Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Đời sống của các Kitô hữu ở Bán đảo Ả Rập

bdar1
 Thánh Lễ tại Bahrain trong chuyến tông du của ĐTC (5/11/2022)  (Vatican Media)


Sự hiện diện và chứng tá của các Kitô hữu ở Bán đảo Ả Rập là một chủ đề thú vị đáng được quan tâm nghiêm túc. Quan điểm của các nhà quan sát bên ngoài, đặc biệt của Giáo hội phương Tây, thường cho rằng tại khu vực này trong suốt lịch sử đã có mối liên kết với Hồi giáo hoặc liên quan đến ngoại giáo. Ngày nay những hệ phái Kitô khác còn coi đây là vùng đất cần được truyền giáo, như thể Tin Mừng chưa hề chạm đến vùng đất này.

Quan điểm hời hợt như trên đôi khi gây ra căng thẳng tôn giáo và bạo lực giáo phái, vì hầu hết người dân trong khu vực đều có bản chất bảo vệ đức tin hiện nay của mình.

Giáo hội hành hương và di dân

Chắc chắn ngày nay tại bán đảo Ả Rập, Công giáo là một Giáo hội hành hương và di dân, vì có khoảng 3 triệu người Công giáo dưới sự chăm sóc mục vụ của hai Đại diện Tông toà ở Vùng vịnh được thiết lập từ những người lao động đến từ nhiều quốc gia, chủ yếu từ Nam Á. Những người lao động này mang đến đây những truyền thống, văn hoá và sự đa dạng tôn giáo và họ tìm cách gìn giữ trong một môi trường hoàn toàn mới. Đôi khi lòng nhiệt thành tôn giáo của họ xung đột với những thực hành của những người Hồi giáo lân cận. Vì thế Toà Thánh luôn chú ý quan tâm đến những nhu cầu mục vụ của các tín hữu Công giáo, gìn giữ hai địa hạt Giáo hội được hướng dẫn bởi hai Giám mục. Sự quan tâm thực sự cho thiện ích của những người Công giáo ở vùng Vịnh cũng được thể hiện qua hai chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất vào năm 2019, và Bahrain vào năm 2022.

Nhận xét về cuộc viếng thăm Bahrain, Đức Hồng Y Tagle, Quyền Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, cho biết: “Đó là một cuộc hành hương của hòa bình và là lời mời gọi tất cả các dân tộc thuộc các tôn giáo, văn hóa và quốc tịch khác nhau tái khám phá bản chất nhân loại chung. Theo Đức Hồng Y, tất nhiên, có rất nhiều biểu tượng trong các sự kiện của Đức Thánh Cha cũng như các mục tiêu văn hóa và chính trị. Nhưng cuối cùng, đó thực sự là một lời kêu gọi cầu nguyện và tôn thờ một Thiên Chúa. Ngài chỉ ra rằng ngay cả khi tập trung vào các Kitô hữu, Đức Thánh Cha đã chiếu sáng tinh thần đại kết và sự cần thiết phải vượt qua những chia rẽ, cũng như trên thực tế, các tổ chức của Giáo hội Công giáo ở đây mở ra cho những người không phải Kitô hữu. Vì vậy, Đức Thánh Cha khuyến khích người Công giáo làm cho trường học và bệnh viện và “bất kỳ dịch vụ nào” đều trở thành nhà cho tất cả mọi người. Đức Hồng Y lưu ý rằng khu vực Vùng vịnh này là “lãnh thổ truyền giáo thực sự”. Các nhà truyền giáo vĩ đại nhất là những giáo dân đến tìm việc làm, nhưng tại đây họ đã thấy một cánh đồng truyền giáo và họ đang làm rất tốt.

Lịch sử lâu đời của Kitô giáo

Nhưng câu hỏi được đặt ra là: phải chăng Kitô giáo ở Bán đảo Ả Rập là một hiện tượng đương đại chỉ được hình thành từ các cộng đoàn di dân trong những thập kỷ gần đây? Lịch sử chứng minh điều ngược lại. Đầu tiên, một số nhỏ các Kitô hữu có tổ tiên xa xưa trong lịch sử vẫn còn hiện diện ở Bahrain. Họ là một phần quý báu di sản phong phú của vương quốc và đang đóng góp tích cực cho đời sống quốc gia hiện nay. Thứ hai, những phát hiện khảo cổ gần đây ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi đã cho thấy đã có các cộng đoàn Kitô năng động trong khu vực.

Thánh Aretas và các bạn tử đạo

Một trường hợp rất thú vị là lịch sử của các Kitô hữu Ả Rập của Najran- thuộc Vương quốc Himyarite cổ ở Yemen, ngày nay thuộc Ả Rập Saudi -đã tử đạo vào thế kỷ thứ 6, chính xác là vào năm 523, vì đức tin sâu sắc của họ vào thiên tính của Chúa Kitô. Giáo hội Công giáo, cùng với nhiều hệ phái và truyền thống Kitô giáo khác, tôn kính các thánh như Thánh Aretas và các bạn của ngài. Sự tử đạo nhanh chóng được kính nhớ trong phụng vụ của nhiều nhà thờ và tu viện trong thời kỳ Byzantine. Mặc dù những tranh luận thần học gay gắt về bản thể Chúa Kitô đang chia rẽ các Kitô hữu, việc tôn kính các vị tử đạo này nhanh chóng được phổ biến trên khắp thế giới Kitô giáo, bất kể niềm tin hay tuyên xưng Kitô giáo của chính Giáo hội đó. Giáo hội Chính thống nhìn nhận Thánh Aretas là thánh tử đạo, bằng chứng về lòng sùng kính rộng rãi đối với thánh nhân trong khắp Giáo hội Byzantine. Lịch phụng vụ Rôma cũng đã cử hành lễ nhớ này vào ngày 24/10.

Nói cách khác, trong khi Thánh Biển Đức thành Nursia lặng lẽ chuẩn bị bản đồ về đời sống đan tu phương Tây trong một đan viện ở Ý vào thế kỷ thứ 6, và Thánh Columba đi đến vùng châu Âu ngoại giáo, thì cùng khoảng thời gian đó Thánh Aretas và người dân của ngài trao ban cuộc sống của họ cho Chúa Kitô trong ốc đảo ở miền nam Ả Rập. Điều này cho thấy rằng, giống như triết học Kitô giáo ở phương Tây phát triển trong thời kỳ Giáo phụ, Kitô giáo cũng phát triển mạnh mẽ ở phương Đông, đặc biệt là ở Bán đảo Ả Rập!

Năm Thánh ngoại thường đánh dấu 1500 năm cuộc tử đạo của Thánh Aretas và các bạn (523-2023) là một cơ hội đích thực để Giáo hội ở Bán đảo Ả Rập xem xét lại quan điểm và sứ vụ của Giáo hội trong khu vực. Thật là điều tốt đẹp khi có thể dành sự quan tâm đúng mức cho phương Đông đối với các truyền thống Kitô giáo và ảnh hưởng của truyền thống này được viết bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Latinh hoặc tiếng Hy Lạp, chẳng hạn như tiếng Syriac và Ge'ez. Trong những bản viết cổ này, mọi người được soi sáng về cội nguồn thiêng liêng của Giáo hội ở phương Đông ngày nay.

Quan trọng hơn, Bán đảo Ả Rập phải được coi là ngôi nhà tinh thần cho hàng triệu Kitô hữu hải ngoại đang sống trong khu vực ngày nay. Ngay cả khi hầu hết tất cả họ cuối cùng sẽ lên đường trở về quê hương, thì khu vực này vẫn là ngôi nhà tinh thần của họ, một vùng đất đã chào đón và khơi dậy đức tin của họ. Các Kitô hữu vùng Vịnh ngày nay tiếp tục lịch sử lâu dài của chứng tá Kitô giáo được tổ tiên của họ bắt đầu trong đức tin, chẳng hạn như Thánh Aretas.

Thách đố ngày nay của các Kitô hữu

Ngày nay, thách đố thực sự đối với các Kitô hữu ở Bán đảo Ả Rập cũng giống như cách đây 1.500 năm: làm thế nào để trở thành môn đệ của Chúa Kitô ở một vùng đất có nhiều tôn giáo xung đột, bầu khí chính trị căng thẳng và lợi ích kinh tế thống trị? Thánh Aretas và các bạn của ngài đã chịu bách hại đến đổ máu; các Kitô hữu ngày nay đang bị thách đố bởi điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “sự tử đạo hàng ngày”: hiến mạng sống mình, có tinh thần tử đạo, có nghĩa là dâng hiến mạng sống trong thầm lặng, trong cầu nguyện, trong việc chu toàn bổn phận; trong sự thinh lặng của đời sống hằng ngày, trao ban sự sống từng chút một.

Được truyền cảm hứng từ các vị tử đạo Ả Rập, các Kitô hữu tại Bán đảo Ả Rập ngày nay được mời gọi kiên trì sống đức tin theo cách tôn vinh Thiên Chúa. Họ được mời gọi trở thành một “vị tử đạo hàng ngày”, một người không ngừng làm chứng sống động cho Chúa Kitô và sứ điệp của Người trong những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Ngay cả khi các Kitô hữu thường không thể nói hoặc làm chứng một cách công khai về đức tin của mình, cuộc sống hàng ngày vẫn phải được Phúc âm hóa để giải thích đức tin và truyền lại sự phong phú của truyền thống tâm linh của họ cho con cái.

Phần lớn truyền thống Công giáo cũng là sức mạnh và sự phong phú của các tín hữu: những lễ nghi, ngôn ngữ và truyền thống tâm linh gặp nhau và hiệp nhất. Không dừng lại ở “một lễ nghi bảo tàng” nhưng một nghi lễ sống động, mạnh mẽ, mang màu sắc lịch sử và có thể được chia sẻ và truyền tải.

Thách đố về sự hiệp nhất khiến các tín hữu chú ý đến điều quan trọng và nền tảng đức tin của họ. Họ xác tín tất cả là một trong Chúa phục sinh vì vinh quang của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Sự đa dạng của các thành viên củng cố niềm vui được là Giáo hội Công giáo ở một vùng đất có nhiều tương phản và đa dạng.

Thách đố của đối thoại liên tôn thúc đẩy các tín hữu trở nên chân thực và nhất quán, nhưng cũng vững vàng trong sự thật là Chúa Kitô. Cuộc đối thoại này rất quan trọng để làm cho các tín hữu biết và tôn trọng các tôn giáo khác trên bán đảo. Các tín hữu muốn trở thành môn đệ của Chúa Kitô và là người mang lại hòa bình và công lý.

Hạt đại diện Tông tòa Bắc Ả Rập bao gồm Bahrain, Qatar, Kuwait, nơi Sứ thần Tòa thánh cư trú và Ả Rập Saudi. Bốn thực tế rất khác nhau thúc đẩy các tín hữu bước vào đối thoại và tìm hiểu thêm về lịch sử cũng như tình hình chính trị và xã hội địa phương. Với tư cách là Kitô hữu, những người Công giáo trở thành dấu chỉ của thời đại và là đối tác vì lợi ích của mọi người và sự phát triển của con người.

Cuộc đối thoại với chính quyền địa phương rất khác theo truyền thống bản địa: quyền tự do thờ phượng được chấp nhận, đôi khi gặp khó khăn và đòi hỏi, hoặc những trở ngại về tôn giáo và văn hóa. Người Công giáo phải thích nghi bằng đức tin và sự sáng tạo. Các nhà thờ chắc chắn là chưa đủ, nhưng các tín hữu tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa tại các sa mạc trù phú của bán đảo. Các tín hữu biết rằng mình là Giáo hội, “như những viên đá sống động để xây nên Đền thờ thiêng liêng, để Thiên Chúa đặt mình làm hàng tư tế thánh, để dâng những lễ tế thánh thiêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô”. (1Pr 2, 5)

Các tín hữu có tổ tiên là những Kitô hữu đã nêu gương sáng. Vì thế tới lượt mình, các tín hữu có nhiệm vụ trở thành chứng nhân của Đấng Phục Sinh.

 

Theo Vatican News (12/10/2023)

208    13-10-2023