Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Điều Kinh Thánh không là

words-of-god
 Anelina/Shutterstock


Khi đọc Lời
Chúa, chúng ta phải tiếp cận với Lời đó theo cách chúng ta tiếp cận với một người.

Cuối tuần này, Giáo Hội cử hành Chúa Nhật Lời Chúa, với mục đích là “đem lại sự sống mới cho trách nhiệm của tất cả các tín hữu trong việc đào sâu kiến thức về Kinh Thánh”.

Món quà vô giá mà Kinh Thánh mang lại không thể bị cường điệu hoá. Nhưng hãy bắt đầu với những gì Kinh Thánh không . Kinh Thánh tồn tại không phải để làm sách giáo khoa, tuyển tập lịch sử, sách quy tắc, biên niên sử, sổ tay thao tác, ký sự hay tài liệu lưu trữ. Theo lời của một học giả có tiếng về Kinh Thánh Công giáo, “Các tác giả Tin Mừng không hề có ý định cung cấp một bản ghi chép tốc ký về những gì Đức Kitô đã nói hoặc một bản báo cáo về các hành động của Người như một sĩ quan cảnh sát có thể làm” (R. Schnackenburg).

Đúng hơn, Kinh Thánh là ký ức của tác giả thánh về những sự kiện ngoại thường đã xảy ra mà tác giả trình bày lại như một lời loan báo để những biến cố cứu độ đó cũng có thể xảy đến cho chúng ta. Qua Sách Thánh, Thiên Chúa muốn thông truyền chính mình Người với chúng ta. Kinh Thánh được viết theo cách đó - bằng ngôn ngữ văn chương như một câu chuyện, không phải bằng bản văn xuôi khô khan, mang tính chuyên môn - chính xác là vì Kinh Thánh có ý định mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta như một người để yêu thương. Khi đọc Lời Chúa, chúng ta phải tiếp cận Lời đó theo cách chúng ta tiếp cận với một người.

Thiên Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh

Chính Kinh Thánh nói rằng “Lời Thiên Chúa là lời hằng sống và linh nghiệm” (Hr 4:12), và rằng “Chúa Cha đã có ý sinh ra chúng ta bởi lời chân lý… có thể cứu rỗi linh hồn anh em” (Gc 1:18,21). Như Paul Claudel đã nói, “bản văn thở hơi sự sống.

Các văn kiện của Giáo Hội nêu bật sự kiện này: “Trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ con cái mình và trò chuyện với chúng” (Dei Verbum 21). “Chúa Kitô hiện diện trong Ngôi Lời, vì chính Người nói khi Kinh Thánh được đọc trong Giáo Hội…. Vì trong phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Người và Chúa Kitô vẫn loan báo Tin Mừng của Người” (Sacrosanctum Concilium 7, 33).

Thánh Grêgôriô Cả chỉ ra một mầu nhiệm dường như không thể thực hiện được: “Tất cả Kinh Thánh đã được viết cho chúng ta.” Bậc thầy về đời sống thiêng liêng Lm. Louis Bouyer lý giải điều này:

Trong Lời Chúa, chính Thiên Chúa nói với chúng ta, không ngừng nói với chúng ta bằng những lời này. Mặc dù những lời đó đã được cố định trong cách diễn đạt từ hàng nghìn năm qua, nhưng chính Người là Đấng làm cho chúng ta nghe thấy những lời đó hôm nay cũng đã nghĩ đến chúng ta khi khơi động những lời đó từ xa xưa, và Người luôn hiện diện để tự mình nói với chúng ta thông qua những lời đó cứ như thể những lời đó chỉ vừa mới được cất lên lần đầu tiên trong chốc lát.

Kinh Thánh có ý định chia sẻ với chúng ta chính con tim của Thiên Chúa, và chạm đến con tim của chúng ta... khi nhắm vào những tổn thương, nhu cầu và khao khát của nó. Kinh Thánh được viết ra để lay động chúng ta ở mức độ tình cảm, chứ không chỉ ở mức độ trí tuệ. Nhà thần học luân lý Lm. Servais Pinckaers, O.P. viết, “Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa luôn tiếp cận chúng ta bằng những lời hứa về hạnh phúc trước khi nói đến giới luật.” Ngay cả Thánh Tôma Aquinô cũng nhấn mạnh rằng “giáo lý của Kinh Thánh không chỉ chứa đựng những điều để suy đoán mà còn chứa đựng những điều phải được con tim chấp nhận”. Đó là lý do tại sao “trong mọi Lời của Thiên Chúa, điều quan trọng nhất là trong đó chính Thiên Chúa mở rộng tâm hồn của Người cho chúng ta, và chính nhờ điều này mà tâm hồn chúng ta cần phải được đánh động, được thay đổi từ trên xuống dưới” (L. Bouyer). Thánh Augustinô thúc giục chúng ta: “Hãy học cho biết tấm lòng của Thiên Chúa qua những lời của Thiên Chúa.

Cách đọc Kinh Thánh

Điều này quyết định cách chúng ta đọc Kinh Thánh. Không bao giờ là thích hợp để mổ xẻ hoặc tháo rời Kinh Thánh từng mảnh hoặc cố gắng rút gọn Kinh Thánh thành quá nhiều mệnh đề, giới luật, đạo đức hoặc châm ngôn. “Kinh Thánh sẽ luôn chứa đựng nhiều điều mặc khải hơn là được làm thành công thức trong các định tín” bởi vì “các ‘lối’ thành văn của Kinh Thánh chuyển tải chân lý ở mức cao nhất” (L. Alonso-Schökel). Và ý nghĩa chứa đựng trong Kinh Thánh là vô tận - mỗi lần đọc, chúng ta lại khám phá ra những điều phong phú sâu sắc hơn.

Chúng ta biết điều này từ kinh nghiệm của chính mình. Bất cứ khi nào chúng ta muốn bày tỏ những chân lý được cảm nhận sâu sắc, chúng ta đều sử dụng các lối thành văn như ẩn dụ. Ví dụ, vào dịp kỷ niệm ngày cưới của một cặp vợ chồng, người chồng có thể tặng vợ mình một tấm thiệp kỷ niệm có nội dung: “Em làm bầu trời nên xanh.” Đây không phải là một tuyên bố mang tính khí tượng - nó là một thủ pháp thi phú nhằm cố gắng nói lên chiều sâu không thể diễn tả của tình yêu mà anh ấy dành cho người bạn đời của mình. Chúng ta phải đọc Kinh Thánh với cùng một trí tưởng tượng mà tác giả thánh đã viết ra những lời đó.

Khi chúng ta đọc Kinh Thánh, điều quan trọng là phải nhớ điều này: Thiên Chúa có ý định bước vào một cuộc đối thoại với chúng ta qua Lời của Người.

Điều trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta có nguy cơ xem nhẹ, đó là: sự kiện Thiên Chúa nói với chúng ta và trả lời các vấn nạn của chúng ta... Trong cuộc đối thoại này với Thiên Chúa, chúng ta hiểu được chính mình và chúng ta khám phá ra câu trả lời cho những vấn nạn sâu xa nhất của tâm hồn chúng ta... Lời Chúa [là] một sự cởi mở đối với các vấn đề của chúng ta, câu trả lời cho các vấn nạn của chúng ta, mở rộng các giá trị của chúng ta và đáp ứng các nguyện vọng của chúng ta. Toàn bộ Kinh Thánh... thách thức cuộc sống của chúng ta và không ngừng kêu gọi chúng ta hoán cải. (Verbum Domini 4, 23)

Lời Chúa: Niềm an ủi trong những dằn vặt của chúng ta

Thánh Ambrôsiô hỏi: “Khi nào Ngôi Lời Thiên Chúa gõ cửa nhà bạn thường xuyên nhất? Ngài yêu thương thăm viếng những ai đang gặp khó khăn và cám dỗ để cứu họ khỏi bị chìm ngập bởi thử thách.” Kinh Thánh tồn tại để trở nên một niềm an ủi (consolation) - nghĩa đen là “được gọi đến bên cạnh ai đó”. Qua Kinh Thánh, Thiên Chúa an ủi chúng ta trong những buồn phiền, dằn vặt và cô độc bằng cách bước vào và chia sẻ Lời Chúa với chúng ta. “Những cánh tay của Lời Chúa dang rộng ra cho chúng ta khi chúng ta lạc lối” (Thánh Grêgôriô Nyssa).

Nếu chúng ta trung thành phó thác chính mình cho Lời Chúa, thì việc dự phần của chúng ta vào sự khôn ngoan của Kinh Thánh sẽ tăng lên khi cuộc sống của chúng ta thay đổi. Thánh Grêgôriô Cả dạy chúng ta rằng “những lời thiêng liêng lớn lên cùng với người đọc chúng. Tâm trí người đọc hướng đến đâu, bản văn thiêng liêng thăng hoa đến đó. Vì nó lớn lên cùng với chúng ta, nên nó tăng trưởng cùng với chúng ta. Khi người đọc đặt một câu hỏi cho bản văn, câu trả lời sẽ tỷ lệ thuận với sự trưởng thành của người đọc.”

Thánh Tôma Aquinô còn nhận ra những hiệu quả khác của việc đọc Lời Chúa: “Kinh Thánh dạy chúng ta sự thật; Kinh Thánh bảo vệ chúng ta khỏi rơi vào sai lầm; Kinh Thánh ngăn chúng ta làm điều dữ; và Kinh Thánh thúc đẩy chúng ta làm điều lành, bởi vì ý định sau cùng của Kinh Thánh là đưa con người đến sự trọn lành.” Một tu sĩ ở thế kỷ thứ IX, Ardo Smaragdus, khuyên chúng ta rằng việc thành tâm đọc Kinh Thánh “làm sắc bén nhận thức, làm phong phú thêm sự hiểu biết, thức tỉnh khỏi sự lười biếng, xua đuổi sự vu vơ, sắp đặt cuộc sống, sửa chữa những thói quen xấu, rút ra nước mắt từ những tấm lòng thống hối, kiềm chế lời nói phù phiếm và hư ảo, và đánh thức lòng khao khát Chúa Kitô và quê hương thiên quốc.”

Điều quan trọng là chỉ cần cầm Kinh Thánh lên và đọc, bất kể bạn chỉ có thể xoay xở được một hay hai đoạn. Thánh Gioan Kim Khẩu đưa ra lời khuyến khích này: “Cho dù câu Kinh Thánh ngắn gọn đi chăng nữa, thì sức mạnh của nó cũng rất lớn lao.” Hãy mang vào cho việc đọc của bạn tất cả những thất vọng, lo lắng, tìm tòi, bối rối, mong đợi và ngờ vực. Lời Chúa là người bạn trung thành, tháo vát và quảng đại, sẵn sàng lắng nghe và đáp trả. Như Đức Bênêđictô XVI đã nói rất hay,

Trong Lời Chúa được công bố và lắng nghe, Chúa Giêsu nói hôm nay, ở đây và bây giờ, với mỗi người: “Thầy là của các con, Thầy hiến mình Thầy cho các con”; để chúng ta có thể đón nhận và đáp lại bằng các nói lên rằng: “Con là của Chúa.” (Verbum Domini 51)

verbum-domini


Tác giả: Lm. Peter John Cameron, OP - Nguồn: Aleteia (21/01/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

244    22-01-2023