Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đọc bài diễn văn của Đức Thánh Cha trong cuộc họp tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, ngày 14/6/2023. (Hình: CNS screengrab/Courtesy United Nations) |
Ngày 14/6 vừa qua, một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tổ chức đã diễn ra tại trụ sở Liên hiệp quốc, New York, Hoa kỳ với sự hiện diện của ông António Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc, và ngài Sheikh Ahmad el-Tayeb, Đại Imam Đền thờ Hồi giáo Al Azhar, Cairo, Ai Cập.
Nhân dịp này, theo lời mời của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc một bài diễn văn, nhưng vì lý do sức khoẻ, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đã thay mặt Đức Thánh Cha tuyên đọc online bài diễn văn này trong buổi họp.
Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
***
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HIỆP QUỐC
Thứ Tư, ngày 14/6/2023
Thưa bà Chủ tịch Hội đồng Bảo an,
Thưa ông Tổng thư ký,
Thưa người anh em quý mến, Đại Imam của Al-Azhar,
Thưa quý vị,
Tôi xin cám ơn quý vị về lời mời để nói chuyện với quý vị, tôi vui mừng nhận lời vì chúng ta đang sống trong thời điểm quan trọng đối với nhân loại, trong đó hòa bình dường như nhường bước cho chiến tranh. Xung đột ngày càng gia tăng và sự ổn định ngày càng bị đe dọa. Chúng ta đang trải qua một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần, mà theo thời gian, dường như ngày càng lan rộng hơn. Hội đồng, với nhiệm vụ giám sát an ninh và hòa bình của thế giới, đôi khi tỏ ra bất lực và tê liệt trong mắt dân chúng. Nhưng công việc của quý vị, mà Tòa thánh đánh giá cao, là cần thiết để thúc đẩy hòa bình. Chính vì lý do này, tôi xin gửi đến quý vị một lời mời chân thành để đối diện với những vấn đề chung, gạt bỏ những ý thức hệ và tầm nhìn hẹp hòi, những ý tưởng và lợi ích đảng phái, và nuôi dưỡng một mục đích duy nhất đó là: làm việc vì lợi ích của toàn nhân loại. Thật vậy, Hội đồng được kỳ vọng sẽ tôn trọng và áp dụng “Hiến chương Liên hiệp quốc một cách minh bạch và chân thành, không có động cơ thầm kín, như một điểm quy chiếu bắt buộc của công lý chứ không phải như một công cụ để che đậy những ý định mơ hồ”.[1]
Thế giới toàn cầu hóa ngày nay đã mang tất cả chúng ta lại gần nhau hơn, nhưng nó không làm cho chúng ta trở nên anh chị em của nhau hơn. Thật vậy, chúng ta đang phải chịu cảnh thiếu vắng tình huynh đệ, một tình trạng phát sinh từ nhiều hoàn cảnh bất công, nghèo đói và bất bình đẳng, cũng như từ việc thiếu một nền văn hóa liên đới. “Những ý thức hệ mới, được đặc trưng bởi sự lan tràn của chủ nghĩa cá nhân, tính vị kỷ tự coi mình là trung tâm, và chủ nghĩa tiêu thụ vật chất, làm suy yếu các mối tương quan xã hội, và thúc đẩy não trạng “vứt bỏ” dẫn đến thái độ khinh miệt và bỏ rơi những người yếu thế nhất, và những người bị coi là “vô dụng”. Do đó, sự chung sống của con người ngày càng có xu hướng trở thành một hành vi “có qua có lại” (do ut des) đầy tính thực dụng và ích kỷ”.[2] Vả lại, tác động tồi tệ nhất của tình trạng thiếu tình huynh đệ này là xung đột vũ trang và chiến tranh, khiến không chỉ các cá nhân mà cả các dân tộc trở thành kẻ thù của nhau, và hậu quả tiêu cực của chúng sẽ còn lưu lại cho nhiều thế hệ. Với sự ra đời của Liên hiệp quốc, dường như nhân loại đã học được bài học, sau hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp, để hướng tới một nền hòa bình ổn định hơn, để cuối cùng trở thành một gia đình của các quốc gia. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang đi ngược dòng lịch sử, với sự trỗi dậy của những chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, thù hằn và hiếu chiến, đã châm ngòi cho những xung đột không chỉ lạc hậu, lỗi thời mà thậm chí còn bạo lực hơn.[3]
Là một người có đức tin, tôi tin rằng hòa bình là giấc mơ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nhưng thật đáng buồn, khi tôi nhận thấy rằng chính vì chiến tranh mà giấc mơ tuyệt vời này đang biến thành một cơn ác mộng. Tất nhiên, từ quan điểm kinh tế, chiến tranh thường hấp dẫn hơn hòa bình, vì nó mang lại lợi nhuận, nhưng luôn dành cho một số ít và đánh đổi bằng hạnh phúc của toàn dân chúng. Do đó, đồng tiền kiếm được từ việc bán vũ khí là tiền bị nhuốm máu của những người vô tội. Cần can đảm hơn nữa để từ bỏ những khoản lợi nhuận dễ dàng nhằm gìn giữ hòa bình hơn là bán những vũ khí ngày càng tinh vi và mạnh mẽ hơn. Cần can đảm hơn nữa để tìm kiếm hòa bình hơn là tiến hành chiến tranh. Cần can đảm hơn nữa để thúc đẩy gặp gỡ hơn là đối đầu, ngồi vào bàn đàm phán hơn là tiếp tục chiến sự.
Để biến hòa bình thành hiện thực, chúng ta cần thoát ra khỏi logic về tính hợp pháp của chiến tranh: nếu điều này có giá trị trong quá khứ, trong đó các cuộc xung đột vũ trang có phạm vi hạn chế hơn, thì ngày nay, với vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, chiến trường thực tế đã trở nên hầu như không giới hạn và có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Đã đến lúc phải nói “không” một cách dứt khoát với chiến tranh, khẳng định rằng chiến tranh không phải là chính nghĩa, mà chỉ có hòa bình mới là chính nghĩa: một nền hòa bình ổn định và lâu dài, không được xây dựng trên sự cân bằng bấp bênh của sự răn đe, mà trên tình huynh đệ hiệp nhất chúng ta. Thật vậy, tất cả chúng ta đều là anh chị em, cùng hành trình trên một trái đất, cùng ở trong ngôi nhà chung duy nhất, và chúng ta không thể che khuất bầu trời nơi chúng ta đang sống bằng những đám mây chủ nghĩa dân tộc. Chúng ta sẽ đi tới đâu nếu mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân mình? Vì vậy, những ai nỗ lực xây dựng hòa bình phải cổ võ tình huynh đệ. Xây dựng hòa bình là một công việc đòi hỏi niềm đam mê và kiên nhẫn, kinh nghiệm và tầm nhìn xa, kiên trì và cống hiến, đối thoại và ngoại giao. Và cả việc lắng nghe nữa: lắng nghe tiếng kêu khóc của những người đau khổ vì chiến tranh, nhất là của trẻ em. Đôi mắt đẫm lệ của họ phán xét chúng ta: tương lai mà chúng ta chuẩn bị cho họ sẽ là tòa án cho những lựa chọn hiện tại của chúng ta.
Hòa bình có thể đạt được nếu nó thực sự được mong muốn! Hòa bình cần tìm thấy nơi Hội đồng Bảo an “những đặc điểm cơ bản của nó, mà một quan niệm sai lầm về hòa bình dễ làm chúng ta quên. hòa bình phải dựa trên lý trí chứ không phải cảm xúc; trên sự hào hiệp, chứ không phải ích kỷ. Hòa bình không được trì trệ và thụ động, mà phải năng động, tích cực và tiến bộ theo những nhu cầu chính đáng về các quyền bình đẳng của con người đã được công bố đòi hỏi những biểu hiện hòa bình mới mẻ và tốt đẹp hơn. Hòa bình không được yếu đuối, kém hiệu quả và hèn hạ, mà phải mạnh mẽ trong những lý do đạo đức biện minh cho hòa bình, và trong sự hỗ trợ vững chắc của các quốc gia phải bảo vệ hòa bình”.[4]
Vẫn còn kịp để viết một chương mới về hòa bình trong lịch sử: chúng ta có thể làm điều này theo cách làm cho chiến tranh thuộc về quá khứ chứ không phải tương lai. Các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an là nhằm mục đích và phục vụ cho mục đích này. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa một từ mà tôi thích lặp lại, vì tôi coi đó là từ quyết định: tình huynh đệ. Tình huynh đệ không thể mãi là một ý tưởng trừu tượng, nhưng phải trở thành điểm xuất phát cụ thể: thật vậy, tình huynh đệ là “một chiều kích thiết yếu của con người, vì con người là một hữu thể có tương quan. Nhận thức sống động về các mối tương quan này dẫn chúng ta đến việc nhìn nhận và đối xử với mỗi người như anh chị em thực sự; nếu không thì sẽ không thể xây dựng được một xã hội công bằng, một nền hòa bình vững chắc và lâu dài”.[5]
Tôi xin đảm bảo với quý vị về sự hỗ trợ của tôi, về lời cầu nguyện của tôi và của tất cả các tín hữu Giáo hội Công giáo nhân danh hòa bình, cũng như mọi sáng kiến và tiến trình hòa bình. Tôi hết lòng mong muốn rằng không chỉ Hội đồng Bảo an, mà toàn bộ Tổ chức Liên hiệp quốc, các Quốc gia Thành viên và mỗi quan chức của Liên hiệp quốc, luôn có thể phục vụ nhân loại một cách hiệu quả, đảm nhận trách nhiệm bảo vệ không chỉ tương lai của chính mình mà còn của tất cả mọi người, với sự can đảm để gia tăng ngay bây giờ, không chút sợ hãi, những gì cần thiết để cổ vũ tình huynh đệ và hòa bình trên toàn hành tinh. “Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (Mt 5, 9).
Nguồn: Phòng Báo Chí Vatican (14/6/2023)
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Dòng Đa Minh Thánh Tâm
-------------------------------------------
[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn văn trước các thành viên của Đại hội đồng của Tổ chức Liên hiệp quốc, ngày 25/9/2015.
[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ XLVII, ngày 01/01/2014.
[3] x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, 11.
[4] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ VI, ngày 01/01/1973.
[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ XLVII, ngày 01/01/2014.