Sidebar

Chúa Nhật

03.11.2024

Điều kiện để trở thành hồng y là gì?

popefrancisconsistorynewcardinalsseptember302023antoinemekaryaleteiaam3059
 Antoine Mekary | ALETEIA


Vào ngày 8 tháng 12 sắp tới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tấn phong 21 tân hồng y. Để chọn lựa những vị này, ngài phải lưu tâm đến một số tiêu chí nhất định. Đó là những tiêu chí nào?

“Đây là một bất ngờ từ Đức Giáo hoàng… Hãy xem tôi có thể phục vụ ngài như thế nào!” Đây là những gì Cha Fabio Baggio được cho là đã thốt lên sau khi biết rằng Đức Giáo hoàng đã quyết định tấn phong ngài làm hồng y, theo một phương tiện truyền thông Tây Ban Nha.

Là người đứng đầu phân bộ Người Di cư và Tị nạn của Vatican, vị linh mục người Ý này (cũng như một số ứng viên khác!) đã tỏ ra ngạc nhiên rõ ràng trước quyết định của Đức Giáo hoàng.

Giống như ngài, còn có hai vị “porporati” (hồng y) tương lai không phải là giám mục: Cha Timothy Peter Joseph Radcliffe, một nhà thần học nổi tiếng của Dòng Đaminh hiện đang ở Rôma với tư cách là nhà giảng thuyết của Thượng hội đồng, và Cha George Jacob Koovakad, “một công chức đơn thuần” trong Phủ Quốc vụ khanh, người chịu trách nhiệm tổ chức các chuyến tông du của Đức Giáo hoàng kể từ năm 2021.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như Đức Gioan Phaolô II và Đức Phaolô VI, đã nhiều lần giao phó cho các linh mục không phải giám mục chiếc mũ hồng y biretta - chiếc mũ đỏ nổi tiếng được trao tại một công nghị hồng y. Bộ Giáo Luật cho phép điều này khi nêu rõ rằng bất kỳ người nam nào đã được thụ phong “ít nhất là chức linh mục” đều có thể trở thành hồng y (Điều 351). Quy tắc này chỉ có từ năm 1917.

Trước đó, ngay cả một phó tế hoặc giáo dân về mặt lý thuyết cũng có thể trở thành hồng y. Trường hợp gần đây nhất là Teodolfo Mertel người Ý (1806-1899), một phó tế và luật gia làm việc tại Giáo triều Rôma, người được Đức Piô IX phong làm hồng y vào năm 1858. Tuy nhiên, chức hồng y chưa bao giờ được mở ra cho giới phụ nữ.

Trong một số trường hợp, một người nam cũng có thể được phong làm hồng y mà không ai biết. Khi đó, ngài là hồng y “in pectore” (trong bí mật). Điều này có nghĩa là Đức Giáo hoàng quyết định không tiết lộ danh tính của vị hồng ý đó, thường là do bối cảnh chính trị như ở những nơi Giáo Hội bị đàn áp.

Không nhất thiết phải được thụ phong giám mục

Bộ Giáo Luật hiện hành đòi hỏi các linh mục được chỉ định trở thành hồng y phải được tấn phong giám mục. Do đó, ngày thụ phong cho Cha Biaggio, Cha Radcliffe và Cha Koovakad sẽ được công bố trong những tuần tới. Đây là trường hợp của Đức Hồng Y Mauro Gambetti vào năm 2020, một linh mục Dòng Phanxicô, người sau đó được bổ nhiệm làm Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô.

Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ mà một hồng y không được thụ phong giám mục. Đây là trường hợp của các hồng y trên 80 tuổi. Vị mới nhất là Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, được tấn phong vào ngày 28 tháng 11 năm 2020. Vào thời điểm đó, theo yêu cầu của ngài, Đức Giáo hoàng đã miễn cho ngài khỏi phải được tấn phong giám mục.

“Chức năng của một giám mục,” vị tu sĩ Dòng Capuchin người Ý giải thích, “là một mục tử và một ngư phủ. Ở tuổi của tôi [lúc đó là 86 tuổi, ghi chú của biên tập viên], tôi không thể làm được nhiều như một ‘mục tử’; mặt khác, những gì tôi có thể làm với tư cách là một ‘ngư phủ’, tôi có thể tiếp tục làm bằng cách công bố Lời Chúa.”

Đức Hồng Y Cantalamessa trong nhiều năm là nhà giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng, nghĩa là trong số những công việc khác, ngài đã đem đến các bài giảng Mùa Vọng và Mùa Chay cho Đức Giáo hoàng và các thành viên của giáo triều, vì vậy vai trò giảng thuyết của ngài thực sự đáng chú ý.

Đức Hồng Y Cantalamessa không phải là người duy nhất không trở thành giám mục. Vị tu sĩ Dòng Tên là Albert Vanhoye đã được miễn vì một lý do tương tự khi Đức Bênêđictô XVI nâng ngài lên hàng hồng y vào năm 2006, cũng như Ernest Simoni, một tu sĩ Dòng Phanxicô người Albania, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong làm hồng y vào năm 2016 vì lòng dũng cảm của ngài trước cuộc đàn áp phải chịu đựng dưới chế độ của Enver Hoxha.

Các tiêu chí lựa chọn khác

Bộ Giáo Luật công nhận quyền tự do hoàn toàn của Đức Giáo hoàng trong việc lựa chọn hồng y. Tuy nhiên, các vị này phải “nổi bật về học thuyết, phẩm hạnh, lòng đạo đức và sự thận trọng trong hành động.” (Điều 351) Có lẽ dựa trên tiêu chí cuối cùng này mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đồng ý hủy bỏ việc nâng lên hàng hồng y của Đức nguyên Giám mục Luc Van Looy của Ghent năm 2002, khi vị này yêu cầu được phép từ chối, do bị chỉ trích về cách xử lý các vụ lạm dụng trong giáo phận của mình.

Cuối cùng, các hồng y được phong “theo sắc lệnh của Đức Giáo hoàng Rôma được công khai trước sự chứng kiến ​​của hồng y đoàn.” Đức Hồng y Cornelius Sim, vị hồng y đầu tiên của Brunei, được phong lên hàng hồng y trong đại dịch COVID-19 vào tháng 11 năm 2020, mà không thể đến Rôma. Ngài qua đời vào ngày 29 tháng 5 năm 2021, mà không thể gặp được Đức Giáo hoàng. Do đó, ngài thật sự là một hồng y - không giống như nhà thần học người Thụy Sĩ Hans-Urs von Balthasar, người được Đức Gioan Phaolô II chỉ định làm hồng y nhưng đã qua đời hai ngày trước khi sắc lệnh được ký trong công nghị vào ngày 28 tháng 6 năm 1988.

Tác giả: Camille Dalmas - Nguồn: Aleteia (12/10/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

94    13-10-2024