Ảnh minh họa từ Freepik |
Trong thiên nhiên, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh “dòng chảy.” Khi nhắc tới dòng chảy, chúng ta hình dung ngay ra hình ảnh của vật thể dạng chất lỏng chuyển động thành dòng. Đó có thể là hình ảnh của dòng sông, dòng nước hay dòng dung nham. Để có thể hình thành dòng chảy, cần có một nơi gọi là nguồn của nó. Một dòng sông phải bắt nguồn từ một vùng núi nào đó, một dòng dung nham cũng được phun trào từ miệng ngọn núi lửa chẳng hạn. Kế đến, chuyển động chính là đặc trưng của dòng chảy. Nếu không có chuyển động, dòng chảy không còn là dòng chảy nữa. Ví dụ, một dòng sông mà ngưng chảy sẽ được gọi là hồ hay ao. Cuối cùng, bất kỳ dòng chảy nào cũng đều hướng đến một đích cụ thể. Dòng suối sẽ chảy vào dòng sông, còn dòng sông sẽ đổ ra biển. Hay dòng dung nham sẽ được phun ra từ miệng núi lửa rồi chảy xuống chân núi hay vùng thấp hơn.
Điều tương tự có thể được thấy nơi các hiện tượng xã hội mà điển hình là ví dụ về dòng tiền. Dòng tiền cũng phát xuất từ một nguồn nào đó (một công ty hay nhà đầu tư nào đó). Nói phải chuyển động hay được xoay vòng, tức là được chuyển tới các mắc xích khác trong việc sản xuất, vận chuyển, cho tới nơi trưng bày và kinh doanh. Mục đích cuối cùng của nó là sinh lời cho nhà đầu tư. Dù trên đây chỉ đề cập đến một vài hình ảnh cụ thể về dòng chảy mà thôi, nhưng chúng cũng đủ để cho chúng ta có thể nhìn nhận toàn bộ cuộc sống của chúng ta như dòng chảy vĩ đại. Cuộc sống luôn có khởi đầu của nó. Nó luôn chuyển động về phía trước, luôn và luôn có mục đích tối hậu của mình.
Trong dòng chảy của cuộc đời đó luôn tồn tại những bí ẩn làm con người ngạc nhiên và thích thú xen lẫn những lo âu cùng sợ hãi. Chúng ta ngạc nhiên và thích thú vì có quá nhiều điều mới mẻ để chúng ta khám phá và học hỏi. Chúng ta lo âu và sợ hãi vì cuộc sống luôn bất ngờ. Những tai họa, những điều không hay vẫn có thể xảy đến bất thình lình mà đôi khi chúng ta trở tay không kịp. Có lẽ hai nét đặc trưng trên diễn tả thực tại cơ bản trong hiện hữu của con người. Trong thế giằng xé đó, chúng ta phải đối diện thế nào với cuộc sống tuy giới hạn nhưng cũng vô tận này? Tôi thực sự ấn tượng với câu nói của Rebecca Campbell trong tác phẩm Tiền kiếp Tái sinh rằng: “Nếu chúng ta trốn tránh bản chất thật của mình, chúng ta sẽ trôi ra khỏi dòng chảy của cuộc sống.” Vậy bản chất của chúng ta là gì?
Mặc dù diễn giải dài dòng từ đầu tới giờ, nhưng qua đó chúng ta có thể hiểu được bản chất của con người. Chúng ta được sinh ra trên này là một định mệnh. Định mệnh đó đã đặt chúng ta, từng người một, vào trong dòng chảy không ngừng nghỉ và không ngừng tiến về phía tương lai của cuộc sống. Là một thành phần trong đó, mỗi người đều thấm đượm bản chất của dòng chảy ấy. Cho nên, mỗi hữu thể người đều có một cội nguồn phát xuất. Mặc dù chúng ta được sinh ra từ kết quả từ tình yêu của cha mẹ chúng ta. Thế nhưng, tình yêu ấy lại phát xuất từ một tình yêu cao cả hơn, có thể nói là Tình-Yêu-vượt-trên-mọi-tình-yêu, Thiên Chúa. Vì yêu mà Thiên Chúa đã tạo nên vạn vật. Ngài muốn thông truyền tình yêu trào tràn của mình cho tạo vật. Tuy nhiên, có một tạo vật được Ngài ưu ái, nắn thành hình từ bùn đất và thổi sinh khí vào để trở thành hữu-thể-được-tạo-nên-theo-hình-ảnh-Thiên-Chúa. Chính vì lẽ đó, chúng ta được ban cho những đặc tính thần thiêng dù hữu hạn nhưng vô cùng thiêng liêng.
Con người được dựng nên không phải để dậm chân tại chỗ. Con người luôn phải lao tác để tạo nên giá trị. Vì luôn nằm trong dòng chảy của cuộc sống, chúng ta phải luôn chuyển động. Không hẳn là chúng ta bị buộc phải chuyển động nhưng là vì con người được thông ban đặc tính ấy. Điều này nổi bật nơi tính sáng tạo. Nhờ tính sáng tạo mà con người không ngừng vượt lên trên những cái cũ kỹ để kiến tạo những công trình vĩ đại. Những tiến bộ của khoa học cũng như những công trình mang tính thế kỷ là minh chứng cho điều này. Trong mỗi giây phút của cuộc sống luôn có những món quà đặc biệt cho từng người mà nếu không đủ sáng tạo chúng ta khó lòng làm cho chúng tỏ hiện cách tròn đầy được. Không bao giờ chúng ta có thể ngừng sáng tạo và dừng chuyển động được vì đó là bản chất của chúng ta. Thế giới vẫn luôn biến đổi từng ngày và chúng ta cũng cần nỗ lực để trở nên phiên bản tốt nhất của mình.
Còn đâu là điểm dừng lại cho cuộc sống của chúng ta? Triết gia hiện sinh Martin Heidegger gọi con người là hữu-thể-hướng-về-cái-chết. Cái chết thực sự là nỗi sợ hãi đối với nhiều người. Nhiều người còn nói chết là hết. Tuy nhiên, trong niềm tin của mình, chúng ta tin rằng chết chỉ là điểm tới hạn của cuộc hiện hữu trần thế để bước qua cõi vĩnh hằng mà cùng đích của nó là Thiên Chúa (vừa là khởi nguyên vừa là cùng đích của vũ trụ). Nhờ nhận biết được cùng đích ấy mà chúng ta luôn có niềm hy vọng. Chúng ta biết chính xác đâu là nơi để về để rồi mọi cố gắng đều quy hướng về đó. Chúng ta cũng cần tránh tư tưởng nghĩ rằng cuộc sống mai sau mới quan trọng nên coi thường cuộc sống trần gian này. Để có thể đến với cõi vĩnh hằng thì chính thời gian sống trên đời này là bước đệm giúp chúng ta đạt được điều ấy. Nếu ai không tận dụng những nén bạc Chúa trao thì mai sau sẽ chẳng đạt được gì cả.
Qua những điều nói trên, chúng ta sẽ đồng ý với quan điểm của tác giả Rebecca Campbell. Chúng ta sẽ trôi ra khỏi dòng chảy của cuộc sống nếu chúng ta chối bỏ hay trốn tránh bản chất thật của chúng ta. Một khi trốn tránh hay chối bỏ bản chất đó là chúng ta không còn hiện hữu chân thực nữa. Hiện hữu của chúng ta là hiện hữu có nền tảng. Nó là một hiện hữu thật quý giá vì có Thiên Chúa là cội nguồn. Chúng ta kín múc sự sống và mọi giá trị từ Ngài. Nếu chối bỏ Thiên Chúa tức là chúng ta đã phá đổ đi mọi cảm thức về tình yêu, tính nhân văn và các giá trị luân lý. Thật nguy hiểm cho tư tưởng xem mình là kẻ-tự-sáng-tạo-nên-mình và cho mình có một quyền uy cũng như tự do tuyệt đối.
Hơn nữa, chúng ta dễ rơi vào tình trạng ù lì và dậm châm tại chỗ. Nhiều người chọn lựa sự cũ kỹ và an toàn, không dám vượt ra ngoài vùng an toàn để phát triển bản thân. Đáng lẽ chúng ta cần bắt kịp dòng chảy của cuộc sống thì nhiều người lại buông mình trôi dạt trong vô định như những áng lục bình. Đó cũng là vì thái độ này hệ tại nơi việc nhiều người không nhận ra được cùng đích của mình. Họ ngừng phấn đấu. Họ không tìm được ý nghĩa cho cuộc đời mình. Họ như khúc gỗ trôi dạt khỏi dòng nước vì không còn chảy cùng nhịp điệu với dòng chảy ấy nữa. Đấy chính là thách thức mà mỗi người chúng ta cần nhận ra để lấy đó làm sức mạnh cho cuộc hành trình tiến về phía vĩnh hằng.
Tóm lại, hình ảnh dòng chảy cuộc sống nói lên bản chất phổ quát của vũ trụ. Bất cứ thứ gì đều có cội nguồn và cùng đích của nó. Khoảng cách từ nơi bắt đầu cho đến kết thúc luôn đòi hỏi sự chuyển động không ngừng. Nếu dừng lại mà chưa tới đích tức là chưa hoàn thành sứ mạng của riêng mình. Ước mong mỗi người chúng ta cũng biết nhận ra và đón nhận bản chất thật của mình. Chúng ta có Thiên Chúa là khởi nguyên và cùng đích. Chúng ta được Ngài yêu thương và ban cho những viên ngọc tài năng để hoàn thành chặng đường về quê hương vĩnh cửu. Do đó, mỗi người cần nỗi lực hết mình để cùng nhau làm nên vũ khúc vĩ đại của dòng người đang cùng nhau bước về cõi phúc muôn đời.
Tác giả: Philip
(Bài viết được CTV gởi về BBT Website GPVL)