Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

ĐTC Phanxicô viếng thăm trại tị nạn và đọc KTT ở đảo Lesbo


Trong cuộc viếng thăm trại tị nạn ở đảo Lesbo, Hy Lạp, hôm 05 tháng Mười Hai năm 2021, Đức Thánh cha Phanxicô phê bình thái độ dửng dưng của nhiều người và nhiều chính phủ, làm ngơ không biết đến số phận đau thương của những người di dân và tị nạn. Ngài tái kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm một giải pháp cho vấn đề này.

Lúc 8 giờ 30, sáng Chúa nhật 05 tháng Mười Hai, Đức Thánh cha ra phi trường quốc tế của thủ đô Athènes, đáp máy bay đến Mytilene, cũng gọi là Lesbo, hải đảo lớn thứ ba của Hy Lạp, để viếng thăm những người xin tị nạn, tại Trung tâm tiếp đón và nhận diện. Đây là lần thứ hai ngài đến đảo này. Lần đầu hồi tháng Tư cách đây 5 năm (2016) và thăm Moria là trại tị nạn lớn nhất ở Âu châu cho đến tháng Chín năm ngoái (2020) thì bị hỏa hoạn thiêu hủy.

Đảo Lesbo rộng hơn 1.600 cây số vuông, và có gần 115.000 dân cư, với thủ phủ là Mytilene và chỉ cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ 20 cây số.

Sau 55 phút bay, máy bay chở Đức Thánh cha đã tới phi trường Mytilene lúc 10 giờ 10 phút. Tuy là chuyến viếng thăm hoàn toàn riêng, nhưng tại sân bay cũng có bà Tổng thống Hy Lạp và Đức Tổng giám mục Josif Printezis của giáo phận Naxos sở tại đón tiếp. Giáo phận này có 5.000 tín hữu Công giáo thuộc 27 xứ đạo.

Từ phi trường, Đức Thánh cha đã dùng xe đi thêm 16 cây số để đến trại tị nạn, được gọi là “Moria 2.0” hiện có hàng ngàn người tại đây. Họ sống trong các căn nhà thùng.

Buổi gặp gỡ người tị nạn

Đến trại lúc 10 giờ 45 phút, Đức Thánh cha đã đi dọc theo những con dường trong trại, chào thăm và trao đổi với hàng trăm người tị nạn đứng bên đường, trong đó có đông đảo các trẻ em. Rồi ngài đến lều gặp gỡ sát bờ biển, cùng với bà Tổng thống, Đức Tổng giám mục Công giáo sở tại và Đức Tổng giám mục Chính thống địa phương, trước sự hiện diện của khoảng 200 người tị nạn.

Trong lời chào mừng Đức Thánh cha, ông Phó trưởng trại tị này cho biết nhờ sự quan tâm của ngài, tình trạng của trại đã được các vị hữu trách và chính quyền cải tiến nhiều.

Mọi người cũng nghe chứng từ của một người tị nạn, ông Christian Tango Mukaya, người Congo 30 tuổi, đến Hy Lạp cách đây hơn một năm, có ba người con, hai người đi theo ông, trong khi vợ và con ông còn ở trong nước, nhưng ông có tin tức từ một năm nay.

Tiếp đến là chứng từ của một người thiện nguyện, thành viên cộng đoàn Công giáo địa phương. Cộng đoàn giúp đỡ nhiều người tị nạn, và sự hiện diện của các tín hữu Công giáo tị nạn đã giúp cộng đoàn giáo xứ nhỏ bé thêm sinh động và khởi sắc. Cộng đoàn nhận được nhiều hơn là sự giúp đỡ đã cho đi.

Diễn văn của Đức Thánh cha

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh cha cho biết ngài đến đây để gặp lại các anh chị em di dân và tị nạn, để “nhìn tận mắt những đôi mắt đầy sợ hãi và mong đợi, những đôi mắt đã thấy bạo lực và nghèo đói, đã chảy quá nhiều giọt lệ”... Ngài xác tín rằng vấn đề di dân và tị nạn là một vấn đề của thế giới, là cuộc khủng hoảng nhân đạo có liên hệ tới tất cả mọi người và những vấn đề lớn cần được cùng nhau đương đầu và giải quyết, vì trên thế giới ngày nay chỉ có những giải pháp lẻ tẻ không thích hợp cho vấn đề di dân.

Vấn đề di dân ít được quan tâm

Đức Thánh cha nhận xét rằng chiến dịch chích vắcxin ngừa đại dịch Covid-19 đang được tiến hành trên bình diện hoàn vũ, tuy có nhiều chậm chạp và không chắc chắn, và dường như cũng có sự chuyển động trong cuộc chiến chống thay đổi khí hậu, nhưng có sự ấn nấp một cách kinh khủng đứng trước những cuộc di dân. Tuy nhiên đây là vấn đề có liên hệ tới con người, tới các nhân mạng! Nó có liên hệ tới tương lai của mọi người, tương lai này chỉ thanh quang, an bình nếu được hòa nhập. Chỉ khi nào được dung hợp với những người yếu thế nhất thì tương lai mới thịnh vượng. Vì khi những người nghèo bị xua đuổi thì hòa bình cũng bị đẩy xa. Lịch sử dạy chúng ta rằng những khép kín và các chủ nghĩa quốc gia đưa tới những hậu quả thê thảm. Thực vậy, như Công đồng chung Vatican II đã nhắc nhở, “để kiến tạo hòa bình, điều tuyệt đối cần thiết là ý chí quyết tâm tôn trọng các cá nhân và các dân tộc khác, quyết liệt coi phẩm giá của họ là thánh thiêng và liên tục thực thi tình huynh đệ” (GS 78). Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng chỉ cần cứu thoát bản thân mình, và tự vệ chống lại những người yếu thế gõ cửa nhà mình. Tương lai sẽ còn đặt chúng ta có nhiều tiếp xúc hơn với những người khác. Để biến tương lai trở nên tốt đẹp, chúng ta không cần những hành động đơn phương, nhưng cần những chính sách bao quát. Ngài nói: “Tôi lập lại rằng lịch sử dạy chúng ta điều đó nhưng chúng ta chưa học nó. Đừng quay lưng lại với thực tại, hãy chấm dứt sự liên tục đổ trách nhiệm cho người khác, đừng liên tục ủy thác vấn đề di cư cho những người khác, như thể chẳng ai quan tâm đến vấn đề này và như thể đó là một gánh nặng vô ích mà người nào đó phải gánh vác!”

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Chúa nhật hôm nay, tôi cầu xin Thiên Chúa thức tỉnh chúng ta đừng quên những người đang đau khổ, đánh động chúng ta ra khỏi thái độ cá nhân chủ nghĩa loại trừ người khác, đánh thức những tâm hồn giả điếc trước những nhu cầu của người khác. Tôi cũng cầu nguyện để mỗi người, để tất cả chúng ta vượt thắng sự tê liệt vì sợ hãi, dửng dưng làm cho người khác chết, thái độ “sống chết mặc bay” chẳng quan tâm, với những “găng tay bằng nhung” kết án tử cho những người đang ở ngoài lề! Chúng ta hãy chống lại tận gốc rễ tư tưởng thịnh hành hiện nay, tư tưởng xoay quanh cái tôi, những ích kỷ cá nhân và quốc gia, đang trở thành mẫu mực và tiêu chuẩn của mọi sự”.

Chưa có tiến bộ đáng kể

Đức Thánh cha nhận xét rằng 5 năm trôi qua từ sau cuộc viếng thăm của ngài tại đảo này, cùng với Đức Thượng phụ Chính thống Bartolomaios và Đức Tổng giám mục Ieronymos, Giáo chủ Chính thống Hy Lạp, chỉ có một ít thay đổi về vấn đề di dân. Ngài nói: “Chắc chắn là có nhiều người dấn thân trong việc tiếp đón và hội nhập và tôi muốn cám ơn bao nhiêu người thiện nguyện và những người ở mọi cấp độ - chính quyền, xã hội và từ thiện - đã cố gắng nhiều để chăm sóc những người di dân và vấn đề di cư. Tôi nhìn nhận có sự dấn thân tài trợ và xây dựng các cơ cấu xứng đáng để đón tiếp, tôi cũng chân thành cám ơn dân chúng địa phương vì bao nhiêu điều tốt lành đã làm và những hy sinh đã chịu. Nhưng chúng ta phải cay đắng nhìn nhận rằng cả đất nước này vẫn còn bị nhiều sức ép và tại Âu châu vẫn còn những người coi vấn đề này chẳng liên hệ gì đến họ. Và bao nhiêu hoàn cảnh không xứng đáng với con người! Bao nhiêu những điểm nóng, nơi mà người di dân và tị nạn sống trong những điều kiện cùng cực, không thấy có giải pháp nào ở chân trời! Nhưng sự tôn trọng con người và các nhân quyền, - nhất là tại đại lục không quên thăng tiến các quyền ấy trên thế giới,- phải luôn được bảo tồn và phẩm giá của mỗi người phải được coi trọng hơn mọi sự! Thật là buồn khi nghe nói có đề nghị như một giải pháp dùng tiền chung để xây dựng các bức tường... Không phải bằng cách củng cố các dây kẽm gai mà các vấn đề được giải quyết và cải tiến được sự sống chung. Trái lại, chính nhờ sự hiệp sức săn sóc những người khác, theo khả năng của mỗi người và trong sự tôn trọng luật pháp, luôn đặt nơi chỗ nhất giá trị không thể loại bỏ là sự sống của mỗi người”.

Quan tâm đến những nguyên nhân sâu xa

Đức Thánh cha cũng tố giác chủ trương trong một số xã hội đặt sự đối nghịch ý thức hệ giữa an ninh và tình liên đới, địa phương và hoàn vũ, truyền thống và sự cởi mở. Ngài nhấn mạnh rằng: “Tốt hơn nên mở rộng cái nhìn, đi sâu vào các vấn đề của phần lớn nhân loại, của bao nhiêu dân tộc đang là nạn nhân của những tình trạng khẩn cấp về nhân đạo mà họ không gây ra nhưng chỉ là nạn nhân phải chịu đựng, sau những lịch sử dài bị bóc lột và vẫn còn ngày nay. Thật là dễ lôi kéo dư luận quần chúng bằng cách gieo rắc sự sợ hãi người khác; tại sao với cùng thái độ như vậy, người ta không nói về sự bóc lột người nghèo, những cuộc chiến tranh bị quên lãng và thường được tài trợ dồi dào, những hiệp định kinh tế được ký trên lưng của dân chúng, những hoạt động bí mật để buôn bán võ khí và làm cho nó lan tràn? Cần phải giải quyết các nguyên nhân xa, chứ không phải chỉ đối phó với những người nghèo đang trả giá vì hậu quả những nguyên nhân ấy, thậm chí những hậu quả đó được sử dụng để tuyên truyền chính trị!

Kinh Truyền tin

Cuối cuộc gặp gỡ, Đức Thánh cha mời gọi mọi người đọc kinh Truyền tin kính Đức Mẹ. Đức Thánh cha nhắn nhủ mọi người “xin Đức Mẹ mở mắt chúng ta trước những đau khổ của anh chị em. Mẹ đã vội vã lên đường lên giúp bà chị họ Elisabeth đang có thai. Bao nhiêu bà mẹ có thai đã vội vã lên đường và trong một hành trình chết chóc trong lúc họ mang sự sống trong lòng! Xin Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta có một cái nhìn từ mẫu, nhìn thấy nơi tha nhân những người con của Chúa, những anh chị em cần đón tiếp, bảo vệ và thăng tiến, hội nhập. Và yêu thương dịu dàng. Xin Mẹ chí thánh dạy chúng ta đặt thực tại con người trước những ý thưởng và các ý thức hệ, và mau lẹ tiến bước đến gặp những ngừơi đau khổ.

Kết thúc cuộc viếng thăm tại đảo Lesbo, Đức Thánh cha đáp máy trở về thủ đô Athènes để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh.

Theo G. Trần Đức Anh, O.P. - RVA (05/12/2021)

423    06-12-2021