Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Đôi chút suy tư về linh đạo "Con đường thơ ấu" của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

a123456789101112131415

Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48) Lời mời gọi của Chúa Giêsu qua gần hai ngàn năm vẫn vang vọng trong tâm hồn của những con người thiện chí. Qua dòng lịch sử, nhiều linh đạo đã được vạch ra với n lực làm cho lời mời gọi của Chúa Giêsu trở nên phù hợp và dễ dàng hơn. Một trong số những linh đạo đó chính là “Con đường thơ ấu” của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Linh đạo này đã đưa thánh nữ trở thành “một bậc thầy về đời sống tâm linh cho con người hôm nay”[1]. Trong giới hạn cho phép, bài viết xin phép được bỏ qua phần tiểu sử để hướng đến việc trình bày đôi chút suy tư về linh đạo này với khởi đầu bằng việc giới thiệu những nét chính mà thánh nữ đã dùng cuộc đời của mình để phác họa nên (phần 1), cho đến những đòi hỏi, thuận lợi và thách thức cho những ai muốn chọn theo linh đạo ấy (phần 2).

1. Những nét chính trong linh đạo “Con đường thơ ấu” của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Chúa Giêsu đã từng dạy rằng: “Nếu anh em trong trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,4) Đáp lại lời dạy đó, linh đạo “Con đường thơ ấu” của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu không gì khác hơn là con đường của tin yêu và phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Giữa một thời đại có nhiều biến chuyển, khi mà những giá trị của con người dần dần bị đảo lộn và dường như mối quan tâm về Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người dường như đang dần nhường chỗ cho những toan tính trần tục, thánh nữ Têrêsa xuất hiện với một sự tương phản đầy lôi cuốn. Như sách Theo Gương Chúa Giêsu đã viết: “Người lớn lao thật sự, là người tự coi mình bé mọn và kể danh vọng trên đời như không”[2], hành trình theo tiếng gọi của Thiên Chúa nơi thánh nữ Têrêsa là hành trình trở nên ngày càng bé nhỏ trong mọi sự với khao khát được yêu mến Chúa và được Chúa yêu mến. Khi được người chị hỏi về phương pháp trọn lành, một cách đơn sơ, thánh nữ trả lời không chút do dự: “Em chỉ biết có một phương pháp này: Yêu mến.”[3] Như vậy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt linh đạo “Con đường thơ ấu” của thánh nữ Têrêsa chính là tình yêu. Nhưng đó không phải là một tình yêu hời hợt và thoáng qua, mà đó là một tình yêu vô hạn như chính thánh nữ đã từng thổ lộ rằng: “Tình ái phải là tất cả cơ nghiệp.”[4] Khởi đầu con đường này, thánh nữ xác định nền tảng của tình yêu chính là việc ý thức thân phận nhỏ bé yếu đuối của mình như là “một hạt cát bé tí, không can đảm, không sức lực”[5]. Việc ý thức được thân phận thật sự của mình, thánh nữ không vì thế mà hoang mang, lo lắng nhưng tình yêu đã dẫn dắt thánh nữ bước vào con đường của tin tưởng và phó thác đến nỗi thánh nữ phải thốt lên: “Con đã mất hết hy vọng ở người thế gian, con chỉ còn cậy trông một mình Chúa thôi.”[6] Chính thánh Phaolô cũng đã xác nhận điều này khi nói rằng: “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10), cũng như Thomas Merton đã nhận xét: “Sức mạnh được biểu lộ trọn vẹn qua nỗi yếu hèn.”[7] Niềm phó thác và cậy trông nơi thánh nữ Têrêsa không chỉ xuất hiện lúc gặp gian nan, thử thách hay nghịch cảnh trong cuộc đời đan tu mà dường như luôn song hành với thánh nữ trong suốt cả cuộc đời. Có thể nói, những tâm tình của thánh nữ đã được nuôi dưỡng từ tình phụ tử nơi gia đình mà thánh nữ đã lớn lên, chính thánh nữ cũng đã xác nhận: “Muốn nên trọn lành chỉ cần nhận biết mình là không và tự phó mình trong tay Chúa như con thảo.”[8] Đỉnh điểm của lòng cậy trông và phó thác này là khi cận kề cái chết mà thánh nữ vẫn thốt lên những lời hết sức tin tưởng: “Ôi! Đức Chúa Trời tốt lành dường nào!… Thật Người nhân từ thương xót lắm, mới bạn sức cho chịu đau đớn dường này.”[9] Như vậy, có thể nói cả cuộc đời của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu chính là một bản tình ca trọn vẹn dành cho Thiên Chúa với những âm điệu du dương của tin yêu và phó thác. Nhưng vấn đề đặt ra là bởi đâu mà thánh nữ có được những tâm tình như thế?

Nhìn lại cuộc đời của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, có thể nhận thấy việc hình thành linh đạo “Con đường thơ ấu” của thánh nhân xuất phát từ việc kết hợp mật thiết giữa ân sủng và sự n lực không ngừng của thánh nhân trên đường trọn lành. Từ lúc có trí khôn đến khi sắp phải đối mặt với cái chết, thánh nữ luôn xác tín về ơn Chúa trên cuộc đời mình; như khi thấy cảnh gà mẹ ấp ủ đàn, con thánh nữ đã nói với một chị trong dòng con rằng: “Thật trọn đời em, Chúa đã thương em đúng như thế: Người ấp ủ em trong cánh Người.”[10] Hơn nữa, ân sủng của Thiên Chúa chính là tình yêu bao la mà Thiên Chúa muốn dành cho con người. Do đó, thánh nữ luôn cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa trong cuộc đời mình: “Như một người cha yêu dấu con mình thế nào, Chúa cũng yêu thương ta thế ấy.[11]” Chính tình yêu ấy đã làm thánh nữ luôn có sự gắn bó mật thiết với Chúa và chúng ta đã thấy chị sống với Chúa như hai tâm hồn lúc nào cũng tâm tình với nhau[12]. Tình yêu đáp lại tình yêu[13], ý thức được ơn sủng tình yêu của Thiên Chúa luôn ở với mình, cuộc đời của thánh nữ không gì khác hơn là nỗ lực: “Yêu mến Chúa và làm cho mọi người yêu mến Chúa.”[14] Tình yêu chính là lời đáp trả hoàn hảo nhất dành cho ân sủng của Thiên Chúa, chính khao khát yêu mến Chúa đã làm thánh nữ phải thốt lên: “Trong trái tim Giáo Hội, con sẽ là tình yêu.”[15] Và cũng chính vì nỗ lực làm cho mọi người yêu mến Chúa dù chỉ qua những lời cầu nguyện và hy sinh âm thầm, thánh nữ đã được Giáo Hội chọn làm thánh quan thầy của các xứ truyền giáo. Càng yêu mến Chúa bao nhiêu, thánh nữ càng trở nên bé nhỏ bấy nhiêu. Trong sự đơn sơ, khiêm hạ và tín thác hoàn toàn của trẻ nhỏ, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sẵn sàng “buông mình như con thơ”[16] trong vòng tay yêu thương và dìu dắt của Thiên Chúa. Đó là một nỗ lực đáp trả tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa cách hoàn hảo nhất vì khi chấp nhận buông mình cho Chúa, chúng ta sẽ có thêm nghị lực để trở thành con cái thật của Người, đó là thái độ của những ai “sẵn sàng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn” (x. Rm 8,14)[17]. Tuy nhiên, theo “Con đường thơ ấu” không có nghĩa mãi là cứ sống như trẻ con[18] nhưng là “chính chắn hơn mà không đánh mất các giá trị của tuổi trẻ”[19].

2. Những đòi hỏi, thuận lợi và thách thức nơi linh đạo “Con đường thơ ấu” của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã mở ra “Con đường thơ ấu” và đã đi trọn con đường ấy để mở đường cho những ai khao khát trở nên thánh thiện. Vì “điều quan trọng là mỗi tín hữu phân định nẻo đường riêng của mình, để thể hiện chính mình cách tốt nhất”[20] nên những ai muốn chọn “Con đường thơ ấu” cũng nên biết rằng con đường này vẫn có những đòi hỏi, những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Để sống trẻ thơ theo Tin Mừng, linh đạo “Con đường thơ ấu” của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đòi hỏi những ai có lòng thiện chí phải thật sự khao khát Thiên Chúa trong sự tự do và hy sinh[21]. Thánh nữ Catarina thành Siêna đã từng dạy rằng vì lòng khao khát Thiên Chúa có thể mở ra tới vô biên, nên chỉ có lòng khao khát Thiên Chúa nơi tâm hồn chúng ta mới có thể giúp chúng ta đạt tới Thiên Chúa. Do đó, có thể thấy rằng khát vọng Thiên Chúa đóng vai trò quan trọng nơi thánh nữ Têrêsa. Thánh nữ nói: “Không khi nào Chúa để chúng ta khao khát điều Chúa không muốn thực hiện.”[22] Tuy nhiên, niềm khao khát Thiên Chúa nơi thánh nữ Têrêsa không phải là cái tự nhiên có được, niềm khao khát đó phải trải qua thanh luyện để ngày càng lớn lên theo ý Chúa muốn. Nếu ngày xưa thánh nữ căn cứ trên khát vọng được phần thưởng đời sau thì sau này, một cách cản đảm và khôn ngoan hơn, thánh nữ dựa trên khát vọng là chính Thiên Chúa, Đấng đã tự hiến vì yêu thương con người. Nhưng để khao khát Thiên Chúa cách trọn hảo, linh đạo “Con đường thơ ấu” đòi hỏi con người phải thật sự tự do và dám chấp nhận hy sinh. Tự do đến với Thiên Chúa có nghĩa là hoàn toàn buông mình để Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời vì: “Ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do.” (x. 2 Cr 3,17)[23] Chính Chúa Thánh Thần sẽ giải thoát con người khỏi tất cả những gì là hư vô để dành chỗ cho một mình Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, Đấng mà nhiều lần thánh nữ đã gọi cách thân tình là “Người Yêu”[24]. Là một con người tự do của Thiên Chúa, thánh nữ Têrêsa cũng muốn người khác có được sự tự do đó nên khi được giao trọng trách hướng dẫn các tập sinh, thánh nữ đã tìm cách gạt bỏ những gì cản trở các tập sinh khao khát Thiên Chúa. Bằng một cách nhẹ nhàng bền bỉ nhưng không mệt mỏi, thánh nữ luôn nhắc nhở: “Chúa mới là Đấng chúng ta phải nhìn ngắm, phải ao ước và phải nhường bước”[25]. Để được như vậy, đó hẳn phải là một quá trình dài với đầy những hy sinh vì như thánh nữ đã nói: “Khi yêu ai thật… người ta không hề quản một hy sinh nào…”[26] Hy sinh lớn nhất nơi thánh nữ Têrêsa chính là dám từ bỏ chính mình để Chúa hoàn toàn sử dụng như thánh nữ đã thừa nhận: “Con dám xin nhận mình là cây bút nhỏ. Chúa đoái thương dùng để sửa chữa những chỗ lặt vặt trong bức họa mà thôi.”[27] Từ sự hy sinh này, thánh nữ sẵn sàng làm mọi việc mà không hề kêu ca hay phàn nàn. Hơn nữa, hy sinh vì lòng khao khát Thiên Chúa còn làm cho thánh nữ sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi đau khổ xác hồn trong tinh thần lạc quan, dù phải đối mặt với cái chết thánh nữ vẫn cản đảm thốt lên cách xác tín rằng: “Lạy Chúa con… Con yêu Chúa lắm.”[28] Như vậy, để đi vào linh đạo “Con đường thơ ấu”, chúng ta cần phải phải thật sự khao khát Thiên Chúa trong sự tự do và hy sinh như chính thánh nữ đã đi qua.

Cũng giống như các linh đạo khác, linh đạo “Con đường thơ ấu” của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Một trong những thuận lợi dễ thấy nhất đó là ai trong chúng ta cũng có những xuất phát điểm như nhau. Như thánh Phaolô đã được Chúa an ủi: “Ơn Ta đủ cho con.” (2 Cr 12,9), ân sủng chính là xuất phát điểm mà ai cũng có từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Con đường thánh nữ Têrêsa đã đi chính là con đường nhận ra ơn sủng và làm cho ơn sủng đó sinh hoa kết quả, như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã nhận xét: “Chị thánh Têrêsa đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng tất cả đời sống Kitô hữu chính là sống trọn vẹn ân sủng của Bí Tích Rửa Tội.”[29] Một thuận lợi khác trên “Con đường thơ ấu” mà thánh nữ đã vạch ra đó là: “Bằng cách thi hành những việc không đáng gì, con sửa soạn để trở nên vị hôn thê của Chúa Giêsu.”[30] Dựa trên những gì thánh nữ đã nói và hành động suốt cả cuộc đời, chúng ta luôn có những phương tiện để có thể trở nên thánh thiện hàng ngày, đó là thi hành mọi việc dù nhỏ bé nhất với một lòng mến lớn lao, như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã dạy: “Tình yêu Đức Kitô trong chúng ta là nguồn mạch mọi công trạng của chúng ta trước mặt Thiên Chúa”[31]. Tuy nhiên, để lựa chọn và sống theo linh đạo “Con đường thơ ấu”, chúng ta chắc hẳn cũng gặp không ít khó khăn và thử thách. Khó khăn đầu tiên đến từ yếu tố môi trường sống, dễ thấy nhất là nơi gia đình. Dù rằng cha mẹ chính là “những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu cho con cái”[32], tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có tạo được nền tảng nhân đức cho con cái như những gì mà thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã hấp thụ được. Nhu cầu vật chất dường như đã tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Trước thực trạng gia đình hiện nay, Đức Giáo Hoàng Phaxicô nhận xét: “Trong nhiều trường hợp, cha mẹ về nhà trong tình trạng kiệt sức, không muốn nói chuyện và thậm chí nhiều gia đình không còn ăn cơm chung nữa”[33] Thách thức thứ hai xuất phát từ chính bản thân những ai muốn nên thánh thiện theo “Con đường thơ ấu”. Dễ thấy rằng, mong muốn trở nên thánh thiện thì chưa đủ giúp chúng ta trở nên thánh thiện, nó chỉ là khởi đầu. Vì thật khó để khao khát Thiên Chúa khi mà cuộc sống chúng ta vốn đã quá tiện nghi và đầy đủ như Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Kho tàng anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.” (Lc 12,34) Hơn nữa, cuộc sống với bao ồn ào, náo động là thách thức không hề nhỏ cho những ai muốn có được đời sống nội tâm trong cầu nguyện như thánh nữ Têrêsa. Đó là chưa kể đến những đòi hỏi không hề dễ dàng của sự hạ mình, khiêm nhường và vâng phục. Tuy nhiên, chúng ta không vì những thách đố đó mà lùi bước, vì quyền năng của Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta, và sự thánh thiện nói cho cùng là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời chúng ta[34].


2123456789101112131415161718192021222324252627282930313233343536373839404142434445464748495051525354555657585960616263646566676869707172737475767778798081828384858687888990919293949596979899100101102103104105106107108109110111112

Tóm lại
, Như Mary Frohlich viết, một trong các hình ảnh ấn tượng nhất của Têrêsa là so sánh chị “với một cái bấc đèn chỉ loe lét, mặc dù đặt trong góc tối của phòng thánh, nhưng có thể dùng để thắp sáng hàng ngàn ngọn nến, làm cho cả nhà thờ rực sáng”[35]. Linh đạo “Con đường thơ ấu” thật sự là một con đường của tin yêu và phó thác. Con đường đó đã dẫn đưa thánh nữ đến với niềm khao khát Thiên Chúa tuyệt đối trong sự tự do và hy sinh. Với những hành tranh có sẵn, chúng ta vẫn được mời gọi bước theo Chúa Giêsu bằng con đường đó dù rằng vẫn phải trải qua khó khăn thử thách nhất định.

Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên



[1] x. VICTOR SION, Tính Hiện Thực Thiêng Liêng Của Thánh Têrêsa Lisieux (Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành và Giuse Đỗ Văn Tuyến dịch), Nxb. Tôn Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 2015, trang 17.

[2] Theo Gương Chúa Giêsu (Đức Ông G.B. Nguyễn Định Tường dịch), Nxb. Tôn Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 2015, trang 22.

[3] THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, Một Tâm Hồn (Kim Thiếu dịch), Nxb. Minh Đức Thiện Bản, Sài Gòn, 1960, trang 445.

[4] Ibid., trang 256.

[5] Ibid., trang 391.

[6] Ibid., trang 138.

[7] THOMAS MERTON, Ngọn Núi Bảy Tầng (Đan Viện Tráppít Đức Mẹ Sept-Fons dịch), NXb. Hồng Đức, Tp. Hồ Chí Minh, 2020, trang 394

[8] THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, Một Tâm Hồn (Kim Thiếu dịch), Nxb. Minh Đức Thiện Bản, Sài Gòn, 1960, trang 458.

[9] Ibid., trang 316.

[10] Ibid., trang 298.

[11] Ibid., trang 456.

[12] x. VICTOR SION, Tính Hiện Thực Thiêng Liêng Của Thánh Têrêsa Lisieux (Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành và Giuse Đỗ Văn Tuyến dịch), Nxb. Tôn Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 2015, trang 112.

[13] x. THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, Một Tâm Hồn (Kim Thiếu dịch), Nxb. Minh Đức Thiện Bản, Sài Gòn, 1960, trang 268.

[14] Ibid., trang 451.

[15] Ibid., trang 267.

[16] x. VICTOR SION, Tính Hiện Thực Thiêng Liêng Của Thánh Têrêsa Lisieux (Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành và Giuse Đỗ Văn Tuyến dịch), Nxb. Tôn Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 2015, trang 156-157.

[17] x. Ibid., trang 168.

[18] X. Ibid., trang 37.

[19] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống – Christus Vivit (Lm. Lê Công Đức P.S.S. dịch), Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 2019, số 160, trang 105.

[20] x. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông Huấn Vui Mừng Và Hoan Hỉ - Gaudete Et Exsultate (Lm. Lê Công Đức P.S.S. dịch), Nxb. Tôn Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 2018, số 11, trang 12.

[21] x. VICTOR SION, Tính Hiện Thực Thiêng Liêng Của Thánh Têrêsa Lisieux (Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành và Giuse Đỗ Văn Tuyến dịch), Nxb. Tôn Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 2015, trang 91-110.

[22] THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, Một Tâm Hồn (Kim Thiếu dịch), Nxb. Minh Đức Thiện Bản, Sài Gòn, 1960, trang 435.

[23] x. Ibid., trang 339.

[24] x. Ibid., trang 422.

[25] x. VICTOR SION, Tính Hiện Thực Thiêng Liêng Của Thánh Têrêsa Lisieux (Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành và Giuse Đỗ Văn Tuyến dịch), Nxb. Tôn Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 2015, trang 95.

[26] x. THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, Một Tâm Hồn (Kim Thiếu dịch), Nxb. Minh Đức Thiện Bản, Sài Gòn, 1960, trang 352.

[27] x. Ibid., trang 222.

[28] Ibid., trang 321.

[29] ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI, Những Người Nữ Thánh Thiện (Giuse Phan Văn Phi O.Cist. dịch), Nxb. Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, 2018, trang 174.

[30] THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, Một Tâm Hồn (Kim Thiếu dịch), Nxb. Minh Đức Thiện Bản, Sài Gòn, 1960, trang 142.

[31] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịch), Nxb. Tôn Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, số 2011, 2016.

[32] x. THÁNH CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II, Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo (Giáo Hoàng Học Viện Piô X – Đà Lạt dịch), Sài Gòn, 1972, số 3, trang 523.

[33] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông Huấn Niềm Hoan Lạc Của Tình Yêu – Amoris Laetitia (Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch), Nxb. Tôn Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 2016, số 50, trang 43.

[34] x. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Tông Huấn Vui Mừng Và Hoan Hỉ - Gaudete Et Exsultate (Lm. Lê Công Đức P.S.S. dịch), Nxb. Tôn Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 2018, số 15, trang 15.

[35] x. STEPHEN B. BEVANS – ROGER P. SCHROEDER, Trung Thành Và Thích Nghi – Thần Học Truyền Giáo Cho Hôm Nay (Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên dịch), Nxb. Tôn Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 2020, trang 602.

1615    03-09-2021