Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Diễn văn ĐTC Phanxicô về Tôn giáo và Giáo dục: Hướng tới Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu

ac3556
Sáng thứ Ba 05/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với vị đại diện các tôn giáo thế giới tham dự cuộc họp về chủ đề “Tôn giáo và Giáo dục: Hướng tới Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”. Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha.

aq123

Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng chào đón anh chị em trong dịp quan trọng này để thúc đẩy Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu. Hôm nay trong Ngày Nhà giáo Thế giới do UNESCO thiết lập, với tư cách là những đại diện của các truyền thống tôn giáo, chúng ta muốn bày tỏ sự gần gũi và biết ơn đối với các thầy cô giáo, cũng như sự quan tâm của chúng ta đối với sự nghiệp giáo dục.

Hai năm trước, vào ngày 12/ 9/ 2019, tôi đã kêu gọi tất cả những người dấn thân trong lĩnh vực giáo dục bằng nhiều cách thức khác nhau, hãy “đối thoại về việc chúng ta đang định hình tương lai của hành tinh này ra sao và về sự cần thiết phải vận dụng tài năng của mọi người, bởi vì mọi sự thay đổi đều đòi hỏi một tiến trình giáo dục nhằm mang lại tình liên đới phổ quát mới và một xã hội chào đón hơn”.

Vì mục đích này, tôi đã thúc đẩy sáng kiến ​​Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu để “khơi lại cam kết của chúng ta cho và với thế hệ trẻ, làm mới lại đam mê hướng tới một nền giáo dục cởi mở và hòa nhập hơn, bao gồm khả năng lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại mang tính xây dựng và hiểu biết lẫn nhau hơn”. Tôi mời mọi người cùng "nối kết những nỗ lực của chúng ta trong một liên minh giáo dục rộng lớn, để đào tạo những con người trưởng thành, có khả năng vượt qua sự phân rẽ và đối kháng, và khôi phục kết cấu của các mối tương quan vì một nhân loại huynh đệ hơn".

Nếu chúng ta muốn có một thế giới huynh đệ hơn, chúng ta phải giáo dục các thế hệ trẻ biết “nhìn nhận, trân trọng và yêu thương từng người, dù người đó gần hay xa về thể lý, dù người đó sinh ra hoặc sinh sống ở đâu".  Nguyên tắc cơ bản “Biết mình” luôn định hướng cho việc giáo dục. Nhưng chúng ta không được bỏ qua những nguyên tắc thiết yếu khác: “Biết anh chị em mình”, để giáo dục về việc đón tiếp người khác. “Biết thụ tạo”, để giáo dục về việc chăm sóc ngôi nhà chung, và “Biết Đấng Siêu Việt ”, để giáo dục về mầu nhiệm vĩ đại của cuộc sống.  Chúng ta quan tâm đến việc đảm bảo một sự đào tạo toàn diện, có thể được tóm gọn trong việc biết mình, biết anh chị em mình, biết tạo vật và biết Đấng Siêu việt. Chúng ta không thể không nói với thế hệ trẻ về những chân lý mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.

Tôn giáo luôn có mối tương quan mật thiết với giáo dục, các hoạt động tôn giáo song hành với các hoạt động giáo dục, trường lớp và học thuật. Trong quá khứ, cũng như hiện nay, với sự khôn ngoan và tính nhân văn của các truyền thống tôn giáo, chúng ta muốn khích lệ hoạt động canh tân giáo dục có thể làm cho tình huynh đệ phổ quát phát triển trên thế giới.

Nếu trước đây, sự khác biệt khiến chúng ta đối kháng nhau, thì ngày nay điều này làm nên sự phong phú của những cách thế khác nhau để đến với Thượng Đế, và để giáo dục thế hệ trẻ chung sống hòa bình trong sự tôn trọng lẫn nhau. Do đó, giáo dục thúc đẩy chúng ta không bao giờ nhân danh Thượng Đế để biện minh cho bạo lực và thù hận đối với các truyền thống tôn giáo khác, lên án mọi hình thức cuồng tín và bảo thủ cực đoan, đồng thời bảo vệ quyền lựa chọn và hành động theo lương tâm của mỗi cá nhân.

Nếu trước đây, người ta cũng nhân danh tôn giáo để phân biệt đối xử với các nhóm sắc tộc, văn hóa, chính trị và những nhóm thiểu số khác, thì ngày nay chúng ta muốn trở thành những người bảo vệ bản sắc và phẩm giá của mỗi người và dạy thế hệ trẻ đón nhận mọi người mà không phân biệt đối xử. Vì thế, giáo dục uỷ thác cho chúng ta chấp nhận người khác như họ là, chứ không như cách ta muốn họ trở thành, mà không phán xét hoặc lên án bất cứ ai.

Nếu trước đây, quyền của phụ nữ, của trẻ em và của những người yếu thế nhất không được tôn trọng, thì ngày nay, chúng ta cam kết kiên quyết bảo vệ những quyền đó và dạy cho thế hệ trẻ trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói. Vì vậy, giáo dục thúc giục chúng ta từ chối và tố cáo mọi hành vi vi phạm đối với sự toàn vẹn về thể chất và đạo đức của mỗi người. Và giáo dục phải giúp chúng ta hiểu rằng người nam và người nữ bình đẳng về phẩm giá; không có chỗ cho sự phân biệt đối xử.

Nếu trước đây, chúng ta dung túng cho việc khai thác và cướp phá ngôi nhà chung, thì ngày nay, ý thức hơn về vai trò của mình như là những người quảntạo vật được Thiên Chúa giao phó, chúng ta muốn trở thành tiếng nói của thiên nhiên, kêu gọi cho sự sống còn của môi trường, đồng thời đào luyện mình cũng như các thế hệ tương lai có lối sống tỉnh táo hơn và bền vững hơn về mặt sinh thái. Hôm qua, tôi được ấn tượng bởi điều mà một trong những nhà khoa học đã phát biểu tại cuộc họp của chúng tôi: “Cháu gái mới sinh của tôi sẽ phải sống trong một thế giới không thể sống nổi trong vòng 50 năm nữa, nếu mọi thứ vẫn tiếp tục như cũ”. Vì vậy, giáo dục thúc đẩy chúng ta yêu mến Đất mẹ, tránh lãng phí thực phẩm và tài nguyên, cũng như biết chia sẻ cách quảng đại hơn những của cải mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta vì sự sống của mọi người. Tôi nhớ lại điều mà một nhà tư tưởng, không phải người theo Công giáo, đã từng nói: “Thiên Chúa luôn luôn tha thứ. Chúng ta thỉnh thoảng cũng tha thứ. Thiên nhiên không bao giờ tha thứ”.

Hôm nay chúng ta muốn tuyên bố rằng các truyền thống tôn giáo của chúng ta, vốn luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc học hành từ việc xóa mù chữ cho đến giáo dục đại học, khẳng định lại sứ mệnh của mình là giáo dục toàn diện mỗi cá nhân, đó là: cái đầu, đôi tay, trái tim và linh hồn. Để suy nghĩ về những gì chúng ta đang cảm nhận và đang làm. Để cảm nhận những gì chúng ta đang nghĩ và đang làm. Để làm những gì chúng ta đang cảm nhận và suy nghĩ. Nghĩa là vẻ đẹp và sự hài hòa của con người trọn vẹn.

Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em đã tham dự buổi họp mặt này. Tôi cũng cảm ơn những ai, vì đại dịch, đã không thể hiện diện tại đây, ngày hôm nay. Và giờ đây, tôi xin mời anh chị em dành ra ít phút thinh lặng, để cầu xin Thượng Đế soi sáng tâm trí để cuộc đối thoại của chúng ta sinh hoa kết trái, và giúp chúng ta can đảm theo đuổi đường lối của những chân trời giáo dục mới.

 

Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Nguồn: Phòng Báo Chí Toà Thánh (05/10/2021)

497    09-10-2021