Sidebar

Thứ Hai
09.12.2024

ĐGH Phanxicô: Coi chừng những tò mò trong thế giới ảo.

Trong Thánh Lễ sáng nay, ngày 30 tháng Tư năm 2018, tại nhà nguyện Casa Santa Marta, ĐGH Phanxicô đã kêu gọi các Kitô hữu hãy cầu nguyện để xin ơn có khả năng phân biệt giữa tính hiếu kỳ tốt và tính tò mò xấu để mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta sự chắc chắn.

Ngài nói rằng con em của chúng ta tò mò và chúng xem thấy những điều xấu trên mạng. Các em cần được giúp đỡ để không trở thành tù nhân của sự tò mò này. Ngài kêu gọi các Kitô hữu hãy cầu xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta sự chắc chắn chống lại thói tò mò không lành mạnh này.

ĐGH cũng mô tả sự trao đổi giữa Chúa Giê-su và các môn đệ của ngài trong bài Phúc Âm ngày hôm nay như là “cuộc đối thoại lành mạnh giữa sự hiếu kỳ và điều chắc chắn.”

Tính hiếu kỳ lành mạnh của trẻ em.

Cuộc sống của chúng ta gồm rất nhiều thứ để tò mò tìm hiểu, việc quan trọng là biết phân biệt giữa điều tốt lành và những thứ xấu xa. Ngài nói rằng tính hiếu kỳ tìm tòi của trẻ em là lành mạnh, bởi vì khi lớn lên có những điều các em không hiểu và tìm cách giải thích. Điều này giúp các em tự tin và là một “tính hiếu kỳ tốt”, bởi vì các em nhìn, suy nghĩ, các em không hiểu và đặt câu hỏi.”

Thói nhiều chuyện – thói tò mò xấu

ĐGH phê bình thói nhiều chuyện như là một thói tò mò xấu như thích chĩa mũi, tọc mạch vào đời sống của những người khác rồi sau đó dệt chuyện, nói xấu họ, làm cho người ta biết về những chuyện mà lẽ ra họ không cần biết, không cần nghe. Ngài cảnh báo rằng cái loại tò mò xấu xa này “bám theo tất cả chúng ta suốt đời và nó là một loại cám dỗ mà chúng ta luôn gặp phải.”

Thói tò mò xấu trên mạng.

ĐGH nói rằng chúng ta phải rất cẩn thận với thói tò mò xấu trên mạng, nhưng không có gì đáng sợ. Có nhiều loại tò mò, chẳng hạn như trong thế giới ảo trên máy tính, trong điện thoại và những điều khác nữa…Trẻ em truy cập vào những trang nhà để tò mò tìm hiểu và các em đã nhìn thấy bao điều xấu xa, bẩn thỉu. ĐGH nói rằng “Không nên cấm đoán các em tò mò”, nhưng ngài cảnh báo và khuyến khích phụ huynh giúp con em, những người trẻ sống trong thế giới thật này, để những điều muốn biết, không trở nên một thói tò mò mà cuối cùng biến các em thành tù nhân của thói tò mò ấy.

Chúa Thánh Thần mang lại sự chắc chắn.

ĐGH nói đến sự hiếu kỳ của các môn đệ trong Phúc Âm là lành mạnh bởi vì họ muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra và Chúa Giê-su đã cho họ một sự chắc chắn, chứ “không bao giờ lừa dối”, hứa với họ là Chúa Thánh Thần sẽ dạy họ mọi điều và làm cho họ nhớ lại mọi điều Chúa đã nói với họ.

Chính Chúa Thánh Thần sẽ mang lại điều chắc chắn cho cuộc đời của chúng ta, nhưng không phải là một bó sự chắc chắn. Chúng ta sống trên đời này, khi chúng ta xin Chúa Thánh Thần mở lòng chúng ta thì Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta sự chắn chắn vào ngay cái giây phút ấy, câu trả lời vào ngay thời khắc ấy. Chúa Thánh Thần là người đồng hành trên hành trình đức tin của người Kitô hữu.

Cuộc nói chuyện giữa Chúa Giê-su và các môn của ngài là “một cuộc đối thoại giữa sự hiếu kỳ của con người và sự chắc chắn của Chúa Thánh Thần vì Chúa Thánh Thần là “ bạn đồng hành trong ký ức” để mang lại cho chúng ta “niềm hạnh phúc đích thực", không lay chuyển.

Vì thế ĐGH khuyên các Kitô hữu hãy bước đi trong an vui thực sự với Chúa Thánh Thần, là Đấng giúp chúng ta tránh khỏi sai lầm.

Giuse Thẩm Nguyễn

499    01-05-2018