Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Đức Bênêđictô XVI nói về Thông điệp đầu tiên của ngài

21012023062435


Dưới đây là diễn văn của Đức Bênêđictô XVI (vị Giáo hoàng vừa mới qua đời vào cuối năm 2022) - nói với các tham dự viên Hội nghị được cổ võ bởi Hội đồng Cor Unum vào thứ Hai ngày 23/1/2006 - về nội dung thông điệp đầu tiên của ngài.

Trong tác phẩm Thần Khúc của mình, nhà thơ Dante đã muốn người đọc, khi kết thúc cuộc du hành hoàn vũ (được mô tả trong tác phẩm này), sẽ đối diện với Ánh sáng vĩnh cửu là chính Thiên Chúa, cũng là Tình yêu, đang vận hành cả mặt trời và muôn tinh tú. Ánh sáng và Tình yêu, chỉ là một, và là năng lực sáng tạo đầu tiên, vận hành cả hoàn vũ.

Trong khi Aristotle cho rằng Eros là năng lực vận hành thế giới, thì ngược lại, Dante cho thấy một điều hoàn toàn mới, vượt xa ý nghĩ của triết gia Hy Lạp này. Ánh sáng vĩnh cửu không chỉ hiện diện trong “ba tầng trời” mà thôi; trong những câu thơ của mình, Dante nói: “Ôi Ánh sáng ngàn thu, Ngài một mình ngự trị, chỉ Ngài mới hiểu thấu bản thân mình, chỉ Ngài mới hiểu thấu tình yêu và hạnh phúc nơi bản thân mình!”

Thực ra, theo Dante, có một điều còn làm choáng ngợp hơn cả mặc khải một Thiên Chúa Ba Ngôi thượng trí và yêu thương, đó là mặc khải về khuôn mặt con người của Đức Giêsu Kitô xuất hiện giữa lòng ánh sáng vĩnh cửu. Thiên Chúa - nguồn sáng vô biên được các triết gia Hy Lạp coi như là một mầu nhiệm khôn thấu - đã mang lấy khuôn mặt và trái tim con người.

Cái nhìn của Dante vừa cho thấy có sự nối tiếp nhau giữa đức tin Kitô giáo vào Thiên Chúa với sự tìm kiếm của lý trí và các tôn giáo nhân trần, vừa cho thấy sự mới mẻ vượt quá mọi khả năng tìm kiếm của nhân loại - sự mới mẻ mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể mặc khải cho chúng ta: sự mới mẻ của một tình yêu đã khiến Thiên Chúa đã mang lấy khuôn mặt con người, thậm chí còn mang lấy máu thịt con người, mang lấy toàn vẹn hữu thể con người.

Eros của Thiên Chúa không chỉ là năng lực hoàn vũ đầu tiên, mà còn là Tình yêu dựng nên con người và cúi xuống trên con người, như người Samari nhân hậu cúi xuống trên nạn nhân bị cướp của và mang thương tích nằm bên lề của con đường từ Giêrusalem đến Giêricô.

Ngày nay, từ “Tình yêu” đã bị làm hỏng, bị xé rách và bị lạm dụng khiến người ta hầu như cảm thấy sợ hãi khi phải thốt ra từ này. Tuy nhiên, đây lại là từ căn bản, diễn tả sự thật nguyên khởi. Chúng ta không thể đơn giản từ bỏ nó mà phải nâng nó lên, thanh tẩy nó và đưa nó vào trong ánh rạng ngời nguyên thủy để nó có thể chiếu sáng và đưa dẫn đời ta đi đúng hướng.

Chính vì thế mà tôi đã chọn Tình yêu làm chủ đề cho thông điệp đầu tiên của tôi. Tôi đã muốn cố gắng diễn tả, cho thời gian và sự hiện hữu của chúng ta, điều mà Dante đã can đảm tổng hợp lại trong cái nhìn của ông. Ông nói về “những gì ông nhìn thấy” đã “biến đổi” ông, khi ông “chăm chú nhìn” và được biến đổi từ bên trong (xem đoạn 33, câu 112-114).

Chính xác là đây: đức tin là cái nhìn hiểu biết khiến cho ta được biến đổi. Đó là điều tôi nhắm đến khi nói về trung tâm niềm tin vào Thiên Chúa: Thiên Chúa mang lấy khuôn mặt và trái tim con người.

Đức tin không phải là một lý thuyết được cá nhân hóa hoặc thậm chí bị đẩy ra bên lề cuộc sống. Đức tin là một điều rất cụ thể: nó là tiêu chí xác định lối sống của ta. Vào thời đại của chúng ta, khi sự thù ghét và ham hố trở thành siêu quyền lực, một thời đại mà người ta hỗ trợ việc lạm dụng tôn giáo đến mức thần thánh hóa lòng căm thù, thì chỉ một mình lý tính trung lập mà thôi sẽ không thể bảo vệ chúng ta được. Chúng ta cần đến một vị Thiên Chúa hằng sống, Đấng yêu chúng ta đến mức chết cho ta. Và như thế, trong thông điệp này của tôi, các chủ đề “Thiên Chúa”, “Đức Kitô” và “Tình yêu” được hòa lẫn vào nhau như là những chỉ dẫn trung tâm của đức tin Kiô giáo. Tôi muốn trình bày về nhân tính theo đức tin - mà Eros là một phần của nhân tính này; về việc con người chấp nhận cơ thể của mình do Thiên Chúa tạo dựng - sự chấp nhận cơ thể này tìm thấy biểu mẫu có gốc rễ tạo thành của nó trong một cuộc hôn nhân bền vững.

Và ở đây, Eros đã biến Agape: tình yêu dành cho người khác không còn là tìm kiếm chính mình, nhưng trở thành mối quan tâm dành cho người khác, sẵn sàng hi sinh cho bạn đời và mở ra đón nhận quà tặng là một sự sống mới của con người.

Đi song song hoặc thậm chí đi ngược với Eros, Agape Kitô giáo - là tình yêu dành cho người lân cận khi đi theo Đức Kitô - thì không hề xa lạ; trái lại, Agape ấy đã tiến triển thậm chí nhiều hơn trước trong dòng lịch sử cống hiến đầy tình bác ái mà các Kitô hữu dành cho người nghèo và người đau khổ, khởi đi từ chiều kích mới mà Đức Kitô mở ra nơi sự hi sinh Ngài dành cho con người.

Phần thứ nhất của Thông điệp có thể tạo ấn tượng rằng nó được chia thành hai phần; phần thứ nhất, mang tính lý thuyết, nói về bản chất của tình yêu, và phần thứ hai nói về bác ái trong Giáo hội và các tổ chức bác ái.

Tuy nhiên, tôi đặc biệt quan tâm đến sự thống nhất của hai chủ đề mà chúng chỉ có thể hiểu được khi chúng được coi như một tổng thể duy nhất. Khởi đầu cần phải nói về bản chất của Tình yêu như ánh sáng Kinh Thánh chiếu soi cho chúng ta. Bắt đầu từ Kitô hữu hình ảnh của Thiên Chúa, cần cho thấy con người được tạo dựng cho tình yêu như thế nào, và làm thế nào để tình yêu ấy - lúc đầu xuất hiện trước mọi sự như là Eros giữa người nam và người nữ - phải được biến đổi từ bên trong thành Agape, thành sự tự hiến cho tha nhân; và điều này đáp ứng chính xác cho bản chất của Eros.

Rồi dựa trên nền tảng này, bản chất của Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân - được diễn tả trong Kinh thánh - sẽ được mô tả như trung tâm của cuộc sống Kitô hữu - thành quả của đức tin.

Tuy nhiên, sau đó trong phần thứ hai, cần phải nhấn mạnh rằng, toàn thể hành vi Agape của cá nhân không bao giờ tồn tại cách biệt lập, nhưng trở thành hành vi cốt yếu của Giáo hội như một cộng đoàn: nghĩa là mang hình thức tổ chức diễn tả hoạt động cộng đoàn của Giáo hội.

Tổ chức bác ái của Giáo hội không phải chỉ là hình thức trợ giúp xã hội được thêm vào cho thực thể Giáo hội cách ngẫu nhiên, giống như một sáng kiến có thể nhường lại cho các thực thể khác. Ngược lại, đó chính là thành phần cốt yếu của Giáo hội.

Nếu Logos (Ngôi Lời) được đối chiếu với lời nói của loài người và lời của niềm tin, thì Agape (là Thiên Chúa) cũng được đối chiếu với hoạt động bác ái agape của Giáo hội. Vượt bên trên ý nghĩa cụ thể ban đầu là giúp đỡ người lân cận của mình, hoạt động này thông truyền cho tha nhân chính tình yêu của Thiên Chúa, mà chính mình đã lãnh nhận được. Một cách nào đó, nó làm cho Thiên Chúa hằng sống trở nên hữu hình.

Trong tổ chức bác ái, ta không được phép để cho những từ “Thiên Chúa” và “Đức Kitô” trở nên xa lạ. Thực ra, những từ này cho thấy cội nguồn bác ái của Giáo hội. Sức mạnh bác ái tùy thuộc vào sức mạnh đức tin của tất cả các thành viên và cộng tác viên.

Cái nhìn của một con người khổ đau chạm vào trái tim của chúng ta. Nhưng sự dấn thân hoạt động bác ái có ý nghĩa vượt bên trên lòng nhân từ ấy. Chính Thiên Chúa là Đấng vận hành từ bên trong chúng ta, thúc đẩy ta xoa dịu nỗi khốn khổ của họ. Và rồi, cuối cùng chính Ngài là Đấng mà ta mang đến cho thế giới khổ đau.

Càng ý thức rõ nét rằng chúng ta đang mang chính Chúa đến như một quà tặng, ta càng làm cho tình yêu của mình mang lại nhiều hiệu quả biến đổi thế giới và tái tạo niềm hy vọng: một niềm hy vọng vượt bên trên sự chết. Chỉ như thế ta mới mang được niềm hy vọng đích thực đến cho con người.


Chuyển ngữ: Vi Hữu - Nguồn: Tổng Giáo Phận Sài Gòn (21/01/2023)

Từ  "Jesus Christ according to Pope Benedict XVI" (p. 23-26)

316    21-01-2023