![]() |
Konstantin Zolotov | Shutterstock |
Đồng lira của Vatican ra đời vào năm 1929, sau khi ký Hiệp ước Lateran giữa Tòa Thánh và Vương quốc Ý.
Rất lâu trước khi Thành phố Vatican áp dụng đồng euro, thành phố này đã có đồng tiền riêng: đồng lira của Vatican. Mặc dù đồng tiền này không có giá trị hơn đồng lira của Ý trong ví tiền bạn, nhưng nó lại chứa đựng một điều gì đó bền bỉ hơn nhiều - những câu chuyện về đức tin, nghệ thuật và sự khẳng định thầm lặng của một quốc gia có chủ quyền mang sứ mệnh độc đáo trên thế giới.
Đồng lira của Vatican ra đời vào năm 1929, sau khi ký Hiệp ước Lateran giữa Tòa Thánh và Vương quốc Ý. Hiệp ước này công nhận Vatican là một quốc gia độc lập và cho phép Vatican đúc tiền riêng. Ngay từ đầu, đồng lira của Vatican được neo giá một-một với đồng lira của Ý. Hai loại tiền tệ này lưu hành thay thế cho nhau, nhưng đồng tiền do Vatican phát hành lại có in hình ảnh của vị giáo hoàng đương nhiệm và các cảnh trong đời sống của Giáo Hội.
Không có tiền giấy Vatican - chỉ có tiền xu, và những đồng tiền đó trở thành đại sứ thu nhỏ của đức tin. Thiết kế đa dạng từ hình ảnh trang trọng của các vị giáo hoàng như Đức Piô XII và Đức Gioan Phaolô II cho đến những hình ảnh phức tạp về các cảnh trong Kinh Thánh, Đức Trinh Nữ Maria hoặc biểu tượng của Chúa Thánh Thần. Những dòng chữ La tinh uốn cong dọc theo các cạnh: Città del Vaticano, Fides, Pax, Spes (Thành phố Vatican, Đức tin, Hòa bình, Hy vọng).
Hơn cả tiền tệ hợp pháp, những đồng tiền này là những lời tuyên bố về căn tính. Chúng đại diện cho một thành bang không có quân đội thường trực, không có tuyến đường thương mại và không có sức mạnh kinh tế - chỉ có một sứ mệnh thiêng liêng. Theo nghĩa đó, đồng lira của Vatican mang một giá trị vượt xa giá trị tiền tệ của nó.
Được các nhà sưu tập đánh giá cao
Vì Vatican chỉ đúc một số lượng hạn chế mỗi năm, thường là trong các dịp kỷ niệm, nên những đồng tiền này nhanh chóng được các nhà sưu tập đánh giá cao. Một đồng xu 500 lira đơn giản từ những năm 1980, có hình ảnh Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và một chú chim bồ câu hòa bình, có thể vẫn chỉ có giá trị vài euro ngày nay - nhưng đối với nhiều người, đó là vật lưu niệm của một Giáo Hội tạo nên sự kết nối thông qua những chi tiết nhỏ nhất.
Năm 2002, đồng lira của Vatican đã bị loại bỏ khi đồng euro ra đời. Nhưng Tòa Thánh Vatican không từ bỏ truyền thống về tiền xu của mình. Nhờ một thỏa thuận tiền tệ đặc biệt với Liên minh Châu Âu, Thành phố Vatican hiện phát hành đồng euro của riêng mình - mỗi đồng vẫn có hình vị giáo hoàng đương nhiệm ở một mặt và các biểu tượng theo tiêu chuẩn Châu Âu ở mặt còn lại. Những đồng euro của Vatican này là tiền tệ hợp pháp trên toàn khu vực đồng euro, nhưng chúng được đúc với số lượng hạn chế đến mức rất ít đồng được lưu hành hàng ngày.
Và truyền thống này vẫn tiếp tục: hình ảnh thiêng liêng, được khắc trên kim loại, được truyền tay nhau. Trong thời đại thanh toán kỹ thuật số và tiền tệ vô hình, đồng tiền Vatican vẫn chứng minh cho một chân lý mà Giáo Hội luôn bảo vệ - rằng ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, vẻ đẹp và ý nghĩa vẫn có thể cùng tồn tại.
Đối với cả những nhà sưu tập và người hành hương, đồng lira của Vatican không chỉ là một di vật của quá khứ. Đó là lời nhắc nhở thầm lặng rằng sự thánh thiện có thể để lại dấu ấn ở những nơi không ngờ tới - ngay cả trong ánh sáng lấp lánh của một đồng xu.
Tác giả: Daniel Esparza – Nguồn: Aleteia (09/4/2025)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên