Sidebar

Thứ Bảy
05.10.2024

Đong đầy hai tiếng yêu thương

baxh1

Cho mua thiếu đại đi em!

Không, không được!

  .....

Kìa, Cô phụ trách bán quần áo tới kìa!

Cô ơi, cô bán thiếu cho con tôi một bộ đồng phục học sinh nhe! Thứ hai, tôi trả tiền.

Chị ơi, chị có thể đợi tới Thứ hai đem tiền vào rồi em bán cho chị luôn nhé!

Một cô giáo khác chạy ra, giọng oan oan:

Này, chị. Mình nên học cách không sống “thiếu”. Nghèo nhưng không để mình thiếu nợ người khác!

Rồi cô “ban huấn từ” cách làm sao không để mình sống thiếu. Chị phụ huynh chậm rãi bước ra về tay không.

Đây là cảnh bán đồ đồng phục cho học sinh trong những ngày mới bắt đầu năm học tại một ngôi trường. Tôi là người phụ trách bán quần áo cho học trò.

Hỏi ron hỏi ren tôi nghe nói chị này nhà rất nghèo, bị giãn tĩnh mạch nặng và mới vừa sanh non. Chị mỗi ngày đạp xe đưa con đi học và nhiều lần trở về bị băng huyết.

Chiều hôm đó, tôi tới thăm nhà chị. Một căn phòng trọ với địa chỉ A/B/C... nằm tít sâu trong nhiều con hẻm. Với trợ giúp của google map, tôi cũng không thể tìm được đúng cái địa chỉ đó. Hỏi thăm lối xóm, cuối cùng tôi cũng tìm được căn phòng nằm cuối dãy nhà trọ. Cái đập vào mắt tôi là một căn phòng rất “gọn gàng”. Gọn gàng vì trong nhà không có thứ gì cả, ngoài một ít gói mì tôm, ít gia vị, một chiếc chiếu, vài cái gối cho chị, chồng chị và 2 đứa con nhỏ. Một phụ nữ đang nằm, uể oải ngồi dậy với vẻ đau đớn để tiếp tôi. Với vài câu chào, thăm hỏi. Chị thuật lại gia cảnh của mình:

“Cô ơi, em mới vừa sanh non em bé 6 tháng tuổi. Do lúc mang thai em bị sốt, hoàn cảnh quá nghèo, em không mua thuốc để chữa bệnh. Cùng lúc đó, em sanh non. Đứa bé bị lây bệnh của em. Vừa sanh ra, bé đã bị sốt xuất huyết, viêm đường ruột, không thể tự thở được, phải dùng máy để trợ thở. Sau khi sanh 3 ngày, bác sĩ cho em xuất viện. Còn đứa bé thì ở trong viện cho tới nay đã 2 tuần mà vẫn không tiến triển gì. Chồng em đi làm mộc, lúc có lúc không. Mỗi tuần, phải đóng từ 2 đến 6 triệu để hỗ trợ viện phí và thuốc thang cho bé. Chồng em mỗi tuần đều vào thăm con nhưng không dám cho em theo. Vì mỗi lần vào đó, nhìn thấy con, em không cầm được nước mắt! Tiền sanh mổ của em vài chục triệu, chồng em đã chạy đi xin chỗ này chỗ khác và đã trả hết rồi! Giờ phải lo tiền để mỗi tuần đóng cho bệnh viện. Nhà giờ không có gì ăn, hàng xóm cho gì ăn đó...”

 

embe


Trong khi chị đang kể, hình ảnh tôi đã từ chối bán đồng phục thiếu cho con chị, hình ảnh cô giáo “dạy đời” chị không được “sống thiếu” hiện lên trong đầu. Tôi không cầm được những giọt nước mắt của sự ăn năn, hối hận. Tôi gởi chị ít tiền mua thức ăn và ra về với một bài học. Lúc xin số điện thoại của chị để liên lạc, chị cầm cái điện thoại “cùi bắp” lên và bấm số. Tôi được biết, nhà chị chỉ có 2 cái điện thoại, một cái “xì mắc phôn” (smartphone), đã được cầm tháng vừa rồi để trả tiền trọ, một cái cùi bắp chồng chị để ở nhà cho chị canh giờ đi rước con.

Lòng nặng trĩu trở về, tôi đã xin để tặng cho con chị vài bộ đồng phục đi học và thỉnh thoảng gởi chị ít rau, ít cá “sống qua ngày”. Các cô giáo cũng sắp xếp nhờ người chở con chị đi học về mỗi ngày để chị không phải bị băng huyết vì đạp xe.

Một tháng sau, trở lại thăm căn phòng của chị. Vẫn cái “gọn gàng” của ngày đầu tiên đến thăm, tôi được biết em bé vẫn chưa xuất viện. Bác sĩ nói em bé có thể bị viêm màng não và nguy cơ khuyết tật sau này nếu bé còn sống. Nhưng anh chị vẫn quả quyết “còn nước còn tát”. Ba mẹ con chị bị sốt cách nay một tuần, không có tiền mua thuốc uống nên đến nay vẫn còn sốt. Chồng chị “cày” mỗi ngày chỉ để đưa vào bệnh viện với hy vọng cứu được bé. Chị cất lời với giọng yếu ớt: “Cô ơi, chúng em khổ đã quen, không có cơm ăn cũng được, miễn sao con em được sống!”

Tôi ra về với quyết tâm tìm những ân nhân để giúp gia đình anh chị. Tôi gọi cho chồng chị để được nghe câu chuyện từ phía anh. Một thông tin không khớp với lời chị kể, đó là số tiền viện phí từ lúc chị sanh con tới nay, trừ những khoảng tiền anh tự làm ra để đóng phí, thì số tiền còn lại là trên hai mươi triệu, anh đã chạy đôn chạy đáo đi  mượn từ ông chủ, đồng nghiệp, bạn bè, người thân và hiện chưa thể trả cho họ. Anh đã giấu không nói cho vợ biết vì sợ vợ anh lo lắng, đau lòng!

Một hình ảnh quá đẹp trước mắt tôi! Một tình thương vô điều kiện vẫn còn hiện hữu! Tình thương son sắt của chồng dành cho vợ. Tình thương của cha mẹ dành cho đứa con bé bỏng, khi anh chị dám bán tất cả những gì mình có, dám đánh đổi cả tương lai khi mượn nợ để cứu con, trong khi sự sống của con anh mong manh như sợi tóc treo ngàn cân. Bác sĩ không hứa con anh sẽ được sống. Thế mà mỗi ngày anh làm việc từ bảy giờ sáng tới nửa đêm (tăng ca), cả nhà ăn cơm với muối để hy vọng “tình yêu” của anh chị sẽ tự thở và có thể cùng gia đình anh ngắm cảnh mặt trời mọc.

Sáng hôm sau, tôi viết thông tin về gia cảnh anh chị và gởi đến ba ân nhân để xin sự hỗ trợ. Chiều hôm đó tôi nhận được kết quả là hai người không trả lời và một người trả lời không, thì bất chợt, một người bạn mà tôi không nghĩ đến đã gọi hỏi thăm công việc của tôi. Tôi kể gia cảnh chị này cho bạn nghe, và bạn lên tiếng giúp đỡ một phần. Một phần. Dù chỉ là một phần nhỏ thôi. Nhưng cái mà tôi cảm nghiệm là cách Chúa làm việc. Ngài đã cho tôi thấy rằng, ngay giây phút dường như không còn chút hy vọng, thì Ngài đã ra tay. Và với đức tin, tôi cảm nghiệm Ngài sẽ còn làm những việc kỳ diệu hơn nữa! Thật diễm phúc học biết rằng, khi làm việc thiện, thì đức tin của tôi càng được nuôi dưỡng bởi được thấy một Thiên Chúa Hiện Hữu và Quan Phòng!

Caritas Vĩnh Long

46    23-09-2024