trái cho dân của Thiên Chúa, thay vì tự hào chính bản thân chúng ta vè “những thắng lợi” mang tính mục vụ vốn dễ dãi và chóng qua, nhưng lại không lâu bền. Nhiều phần của đời sống của chúng ta, niềm vui của chúng ta, và hoa trái truyền giáo của chúng ta có liên hệ với lời mời gọi ngợi khen của Chúa Giêsu. Như người khôn ngoan và thánh thiện ấy, Romano Guardini, thường nói: “Người thờ phượng Thiên Chúa trong những chiều sâu của tâm hồn mình và, khi có thể, qua những việc làm cụ thể của mình, sống trong sự thật. Người ấy có thể phạm sai lầm về nhiều thứ; người ấy có thể bị choáng ngợp và bị nản lòng bởi tất cả mọi sự quan tâm của người ấy, nhưng khi tất cả mọi sự đã được nói và làm, thì đời sống của người ấy đặt trên một nền tảng vững chắc” (R. GUARDINI, Glaubenserkenntnis, Mainz, 3rd ed., 1997, p. 17).

Bảy mươi hai môn đệ nhận biết rằng sự thành công của sứ mạng của họ lệ thuộc vào việc thực thi sứ mạng ấy “nhân danh Chúa Giêsu”. Đó là điều làm cho họ kinh ngạc. Việc ấy chẳng có liên quan gì đến các công đức của họ, tên tuổi hay tước hiệu của họ…Chẳng cần đến việc thông qua sự tuyên truyền của họ; đó chẳng phải là danh tiếng của họ hay tầm nhìn của họ đã khuấy động và cứu người khác. Niềm vui của các môn đệ được sinh ra từ sự chắc chắn của họ là họ đang hành động nhân danh Chúa, chia sẻ kế hoạch của Ngài và dự phần vào sự sống của Ngài, là điều mà họ yêu mến quá đỗi đến mức họ muốn chia sẻ điều ấy với những người khác.

Thật thú vị khi thấy cách mà Chúa Giêsu tóm lại công việc của các môn đệ qua việc nói về sự vinh thắng trước sức mạnh của Satan, một sức mạnh mà chúng ta, tự thân chúng ta, không bao giờ thắng được, nếu không nhân danh Chúa Giêsu! Mỗi người chúng ta có thể làm chứng cho những trận đấu đã được chiến đấu..gồm cả một vài sự thất bại. Trong tất cả mọi hoàn cảnh này mà các bạn đã đề cập khi các bạn nói về những nỗ lực của các bạn để truyền giáo, các bạn chiến đấu cùng một trận đấu này nhân danh Chúa Giêsu. Nhân danh Ngài, các bạn chiến thắng sự dữ bất cứ khi nào các bạn dạy người dân biết ngợi khen Cha trên trời của chúng ta, hay chỉ đơn giản dạy Tin Mừng và giáo lý, hay thăm viếng người đau yếu mang lại sự ủi an của sự hoà giải. Nhân danh Chúa Giêsu, các bạn sẽ vinh thắng bất cứ khi nào các bạn cho một đứa trẻ một thứ gì đó để ăn, hay cứu một bà mẹ khỏi sự tuyệt vọng của việc đơn độc khi đối diện với mọi sự, hay mang lại việc làm cho một người cha của một gia đình. Cuộc chiến được thắng lợi bất cứ khi nào các bạn vượt thắng sự ngu muội bằng việc mang lại việc giáo dục. Các bạn mang lại sự hiện diện của Thiên Chúa bất cứ khi nào bất cứ ai trong các bạn thể hiện sự tôn trọng đối với hết mọi tạo vật, trong đúng trật tự và sự hoàn hảo của chúng, ngăn chặn chúng khỏi bị sử dụng cách bừa bãi hay khai thác. Đó là một dấu chỉ của sự vinh thắng của Thiên Chúa bất cứ khi nào các bạn trồng một cây hay giúp mang lại nước uống được cho một ngàn người để có sức khoẻ tốt!

Hãy tiếp tục chiến đấu những trận chiến này, nhưng luôn trong cầu nguyện và trong sự ngợi khen.

Cũng có những trận chiến mà chúng ta chiến đấu trong bản thân chúng ta. Thiên Chúa vây hãm tầm ảnh hưởng của thần dữ, thứ thần mà rất thường thúc đẩy nơi chúng ta “một sự quan tâm bất bình thường đến sự tự do các nhân và sự thư giãn của chúng ta, vốn dẫn chúng ta đến việc coi việc làm của chúng ta thuần tuý là một phần phụ thêm vào cho cuộc sống của chúng ta như thể đó không phải là một phần căn tính rất quan trọng của chúng ta. Đồng thời, đời sống thiêng liêng sẽ đi đến chỗ bị đồng hoá với một vài thực hành tôn giáo vốn có thể mang lại một vài sự ủi an nhất định, nhưng lại là điều không khích lệ cuộc gặp gỡ với người khác, sự tham gia vào thế giới hay một niềm đam mê cho việc truyền giáo” (Evangelii Gaudium, 78). Kết quả của điều này, thay vì là những người nam nữ của ngợi khen, thì chúng ta trở thành “những chuyên gia hành nghề về sự thánh”. Chúng ta hãy chinh phục tinh thần sự dữ trên lãnh địa của nó. Bất cứ khi nào nó nói với chúng ta hãy đặt niềm tin của chúng ta vào sự an toàn tài chính, những không gian quyền lực và vinh quang con người, thì chúng ta hãy đáp trả lại bằng trách nhiệm tin mừng và sự nghèo tin mừng vốn thôi thúc chúng ta biết dành đời sống chúng ta cho sứ mạng (x. ibid., 76). Chúng ta đừng để bản thân chúng ta bị cướp đi niềm vui truyền giáo!

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu ngợi khen Chúa Cha vì đã mạc khải những điều này cho “những kẻ bé mọn”. Thật ra chúng ta bé mọn, vì niềm vui của chúng ta, niềm hạnh phúc của chúng ta, được tìm thấy cách rõ ràng trong sự mạc khải của Ngài mà những ai đơn sơ có thể “thấy và nghe” điều mà không một ai thông thái hay các ngôn sứ hay các vị vua có thể thấy và nghe. Chính sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những người đang đau khổ và bị áp bức, những người đói và khát công lý, những người xót thương (x. Mt 5:3-12; Lc 6:20-23). Phúc cho các bạn, phúc trong tư cách là một Giáo Hội của người nghèo và vì người nghèo, một Giáo Hội mang theo hương thơm của Thiên Chúa của mình, một Giáo Hội sống vui tươi qua việc loan báo Tin Mừng cho những người ở vùng ngoại biên của trái đất, cho những người gần gũi nhất với trái tim của Thiên Chúa.

Xin vui lòng truyền tải đến các cộng đoàn của các bạn tình cảm và sự gần gũi của tôi, lời cầu nguyện của tôi, và phúc lành của tôi. Và giờ đây tôi ban phép lành cho các bạn nhân danh Chúa, tôi xin các bạn hãy nghĩ về các cộng đoàn của các bạn và những nơi truyền giáo của các bạn, để Thiên Chúa có thể tiếp tục nói về sự tốt lành với hết mọi người, bất cứ nơi nào họ hiện diện. Xin các bạn hãy tiếp tục là một dấu chỉ của sự hiện diện sống động của Ngài nơi các bạn!

Đừng quên cầu nguyện cho tôi, và xin hãy nói người khác hãy làm như vậy! Xin cám ơn các bạn!

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ ZENIT)

498    10-09-2019