Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Điểm nhấn của Lễ Chúa Kitô Vua là gì?

kingjss
Tượng Chúa Kitô Vua ở Lisbon (Bồ Đào Nha) trên đỉnh một khu bảo tồn nhìn ra vùng biển Tagus
By alredosaz | Shutterstock


Vẻ uy nghiêm của Chúa Kitô thật đáng kinh ngạc, theo ngôn từ của Thánh Têrêsa Avila. Đây là cách để chiêm ngắm sự uy nghi này.

Điều lạ thường là chính vào ngày bi thảm nhất trong cuộc đời của Người - ngày mà Người cận kề cái chết - thì Người trộm lành lại nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô là Vua. Và có lẽ đó là điểm nhấn của Lễ Chúa Kitô Vua.

Vài giây phút trước khi chết, Người trộm lành thấy mình vẫn đang tìm kiếm một thứ gì đó hơn nữa... vẫn khao khát, vẫn xao xuyến trong hy vọng, vẫn mòn mỏi trong ngóng lòng thương cảm. Còn những quan quân ngạo ngược dưới chân thập giá thì chế nhạo Chúa Giêsu rằng, Hãy để hắn tự cứu lấy mình. Nhưng Người trộm lành còn làm một việc táo bạo hơn cả khi thách thức Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá. Người trộm lành cầu xin Chúa Giêsu dủ lòng thương xót. Thay vì tập trung vào cuộc đời tội lỗi của chính mình, Người trộm lành nhìn vào khuôn mặt của một người bị đóng đinh vào thập giá bên cạnh mình. Và ở đó, dưới cái nhìn nhân từ của Chúa Giêsu, Người trộm lành khám phá ra điều mà anh ta đã tìm kiếm trong suốt cuộc đời vô luật pháp của mình.

Thánh Albertô Cả nói: “Một người càng thực sự biết về nỗi khốn khổ của mình, thì họ càng cảm nhận được vẻ uy nghiêm của Thiên Chúa một cách trọn vẹn và rõ ràng hơn.” Người trộm lành minh chứng sống động cho điều này. Vì “vua” nghĩa là gì nếu không phải là một sức mạnh bất khuất, một sự che chở chống lại kẻ thù, một nơi nương náu? “Vua” trong cuộc đời của chúng ta là “nơi chúng ta hướng tới”: là điều gì đó tuyệt đối mà cuối cùng chúng ta nương ẩn trông cậy khi bị tiêu hao bởi ưu sầu phiền muộn.

Tại sao Người trộm lành lại tôn xưng Chúa Giêsu là vị Vua dẫn đường về thiên đàng? Bởi vì anh ta nhận ra nơi Đức Kitô một tình yêu uy nghiêm có thể cứu vớt anh ta trong cơn hoạn nạn và nâng đỡ anh ta trong sự khốn cùng của mình. Thánh Tâm Chúa Giêsu, nơi mà chỉ trong giây lát nữa sẽ bị mũi giáo đâm thâu, giờ đây vẫn đang bùng cháy lửa tình yêu dành cho Người trộm lành. “Vương quyền của Thiên Chúa là một sự thống trị của tình yêu để theo đuổi và tìm kiếm chúng ta bằng một sức sáng tạo mới” (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI). Đó là điều mà Thánh Têrêsa Avila gọi là “sự uy nghiêm đáng kinh ngạc” của Đức Kitô.

Tại sao Chúa Giêsu không xuống khỏi thập giá? Đơn giản vì không có vị vua nào khác xứng đáng với vị thế đó. Vì vua là người “tìm lợi ích chung của dân chúng chứ không tìm lợi ích cho riêng mình” (Thánh Tôma Aquinô). Đức Kitô thể hiện vương quyền của Người bằng cách hành động như một người tôi tớ đối với chúng ta. “Quyền tối cao của Thiên Chúa không thể hiện ở việc giữ lại những gì thuộc về Người cho riêng mình, mà ở việc từ bỏ nó” (Von Balthasar). Chúa Giêsu được tôn làm Vua giữa cơn đau khổ tột cùng chỉ vì đó là lúc chúng ta cần đến một vị vua hơn bao giờ hết. “Vương quyền của Chúa Giêsu là sự hiến dâng thân mình cho con người...việc từ bỏ chính sự hiện hữu của Người” (J. Ratzinger). Tất cả những gì Vua của chúng ta yêu cầu ở chúng ta là đón nhận vương quyền của ngài - là đón nhận ơn ban từ Thánh Thể.

Nhưng hãy nhớ rằng: Tôi sẽ không bao giờ muốn Đưc Kitô là Vua chừng nào tôi còn chiếm lấy ngai vàng cho riêng mình. “Chúng ta chỉ có thể nên giống với Thiên Chúa bằng cách gạt bỏ những giới hạn về thân phận con người của chúng ta sang một bên để cho chính Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta” (A. Sertillanges). Tuyên xưng Đức Kitô là Vua, nghĩathừa nhận rằng tôi không phải là người làm chủ cuộc đời và vị trí của chính mình. Tôi không nắm quyền kiểm soát; tôi không điều khiển vận mạng của chính mình; tôi không có câu trả lời; tôi không đội lấy vương miện. Tất cả vốn là những gì đã được trao ban cho tôi. Chúng ta hãy bày tỏ lòng thần phục đối với Đức Kitô là Vua bằng cách nương tựa nơi Người khi phải trải qua thất bại, bối rối, bất lực, tiêu cực, ương ngạnh, đau khổ, xấu hổ.

Tu sĩ Nicholas Cabasilas ở thế kỷ XIV mang đến cho chúng ta một lời khích lệ tuyệt vời:

Đức Kitô đã tiến vào vương quyền thuần khiết và đích thực. Người thực thi vai trò lãnh đạo bằng cách trở nên sẵn lòng với chúng ta hơn cả bạn bè, dịu dàng hơn một người cha, liên kết với chúng ta hơn các bộ phận trong cùng một cơ thể, cần thiết hơn cả trái tim, làm cho chúng ta quy phục mà không phải bằng nỗi kinh sợ, nhưng bằng cách làm cho chính Người trở nên sức mạnh chi phối và gắn kết thần dân của mình với chính Người.

Trong Thánh lễ, khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha và cất lên những lời xin cho Nước Cha trị đến, chúng ta hãy dẹp bỏ mọi nghi ngại chống đối, mọi hình thức cậy dựa vào sức mình cũng như sự than thân trách phận, và hãy cầu xin Chúa Kitô Vua cho thiên đàng được khởi đầu ngay tại đây và lúc này trong cùng một đức tin chúng ta chia sẻ với nhau.

 

Tác giả: Lm. Peter John Cameron, OP - Nguồn: Aleteia (19/11/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

266    19-11-2022