Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Đức Bênêđictô XVI: Sự im lặng của thánh Giuse cũng là cách ngài nói

ducbenedictoxvisuimlangcuathanhgiusecunglacachnoingainoi
SỰ IM LẶNG CỦA THÁNH GIUSE CŨNG LÀ CÁCH NGÀI NÓI
[1]
(Cuộc phỏng vấn Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI về thánh Giuse)

Tác giả: Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI

Dẫn nhập

Kể từ khi tuyên bố từ chức sứ vụ của người kế vị thánh Phêrô vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, tôi không có kế hoạch gì cho những điều tôi sẽ làm trong hoàn cảnh mới của mình. Tôi đã quá kiệt sức để lên kế hoạch cho bất kỳ một công việc nào khác. Ngoài ra, việc xuất bản tập sách Đức Giêsu thành Nadarét, phần III: Thời thơ ấu của Đức Giêsu, dường như là một kết luận hợp lý cho các tác phẩm thần học của tôi.

Tuy nhiên, sau cuộc bầu chọn Đức Giáo hoàng Phanxicô, tôi dần dần tiếp tục công việc thần học của mình. Vì vậy, trong những năm qua, một loạt các đóng góp ở dạng vừa và nhỏ đã được hình thành, và được trình bày trong tập sách này…

Để kết thúc cho chương 6 của tác phẩm này là một cuộc phỏng vấn về thánh Giuse, vị thánh đã được cha mẹ tôi đặt làm Bổn mạng suốt đời. Càng lớn tuổi, hình ảnh vị thánh Bổn mạng càng hiện rõ trong tôi. Dù không có lời nào của thánh Giuse được truyền lại cho chúng ta, nhưng đó chính là khả năng lắng nghe và hành động của thánh nhân. Càng ngày tôi càng hiểu rằng chính sự im lặng của thánh Giuse đã nói với chúng ta, và ngoài kiến thức khoa học, thánh Giuse muốn hướng dẫn tôi đến sự khôn ngoan.

Tập sách này là tập hợp những bài tôi đã viết tại đan viện Mẹ Giáo hội [Mater Ecclesiae], sẽ được xuất bản sau khi tôi qua đời. Tôi giao quyền quản lý cho Tiến sĩ Elio Guerriero, người đã viết tiểu sử của tôi bằng tiếng Ý, và được tôi biết đến với chuyên môn về thần học của ông ấy. Đây là lý do tại sao tôi sẵn lòng giao phó tác phẩm mới nhất này của tôi cho ông ấy.[2]

Đức Bênêđictô XVI
Viết tại Đan viện Mẹ Giáo hội [Mater Ecclesiae]
Ngày 1 tháng 5 năm 2022, lễ thánh Giuse

SỰ IM LẶNG CỦA THÁNH GIUSE CŨNG LÀ CÁCH NÓI NGÀI NÓI
(Cuộc phỏng vấn Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI về thánh Giuse)

Kính thưa Đức Thánh cha, Sách thánh không ghi lại bất kỳ một lời nào của thánh Giuse. Tuy nhiên, theo ý kiến​​của ngài, có câu nào trong Tân ứớc diễn tả đặc tính của thánh nhân một cách đặc biệt đầy đủ không ạ?

Đúng là trong Tân ước không có một lời nào của thánh Giuse trong câu chuyện của ngài được truyền lại cho chúng ta cả. Nhưng có một sự tương đồng giữa nhiệm vụ được giao phó bởi sứ thần hiện ra với thánh Giuse trong giấc mộng và hành động của thánh nhân, một sự tương ứng đặc trưng rõ ràng cho thánh nhân. Câu chuyện trong giấc mộng, ngài nhận được lệnh truyền “đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”, thì sự đáp trả của Giuse được đưa ra trong một câu đơn giản: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24). Sự tương ứng giữa nhiệm vụ và hành động càng được thể hiện mạnh mẽ hơn trong tình tiết trốn sang Ai Cập, trong đó cũng dùng những lời như vậy: “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,14). Cả hai cách diễn đạt đều được sử dụng lại trong lần thứ ba, khi có tin vua Hêrôđê băng hà, và khả năng trở lại Đất Thánh. Những lời mô tả tính cách của thánh Giuse nối tiếp nhau: “Ông liền trỗi dậy đưa Hài nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2,21). Cảnh báo về đêm tối liên quan đến sự nguy hiểm của Ác-khê-lao [Archelaus] không có thẩm quyền giống như thông tin trước đó. Hành động đáp trả của thánh Giuse nói đơn giản hơn nhiều: “Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê” (Mt 2,22). Cuối cùng, cùng một thái độ cơ bản được thể hiện, theo một cách hoàn toàn khác, trong đoạn các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến bái lạy: “Họ vào nhà, thấy Hài nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,11). Thánh Giuse không xuất hiện trong cuộc gặp gỡ giữa các nhà chiêm tinh và Hài nhi Giêsu, ngay cả việc im lặng không muốn xuất hiện này cũng là một đặc điểm, và cho thấy rất rõ ràng rằng với việc thiết lập Thánh Gia thất, ngài đã đảm nhận một công việc đòi hỏi phải có những quyết định quan trọng, và có kỹ năng tổ chức, tuy nhiên, cùng với khả năng xả kỷ tuyệt vời. Sự im lặng của thánh Giuse đồng thời cũng là tiếng nói của thánh nhân. Sự im lặng đó diễn tả lời “xin vâng” đối với điều mà ngài đã đảm nhận, khi gắn bó liên kết với Mẹ Maria và với Chúa Giêsu.

Thưa Đức Thánh Cha có những ấn tượng gì qua những chuyến hành hương đến Thánh Địa, những ấn tượng đặc biệt liên quan đến cuộc đời của vị thánh Bổn mạng của ngài không ạ?

Trước hết, tôi phải nói rằng trong những lần tôi đến hành hương nơi Thánh Địa, dường như không xuất hiện điều gì về thánh Giuse cả. Lẽ thường là thánh Giuse không được nhắc đến ở những nơi quan trọng trong sứ vụ công khai của Đức Giêsu tại Galilê, đặc biệt là xung quanh vùng biển hồ Ghênêsarét, cũng như tại Giuđê. Bởi điều đó sẽ là mâu thuẫn với thái độ cơ bản của thánh Giuse, đó là sự im lặng vâng lời và với việc ngài lùi về phía sau hậu trường. Tuy nhiên, chắc chắn người ta có thể chờ đợi một lời nói của ngài ở Nadarét cũng như ở Bêlem. Đặc biệt, tại Nadarét, một nơi có đề cập đến hình ảnh của ngài. Trên thực tế, đó là một nơi mà bên ngoài Tân Ước không được đề cập ở bất kỳ chỗ nào khác trong các nguồn bằng văn bản. Việc hoàn toàn không có bằng chứng bằng văn bản về Nadarét bên ngoài Tân Ước, đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ, đến nỗi học giả Pierre Benoit, một trong những nhà chú giải Kinh thánh quan trọng hàng đầu, đồng thời nhiều năm từng là trưởng khoa Trường Kinh thánh [École Biblique] của Dòng Đa Minh tại Thánh địa, đã từng đích thân nói với tôi rằng, cuối cùng ngài đã đi đến kết luận cho rằng Nadarét không bao giờ hiện hữu. Tuy nhiên, trước khi ngài công khai rút lại tuyên bố này, thì mọi tin tức đã đến thật đúng lúc, trong những cuộc khai quật thành công ở Nadarét đã trả lại cho chúng ta địa điểm này. Thế nhưng, người đứng đầu nhóm các nhà khảo cổ học thuộc dòng Phanxicô thừa đã nhận rằng, sau những nỗ lực lâu dài và trong vô vọng để tìm kiếm dấu vết của Nadarét thời cổ đại, ngài gần như đã từ bỏ mọi nỗ lực tìm kiếm. Do đó, ngài càng vui hơn khi đưa ra ánh sáng những dấu vết đầu tiên và cuối cùng chính là toàn bộ địa điểm của Nadarét.

Thật vậy, theo thánh sử Mátthêu - người đã đặt một đoạn Cựu ước làm nền tảng cho mọi sự kiện trong cuộc đời của Đức Giêsu, nhằm chứng minh rằng Đức Giêsu thực sự là Đấng Mêsia, đã được Cựu ước loan báo - thì thực tế là không có lời tiên tri nào, điều đó cho thấy rằng, trong một số điều ngài trình bày về Nadarét thật khó khăn biết bao. Đó là một vấn đề khó khăn cơ bản đối với việc hợp thức hóa Đức Giêsu là Đấng Mêsia như đã được hứa ban: Nadarét không mang theo lời hứa nào. “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46). Tuy nhiên, thánh sử Mátthêu cũng tìm ra ba phương diện để hợp pháp hóa Đức Giêsu thành Nadarét là Đấng Mêsia. Ba phương diện đó được ngôn sứ Isaia loan báo trong các chương 7, chương 9 và chương 11, tường thuật trong chương 9 lời tiên tri, theo đó một ánh sáng chiếu rọi chính xác vào một vùng đất tối tăm. Thánh sử Mátthêu tìm thấy vùng đất tối tăm ở xứ Galilê, gồm phân nửa là dân ngoại [bán ngoại giáo], nơi Đức Giêsu bắt đầu cuộc hành trình công khai của mình.

Đối với thánh sử Mátthêu, một sự hợp pháp hóa thứ hai của Nadarét có được từ dòng chữ trên thập giá do quan Philatô, một người dân ngoại đã viết, trong đó ông cố ý đề xuất “danh hiệu” (tức là động cơ pháp lý) cho việc đóng đinh Đức Giêsu: “Giêsu người Nadarét, Vua dân Do Thái” (Ga 19,19). Thực tế là thuật ngữ này đã được lưu truyền dưới hai hình thức - Nazareno và Nazireo - một mặt, chắc chắn đề cập đến sự dâng hiến hoàn toàn của Đức Giêsu cho Thiên Chúa Cha, nhưng mặt khác, nó gợi lại nguồn gốc địa lý của Người. Như vậy, Nadarét, như một phần của mầu nhiệm Đức Giêsu qua vị quan ngoại giáo Philatô, gắn bó chặt chẽ với hình bóng của chính Đức Giêsu.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng một bài giáo lý về thánh Giuse được tổ chức tại Thánh Địa có thể gợi lại khía cạnh thứ ba, một sự tổng hợp và mang lại chiều sâu hơn cho hai khía cạnh trước. Một trong những bài thánh ca mừng Giáng sinh hay nhất và nổi tiếng nhất của Đức, cho chúng ta thấy Đức Giêsu là bông hồng nhỏ (Roslein) được Đức Trinh Nữ Maria ban cho chúng ta trong Đêm Thánh vô cùng. Trong bản văn được sử dụng ngày nay thì ở phần đầu chúng ta thấy nói về một “bông hồng” (Kos), sau đó, trong câu thứ hai, Đức Maria được gọi là “bông hồng nhỏ” (Roslein), điều mà ngôn sứ Isaia đã nói đến, và được chỉ ra đó là một Trinh nữ và đấng mang hoa đến chính là người Mẹ. Do đó, bản văn trình bày có chỗ còn bị tối nghĩa, cần phải được giải thích thêm nữa. Cá nhân tôi suy đoán rằng ban đầu không có từ Ros, mà là Reis, nghĩa là nảy mầm; và vì thế, chúng ta tiến thẳng tới những lời nghe có vẻ như của vị ngôn sứ Isaia rằng: “Từ gốc tổ Giesê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non” (Is 11,1).

Cội rễ mọc lên một mầm non, tổ tiên của triều đại Đavít, đã nhận được lời hứa về sự sống đời đời, đề cập đến sự mâu thuẫn, đến mức không thể chịu đựng được, ngay cả đối với một người Do Thái nhẹ dạ cả tin, giữa lời hứa và thực tế rằng: triều đại Đavít đã biến mất và chỉ còn lại một thân cây chết. Nhưng chính cái thân cây chết giờ đây lại trở thành một dấu chỉ của niềm hy vọng: bất ngờ một mầm non lại nảy nở từ cội rễ đó. Nghịch lý này, trong gia phả của Đức Giêsu ở Tin mừng Mátthêu chương 1,1-17 và Tin mừng Luca chương 3,23-38, được diễn tả dưới hình thức của một sự hiện hữu đích thực, và đối với tác giả sách Tin mừng, nó ngầm ám chỉ việc Đức Giêsu giáng sinh nơi Đức trinh nữ Maria. Thánh Giuse không phải là cha ruột thực sự của Đức Giêsu, nhưng về mặt pháp lý thì thánh Giuse chính là cha của Hài nhi Giêsu, bởi vì Lề Luật đã tạo ra cho Israel như thế. Ở đây mầu nhiệm của mầm non càng trở nên sâu sắc hơn. Cội rễ không còn tạo ra sự sống nữa; thân cây đã thực sự chết rồi. Tuy nhiên, cội rễ ấy đã mang lại một sự sống mới nơi người Con của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng có một người cha hợp pháp là thánh Giuse.

Tất cả những điều này liên quan đến chủ đề Nadarét, vì từ Nadarét dường như chất chứa thuật ngữ nezernaser (nghĩa là mầm non). Địa danh Nadarét thậm chí có thể được dịch là “ngôi làng của mầm cây non”. Một nhà nghiên cứu người Đức đã dành cả đời mình ở Israel, thậm chí còn đưa ra giả thuyết rằng Nadarét được sinh ra như một khu định cư của dòng tộc Đavít sau cuộc lưu đày ở Babylon, và điều này sẽ được chỉ ra rõ ràng trong cái tên Nadarét. Dù thế nào đi nữa, mầu nhiệm thánh Giuse có một mối liên hệ sâu xa với địa danh Nadarét. Chính thánh Giuse trở thành một người, như một mầm sống từ gốc tổ Giesê, diễn tả niềm hy vọng cho dân Israel.

Theo truyền thống, thánh Giuse được coi là vị thánh bảo trợ của những kẻ chết lành. Ngài đánh giá việc thực hành đạo đức này như thế nào ạ?

Có thể giả định rằng thánh Giuse đã chết trong thời gian Đức Giêsu còn sống ẩn dật, và Giuse được nhắc đến lần cuối trong Tin mừng Luca chương 4 câu 22, sau chuyến viếng thăm công khai đầu tiên của Đức Giêsu tại hội đường Nadarét. Sự ngạc nhiên về những gì Đức Giêsu đã giảng dạy, và cách Người giảng dạy đã biến thành một sự bối rối nơi đám đông, họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4,22). Sau sự việc này người ta không còn nhắc đến Giuse nữa, trong khi cả mẹ Người và các “anh em” Người đến xin gặp Người, đó là một dấu hiệu chắc chắn rằng Giuse không còn sống nữa. Do đó, ý tưởng rằng thánh Giuse đã kết thúc cuộc đời trần thế của mình trong tay Đức Mẹ Maria là có cơ sở. Vì thế, cầu nguyện với thánh Giuse để thánh nhân sẵn lòng đồng hành cùng với chúng ta trong giờ lâm tử chính là thể hiện một hình thức sùng đạo hoàn toàn có cơ sở.

Ngày lễ Bổn mạng của ngài được tổ chức như thế nào trong gia đình ngài ạ?

Ngày lễ thánh Giuse là ngày Bổn mạng của bố tôi và cả của tôi nữa, nên được tổ chức hợp lý càng lớn càng tốt. Hầu hết thời gian, người mẹ của tôi, với số tiền tiết kiệm ít ỏi, bằng cách nào đó, mẹ tôi đã mua được một số cuốn sách quan trọng (ví dụ như cuốn “Người dưỡng phụ thiêng liêng - Der Ideine Herder”). Sau đó, có một chiếc khăn trải bàn đẹp thể hiện cho ngày lễ Bổn mạng, sửa soạn bữa sáng của một ngày lễ trọng. Chúng tôi uống cà phê xay pha phin, một loại cà phê mà bố tôi rất ưa thích, nhưng những ngày bình thường thì chúng tôi không có đủ tiền để mua cà phê đó. Cuối cùng, trên bàn ăn luôn có một bình hoa anh thảo [primula] như một dấu hiệu của mùa xuân đang đến, bông hoa mà thánh Giuse mang theo bên mình. Và cuối cùng, người mẹ của tôi đã chuẩn bị một chiếc bánh kem thể hiện đầy đủ tính chất đặc biệt long trọng của bữa tiệc. Bằng cách này, nét đặc biệt của lễ thánh Giuse đã có thể thấy rõ ngay từ buổi sáng sớm.

Bản thân cha có cảm nghiệm được sự can thiệp của đấng bảo trợ trong cuộc sống của cha không ạ?

Khi tôi cảm thấy rằng một lời cầu nguyện đã được nhận lời, tôi không quy nguyên nhân cho những lời chuyển cầu riêng lẻ, mà nói chung cảm thấy mắc nợ các ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Năm thánh Giuse bằng cách nhắc nhở các tín hữu về việc tôn phong thánh Giuse làm bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ vào năm 1870. Cha có hy vọng gì về cử chỉ này?

Dĩ nhiên, tôi đặc biệt vui mừng là Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đánh thức lại cảm thức về tầm quan trọng của thánh Giuse nơi các tín hữu; và vì thế, tôi đã đọc với lòng biết ơn đặc biệt và đón nhận chân thành về Tông thư “Với trái tim người cha” [Patris Corde]  mà Đức Thánh cha Phanxicô đã ban hành, nhân dịp kỷ niệm 150 năm tuyên bố thánh Giuse là bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ. Đó là một Tông thư rất đơn sơ xuất phát từ trái tim và đi đến trái tim, và chính vì lý do này mà nó lại trở nên rất sâu sắc. Tôi tin rằng bản văn này nên được các tín hữu chuyên cần đọc và suy niệm thường xuyên, như vậy sẽ góp phần hun đúc và đào sâu lòng sùng kính của chúng ta đối với các thánh nói chung và đối với thánh Giuse nói riêng.[3]


Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.

Chuyển ngữ từ: Tác phẩm “CHE COS’È IL CRISTIANESIMO, Quasi un testamento spiritual - KITÔ GIÁO LÀ GÌ, gần như một di chúc thiêng liêng”, Nxb Mondadori, Milano 2023, trang 178-183
Nguồn: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (17/3/2023)

----------------------------------
[1]
 Trích trong tác phẩm “KITÔ GIÁO LÀ GÌ, gần như một di chúc thiêng liêng - CHE COS’È IL CRISTIANESIMO, Quasi un testamento spiritual”, Nxb Mondadori, Milano 2023, trang 178-183, Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.

[2] Trích phần dẫn nhập của tác phẩm: “KITÔ GIÁO LÀ GÌ, gần như một di chúc thiêng liêng - CHE COS’È IL CRISTIANESIMO, Quasi un testamento spiritual”, trang 3-5.

[3] Benedetto XVI, «Sein Schweigen ist zugleich sein Wort.» Freude uiber das Josefsjahr: Eine Katechese des emeritierten Papstes Benedikt XVI uiber seinen Namenspatron, intervista concessa a Regina Einig, in «Die Tagespost, Forum», 1° aprile 2021, pp. 33-34. Bản tiếng Ý được xuất bản lần đầu tiên trong cuốn CHE COS’È IL CRISTIANESIMO, Quasi un testamento spiritual, Mondadori Libri S.p.A., Milano, 2023, trang 178-183.

219    18-03-2023