Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Điều gì đã thúc đẩy Phêrô ra khỏi chiếc thuyền đó? Tại sao tôi lại không?

tcnamtay
 Bignai | Shutterstock


Các thánh biết câu trả lời cho cả hai câu hỏi này. Còn lại là những gì chúng ta cần làm.

Tôi sống ở Rome và tôi đi xưng tội tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Trong khi chờ đến lượt mình, tôi có cơ hội ngắm nhìn bản tái dựng bức tranh tuyệt đẹp của Giovanni Lanfranco (1582-1647) đang làm nổi bật cho Bàn thờ Navicella (cạnh tòa giải tội), một bức tranh mô tả cảnh Thánh Phêrô đi trên mặt nước.

 

stpeter
 Screenshot


Nâng cao tầm nhìn của chúng ta

Bức tranh này thu hút tôi, nó thật quá rực rỡ và giàu cảm xúc - bạn gần như có thể nghe và cảm nhận được sức dữ dội từ cơn giông tố. Nếu đứng quá gần, bạn có thể bị ướt. Và bố cục thật tài tình, đặc biệt là cách mười một tông đồ khác chen chân nhau bên trong thuyền. Thiên đàng cũng dự phần thông qua số đông các thiên thần và nguồn sinh lực cuộn trào từ cảnh tượng này đầy sức lan tỏa. Chúa Giêsu đứng thanh thản trên biển, bình tĩnh nắm lấy tông đồ Phêrô bằng tay phải trong khi chỉ tay trái lên trời, thuyết phục Thánh Phêrô hãy nâng tầm nhìn của mình.

Một nhà chú giải Kinh Thánh thuộc Dòng Bênêđictô ở thế kỷ thứ IX, Remigius xứ Auxerre, đã viết:

Chúa sẽ ở cùng và giúp đỡ bạn bằng cách xoa dịu để làm với đi những hiểm nguy từ cơn thử thách của bạn; Người khôi phục lại lòng tin cậy vào sự bảo vệ của Người. Vì khi sự yếu đuối của con người gặp phải khó khăn làm bộc lộ sự kém cỏi của nó, thì nó xem như mình đang chìm ngập trong bóng tối. Khi nó nâng tầm nhìn lên đến sự che chở từ trời cao, nó lập tức nhìn thấy ngôi sao mai mọc lên.

Và hãy xem những gì Thánh Phêrô đã nói trong thư của mình: “Anh em chú tâm vào đó là phải,... cho đến khi... sao mai mọc lên trong lòng anh em.” (2Pr 1,19)

Nhưng khi tôi chiêm ngưỡng bức tranh vào ngày đặc biệt này, điều tôi bắt đầu băn khoăn là: Điều gì đã thúc đẩy Thánh Phêrô ra khỏi chiếc thuyền đó?

Gieo mình xuống biển

Các thánh đã suy tư về điều này. Thánh Gioan Kim Khẩu chỉ ra rằng Thánh Phêrô không xin, Hãy truyền cho con đi bộ trên mặt nước, nhưng đúng hơn, Hãy truyền cho con đến với Chúa. Thứ mà thánh nhân khao khát không phải khả năng siêu nhiên được nổi trên mặt nước mà là sự gần gũi không thể bị đánh chìm. Như Thánh Tôma Aquinô đã nói, Thánh Phêrô cầu xin Chúa Giêsu “chỉ vì ước muốn mà thôi”. Nhưng ước muốn ấy đã được khai phóng lên đến một cấp độ hoàn toàn mới.

Bằng cách nào đó Thánh Phêrô cảm nhận rằng mình cần phải là người cất bước tiến lên. Erasmo Leiva-Merikakis nhận xét: “Thật đáng ngạc nhiên là Thánh Phêrô không cầu xin Chúa Giêsu đến với mình, mà lại cầu xin Chúa Giêsu cho ông được đến với Người trên mặt nước.” Ngay cả khi cơn giông tố nổi lên xung quanh các ngài, thì một lòng tin sâu sắc vẫn bùng lên trong lòng Thánh Phêrô. “Thánh Phêrô tin rằng theo ý muốn của Thầy mình, ông sẽ có thể làm được điều mà bản chất ông không thể làm được.” (Thánh Giêrônimô)

Và Thánh Phêrô đã hành động dựa trên niềm tin đó. Thánh Têrêsa Avila muốn chúng ta biết rằng: “Tôi thường nghĩ rằng Thánh Phêrô chẳng mất mát gì khi gieo mình xuống biển, mặc dù sau đó ngài đã sợ hãi. Nhưng những thôi thúc đầu tiên này quả là một điều tuyệt vời.”

Vậy thì tại sao tôi lại không làm được điều đó? Thánh John Henry Newman biết tại sao:

Nhưng chúng ta lại hiếm khi gieo con tim mình vào vòng tay Thiên Chúa, có thể nói như vậy; chúng ta không dám tự tin đi trên mặt nước, mặc dù được chính Đức Kitô truyền bảo chúng ta. Chúng ta không có tình yêu của Thánh Phêrô để xin rời khỏi thuyền mà đến được với Người trên biển. Một khi chúng ta tràn đầy tình yêu Thiên Chúa, thì chúng ta có thể làm được mọi việc, bởi vì chúng ta nỗ lực hết mình - để cố gắng là làm cho bằng được.

Cách để đi trên mặt nước

Đó chỉ đơn giản là một đặc tính thuộc về Thiên Chúa quan phòng, như lời khuyên của Thánh Tôma Aquinô, rằng “đôi khi Chúa để cho kẻ mạnh bị nhấn chìm trong hiểm nguy của biển cả.” Chúng ta không vùng vẫy trong nước vì chúng ta yếu sức; chúng ta bị nhấn chìm để tăng cường sức mạnh nơi chúng ta. Khi đó ân sủng của từ phép rửa của chúng ta tuôn trào. Simone Weil đã viết:

Thiên Chúa đã làm như thế để ân sủng của Người một khi xuyên thấu đến tận trung tâm và soi sáng toàn bộ con người, thì ân sủng đó cho phép con người bước đi trên mặt nước mà không vi phạm các quy luật tự nhiên. Nhưng khi ai đó quay lưng lại với Thiên Chúa, họ chỉ đơn giản là phó mặc cho trọng lực. Để rồi dù tin rằng mình mong muốn và chọn lựa, nhưng họ chỉ là một vật, một hòn đá rơi xuống.

Sau khi nắm lấy được Thánh Phêrô, Chúa Giêsu hỏi, Tại sao anh lại nghi ngờ? Từ “nghi ngờ” có nghĩa đen là “suy nghĩ nước đôi”. Và cách để vượt qua sự phân rẽ đó, như Remigius đã nói với chúng ta, là nâng tầm nhìn của chúng ta lên đến sự bảo vệ từ trời cao, để ân sủng của Thiên Chúa xuyên thấu tận tâm can của chúng ta. Chỉ như thế thì Hòn đá này mới có thể nổi lên được.

Vị Tôi tớ Chúa Romano Guardini nhận xét: “Chúa luôn ở gần, ngay bên cạnh chính con người của chúng ta. Nhưng

chúng ta phải cảm nghiệm được mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa giữa hai cực là xa cách và gần gũi. Ở gần chúng ta được củng cố, ở xa chúng ta bị thử thách. Ngay cả trước khi chúng ta tìm kiếm Chúa hay khẩn cầu Người, thì chính Người đã đến gặp chúng ta, Người đã từ trời xuống để dang tay ra với chúng ta và nâng chúng ta lên tầm cao của Người; tất cả những gì Người mong đợi ở chúng ta là hãy hoàn toàn tin tưởng vào Người, là chúng ta thực sự nắm lấy tay Người.

Tôi ngắm nhìn bức tranh tuyệt đẹp đó... Chúa Giêsu đến gặp tôi, đem xuống cho tôi thiên đàng cùng với sự che chở của nó, Người dang tay ra, mong đợi tôi tin cậy trọn vẹn nơi Người. Tôi nắm lấy tay Người, và tiến vào để xưng thú tội lỗi của mình.


Tác giả: Lm. Peter John Cameron, OP - Nguồn: Aleteia (12/8/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên 

209    13-08-2023