Sidebar

Thứ Tư
08.05.2024

Đi tìm đời sống thiêng liêng làm chúng ta tự do

Đi tìm đời sống thiêng liêng làm chúng ta tự do

Làm thế nào để tự tạo mình trong quan hệ với người khác trong một thế giới không có siêu việt? Nhà phân tâm học Jacques Arènes khai phá câu hỏi có tính thời sự này trong một quyển sách khó nhưng hấp dẫn, trích từ luận án của ông: Đi tìm đời sống thiêng liêng hôm qua và ngày nay (La Quête Spirituelle hier et aujourd’hui, nxb. Cerf). Tác giả phụ trách chuyên mục giải đáp trên báo La Vie giải thích cho chúng ta biết tôn giáo đã trở thành không gian xây dựng cá nhân như thế nào cho  người đương thời chúng ta.

Việc rút khỏi tôn giáo có ảnh hưởng đến sự khó khăn trong việc xây dựng bản thân ngày nay khôn

Nhà phân tâm học Jacques Arènes: Việc từ bỏ tôn giáo đi kèm với sự gia tăng đau khổ về tâm linh. Một số câu hỏi về tôn giáo đôi khi được đặt ra trong quá khứ thì bây giờ lại được để ý đến một cách chủ quan: “Tôi đang làm gì trên Trái đất này?” “Cuộc sống của tôi có một ý nghĩa nào không?” Chúng ta đã tự giải phóng mình ra khỏi sự kiểm soát xã hội của các thể chế mạnh điều hành, nhưng chúng ta lại đơn độc trước các câu hỏi của mình. Tuy nhiên, việc rút lui của tôn giáo không phải là là lý do duy nhất có trách nhiệm. Chúng ta đang chứng kiến sự thất bại của các thể chế theo nghĩa rộng. Con người trở nên cá nhân hơn, và họ buộc phải dựa vào chính họ.

Đời sống tinh thần của chúng ta có thay đổi trong những thập kỷ qua không?

Chẳng hạn, người tín hữu tin Chúa giúp họ dẫn dắt cuộc sống của mình. truyền thống Thánh I-Nhã đã nói như vậy. Nhưng ý tưởng này ngày càng mạnh hơn: Chúa được xem như người cộng tác chặt chẽ. Đồng thời chúng ta lại ở trong chủ nghĩa vô thần thực tế. Cuộc sống quan trọng duy nhất là cuộc sống này, ngay cả với tín hữu kitô. Chúng ta sống và nghĩ bằng mọi giá mình phải thành công với cuộc sống này. Nhưng không có cuộc sống nào ở trần gian là hạnh phúc trọn vẹn.

Mối quan hệ với cảm giác tội lỗi cũng đã thay đổi…

Chúng ta đi từ trạng thái người tội lỗi – dày vò vì lỗi lầm của mình – sang trạng thái con người bi thảm – người muốn có một cuộc sống hoàn hảo, luôn thất vọng vì chính con người mình. Và cuối cùng là con người bị tổn thương, thấy mình là nạn nhân của người thân cận và của xã hội. Chúng ta hạnh phúc vì đã loại bỏ được những thái quá của mình, mô hình “mặc cảm” cũng có lợi thế của nó. Ở một mức độ nào đó, tự nhận mình có lỗi và thấy mình có tham dự vào đó có thể giải phóng và giúp chúng ta có những lựa chọn, điều mà mô hình “nạn nhân” hoàn toàn không giúp chúng ta trong vấn đề này. Ngày nay, tình trạng cô đơn và bất ổn trong những nơi chốn làm việc (nghề nghiệp, tình cảm, v.v.) tạo một nhu cầu mạnh cần được công nhận. Nhưng nó lại không bao giờ đáp ứng được các mong chờ của chúng ta. Người tín hữu lại chờ Chúa an ủi mình. Vấn đề phán xét được thay thế bằng câu hỏi về mối quan hệ với Chúa. Chúng ta thấy điều này nơi Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu: nỗi sợ của ngài không phải là địa ngục, nhưng là sợ bị bỏ.

Vậy, làm thế nào để chúng ta đối diện với cái tiêu cực của cuộc sống, những đêm tối, những khủng hoảng của chúng ta? Một mặt, chúng ta phải đi tìm ý nghĩa. Mặt khác, chúng ta lại đi hết trị liệu chữa lành này đến trị liệu chữa lành khác , nhưng đó không phải là giải pháp. Giống như hoang tưởng cho rằng Chúa đáp ứng được tất cả. Và đó không phải là cách con đường tự do thực hiện. Mong muốn giảm bớt đau khổ mạnh hơn nhiều so với trước đây, là vì mọi người đã quá lúng túng khi đối diện với nó. Mục đích của khoa phân tâm học không phải là có được một đời sống không đau khổ, nhưng là có một hình thức tự do. Tương tự như vậy, mục đích của việc đi tìm một đời sống thiêng liêng không phải để trở nên tốt hơn, nhưng để được tự do hơn và có lập trường rõ ràng.

Đâu là nguồn lực mà đời sống thiêng liêng mang lại cho chúng ta để chúng ta xây dựng con người mình?

Lấy lý do mình đau khổ, cuối cùng chúng ta quên chúng ta cần làm những việc đạo đức để có thể xây dựng bản thân và xây dựng người khác. Tôi nghĩ đến người cha bị con trai mình tấn công, ông ở trong tình trạng tuyệt vọng tinh thần. Ông không kiện con mình vì nó cũng đã “quá đau khổ.” Nhưng đau khổ không giúp ông phục hồi. Thêm nữa, ở trong tình trạng nạn nhân quá đáng cũng không thực tế. Vậy mà đời sống thiêng liêng của người tín hữu mang lại cho chúng ta một thực tế để đối diện với những gì chúng ta phải đối diện. Nói một cách rộng hơn, thực tế tôn giáo giúp chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa của tập thể. Một cái gì đó về cơ thể “hữu cơ” mà ngày nay chúng ta rất thiếu.

Là nhà phân tâm học, có khi nào ông tính đến khía cạnh thiêng liêng của con người?

Cách hành nghề của tôi là cổ điển. Không trộn lẫn các thể loại, tôi đặt tên cho mọi thứ, tôi giúp thấy khía cạnh thiêng liêng của vấn đề, chính xác cho họ biết, họ không đào sâu vấn đề này trong văn phòng của tôi. Tuy nhiên, cũng có khi tôi thấy một bệnh nhân đã trải qua một biến đổi nội tâm không thể giải thích được. Vì sao một ngày nào đó, những người này trở nên tốt hơn? Là tín hữu kitô, tôi tin một sự thay đổi có thể xảy ra, và các tín hữu có thể cho đó là thiêng liêng. Đây không phải là một nơi khác của tinh thần, nhưng một nguyên tắc đi qua tất cả mọi chiều kích của con người, một sự mở ra làm biến đổi. Ồ, tôi đã đi ra khỏi vai trò tâm lý gia của tôi!

Nhà phân tâm học Jacques Arènes, tác giả quyển sách Đi tìm đời sống thiêng liêng hôm qua và ngày nay. Một quan điểm của khoa phân tâm. (La Quête spirituelle hier et aujourd’hui. Un point de vue psychanalytique. Nxb. Cerf).

Marta An Nguyễn dịch

512    20-06-2021