Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Đời sống cộng đoàn môn đệ: Năng động trong Thánh Thần

 

 
Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy ban Giáo Dân - Tháng 08.2019 - PHẦN TU ĐỨC

UBGD.jpg

Cộng đoàn môn đệ Đức Giêsu được dựng xây theo tầm nhìn và sứ mạng của Đấng Phục Sinh (Lc 24,35). Trong tầm nhìn ấy, thánh sử Lu-ca nhìn lễ hội mùa gặt, sau này Do Thái giáo đồng hóa lễ hội này với Giao Ước Sinai, như khởi đầu của Giao Ước mới với việc Thánh Thần hiện xuống trên Giáo Hội. Cộng đoàn tề tựu với nhau, cùng Đức Maria, đón nhận Thánh Thần hiện diện và hoạt động nơi cộng đoàn (Cv 1,14; 2,2-4). Thánh Thần hiệp nhất cộng đoàn, biến đổi cộng đoàn, và hướng dẫn cộng đoàn tiếp nối sứ mạng loan báo Tin mừng (Cv 2,36-42). Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta không chỉ được qui tụ để ở lại với Chúa và với nhau, nhưng còn để được Người sai đi thi hành sứ mạng (Mc 3,14-15). Trong tầm nhìn của cộng đoàn môn đệ Đấng Phục Sinh, trình thuật lễ Ngũ Tuần cho thấy hình ảnh khởi đầu cũng là hình ảnh sống động của cộng đoàn môn đệ trong thực tế, một cộng đoàn năng động trong Thánh Thần (Cv 2,1-11).

 

Thánh Phao-lô cho thấy đời sống cộng đoàn môn đệ Đấng phục sinh trở nên phong phú như thế nào nhờ Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần, các môn đệ được củng cố đức tin: “Đức tin của anh em mới không dựa vào lời lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,5). Nhờ thánh thần, các môn đệ đón nhận tính cách làm con Thiên Chúa (Gl 4,4-6), không chỉ theo tình trạng lề luật nhưng còn thấm sâu vào ý thức của chúng ta, làm cho chúng ta có thể kêu lên: “Abba, lạy Cha của chúng con” (Rm, 12-17). Nhờ Thánh Thần, cộng đoàn môn đệ hiệp nhất trong khác biệt: “chỉ có một thân thể và một Thánh Thần” (Ep 4,3-6). Nhờ thánh thần, một cộng đoàn non trẻ ở Antiokia cũng đã có thể dấn thân thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng: “Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: ‘Hãy dành riêng Banaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm’” (Cv 13,2).

 

Thánh Thần vun đắp sự hiệp nhất của Giáo Hội bằng sự phong phú của những ân huệ thiêng liêng vốn được ban một cách tự do cho tất cả mọi thành viên cộng đoàn: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12, 4-13). Ngài bảo đảm vận mệnh và sứ mạng người môn đệ Đức Giêsu. Trên hành trình đạt tới vận mệnh sau cùng của chúng ta và trong sự thử thách liên tục giữa ân sủng và tội lỗi trên thế gian và trong tâm hồn chúng ta, Chúa Thánh Thần là “bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (Ep 1, 11-14). Có thể nói, mọi năng động hiện diện và hoạt động của Giáo Hội đều được đánh dấu bởi những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

 

Trong tầm nhìn của cộng đoàn môn đệ Đấng Phục Sinh, chúng ta là chứng nhân của niềm hy vọng, không chỉ trong nhận thức hay cảm nghĩ, mà còn trên nét mặt, trong cung cách ứng xử và đời sống. Hơn thế nữa, là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, những người phục vụ cộng đoàn trong năng động của Thánh Thần, chúng ta không thể là môn đệ Đức Giêsu theo kiểu hay càm ràm, buồn rầu và thất vọng, với bộ mặt đưa đám như hai môn đệ trên đường Emmaus trước khi gặp Đấng Phục Sinh. Trái lại, là người được củng cố niềm tin nhờ gặp gỡ Đấng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi làm cho anh chị em mình nên vững mạnh, như thánh Phê-rô (Lc 22,31-32), bằng cách hiện diện giữa cộng đoàn với niềm tin yêu, kể lại chuyện đời môn đệ của mình với niềm hy vọng, và phục vụ cộng đoàn với niềm hân hoan.

Hồi tâm.

1.     Là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, tôi thường gặp khó khăn thách đố ở đâu-với ai-khi làm việc gì?

2.     Tôi thường cảm nghĩ và phản ứng như thế nào khi gặp tình huống khó khăn: càm ràm, than trách, đổi lỗi cho người khác, biện minh cho mình,…?

3.     Niềm tin vào Đấng Phục Sinh soi sáng cho tôi như thế nào khi gặp tình huống cần hòa giải và xây dựng hòa bình, khi có căng thẳng giữa các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ,..?

 

 

Lm Toma Vũ Ngọc Tín.SJ.

747    05-08-2019