Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Định nghĩa và ý nghĩa của vâng phục

 

 

Vâng phục là lời khấn thứ ba trong số ba lời khấn. Đối với một số người, đây là lời khấn khó tuân giữ nhất vì nó đụng chạm đến tự do quan điểm, với việc phải hãm dẹp đi ý riêng và đôi khi phải làm điều mà mình không thích. Quả thực, lời khấn vâng phục cũng gây ra nhiều tranh cãi và cũng là một thách đố lớn lao dành cho con người ở mọi thời đại, mọi lứa tuổi, dù người đó mới chập chững bước vào đời tu hay đã tu lâu năm trong dòng. Nhưng liệu đòi hỏi về sự vâng phục có là một sự chà đạp tự do? Đó có phải là một kiểu xúc phạm nhân phẩm, hay là một sự chuyên quyền của bề trên? Điều đầu tiên giúp ta có thể dễ dàng hiểu được vì sao phải vâng phục trong dòng tu là vì nếu không có vâng phục một vị bề trên hợp pháp, cuộc sống trong cộng đoàn chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn. Sống trong một tập thể mà ai cũng muốn làm theo ý riêng của mình thì sẽ chẳng có trật tự gì. Đó sẽ không còn là đời sống cộng đoàn nữa. Sự vâng phục một bề trên giúp quy hướng mọi người về một mối, giúp tránh mọi nguy cơ chia rẽ và giúp đảm bảo ơn gọi của mỗi người.

Nhưng bản chất và ý nghĩa của sự vâng phục còn đi xa hơn thế. Giáo luật điều 601 nói rằng “lời khuyên phúc âm tuân phục được đảm nhận với tinh thần đức tin và đức mến, theo gương Đức Kitô tuân phục cho đến chết, buộc phải quyết chí tuân phục các bề trên hợp pháp đại diện Thiên Chúa, khi các Ngài truyền lệnh theo Hiến Pháp riêng.” Từ định nghĩa này, ta có thể rút ra được một vài điểm cốt yếu trong sự vâng phục của đời tu.

Trước hết, người tu sĩ phải đón nhận nó với tinh thần của đức tin và đức mến. Đức tin trong sự vâng phục thể hiện ở chỗ tin rằng vị Bề trên hợp pháp là đại diện của Chúa, dù rằng người ấy có nhiều khiếm khuyết, bất toàn, thậm chí là thua kém mình mọi đàng. Tu sĩ phải tỏ lòng kính trọng bề trên, yêu mến bề trên như yêu mến Chúa vì chỉ khi yêu mến, họ mới có thể vâng phục được. Thứ đến, người tu sĩ vâng phục theo như mẫu gương Giêsu vâng phục Chúa Cha trong mọi chuyện và vâng phục đến nỗi sẵn sàng chấp nhận chịu chết. Khi nói đến điều này, ta liên tưởng đến sự vâng phục hệt như một của lễ dâng lên Chúa. Vâng phục không chỉ là chuyện cúi đầu làm theo răm rắp những gì bề trên nói như một người không có ý thức, nhưng còn là một sự từ bỏ, một nỗ lực hãm dẹp ý riêng của bản thân. Nó trở thành của lễ là vì thế.

Và dĩ nhiên, phải vâng phục bề trên hợp pháp, chứ không phải bất cứ bề trên nào, hay người lớn tuổi nào. Người tu sĩ trong cộng đoàn này không buộc phải vâng phục bề trên của cộng đoàn khác trong những gì không thuộc quyền của họ. Người tu sĩ cũng không buộc phải vâng phục một vị tu sĩ lớn tuổi nào đó, khi người đó bắt mình làm điều này điều kia. Ta có thể làm vì lòng yêu mến hay vì nể trọng, nhưng đó không phải là vâng phục theo nghĩa một lời khấn. Sự vâng phục cũng chỉ được bao hàm trong những gì “theo Hiến Pháp của dòng quy định.” Thông thường, đó là những gì liên quan đến đời sống chung hay đến sứ mạng, các bài sai, những lúc chuyển đổi sứ mạng… Sẽ thật là ngớ ngẩn khi bề trên bắt tất cả mọi người thuộc quyền mình cũng phải thích hoa hồng giống như mình!

Như thế, có một khác biệt giữa sự vâng phục trong đời tu và sự vâng phục ngoài đời thường. Các nhân viên phải nghe theo phán quyết của sếp mình, nhưng chẳng có gì gọi là đại diện Chúa hay của lễ dâng lên Chúa ở đây cả. Họ phải làm theo lệnh sếp chỉ vì miếng cơm manh áo, vì lợi ích của công ty mà thôi. Cũng chẳng phải vì nghe lời sếp mà các nhân viên trở nên hoàn thiện hơn, tốt lành hơn, dễ nên thánh hơn. Sự vâng phục trong đời tu là một sự chấp nhận hạ mình, để mình lệ thuộc vào người khác, hy sinh quyền tự quyết của mình vì tin rằng đó là điều Chúa muốn và Chúa mặc khải ý của Ngài qua sự khôn ngoan của bề trên. Các tu sĩ từ bỏ ý riêng của mình để nên giống Đức Kitô hơn. Chính qua sự vâng phục mà người tu sĩ thấy mình được liên kết với Chúa. Vâng phục là dâng Chúa tự do chứ không phải xoá bỏ nó; vâng phục là chân nhận quyền tối cao của Thiên Chúa, là dâng mình cho Thiên Chúa cách triệt để và không dè xẻn. Vâng phục là thắng chính mình, là từ bỏ hết để Chúa chiếm trọn con người mình. Nói cách khác, vâng phục là tỏ ra mềm mại trước Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động qua cộng đoàn và bề trên, cũng là cách chia sẻ trách nhiệm với Bề Trên và cộng đoàn.

Trong Cựu Ước, sự vâng phục chỉ được hiểu là giữ luật Chúa như người tôi trung, là tuân theo giao ước, hay nói cách chung, là làm theo những gì Chúa phán bảo. Trong Tân Ước, vâng phục là giữ luật tình yêu mà Chúa Kitô mang đến: yêu Cha và yêu anh chị em hết lòng. Có thể nói, vâng phục trong đời tu không có nền tảng trực tiếp từ Kinh Thánh vì không nơi nào Chúa Giêsu khuyên các môn đệ hãy vâng phục một người phàm nào, trong một cộng đoàn nào. Tuy nhiên, nó cũng có nguồn gốc sâu xa từ Kinh Thánh.Trọn cuộc đời của Chúa Giêsu là mẫu gương cho sự vâng phục thánh ý Cha (Mt 6,10; 26,39; Ga 8,29.55; Ga 4,34; Rm 5,19…), và trong sự gắn bó mật thiết với Cha, Ngài nghe được lời mời gọi của Cha và sẵn sàng làm theo thánh ý ấy, cho dù là chết.Các môn đệ được nên một với Đức Giêsu nhờ vâng phục ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn đó là các môn đệ phải trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và cùng chia sẻ sứ mạng của Chúa Giêsu. Vâng phục Chúa được thể hiên qua việc vâng phục giáo huấn của Chúa Giêsu và vâng phục Tin Mừng.

Đến thời các ẩn sĩ, cách chung, đã muốn dấn thân cho Chúa thì phải tìm ý Chúa mà thực thi. Các nhà ẩn dĩ này cho rằng tự bản thân, họ có thể gặp gỡ được Thiên Chúa, biết được ý Chúa qua việc suy niệm Tin Mừng, ăn chay, khổ hạnh. Vì thế, ban đầu người ta nghĩ đến từ bỏ của cải, gia đình, chứ không nói đến từ bỏ ý riêng. Và hiển nhiên, khi sống một mình thì không phải vâng phục ai.Sau đó, xuất hiện tình trạng một người muốn đi tu thì phải thọ giáo một vị ẩn tu cao niên hơn để được chỉ dạy. Những người mới đi tu thì chưa thể tìm ý Chúa một mình được nên cần người khác trợ giúp. Đây là hình thức đầu tiên của vâng phục. Người ta bắt đầu đề cao vâng phục như một đức hạnh trỗi vượt nhất vì là đức hạnh từ bỏ chính mình, như một hình thức tiết chế của phần hồn, khác với khó nghèo và khiết tịnh là tiết chế phần xác. Cho đến khi kết thúc giai đoạn thọ giáo, thì họ cũng không cần vâng phục nữa.

Hết thời ẩn tu, sang thời cộng tu. Các tu sĩ sống chung với nhau vì cần nhau để sinh tồn và trợ giúp thiêng liêng. Có những người không thể tự mình tìm gặp Chúa nên cần người khác, đặc biệt là những người tu lâu năm. Họ tự nguyện nghe theo hướng dẫn, chỉ bảo của người này như một cách thức nghe được tiếng Chúa. Đến khi đời sống cộng đoàn đúng nghĩa được hình thành, ngoài việc phải nghe một người nào đó mà mọi người tin tưởng bầu lên hướng dẫn mọi người, còn nảy sinh việc phải vâng phục để giữ kỷ cương, trật tự trong cộng đoàn, hoặc lo những công việc chung. Khi các dòng sứ mạng ra đời, vâng phục càng cần hơn vì giữa cánh đồng bao la, người tu sĩ không biết bắt đầu từ đâu. Họ phó mình cho bề trên và tin tưởng đó là ý Chúa gửi đến cho mình. Như vậy, điểm cốt yếu của vâng phục vẫn là tìm ý Chúa mà thực thi, từ trực tiếp sang gián tiếp.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

1329    18-04-2018