Trong bài giảng tại nhà nguyện Casa Santa Marta vào Thánh Lễ sáng Thứ Năm, ngày 12 tháng Tư năm 2018, ĐGH đã nói rằng niềm vui Phục Sinh mang lại cho người Kitô hữu sự vâng phục, chứng nhân và hiện thực. Những đặc tính này dẫn đến những cuộc bách hại Kitô giáo trên thế giới vì nhân chứng “khó chịu” của chúng ta về Chúa Giê-su. Ngài nói rằng nhiều Kitô hữu bị bách hại ngày nay bởi vì đời sống chứng nhân của họ gây khó chịu cho những kẻ từ chối sự thật.
Niềm vui Phục Sinh
ĐGH nói rằng 50 ngày Phục Sinh trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một thời gian vui mừng đối với các Tông Đồ vì sự Sống Lại của Đức Kitô. Đó là niềm vui thực sự, nhưng nó cũng hàm chứa sự nghi ngờ và sợ hãi. Chỉ sau Lễ Hiện Xuống với ơn Chúa Thánh Thần thì niềm vui của các Tông Đồ mới trở nên mạnh mẽ, bởi vì lúc đó các ngài mới thấu hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm Vươt Qua.
Vâng phục là thực thi Thánh Ý Chúa.
Thượng Hội Đồng Do Thái đã cấm các Tông Đồ không được giảng dạy về Chúa Giê-su, nhưng các ngài đã vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm, đã trở lại trong Đền Thờ để rao giảng bất kể sự đe dọa tù tội. ĐGH nói rằng “đời sống vâng phục” là ý chính của bài đọc thứ nhất của Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 5:27-33) và Tin Mừng của Thánh Gioan (Ga 3:31-36).
Vâng phục là thực thi Thánh Ý Chúa, là con đường Chúa Giê-su mở ra cho chúng ta. Vì thế người Kitô hữu phải vâng phục Thiên Chúa.
Những Kitô hữu bị bách hại.
ĐGH nói rằng đặc tính thứ hai của người Tông Đồ là “chứng nhân”. Chứng nhân của các Tông Đồ làm khó chịu những người đương thời của các ngài cũng giống như người Kitô hữu hôm nay cũng làm khó chịu nhiều người. Điều khó chịu này xảy ra có thể vì chúng ta tìm kiếm sự thỏa hiệp “giữa thế gian này và chúng ta”. Nhưng “chứng nhân Kitô không có con đường thỏa hiệp”. ĐGH nói “cần kiên nhẫn để hướng dẫn những người mà họ không nghĩ như chúng ta hay không cùng niềm tin với chúng ta; chúng ta có thể chịu đựng và đồng hành, nhưng không bao giờ phản bội hay bán chân lý.”
“Đầu tiên là vâng phục và thứ hai là chứng nhân mà đôi khi nó làm phiền một số người. Đã có rất nhiều cuộc bách hại từ thời đó. Hãy nhớ đến những Kitô hữu bị bách hại ở Châu Phi và ở Trung Đông. Ngày nay có nhiều cuộc bách hại hơn những ngày đầu của Kitô giáo: Nhiều người bị cầm tù, bị giệt và bị treo cổ… nhưng tất cả để làm chứng cho Chúa Giê-su. Họ là nhân chứng cho tới ngày tận thế.”
Hiện thực: Đừng là những Kitô xuôi dòng.
Đặc tính thứ ba của Niềm Vui Phục Sinh là hiện thực. ĐGH nói rằng các Môn Đệ nói về những điều cụ thể, chứ không “là những chuyện cổ tích”. Khi các ngài “nhìn thấy và đụng chạm vào” Chúa Giê-su, cũng vậy, “mỗi người chúng ta cũng phải trải nghiệm Chúa Giê-su trong đời sống của mình”.
“Tội lỗi, thỏa hiệp và nỗi sợ hãi thường làm cho chúng ta quên đi cuộc gặp gỡ ban đầu với Chúa, một cuộc gặp đã làm thay đổi cuộc đời của mình. Chúng ta mang một ký ức rằng xuôi dòng, không quá Kitô làm chúng ta trở thành loại Kitô hữu dễ được chấp nhận : Một loại Kitô phiên phiến và hình thức. Chúng ta phải xin ơn Chúa Thánh Thần để sống thực sự. Chúa Giê-su đã đi vào đời tôi và trái tim tôi. Nếu không có Chúa Thánh Thần, rất có thể tôi sẽ quên, nhưng ân sủng của buổi gặp gỡ đầu tiên ấy còn sống mãi trong tôi.”
Cuối cùng, ĐGH Phanxicô đã cầu nguyện cho niềm vui sẽ đến trong sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sau lễ Phục Sinh.
“Chúng ta hãy cầu nguyện để có niềm vui mà Chúa Thánh Thần ban xuống cho chúng ta: Niềm vui vâng phục, niềm vui chứng nhân và niềm vui hiện thực của lễ Phục Sinh”
Giuse Thẩm Nguyễn